Cây mắc-ca và nhiều bài toán phải giải

Việt Nam đang đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ trồng khoảng 200.000 héc-ta mắc-ca tại Tây Nguyên, và ngân hàng cũng tham gia vào dự án này bằng cách cho nông dân vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, nhiều bài toán đang được đặt ra đối với loại cây trồng đang được quảng bá là đầy tiềm năng này, bao gồm bài toán về quỹ đất, bài toán về cung cầu… Đặc biệt, một câu hỏi khác là phải chăng tính hiệu quả của loại cây trồng này đã được phóng đại nhiều lần?

Khách tham quan một vườn mắc ca của một hộ dân ở Đăk Nông
Khách tham quan một vườn mắc ca của một hộ dân ở Đăk Nông

Đất vẫn là bài toán lớn

Hội thảo về Chiến lược phát triển cây mắc-ca (maccadamia) được tổ chức tại Tây Nguyên đầu tháng này, và tại đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank) thông báo sẽ thu xếp 22.000 tỉ đồng tín dụng cho nông dân Tây Nguyên trồng cây mắc ca, một loại cây lấy hạt được cho là có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây công nghiệp truyền thống như hồ tiêu, cà phê, cao su…

Chương trình đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là phát triển diện tích trồng mắc-ca dự kiến vào khoảng 200.000 héc-ta. Câu hỏi lớn được đặt ra là tìm đâu ra nguồn quỹ đất lớn như vậy để phát triển loại “cây-tỉ-đô” như cách mà nhiều bài báo đã đề cập thời gian qua. Không thể phá thêm rừng để trồng cây mắc-ca, trong khi hiện tại đất ở Tây Nguyên đang được nông dân trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao,…

Theo các chuyên gia, để có thể trồng được diện tích này, một phần diện tích cà phê già cỗi cần tái canh sẽ được chuyển sang trồng mắc ca, hoặc trồng xen mắc-ca với vườn cà phê.

Trong mấy năm qua, giá cà phê trên thị trường giữ ở mức ổn định từ 38.000 – 42.000 đồng/kg. Đây là mức giá khiến người nông dân yên tâm với cây cà phê nên không chặt bỏ để trồng các loại cây trồng khác như cao su hay hồ tiêu dù có thời điểm giá cao su ở mức cao hay giá hồ tiêu chạm ngưỡng gần 200.000 đồng/kg.

Theo số liệu thông kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2014, diện tích trồng cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên gần chạm con số 640.000 héc ta, tăng khoảng 100.000 héc ta so với ba năm trước và tăng 140.000 héc ta so với quy hoạch của Chính phủ đến 2020.

Hơn nữa, có một thực tế là đất sau khi trồng cà-phê thường bị bạc màu, và phải mất vài năm để đất phục hồi, nên khó có thể trồng loại cây gì ngay trên diện tích cà-phê tái canh. Chưa kể cho đến nay chưa thấy có công bố nghiên cứu nào về việc liệu trồng mắc-ca trên diện tích cà-phê tái canh có phù hợp hay không.

Một trong những lý do được nêu ra để những người chủ trương đề án trồng mắc-ca trên Tây Nguyên muốn thúc đầy chương trình này là giá bán mắc-ca vào khoảng 5,5 đô la Mỹ/kg trái tươi, còn cà phê vào lúc cao điểm chỉ khoảng 2,5 đô la Mỹ/kg hạt khô, tức là mắc-ca có giá cao gấp 2 lần cà phê. Sản lượng mắc-ca ước tính khoảng ba tấn/héc-ta. Điều này có nghĩa là trên cùng một diện tích, giá trị mang về của mắc-ca cao gấp nhiều lần các cây trồng hiện nay như cà phê, cao su, ca cao, hay điều.

Tuy nhiên, một thành viên của Vicofa cho rằng, giá các mặt hàng nông sản cao hay thấp tùy thuộc từng thời điểm.

