Giá cà phê vẫn chưa chịu đứng ở mức cao

Giá cà phê tăng mạnh vào cuối tháng rồi giảm ngay sau đó chỉ có thể được giải thích rằng giới đầu cơ tài chính cố tình đẩy giá tăng cuối tháng để kết sổ tồn kho hàng thực và hàng ảo có giá trị cao hơn để khỏi huy động vốn vào sàn cà phê robusta

Giá cà phê tại các vùng nguyên liệu ở các tỉnh Tây Nguyên bất ngờ tăng cực mạnh ngay ngày đầu tháng 8-2014 lên mức 42 triệu đồng/tấn, vượt xa mức đỉnh của tháng trước là 40,5 triệu đồng/tấn xác lập vào ngày 8-7 và cao hơn 2,5 triệu đồng/tấn so với ngày hôm trước 31-7. Đáng tiếc, giá cao không giữ được lâu. Đến hôm qua, thứ Năm 7-8, giá cà phê nội địa chỉ còn quanh mức 38 triệu đồng/tấn.

Giá giảm nhanh có thể do sức bán ra cực mạnh khi thị trường nội đia đạt trên mức 41 triệu đồng/tấn trở lên nhưng không phải từ hàng tay trao tay mà thông qua chốt giá hàng đã gởi sẵn trong kho người mua. Mặt khác, giới đầu cơ trên sàn kỳ hạn tại London bán chốt lời những hợp đồng kỳ hạn (futures contracts) đã mua trước đó.

Giá robusta trên sàn kỳ hạn Ice Liffe London, là mặt hàng cà phê xuất khẩu chính của Việt Nam, vào ngày cuối tháng 31-7-2014 bất ngờ vọt tăng cao lên mức 2104 đô la/tấn, tăng 111 đô la/tấn so với cách đấy một tuần. Sở dĩ giá kỳ hạn tăng mạnh do có tin đồn sản lượng cà phê nước xuất khẩu đứng đầu thế giới là Brazil có thể chỉ còn trên dưới 40 triệu bao (60 kgs x bao) so với trước là trên 55 triệu bao.

“Nếu nhìn vào hoạt động giá cùa sàn kỳ hạn và ngay của thị trường nội địa, tôi không tin giá tăng/giảm trong những ngày qua là do tác động của cung-cầu, của tin thiếu hụt cà phê nay mai; tất cả tin đồn đều do các nhà đầu cơ vẽ ra để lướt sóng”, một chuyên gia ngành hàng tại TPHCM trần tình.

Giá kỳ hạn robusta bất ngờ lên nhanh rồi rồi chóng vánh rớt nhanh, đến khuya hôm 6-8-2014 đóng cửa chỉ ở mức 1992 đô la/tấn, giảm so với ngày 31-7 hết 112 đô la/tấn.

“Ở đây, giá tăng mạnh vào thời điểm cuối tháng rồi giảm ngay sau đó chỉ có thể được giải thích rằng giới đầu cơ tài chính cố tình đẩy giá tăng cuối tháng để kết sổ tồn kho hàng thực và hàng ảo có giá trị cao hơn để khỏi huy động vốn vào sàn cà phê robusta”, ông nói.

Đối với cán cân cung-cầu, thông tin mới nhất từ Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) báo rằng ba nước xuất khẩu hàng đầu thế giới vẫn bán hàng ra mạnh tính đến hết tháng 6-2014. ICO cho biết trong chín tháng đầu niên vụ bắt đầu từ 1-10-2013, xuất khẩu cà phê Brazil đạt 33,4 triệu bao tăng 9%, Việt Nam đạt 16,2 triệu bao, tăng giảm không đáng kể nhưng Colombia đạt 10,6 triệu bao, tăng 13,2% so với cùng thời kỳ niên vụ trước.

Nguyễn Quang Bình, theo Sài gòn Tiếp Thị (bộ mới) số 67 ngày 8-8-2014

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nhu pham

    Chào bà con.
    Bữa nay diễn đàn ta không còn sôm tụ như vụ mùa và sau tết tới tháng tư nhỉ? Có lẽ đơn giản vì người dân cũng chẳng còn cafe tới giờ để mà quan tâm giá. Hi…
    Chúc bà con luôn sức khỏe và bội thu trong mùa tới nhé.

  2. phan đức nhạ

    Cà rô lao dốc là do tin bác cung cấp là quanh cảng Sài gòn còn có 280000 tấn. Vài người khoe còn 10 tấn đã bị dân mạng ném đá bác khoe từng đó thì dân cà phê được gì? nên ném gì?

  3. Tân BL

    Hầu hết các đại gia kinh doanh cà phê hàng đầu thế giới đều có văn phòng đại diện tại tpHCM, thậm chí họ cũng có mặt ở khắp Tây nguyên rồi. Các bác không nói họ cũng biết, mà các bác nói đôi lúc ngẫm nghĩ lại buồn cười thêm…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86