Cà phê cuối mùa giá vẫn yếu, tại vì sao? (ngày 16/08/2014)

Giá cà phê vẫn theo đà xuống. Khi thị trường hàng thực đang mập mờ thông tin mới về sản lượng to hay nhỏ, thì giới đầu cơ tranh thủ tất toán vị thế kinh doanh như bước chuẩn bị cần thiết cho vụ tới vào đầu tháng 10-2014.

Cà phê “Hàng thực” yên ắng

Thị trường tài chính tuần qua nao núng với những thông tin bất lợi. Tăng trưởng chậm tại châu Âu, đặc biệt tại vùng sử dụng đồng Euro (eurozone) trong quí 2 vừa qua. Kinh tến của Đức, Pháp, Ý đều giẫm chân tại chỗ, thậm chí nhiều người cho rằng Pháp và Ý đang trong nguy cơ trì trệ. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Bồ Đào Nha lại gặp chuyện khó, Tây Ban Nha bên bờ vỡ nợ vì nợ công phình lớn, trong khi nền kinh tế Hy Lạp đứng trước suy thoái do giao thương với Nga bị cắt đứt vì chương trình trừng phạt của EU và Mỹ.

Trong lúc khó khăn chồng chất như thế, Nga trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ nhiều nước châu Âu, khiến EU mất đi một nguồn thu chừng 16 tỉ đô la Mỹ hàng năm.

Để kích thích tăng trưởng, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang cố hạ lãi suất cơ bản xuống chỉ còn 0,15% từ mức 0,25% trước đó. Nhưng “tiền mặt không dễ kéo khỏi ngân hàng, kế hoạch vay kinh doanh nông sản và cà phê hoạt động ngoài EU đang khá khó khăn, chưa biết phải chạy vạy tín dụng như thế nào đây,” trưởng đại diện của một hãng kinh doanh Thụy Sĩ cho biết.

Thường đến giữa tháng Tám hàng năm, thị trường hàng thực (physical) khá nhộn nhịp. Trước đây, đến giờ này cà phê đã được mua bán nhiều theo các hợp đồng giao sau (forwards contracts), giao hàng từ tháng Chín năm nay có khi đến tận tháng Ba năm sau, “nhưng nay thì chịu”, vị đại diện nói.

Theo hãng môi giới Flavour Coffee (Brazil), do giá trên các sàn không mạnh, giá chào mua xuất khẩu của khách hàng vẫn ở mức thấp. Giá chào FOB (giao hàng qua lan can tàu) cà phê robusta Brazil nay ở mức trừ 30-45 đô la/tấn, nhưng khách hàng đang trả trừ 65-85 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn Ice Liffe London cho giao hàng từ tháng 9-2014 đến tận tháng 3-2015. Cũng vậy, giá FOB của robusta loại 2,5% nước ta đang được chào quanh mức trừ 30 đô la/tấn, khách hàng chỉ trả quanh trừ 50-60 đô la/tấn

bieu do gia ca phe ky han robusta london
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta Ice Liffe tuần qua (tác giả cập nhật)

Cà phê “Hàng giấy” khống chế thị trường

Trong khi hàng thực chỉ trao đổi chập chờn, giao dịch “hàng giấy” hay còn được gọi giao dịch “ảo” hay “trên mạng” khá sôi nổi. Tuy nhiên, giá chỉ theo hướng giảm là chủ đạo sau khi tăng lên mạnh cuối tháng trước (xin tham khảo biểu đồ 1).

Các ước đoán về sản lượng cà phê Brazil vừa qua được giới đầu cơ tận dụng triệt để sau trận hạn hán vào đầu năm nay.

Qua những đợt tung tin ấy, đầu cơ rủ nhau mua khống một lượng hợp đồng “hàng giấy” nay đã đủ lớn để phải tất toán. Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 12-8-2014, trên sàn kỳ hạn arabica Ice New York, giới đầu cơ đã mua ròng (long position) lên đến 41.416 hợp đồng, tương đương chừng 730.000 tấn, cận với mức cao kỷ lục lượng hợp đồng mua ròng của sàn này là 44.183 lô lập vào tháng 11-2012. Lượng mua khống sàn robusta London cũng lớn so với mức 316.220 tấn, thống kê đến ngày 5-8 cho biết. Mua nhiều giúp giá tăng.

Nhưng tuần qua, hình như họ đã tìm cách tất toán bớt vị thế mua ròng của mình. Khi họ bán ra, giá thường giảm.