“Trước đây giá cao su có thời điểm lên đến 100 triệu đồng/tấn nhưng không ai dám khẳng định giá này sẽ neo ở vị trí này mãi, và thực tế hiện nay giá đã rớt mạnh xuống chỉ còn dưới 30 triệu đồng tấn, nông dân không dám khai thác mủ vì chi phí cao hơn doanh thu. Do vậy, việc so sánh giá mắc-ca và cà phê để khuyến khích nông dân ở Tây Nguyên trồng cà phê là chưa thuyết phục,” ông nói.

Ông Nguyễn Văn Mai, ở Đăk Lăk, người có hơn 1 héc-ta cà phê, cho rằng chưa chắc hiệu quả mắc-ca cao hơn cà-phê. “Hiện tại mỗi năm vườn cà phê mang về cho gia đình thu nhập khoảng 150 -170 triệu đồng nên không cớ gì phải chuyển sang trồng cây khác, còn đối với diện tích già cỗi, chúng tôi sẽ ghép từ từ 2 sào một lần để không mất đi nguồn thu cho gia đình,” ông Mai nói.

Theo ông Mai, có thể ông chọn phương án trồng xen mắc-ca để thí điểm. Tuy nhiên, điều lo lắng của ông Mai là cả hai loại cây này cũng trồng trên một diện tích sẽ cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng và có thể ảnh hưởng đến năng suất vườn cà phê.

Liệu có khả thi?

Những năm qua, nông dân Việt Nam luôn có tâm lý chạy theo cây trồng nào được giá trên thị trường; họ sẽ chặt bỏ cây trồng khác để trồng loại đang được giá, chẳng hạn như chặt điều trồng cao su, chặt điều trồng ca cao, và khi giá xuống thấp lại chặt ca cao trồng dừa, trồng bưởi da xanh, chặt cao su để trồng khoai mỳ (sắn)…

Thống kê của Cục trồng trọt, Bộ NN – PTNT cho thấy, trong vài năm trước, có khoảng 15.000 héc ta điều đã bị chặt bỏ mỗi năm để trồng cao su. Tuy nhiên, hiện giá cao su trên thị trường ở mức dưới 30 triệu đồng/tấn, và vì thế, đã có hiện tượng người dân chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng khoai mỳ (sắn).

Chuyện xảy ra tương tự với cây ca cao. Khi cà phê ở mức 30.000 đồng/kg và ca cao có giá 55.000 -60.000 đồng/kg, đã có nhiều tỉnh, công ty “kêu gọi” người dân chuyển sang trồng ca cao. Như vậy, nếu căn cứ vào giá bán để khuyến khích nông dân trồng cây một cây nào đó thì dễ xảy ra trường hợp khi giá xuống thấp, nông dân lại chặt bỏ cây được khuyến khích để trồng một loại cây khác.

Vì thế, hôm nay giá mắc-ca có thể cao gấp hai lần cà phê nhưng không có gì đảm bảo là mức giá này ổn định trong vài năm tới khi Việt Nam đã trồng được 200.000 héc ta, tương đương 600.000 tấn (mắc-ca có năng suất trung bình đang trồng thí điểm ở Tây Nguyên là 3 tấn/héc ta), nguồn cung cho thị trường dồi dào, giá có thể giảm.

Những năm trước, nhiều công ty có tham vọng đưa cây ca-cao vào Tây Nguyên và biến vùng đất này thành thủ phủ của mình đã không thể cạnh tranh nổi với cây cà phê nên đã chuyển vùng đến các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Ban đầu, cây ca-cao cũng nhận được sự ủng hộ của các tỉnh. Bây giờ, những tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai, Bến Tre chỉ trồng cây ca-cao xen với vườn điều, dừa chứ không muốn trồng chuyên canh.

Hiện Tây Nguyên có khoảng 200.000 héc ta trồng cao su. Và, trong bối cảnh giá cao su đang xuống thấp như hiện nay, sẽ có người dân chặt bỏ cao su để trồng cây trồng khác và mắc-ca có thể là một lựa chọn.

Do đó, câu hỏi còn bỏ ngỏ là đầu ra cho sản phẩm vì mới có một số công ty cam kết sẽ xây nhà máy chế biến. Chưa thấy có bất cứ nghiên cứu thị trường nào được đưa ra về nhu cầu trong nước và thế giới đối với hạt mắc-ca, và liệu chương trình trồng 200.000 héc-ta mắc-ca ở Tây Nguyên có gây nên tình trạng cung vượt cầu và giá rớt hay không.

