Liệu có hai trường phái mua bán cà phê trên thế giới?

Tại Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất nước, giá cà phê nguyên liệu đến nay chỉ quanh mức 38,5-39 triệu đồng/tấn, giảm so với cuối tuần trước là 39,5 triệu đồng/tấn. Giá đóng cửa sàn robusta phiên cuối tuần chốt mức 1.929 đô la/tấn, giảm 45 đô la/tấn so với tuần trước và 260 đô la/tấn so với đỉnh niên vụ này.

Biểu đồ 1: Diễn biến giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu trong tháng 12-2014 (tác giả cập nhật)
Biểu đồ diễn biến giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu tháng 12/2014 (tác giả cập nhật)

Nông dân lo âu khi giá rớt sâu

“Chán thật, cà phê cứ giảm hoài, lúc giá cao thì không có để bán, giờ có cà phê thì giá  lại thấp…!”, đó là phản ánh trong lo lắng vào ngày 18-12 của người lấy tên Ngọc Hân trên một mạng thông tin thị trường cà phê.

Tâm lý sợ giá xuống tiếp càng nặng vì mỗi tuần cà phê giao dịch trên sàn chỉ năm phiên, cả tuần qua năm phiên liên tiếp đều có giá giảm. Hệ quả là giá niêm yết sàn robusta châu Âu về nằm ở các mức thấp nhất tính từ ngày đầu niên vụ 1-10 đến nay.

Dù có nhiều thông tin hỗ trợ, giá cứ khăng khăng đòi xuống. Tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ giảm 307.289 bao (bao=60 kg) theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Cà phê Hạt Mỹ (GCA). Đến hết tháng 11-2014, tồn kho tại vùng tiêu thụ truyền thống lớn của thế giới còn 5.694.154 bao, tương đương chừng 3 tháng tiêu thụ.

Tin sản lượng vụ mới nước ta giảm, cộng với ước báo xuất khẩu của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 11-2014 chỉ đạt 84.059 tấn, giảm 12,3% so với 95.800 tấn trong tháng 10-2014, và giảm so với kỳ vọng thị trường là 120.000-150.000 tấn.

Do giá kỳ hạn và nội địa xuống, giá chào xuất khẩu tính trên mức chênh lệch (differential) giữa giá kỳ hạn với giá giao qua lan can tàu (FOB) của loại 2,5% đen bể nay tăng lên trừ chừng 70 đô la/tấn, cao hơn tuần trước là trừ 85 đô la/tấn dưới giá niêm yết. Tuy vậy, sức mua không mạnh do các thị trường nhập khẩu đang vào dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch.

Các biến động gần đây trên thị trường tài chính như tỉ giá đồng real Brazil (BRL) và đồng rúp Nga giảm mạnh, trong khi đó đồng đô la tăng, đã làm giới đầu tư tài chính bán tháo bớt một số mặt hàng trên các sàn kỳ hạn để cân đối tài chính. Rất tiếc, dầu thô và cà phê là các sàn bị chọn để “xả” hàng.

Biểu đồ xuất khẩu cà phê Brazil (nguồn: NewEdge)
Biểu đồ 2: xuất khẩu cà phê Brazil (nguồn: NewEdge)

Hai trường phái mua bán cà phê trên thế giới?

Chuyện đúng hay sai sau này mới rõ, thị trường nay đang tin rằng do hạn hán nặng tại Brazil đầu năm nay, sản lượng cà phê thế giới giảm. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước rằng sản lượng thế giới niên vụ 2014/15 chỉ chừng 141 triệu bao (bao = 60 kg) so với 2013/14 là 145,2 triệu bao.

Tâm lý người sản xuất khi nghe tin thiếu hụt, họ đều có ý định giữ lại hàng chờ giá cao hơn để bán. Tuy nhiên, hết sức ngạc nhiên là Brazil cứ bán ào ào và đến nay chưa hề có động thái muốn giữ lại hàng. Ngay cả Colombia, nước sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới nay đã giành vị trí của Indonesia, mới đây một vị quan chức bảo rằng thời gian trước mắt, sản lượng cà phê Colombia sẽ tăng lên đến 14 triệu bao so với trên 12 triệu hiện nay và… sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu. Nhớ trước đây, vị bộ trưởng nông nghiệp Brazil cũng bóng gió rằng nước ông sẽ cung cấp đủ cà phê cho ai cần dù hạn hán làm sản lượng giảm!