Nếu đúng thế, giá giảm hiện nay chủ yếu do đầu cơ thanh lý vị thế mua khống. Đối với nhà kinh doanh chuyên nghiệp, hiện tượng này xét ra cần thiết và có lợi cho mua bán hàng thực về sau. Thật vậy, nếu như giới đầu cơ không xả hàng giấy bây giờ, mối đe dọa giá thấp luôn luôn chực chờ do gánh nặng lượng hợp đồng mua khống treo trên thị trường. Nếu không thanh lý bán ra, sẽ không có cơ hội giá tăng khi vào mùa kinh doanh hàng thực.

Thị trường cà phê tuần qua

ton kho ca phe gca my
Biểu đồ 2: Tồn kho GCA (Mỹ) tính đến hết tháng 7-2014

Sàn kỳ hạn robusta đóng cửa cuối tuần hôm qua, tức rạng sáng nay thứ Bảy 16-8 giờ Việt Nam, chốt mức 1.962 đô la/tấn, giảm 35 đô la so với đầu tuần và mất 131 đô la/tấn so với ngày 1-8 (xin xem biểu đồ 1).

Mức 40 triệu đồng/tấn đang được chọn là mức kỳ vọng cho thị trường nội địa. Giao dịch nhỏ giọt đã giúp giá robusta nội địa tăng từ 37,5 triệu đồng cuối tuần trước lên 39 triệu đồng/tấn sáng nay thứ Bảy 16-8. Bán mới không nhiều vì thị trường đang chờ mức kỳ vọng.

Tổng cục Thống kê ước xuất khẩu cà phê tháng 7-2014 thấp hơn mức dự báo trước đây, chỉ đạt 1,48 triệu bao, giảm 18% so với tháng 6-2014. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu niên vụ 2013/14 vẫn tăng 10% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 23,5 triệu bao.

Ủy hội Xuất Khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) ước tháng 7-2014, nước này xuất khẩu đạt 2,66 triệu bao, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, trong bảy tháng đầu năm nay, Brazil đã xuất khẩu chừng 18,52 triệu bao, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, Cecafe cho biết.

Hiệp hội Cà phê Hạt Hoa Kỳ (Green Coffee Association – GCA) khuya hôm qua báo rằng tính đến hết tháng 7-2014, tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ đạt 6.042.664 bao, tăng 386.860 bao. Đây là mức tăng trong kỳ cao nhất từ 9 năm nay (xin xem biểu đồ 2).

Bắc Mỹ là vùng tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Số liệu tồn kho GCA có ảnh hưởng nhất định đến thị trường.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. thongnguyen

    vụ mới năm nay sẻ thu muộn hơn một tháng từ nay điến khi có hàng vụ mới khoảng 3 tháng nửa hiện nay lượng cà phê trong dân không còn nhiều mấy tháng tới không biết hàng đâu ra mà xuất khẩu đây chỉ có giới đầu cơ mới biết được thôi nông dân như chúng tôi thì bó tay

  2. Trúc Lam

    Những thông tin do các nhà kinh doanh cung cấp vừa thật vừa không thật. Nhưng có một điều là dù thật hay không thật cũng đều nhằm đạt mục đích có lợi cho họ. Hiện nay đang diễn ra giao dịch trên “hàng giấy” “hàng khống” vẫn chiếm một tỉ lệ đáng kể. Thị phần giao dịch này mới là tác nhân chính làm chao đảo thị trường. Cán cân lợi thế luôn thuộc về các nhà kinh doanh “đầu nậu quốc tế”. Các nước trồng cà phê chưa tổ chức thành hiệp hội. Từng nước sản xuất cà phê có cách làm khác nhau. các “đầu nậu quốc tế” sẽ khai thác triệt để các vấn đề có tính mâu thuẫn giữa các quốc gia này để có sách lược kinh doanh khôn khéo, linh hoạt trong chiến lược kinh doanh của họ. Chúng ta từ người trực tỉếp sản xuất đến các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cũng đang chứa đựng các mâu thuẫn có khi còn triệt tiêu lẫn nhau lại càng làm cho nội lực yếu đi. Nếu chưa làm được gì to tát thì mong Ngành cà phê Việt Nam cần sớm có một chiến lược hoàn chỉnh, xuyên suốt, năng động về sản xuất chế biến và bán cà phê phù hợp với tình hình hiện nay.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80