Liệu có phóng đại?

Những đơn vị cổ vũ cho chương trình này xem mắc-ca là “cây-tỉ-đô” và thậm chí có tờ báo không ngần ngại khẳng định Việt Nam sẽ thu về hàng tỉ đô-la Mỹ mỗi năm từ chương trình mắc-ca này.

Phải nhắc đến một thực tế là chưa có nước nào, kể cả Úc là quê hương của cây mắc-ca với hơn bốn thập kỷ thương mại hóa loại cây trồng này, dám kỳ vọng vào con số tỉ đô từ mắc-ca. Tổng giá trị thị trường của hạt mắc-ca tại Úc, theo trang www.abc.net.au, chỉ đạt 200 triệu đô-la Úc vào năm 2009.

Tại Mỹ, mắc-ca được trồng nhiều tại Hawaii, nhưng diện tích đang giảm dần do hiệu quả không cao. Năm 2009, Mỹ nhập khẩu gần 7.500 tấn mắc-ca trị giá 54,27 triệu đô-la Mỹ, và xuất khẩu 766 tấn trị giá 8,22 triệu đô-la Mỹ, theo thông tin từ trang www.nass.usda.gov.

Giá trị hạt mắc-ca còn vỏ khô, theo thống kê từ năm 1990 đến 2009 tại Úc, chưa bao giờ đạt tới mức 4 đô-la Úc/kg, mà chỉ xoay quanh mức 2,5 đô-la Úc/kg. Cụ thể, theo trang thông tin www.daff.qld.gov.au, giá thấp nhất trong giai đoạn nêu trên là 1,5 đô-la Úc/kg vào năm 2007 và cao nhất là 3,6 đô-la Úc/kg vào năm 2005. Cá biệt năm 2014, giá hạt mắc-ca đạt mức 4 đô-la Úc/kg. Ngay cả tại Mỹ, giá hạt mắc-ca chế biến xuất khẩu, theo số liệu đề cập ở trên, cũng chỉ đạt trên dưới 10 đô-la Mỹ/kg.

Có lẽ giá hạt mắc-ca ở Việt Nam là rất cá biệt khi lên tới khoảng 500.000đ/kg còn vỏ cứng, trong khi giá nhân mắc-ca lên tới gần 1 triệu/kg, một phần là do những “đồn thổi” quá mức về cây-tỉ-đô này. Điều bất thường là giá này còn cao hơn nhiều lần so với giá mắc-ca đã được chế biến để xuất khẩu. Theo Vnexpress, Công ty Donafood thời gian qua đã xuất khẩu nhân mắc-ca chế biến với giá chỉ khoảng 15-18 đô-la Mỹ/kg.

Cây mắc-ca là loại cây lâu năm. Theo thống kê từ Úc, phải từ năm thứ 5 mắc-ca mới bắt đầu cho hạt với năng suất rất khiêm tốn là 300kg/héc-ta, và đến năm thứ 10 thì mới đạt năng suất ba tấn hạt nguyên vỏ mỗi héc-ta trước khi đạt mức ổn định từ 3,5 đến 4 tấn/héc-ta từ năm thứ 12 trở đi. Với giá bán tại nông trại Úc bình quân dưới 3 đô-la Úc/kg trong suốt hơn 10 năm qua, khó có thể khẳng định rằng hiệu quả của cây trồng này cao hơn cây cà-phê.

Việc giới thiệu cây mắc-ca trên vùng đất Tây Nguyên có thể là một hướng đi đúng nhằm giải quyết bài toán về tái canh cây cà-phê, tránh tình trạng sản lượng cà phê tăng cao khiến giá sụt giảm mạnh, đồng thời giúp đa dạng hóa các loại cây trồng.

