Tin buồn

Xu hướng giá cà phê tuần 23 (từ 01 đến 05/06/2015)

Điểm giá tháng 5-2015

Cuối tuần đồng thời là cuối tháng, giá sàn kỳ hạn robusta đóng cửa đạt 1632 USD/tấn, cao hơn tuần trước 6 USD; giá arabica chốt mức 126.15 cts/lb giảm so với tuần trước 0.80 cts/lb.

Riêng cà phê robusta có lúc giảm mạnh, có khi xuống 1566 USD/tấn khi giao dịch nhưng đóng cửa 1575 USD ngày 25/5, là mức thấp nhất từ đầu niên vụ 2015-16 đến nay, so với đỉnh của cả tháng 1778 USD/tấn lập ngày 5/5/2015. Nên giá robusta nội địa trong tháng có lúc chỉ 34 triệu đồng/tấn.

Nhìn từ thị trường hàng thực

– Chính phủ Brazil đưa 38.856 bao cà phê từ kho hàng trữ chiến lược đã để từ lâu ra đấu giá, chỉ bán được 735 bao. Trong vòng hai tháng cuối vụ, hàng cũ rẻ đấu giá vẫn ế. Thị trường không có gì nghi ngờ về chất lượng vì Brazil rất thường đưa hàng dự trữ chiến lược lâu năm ra đấu giá. Nhưng từ vài tháng nay, nhiều lần bán không trót lọt. Vì giá cao quá chăng? Hay mua ngoài khỏe hơn vì người cần hàng chỉ cần gọi là có hàng với chất lượng tốt hơn do cà phê mới hơn thậm chí rẻ hơn? Người trên thị trường không khỏi lựng khựng vì mấy lô hàng bán không chạy này.

Chính phủ Brazil chịu sức ép từ nông dân không cho nhập khẩu cà phê arabica thơm, dịu của Peru theo đề nghị của giới rang xay trong nước. Liệu có nghĩa rằng hàng trong nước tiêu thụ còn chưa hết, nhập khẩu làm gì?

Brazil và Indonesia đã có hàng robusta. Nếu giá tăng mạnh, họ sẵn sàng bán với giá trừ lùi thích hợp. Nhưng chắc sẽ mềm hơn giá chào xuất khẩu của ta, cộng 50 USD/tấn trên giá Ice Châu Âu. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Indonesia ước niên vụ mới xuất khẩu cà phê Indonesia không đổi, theo ông chừng 350.000 tấn

– Xuất khẩu 8 tháng của Việt Nam đạt 872.100 tấn, giảm 28% theo Tổng cục Thống kê. Nên nhiều người nghĩ hàng chưa bán của Việt Nam còn khá nhiều như ước báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ là 49%, Volcafe 49% và Bloomberg 42%. Giả sử thị trường tin vào ước báo của những đơn vị này, dựa trên con số đã xuất khẩu 8 tháng đầu niên vụ nói trên, thì chỉ tiêu bình quân xuất khẩu từng tháng cho 4 tháng còn lại chí ít cũng trên 150.000 tấn. Đối với người chưa muốn bán, ước báo này vô nghĩa. Đối với người muốn mua nhưng chưa cần hàng: đợi giá rẻ.

– Đồng một thời điểm, tỉ giá bốn đồng tiền của bốn nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới: Brazil với đồng Real, Colombia với đồng Peso, Indonesia với đồng Rupiah và Việt Nam với VN đồng đều rẻ hơn đồng USD. Đồng tiền mất giá giúp xuất khẩu dễ hơn, đồng nghĩa với giá kỳ hạn rẻ hơn hay giảm giá nếu bán mạnh.

– Giá trị đồng USD tăng mạnh làm yếu nền kinh tế Mỹ, GDP quí 1-2015 của Mỹ giảm 0,7% so với kỳ vọng là tăng 0,2%. Liệu Mỹ có tăng lãi suất cơ bản sớm hơn như tin đồn? Khi đồng USD giảm, giá hàng hóa thường tăng, và ngược lại.

– Hiện tượng El Nino cường độ trung bình sẽ gây nên thời tiết bất thường, hạn hán nhiều vùng như tại Việt Nam, Indonesia, Ấn độ…Nhưng như đã đưa tin, các vùng trồng chính của Brazil có thể thoát mưa do mưa đến sớm tại miền nam nước này.

– Trước tình trạng giá hiện nay dưới giá thành, nông dân Colombia rủ nhau giảm đầu tư thêm vào cà phê.

Nhìn từ phía thị trường hàng giấy

Sàn cà phê arabica đang treo cờ hiệu “bán quá mức”. Giải thích một cách dân dã như thế này: thị trường trong tình trạng bán quá mức (oversold) khi luồng bán ra quá đà, làm giảm quá giá trị thật của một loại hàng hóa nào đó ở một thời điểm nhất định. Thường theo đà, bán say sưa, đến khi giật mình, giá hàng hóa đã tuột quá sâu, nên cần phải chỉnh tăng lại rồi hạ hồi phân giải.