Thái độ này ngược lại hoàn toàn với hai nước sản xuất robusta lớn của thế giới là Việt Nam và Indonesia, luôn luôn ủng hộ cho chuyện giữ lại hàng để hỗ trợ giá cao.

Hai cách suy nghĩ và cách làm khác hẳn nhau, tạo nên hai trường phái mua bán cà phê trên thế giới khác biệt.

Thật vậy, trong khi trường phái châu Á làm mọi cách cho giá cao để bán ra, sẵn sàng ghim lại hàng, ngưng cung cấp, có khi làm ngưng trệ chuỗi cung ứng để vì mục tiêu là giữ giá, thì hình như trường phái Nam Mỹ xem giá là quan trọng nhưng vẫn không bằng giữ và chiếm lĩnh thị phần.

Biểu đồ 3: Xuất khẩu cà phê Colombia (nguồn: NewEdge)
Biểu đồ 3: xuất khẩu cà phê Colombia (nguồn: NewEdge)

Khi trường phái châu Á chê giá thấp đòi ghim hàng, thì Brazil và Colombia xuất khẩu mạnh. Xuất khẩu cả năm tính đến hết tháng 11, Colombia đạt 10,91 triệu bao, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước đó (xem biểu đồ 3: đường màu xanh: lượng xuất khẩu; màu hồng: sản lượng). Tại Brazil hết tháng 11-2014, xuất khẩu cà phê đạt 3,02 triệu bao, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Đặc biệt khi trường phái châu Á chê giá robusta không bán thì trong tháng ấy Brazil xuất 446.264 bao, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tháng có số robusta xuất khẩu lớn nhất tính từ 2004 đến nay (xin xem biểu đồ 2: arabica có màu xanh lá cây và màu hồng robusta).

Tiềm năng sản lượng tăng rất mạnh khi chương trình tái canh cà phê tại Colombia trong giai đoạn kết thúc và đi vào khai thác; Brazil di chuyển vùng trồng cà phê xuống phía nam ấm áp, tránh sương giá hàng năm làm cung ứng thất thường. Một thời các nhà rang xay giảm mua cà phê hai nước này và chuyển qua mua tại châu Á nên thị phần giảm nhiều.

Phải chăng cách mua bán hiện nay của các nước xuất khẩu cà phê Nam Mỹ chính là bài học xương máu đã rút ra được sau một thời gian cung ứng thất thường, đánh mất thị phần và khách hàng?

>> Xem chuyên đề: Tìm hiểu thị trường cà phê kỳ hạn – Tác giả: Kinh Vu

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. k.sinh

    Cảm ơn tác giả đã đưa thông tin hữu ích. Nhưng nói về VN mình thì hơi sai một tý tại vì 60 – 80% lượng cafe thô XK là do doanh nghiệp FDI. Gọi là phe thì đúng hơn, phe đầu tư giá lên và phe đầu tư giá xuống. Hiện giờ phe đầu tư giá xuống đang chiếm ưu thế. VN nhiều người ưa giá lên và đầu tư cho phe giá lên nhiều hơn.

  2. hồng nguyễn

    Theo tôi nghĩ nông dân hãy tĩnh táo lên đi vay ngân hàng chi tiêu giữ cà lại, đến lúc đến hạn rồi buộc phải bán cà ồ ạt, người mua lúc đó nắm lấy cơ hội thì sao giá lên được bỡi tồn kho thế giới thiếu chứ tồn kho trong dân đầy (trong xã hội họ có sự liên kết ăn chia với nhau chứ) Brazin họ nắm được quy luật đó nếu dân Việt Nam càng giữ hàng thì họ lại bán ra càng nhiều, cơ hội mà…

