Tin buồn

Đốn cao su, ồ ạt trồng tiêu

Cao su, cà phê đang lâm cảnh khó khăn về giá cả và thị trường, trong khi đó cây hồ tiêu lại đang được giá nên ở nhiều địa phương đang diễn ra tình trạng ồ ạt trồng tiêu tự phát.

>> Diện tích hồ tiêu tiếp tục tăng “nóng”

Hơn 3.300 ha cao su bị chặt

Thấy các hộ nông dân khác trồng tiêu thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm, trong khi giá cà phê năm nay thấp (dưới 40 triệu đồng/tấn), ông Nguyễn Văn Cảnh, ngụ ở thôn 10 xã Ea Ning, H.Cư Kuin (Đắk Lắk) cũng quyết định chuyển một phần diện tích cà phê sang trồng tiêu. Ông Cảnh bộc bạch: “Gia đình thuê máy trộn bê tông tự đổ trụ, cây giống nhà tự ươm; dự định mùa mưa này sẽ trồng khoảng 200 trụ tiêu. Các hộ xung quanh cũng đều đổ xô trồng tiêu hết rồi”.

chat cao su trong tieu tay nguyen
Một vườn cao su bị đốn bỏ để chuyển sang trồng hồ tiêu – Ảnh: Minh Phát

Ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng NN-PTNT H.Cư Kuin cho biết, từ đầu năm đến nay bà con nông dân trồng mới hơn 200.000 trụ tiêu, tương đương 200 ha, nâng tổng diện tích tiêu chuyên canh lên 1.666 ha, đó là chưa kể đến diện tích tiêu xen canh đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Việc nông dân trồng tiêu ồ ạt khiến ngành nông nghiệp huyện rất khó kiểm soát về diện tích, dịch bệnh. Để trồng tiêu bắt buộc nông dân phải phá bỏ cà phê, điều, cao su hoặc trồng trên đất hoa màu, thậm chí trồng vội vàng trên những diện tích bị dịch bệnh chưa được xử lý khiến nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh tăng.

UBND xã Ðắk D’rông, H.Chư Jút (tỉnh Đắk Nông) cũng cho biết: Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có trên 100 ha đất hoa màu được người dân san ủi, chôn cọc để trồng tiêu, nâng tổng số diện tích tiêu toàn xã lên hơn 300 ha. Toàn huyện đã có trên 1.400 ha tiêu và hầu hết đều là mới trồng. Những cây trồng bị chặt bỏ để trồng tiêu nhiều nhất là cao su, cà phê vì giá xuống thấp.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tính đến cuối tháng 6.2014, diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi trên cả nước vào khoảng trên 3.300 ha, trong đó chủ yếu diễn ra ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên. Có gần 260 ha cao su ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (3 – 4 năm tuổi) bị chuyển đổi, chủ yếu là chuyển đổi tự phát. Ngoài ra, cũng đã có tổng cộng hơn 270 ha cao su trồng xen đang ở giai đoạn kinh doanh bị thanh lý sớm. Nguyên nhân là trước đây khi cao su có giá cao, nông dân tranh thủ trồng xen cao su trong vườn tiêu, cà phê, chờ cao su lớn sẽ đốn bỏ cà phê, tiêu. Tuy nhiên do hiện nay giá cao su xuống thấp, trong khi tiêu đang được giá nên để đảm bảo thông thoáng vườn cây, nông dân đã tiến hành đốn bỏ cây cao su.

Nhiều rủi ro

Cây tiêu lại đang vụt sáng và có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các mặt hàng nông sản. Khối lượng tiêu xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 111.000 tấn với giá trị 790 triệu USD, tăng 36,2% về khối lượng và tăng 47,8% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2014 đạt 7.013 USD/tấn, tăng 6,95% so với cùng kỳ năm 2013. Giá tiêu đen 3 năm qua liên tục đứng ở mức trên 150.000 đồng/kg. Theo Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), cây tiêu trước đây là cây “xóa đói giảm nghèo”, nhưng hiện tại trở thành cây làm giàu, siêu lợi nhuận. Nhiều hộ trồng tiêu đạt lợi nhuận hàng tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, theo VPA, dự kiến năm nay diện tích trồng tiêu đã tăng lên đến hơn 62.000 ha, vượt xa quy hoạch của Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt là đến năm 2020, tầm nhìn 2030 duy trì ổn định ở mức 50.000 ha.

Trước thực trạng người dân đổ xô trồng tiêu, nguy cơ lớn nhất được các nhà khoa học khuyến cáo là cây tiêu chỉ thích hợp với những vùng đất bazan có độ thoát nước tốt, còn những vùng đất khác cho dù có đầu tư thâm canh tốt, nhưng năng suất sẽ không đạt cao; nếu không lựa chọn kỹ càng nguồn gốc xuất xứ của các loại trụ, giống tiêu thì nguy cơ xuất hiện dịch bệnh hại tiêu là điều không thể tránh khỏi…

Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch VPA khuyến cáo: “Nông dân không nên chạy theo giá cả mà phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu, bởi sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, lúc đó giá tiêu lại giảm. Người trồng cũng không nên lạm dụng phân bón, thuốc hóa học để chăm sóc, mà nên phát triển loại cây trồng này theo hướng sinh học. Đây cũng là cách hướng đến sản xuất tiêu theo phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo thương hiệu cho hồ tiêu VN”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80