Hết tháng 5-2015. Ba ngày giao dịch trên sàn cà phê robusta có giá tăng, để lại đáy mới 1575 USD của niên vụ vào ngày 26-5. Người trên sàn hàng giấy đắn đo không biết 3 ngày cuối tháng 5-2015 sẽ là đà cho giá tăng mạnh, bền vững khi chọn 1575 USD là đáy hay chỉ là một đợt chỉnh sổ cuối tháng.

Về kỹ thuật, một nhà phân tích cho rằng giá hai sàn chỉ phóng mạnh khi sàn robusta vượt được 1680 USD/tấn và arabica 128.50 cts/lb.

Dự kiến sàn robusta Ice Europe mở cửa chiều 1-6 từ không đổi đến giảm nhẹ.

Khuynh hướng chung:

-Arabica: Yếu/Trung tính

-Robusta: Yếu/Trung tính

                                                                                                                           Nguyễn Quang Bình 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ĐUC KON TUM

    Theo tôi giá sẽ tăng trở lại trong nay mai.Vì: các thông tin thiếu hụt sản lượng của các nước ngày càng lộ rõ.Giá thấp mọi người dân không chịu bán ra làm các nhà xuất khẩu rất khó khăn trong việc mua hàng để giao đúng hợp đồng. Giá nội đang cao hơn giá ngoại.Hy vọng cà lên là rất khả thi. Chúc cả nhà vui vẻ.

  2. Chuvanoanh

    http://cafef.vn/nong-thuy-san/el-nino-co-the-lam-tang-gap-doi-gia-mot-so-thuc-pham-va-do-uong-20150530093858578.chn
    Theo tôi thì đến hết 31/05/2015 các hợp đồng bán trừ lùi, các hợp đồng gửi kho… đã thanh lý gần hết; Hiệp hội cà phê đã họp sau khi các phiên giá xuống thấp quá và thống nhất mua đến đâu bán đến đó, không bán trước các hợp đồng giao hàng trong thời gian cho đến tháng 9/2015;Hàng đã về tay các quỹ đầu cơ, công ty nước ngoài,..(sẽ ép giá lên để bán ra), và lượng tồn kho trong dân không còn bao nhiêu (còn giữ được sẽ không bán ra với giá thấp như hiện nay); Trong ngắn hạn sẽ thiếu cung kết hợp thông tin trên được tung ra thì khả năng giá sẽ lên, nhưng trước khi lên có khả năng xảy ra rung lắc nhẹ lần nữa (giá xuống để các trạng thái mua thiếu tiền ký quỹ sẽ bị toploss). Chúc mọi người thành công

  3. Phan Thảo

    Việc không mua được hàng của dân là mối nguy hại tiềm tàng : Các nhà xuất khẩu không dám ký kết những hợp đồng mới , tới tháng chín tháng mười ai là người mua khi nông dân bán đảo hàng ! Lục tim cả buỏi , tôi vẫn chưa tim tháy yéu tố nao để có thể la cái cớ cho ca phe tăng giá !

    1. Phan Thảo

      Không thấy ai có phản hồi gì ,thôi từ nay Phan Thảo tôi xin gác bút ! Mong bà con gành thẳng lợi trong công việc sản xuất và kinh doanh của mình !

  4. Phan Thảo

    Chào bạn Lão Nông !
    Nếu bạn không cần dùng tới khoản tiền từ số ca phê của năm nay , theo toi nghĩ giáp hạt bạn cũng lên bán đi và sẽ mua lại khi vào chính vụ vì :
    Thường giá giáp hạt bao giờ cũng cao hơn giá chính vụ
    Làm như thế sẽ tránh được hiện tượng sâu , mọt .làm ảnh hưởng đến chất lượng mà khi bán dễ bị ép giá !
    Không ai có thể biết trước mùa tới giá sẽ ra sao, có chăng cũng là dự báo trong ngắn hạn hoặc trung hạn mà thôi ! Tuy nhien xác xuất đúng cũng không phải là cao lắm đâu bạn !

    1. ĐUC KON TUM

      Chào Phan Thảo. Theo tôi bạn lão nông hỏi là có ẩn ý gì trong đó ! Chứ bạn khuyên Lão Nông bán lúc này thì rất khó thuyết phục.( không biết giáp hạt của bạn là bây giờ hay bắt đầu vụ mới) Nếu bây giờ thì giá quá thấp không thể bán được mà để đầu vụ mới thì khó ai đoán được giá sẽ cao hay thấp hơn chính vụ (như vụ vừa rồi)
      Dự đoán không phải lúc nào cũng đúng theo suy nghĩ cũa mình. Cám ơn bạn đã góp ý.

