Tin buồn

Đắk Lắk: Tổng kết niên vụ cà phê 2012-2013

Ngày 16 tháng 10 năm 2013, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2012 – 2013 và đề ra phương hướng, nhiệm cho niên vụ 2013 – 2014.

Tham dự hội nghị có đại diện Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các sở, ban, ngành của tỉnh và hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cà phê của tỉnh. Ông Y Dhăm Ênuôl – phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

tong ket nien vu ca phe Daklak 2012-2013
Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2012-2013 của tỉnh Đắk Lắk

Theo báo cáo Tổng kết, trong niên vụ 2012-2013, ngành cà phê của tỉnh vẫn tiếp tục chịu tác động không nhỏ từ những khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam và thế giới; tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi trong kinh doanh mua bán cà phê trên địa bàn thời gian qua như trốn thuế, trốn nợ, chiếm dụng thuế VAT… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tuy vậy, với sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để sản xuất cà phê bền vững theo quy hoạch, có năng suất, chất lượng ổn định, tăng cường xuất khẩu, đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và uy tín của sản phẩm cà phê Đắk Lắk trên thị trường trong và ngoài nước.

Niên vụ cà phê 2012-2013, diện tích trồng cà phê của tỉnh Đắk Lắk là 202.022ha, tăng 1.829 ha so với niên vụ trước; trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch 189.091ha, giảm 1.238 ha. Năng suất bình quân đạt 21,8 tạ/ha. Sản lượng cà phê nhân xô đạt 412.182 tấn, giảm 15,5% so với niên vụ trước.

Lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh trong niên vụ 2012-2013 đạt 223.909 tấn, giảm 24,9% so với niên vụ trước, chiếm 16,1% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 465,216 triệu USD, giảm 25,1% so với niên vụ trước và chiếm 15,7% tổng kim ngạch cả nước.

Giá cà phê nhân trong hầu hết thời gian niên vụ đều khá tốt, nhưng vẫn biến động mạnh. Vào cuối niên vụ giá cà phê đã giảm mạnh, bình quân chỉ được 36.980 đồng/kg và giá cà phê vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục tích cực khi bắt đầu niên vụ mới 2013-2014.

Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 58 nước và vùng lãnh thổ, giảm 4 thị trường so với niên vụ trước. Có 31 thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD trở lên và trong đó có 13 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD. Đức vẫn dẫn đầu về nhập khẩu cà phê của Đắk Lắk nhưng đã sụt giảm mạnh 39,7% về lượng và 38,5% về kim ngạch so với niên vụ trước, tiếp đó là Nhật Bản giảm 17,8% về lượng và 17% về kim ngạch. Một số thị trường có sự tăng trưởng mạnh như Trung Quốc tăng 82,5% về lượng và 79,2% về kim ngạch; Pháp tăng 61,9% về lượng và 60% về kim ngạch.

Bên cạnh những bước phát triển, ngành cà phê của tỉnh Đắk Lắk còn có những tồn tại cần khắc phục như: tình trạng thu hái quả xanh còn phổ biến;các cơ chế cho vay vốn hỗ trợ tái canh còn thiếu và chưa đồng bộ, hạn mức vay còn thấp; các phương thức hỗ trợ cho nông dân trong việc đầu tư, chăm sóc, bảo vệ vườn cây còn thiếu; nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn còn chưa quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ…; khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng…

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đưa ra dự báo niên vụ 2013-2014, sản lượng cà phê thu hoạch của Việt Nam sẽ nằm trong khoảng 22-22,5 triệu bao (60kg) do tình hình khô hạn đầu năm 2013 ảnh hưởng đến quá trình kết quả và đợt mưa đầu vụ thu hoạch cũng làm rụng trái dẫn đến giảm sản lượng.

Diện tích cây cà phê toàn tỉnh Đắk Lắk ước tính trong niên vụ 2013-2014 khoảng 202.500 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 192.000 ha, sản lượng cà phê nhân ước đạt 432.000 tấn (năng suất bình quân là 2,25 tấn/ha).

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77