Tuy nhiên, việc quảng bá quá mức về hiệu quả của cây mắc-ca, trước mắt chắc chắn sẽ tạo lợi nhuận “khủng” cho những người bán cây giống, có thể kéo theo nhiều hệ lụy khó lường nếu nông dân ồ ạt thay thế các loại cây truyền thống của mình bằng một loại cây trồng mới. Cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu về thị trường, về cây giống – Úc đang có chương trình lai tạo giống mắc-ca mới có thể cho năng suất cao hơn 30% so với hiện tại – cũng như tính phù hợp của loại cây này với điều kiện thổ nhưỡng ở Việt Nam.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Chính “BÀN TAY VÔ HÌNH” của thị trường quyết định nông dân sẽ trồng gì (lý thuyết của nhà kinh tế học Adam Smith). Có ai bảo ai đâu! Nông dân một số vùng ở Tây Nguyên hiện đang ồ ạt trồng tiêu bất chấp khuyến cáo, vì sao? vì 150 ngàn/kg tiêu khô có bao nhiêu cũng mua hết. 1 sào trồng 150 nọc tiêu, thu bình quân 500 kg = 75 triệu đồng. Vị chi 1 ha thu 750 triệu. Mơ giữa ban ngày cũng không thấy, quá khủng!
    Cây Mắc ca cứ thu mua không hạn chế trong nhiều năm với giá cao so với nhiều loại cây trồng khác, ắt không cần phải phát động, nông dân tự khắc tìm trồng. (biết rằng nhiều rủi ro, nhưng đó là quy luật tâm lý không cưỡng được!)
    Cứ như một thời quảng cáo rùm beng trồng cây Hông lấy gỗ (giá mua 15 ngàn USD/mét khối) để tha hồ bán cây giống với giá 15 ngàn/cây (hốt bạc đậm đà). Sau đó nông dân khóc ròng khi gỗ không biết bán cho ai. Đơn vị bán cây giống và hứa hẹn bao tiêu gỗ đã cao chạy xa bay!
    Nay không chừng lặp lại với cây Mắc Ca!? Ai dám chắc rằng không có “bàn tay lông lá” của nhóm lợi ích “Tập Đoàn Cây Giống” quảng cáo thổi phồng quá mức để tung cây giống ra thu lời khủng (45 – 50 ngàn/cây giống). Các nhà hoạch định chính sách cũng phải cảnh giác với những “bàn tay lông lá” này.
    Nông dân như tôi đây quá sợ rồi! MẬT NGỌT CHẾT RUỒI!

    1. đoàn tri anh tuấn

      Hiện giá cây giống tại ĐakLak đã là 80-100k/cây, ngoài phía bắc đã là 100k/cây.
      Có cây giống là có tiền ngon lành

    2. hoangvanthach

      Đúng rồi đó, có ai dám chắc đâu ! Tui cũng đang định mua mấy trăm cây coi như thế nào mà nghe bạn nói zậy tui cũng thấy khó khi đưa ra quyết định có nên mua hay ko.

  2. Trọng GL

    Giá hạt mắc ca trên kệ siêu thị cũng chỉ như giá hạt điều, nhưng có bài báo tại nước ta hét lên 8-900.000 đ/kg khiến cho mình cũng mất hết niềm tin vào báo chí.
    Tuy nhiên bài báo này của TBKTSG đặt vấn đề khá rõ ràng để các nhà hoạch định chính sách và nông dân nhìn vào thị trường một cách hợp lý hơn là bị lôi cuốn theo lợi ích của Tập Đoàn Cây Giống. Xin cám ơn các tác giả

  3. phan đình thắng

    Bài viết rất hay! Vấn đề nan giải nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm! Cứ nói dân chúng phát triển rồi chạy làng thì ai chịu!

  4. nông dân nghèo

    tôi đang tìm nguồn nhập maca hạt khô để tách nhân thử nghiệm.khoảng vài tấn.bác nào có nguồn xin hãy liên hệ 0946668095

  5. leminh

    Cám ơn Y5 đã giúp tôi và nhiều bà con nông dân khác có cái nhìn thận trọng hơn về cây “tỷ đô” .