  5. anhdung

    Bạn Phan thảo nói cũng có lý đấy ,vụ cà phê vừa rồi các nhà cung ứng nước ngoài đấu thầu giá bán cho nhà rang xay đều phải trừ từ 40-60 usd/tấn so với sàn London ( giá FOB) , sau đó mới mua lại của các nhà XK Việt nam với mức trừ từ 70-110 usd/tấn ( FOB) tùy theo từng thời điểm , nhưng đến nay tất cả đều phải mua cộng từ 20-70 usd/tấn dẫn đến bị thua lỗ nhiều ( nếu không xù hợp đồng ). Vậy không biết vụ tới ra sao đây : nếu không bán giá kỳ hạn thì không có cơ sở để giao dịch , mà cũng không xác định là bán giá nào thì tốt ? còn nếu mua tồn kho trước rồi bán thì rủi ro 50/50 các nhà XK có dám không và tiền vốn ở đâu nữa chứ ( các nhà XK VN thường ký trừ lùi sau đó gửi hàng kho ngoại quan rồi ứng 70 % về thu mua và cho lại người gửi hàng vào kho ứng ) . Trong khi đó cà phê của Việt nam sản xuất ra phải xuất khẩu 90 % là nguyên liệu thô , năm nay anh giữ lại không bán đến vụ thu hoạch mới số lượng tồn tăng lên cứ như vậy chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn như cá rô phi bị mắc lưới vậy ! theo tôi ở vị trí của người sản xuất nếu thấy có lợi nhuận từ 20 % trở lên là bán ,vì ngoài lợi nhuận ra chúng ta cũng đã có tiền lương trong chi phí tiền công ở giá thành sản rồi ( khoảng 35-40 triệu đồng / ha/vụ).Chúng ta phải chấp nhận giá cả của tất cả các loại hàng hóa đều vận hành theo cơ chế thị trường và mặt hàng cà phê không ngoại lệ , thời gian vừa qua chúng ta cũng đã đoàn kết một lòng làm tất cả để giữ hàng lại tạo cho thị trường khan hiếm và cố gắng điều khiển giá tăng , nhưng câu trả lời đến nay là sao ! trong khi đó chúng ta đã vô tình đem lại lợi thế cho các nước khác xuất khẩu nhiều hơn …. Bài toán vụ tới có lẽ chỉ có các nhà hoạch định chính sách tầm vĩ mô mới trả lời được thôi !

  6. phamtam

    tôi thấy PHAN THẢO là người rất cỏ tâm , có kinh nghiệm co tư duy khoa học. nắm rất vững về phân tích kỹ thuật. rât cám ơn phan Thảo.

  7. Lão Nông

    Chào bạn Duc Kon Tum!
    Tôi đã bán được 50% sản lượng từ trước tết, số còn lại Tôi không có ý định bán dưới giá 40 trong năm nay, thực trạng giá cà phê hạ sau tết Tôi đã có cảm quan chẳng ổn chút nào, thôi cũng đành nằm chờ ăn may thôi.

  8. Phan Thảo

    Xin thưa với bạn Đức thế này !
    Bạn hiểu sai ý tôi rồi : Giáp hạt là thời điểm gần hết vụ cũ nhưng chưa phải là vụ mới ! Nhân bạn nói đến đầu vụ mới năm rồi cao hơn giáp hạt năm trước nhưng bạn đã lầm !Nhân đây tôi xin kể vui chuyện này : Chuẩn bị đón xuân 2014 giacacphecom có ra câu đối :
    Tiễn Xà ra ngõ , cả năm Tỵ giá lạnh như Rắn , chỉ lắng ngoằng chẳng chịu thay da đổi mới !
    Là người thích dự báo , sau khi tính toán tôi đối lại như vầy :
    Đón Mã vào nhà , cuối mùa Ngọ hàng khan tựa Ngựa , chẳng vội vàng , chỉ chờ giáp hạt xuất kho !
    Và tôi đoạt giải của diễn đàn này , nhưng thích thú hơn cả giáp hạt năm qua có giá như tôi kỳ vọng và còn cao hơn cả vào chính vụ vừa rồi !

  9. Huynhthao

    Ý kiến của Phan Thảo thật rất xác đáng , năm ngoái PT khuyên bán giá cao tôi đã không nghe vì thấy đầu mùa đến Tết giao động từ 40,6-41,5 cho nên nghĩ không thể xuống được , nhưng thật sai lầm. Các đại lý gửi hàng vào công ty vay 70% với ls 0.5% vô tình làm lợi cho công ty xk , họ đúng là có cái đầu hơn hẵn, lấy số hàng đó đem bán và kí kết hợp đồng giá cao và luôn đẩy giá cao để cho ng dân mắc lừa , bây giờ thì thảm rồi . tiền chênh lệch không nói còn tính đến lãi suất còn rất cao trong khi tình trạng mua không có , các nước khác giá nào cũng bán và cứ vào vụ hết nước này đến nước khác trong khi dân mình vẫn ráng ôm . bây giờ đến giai đoạn căng tiền không ai còn tiền vì bán thì quá lỗ ôm thì chịu lãi không thấu , anh chị nào có khả năng phân tích kỹ thuật hãy cho bà con 1 lối đi tham khảo, vì nếu chờ đến đầu vụ e là vẫn không lên nỗi. xin cảm ơn đã đọc tin

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78