  3. yennguyen

    Sao ta không nghĩ theo chiều hướng thị trường của các nước Nam Mỹ phát triển hơn, hàng hóa của họ không giữ ở nhà mà họ đưa lên sàn kỳ hạn của họ để bán đấu giá. Khi đó cà phê đưa vào kho sẽ nhận đc 1 tờ giấy chứng nhận (khi đó khác gì hàng giấy). Việc quyết định giá bán vẫn ở trong tay nông dân còn sàn kì hạn sẽ liên kết với những sàn kì hạn khác để bảo hiểm giá còn hạt cà phê (của nông dân chưa bán) vẫn cứ ra ngoài đều đều giá càng thấp họ càng bán (vì giá trừ lùi thấp) cách làm này giống Việt Nam mấy năm trước nhưng không có rủi ro mất tiền vì bị xù nợ. Cách làm này có cái lợi là giữ được thị phần cà phê đảm bảo uy tín với khách hàng mua. Nhưng mặt trái của nó là khi trong kho hết hàng để bán thì sẽ không biết lấy đâu ra hàng để bán nữa và khi giá tăng cao (mức trừ lùi cao) những sàn điều phối ưu tiên tất toán trạng thái thay vì xuất kho hàng thật làm cho thị trường đã khan lại còn hiếm hàng không khác gì đổ dầu vào lửa.
    Theo em với giá hiện tại nông dân Việt Nam và Indo chưa bán mạnh là vì khi bán lợi nhuận cũng chẳng đáng là bao vì giá thành sản xuất nằm khoảng 35- 40.000 rồi (do mất mùa nhé), không lẽ các nước Nam Mỹ sản xuất ra hạt cà rẻ hơn chúng ta?
    Đây là ngu kiến của bản thân em có gì sai sót mong các chuyên gia lượng thứ và chỉ bảo để có cái nhìn toàn diện hơn về hiện tượng GIÁ THẤP MÀ CÁC NƯỚC NAM MỸ VẪN BÁN HÀNG TRONG KHI NÔNG DÂN VIỆT NAM GĂM HÀNG.

    1. Tân BL

      Bạn không biết nên nói lung tung lan tan không đâu vào đâu cả.
      Các nước Nam Mỹ vẫn đang đẩy mạnh bán hàng vì giá cà A đang cao gấp đôi cà R. Nông dân VN và Indo còn găm hàng đơn giản vì giá chưa ở mức họ kỳ vọng, lợi nhuận thấp. Do chỉ biết cà R mà không biết cà A nên bạn không thể so sánh như vậy được.

      1. yennguyen

        Đây là quan điểm của riêng mình. Còn bạn nói cà A chế biến ướt giá 70.000( trên sàng 16 80% ẩm độ trên máy kett 14.3) mang so với giá robusta xô 40.000 nói về giá thì bạn đúng nhưng nói về giá trị thì mình không đồng ý.
        Mình nghĩ tác giả bài viết đưa ra sự so sánh trên cùng loại cà phê robusta bạn ạ. Còn nếu người ta bán cà A trong khi mình không bán R2 thì mình không có ý kiến gì hết.
        “Đặc biệt khi trường phái châu Á chê giá robusta không bán thì trong tháng ấy Brazil xuất 446.264 bao, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tháng có số robusta xuất khẩu lớn nhất tính từ 2004 đến nay”

      2. Nguyễn Vịnh

        Theo tôi, tuy Brazil xuất khẩu cà Robusta tăng gấp 6 lần nhưng cũng chỉ khoảng 27.000 tấn thì chưa đủ để nói lên điều gì. Có thể do khách quen mua kèm theo cà Arabica để phối trộn vì cà Arabica nửa năm nay tăng quá cao. Với lại 27.000 tấn xuất cho khách mua ở gần, sau đó Brazil có thể lấy hàng Robusta-VN tại kho NY bù vào, nếu cần.
        Nhà kinh doanh luôn có phương án bán giá cao mua giá thấp…!

    2. K' Sinh

      Xin chào bạn Yen Nguyen!
      Như cách làm của bạn thì VN ta không làm đươc đâu, thị trường chứng khoán Âu Mỹ đã phát triển hàng trăm năm qua.Thị trường CK của VN mới phát triển, cái quan trọng nhất là không minh bạch hai nữa nông dân VN không có thói quen bán hàng kỳ hạn. Còn việc các nước Nam Mỹ đẩy mạnh bán hàng theo tôi có hai nguyên nhân chính: một là chênh lệch giữa cà A và cà Ro tăng cao , tb từ 80-100 cents/lb; hai là đồng USD tăng giá khích thích xuất khẩu.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82