  6. Trần Ninh

    Bản thân tôi là viên chức 31 năm rồi và cũng 29 năm làm nông dân (sản xuất cà phê), như thế thăng trầm về cà phê tôi đã có đủ, nhưng nay vẫn là cà phê. Thời gian vài năm lại đây thông tin về cây mắc-ca và giá bán giống cây mắc-ca đã rộ lên như một hiện tượng ưu thế trong sản xuất của ngành nông nghiệp (cây tỷ đô). Và gần đây cơ quan Nhà nước đã tổ chức Hội thảo tại Đà Lạt về chuyên đề này, rõ ràng đã có sự quan tâm lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, theo như bài của Ngọc Hùng-Hoàng Sơn trên đây cũng là phản biện về vấn đề mắc-ca, tôi thấy là rất hay. Trồng mắc-ca không như trồng cây ngắn ngày như khoai lang, lúa, bắp… nếu thấy không hiệu quả thì chuyển đổi cây khác. Riêng tôi cho rằng quỹ đất cũng chưa phải là quan trọng hàng đầu, vấn đề hiệu quả kinh tế của mắc-ca ổn định như thế nào, không thể trồng chăm sóc tới 6, 7 năm mới có quả thu hoạch lúc đó mới có kết quả để tính hiệu quả, nếu rủi ro thị trường giá bán thấp thì chúng ta hình dung hậu quả rồi.
    Tóm lại, theo tôi muốn trồng cây mắc-ca làm kinh tế cần phải tìm hiểu thật kỹ chủ yếu 2 điều kiện:
    1. Thị trường ổn định (tạm được như giá cà phê mấy năm lại đây),
    2. Kỹ thuật: Giống, điều kiện khi hậu thổ nhưỡng…
    Trong đó điều kiện thứ nhất là khó nhất nhưng là điều kiện phải giải được trước. Nếu giải được điều kiện thứ nhất thì tôi sẽ chuyển đổi 2 ha cà phê (50% tổng diện tích cà phê hiện có) sang trồng mắc-ca.

    1. Chùa bộc

      Đúng là bác làm Viên Chức 31 năm có khác! Thị trường làm sao mà ổn định được như làm công chức, viên chức.
      – Nên điều 1 không bao giờ xảy ra dù là bất cứ thứ gì nếu thương mại.
      – Điều thứ 2, bác có đưa ra nhưng không phải là điều kiện để bác chọn lựa.
      Từ 2 điều trên, khuyên bác tốt nhất đừng đụng vào Macca.

  7. nguyen thi thuy hang

    Mac ca, quá mới, quá lạ, du nhập thì quá trễ, quá ít thông tin, chưa thể nói gì cả. Rẽ như su su vậy mà còn có người mua, nay một vài nơi đã cho ở Lâm Đồng đã có quả mà chưa thấy ai mua? Mà cách bảo quản chưa biết thì bán ai mua. Theo tôi nghĩ là phong trào thôi, mac mac là bài học xương máu,có nông dân giờ vẫn còn đau.

  8. Trường sơn

    Giá thu mua quả khô ở Việt Nam khá cao là người ta tái ươm quả thành giống để bán ra thị trường với giá khá cao. Vậy nên sự ₫ồn thổi làm nông dân mắc bẫy làm giàu cho đơn vị bán giống

  9. Đình Phong

    Trước cám dỗ về siêu lợi nhuận từ cây macca, người nông dân cần hết sức bình tĩnh lựa chọn phương án sáng suốt. Chúng ta cần tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của cây macca: với giá bán hiện tại 5,5USD/Kg nhưng sau 5 năm trồng (gặp đk thuận lợi, cây sinh trưởng và phát triển bình thường), 1 cây chỉ cho 1 Kg trái.con số này tăng tịnh tiến chứ không theo kỹ thuật của con người, đến năm thứ 10 cũng chỉ cho khoảng 10kg/cây/năm.Như vậy, việc trồng chuyên canh cây macca trên diện tích lớn đối vối người nông dân là một canh bạc. Theo tôi nghĩ, nếu có sẵn đất đang trồng cà phê hay tiêu, thậm chí cao su thì nên trồng xen canh macca, đồng thời thay thế các gốc già cỗi bằng cây macca thì sẽ tốt hơn.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86