Giá cà phê chật vật tìm đường tăng

Trong tháng 11-2013, giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta đã từng hai lần chạm mức thấp 1.450 đô la Mỹ/tấn nhưng rồi cuối cùng vượt dần lên để tăng gần 200 đô la/tấn. Giá nội địa vượt trên mức 30.000 đồng/kg, tuy nhiên, chỉ sợ tăng vẫn chưa bền.

Xem thêm: >> Giá cà phê đã hết nguy?

bieu do gia ca phe robusta liffe
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE tháng 11-2013 (tác giả cập nhật)

Giá cà phê cố tìm đường lên

Từ mức 31.500 đồng cuối tuần trước, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên nhích dần lên đến 33.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg sáng hôm nay thứ bảy 29-11. Dù vậy, thị trường vẫn chưa nhộn nhịp do hàng chưa thể ra rộ, một mặt do nhiều nơi nông dân đang còn bận bịu chuyện đồng áng, mặt khác thời tiết tại một số vùng nguyên liệu vẫn còn ẩm ướt.

Trong tuần cuối của tháng 11-2013, tuy không tăng đột biến, giá cà phê nguyên liệu đã có chút khởi sắc, tăng 3.500-4.000 đồng/kg so với những ngày đầu tháng, lúc bấy giờ chỉ 29.000-29.500 đồng/kg.

Hôm qua thứ Sáu 29-11, tức rạng sáng nay thứ Bảy giờ Việt Nam, giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE chốt mức 1.642 đô la Mỹ/tấn robusta, tăng 66 đô la so với cuối tuần trước, nhưng so với ngày đầu tháng 11 đã tăng 153 tới đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1). Sàn arabica Ice New York hôm qua cũng tăng 2,75 cts/lb và cả tháng chỉ tăng 2,30 cts/lb hay chừng 50 đô la/tấn.

Đặc biệt, từ nửa tháng nay, sàn kỳ hạn xuất hiện cấu trúc “giá đảo” (inverted) tức là giá niêm yết của tháng giao ngay cao hơn tháng giao xa. Nếu như vào ngày 14-11. giá tháng 1-2014, nay đang là tháng giao dịch chính, cao hơn tháng 3-2014 chỉ 3 đô la/tấn, thì đến sáng nay, mức này đã giãn ra, cao hơn 17 đô la/tấn (xin theo dõi biểu đồ 1 – đường màu đỏ biểu thị giá tháng 1-2014 và màu xanh tháng 3-2014). Điều này nói lên rằng cà phê giao ngay đang khan hiếm nên thị trường chấp nhận mua mắc hơn. Trong điều kiện bình thường, giá “thuận” tức giá tháng giao ngay thường thấp hơn tháng giao xa với mức chừng 20-25 đô la/tấn. Khoản tiền này được hiều để giúp cho người giao xa trả các chi phí lưu kho, tài chính…

Giá cà phê tăng do xuất khẩu giảm?

Có thể nói rằng số liệu xuất khẩu khá khiêm tốn của nước ta trong hai tháng đầu vụ bắt đầu từ ngày 1-10 đã phần nào làm thị trường xao động. Tổng cục Thống kê ước báo rằng tháng 11-2013 nước ta xuất khẩu 80.000 tấn cà phê, tăng 31% so với tháng 10-2013 nhưng giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu 2 tháng đầu niên vụ 2013/14 giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 141.100 tấn so với 224.000 tấn cách đây một năm.

bieu do ton kho ca phe robusta
Biểu đồ 2: Tồn kho thuần robusta đạt chất lượng Liffe NYSE (tác giả tổng hợp)

Hơn nữa, các nước tiêu thụ cà phê chính nằm ở Bắc bán cầu đang vào mùa đông, lại đúng mùa lễ tết cận kề, nên nhu cầu sử dụng cà phê nhiều hơn.

Một yếu tố khác cũng góp thêm vào bức tranh chung của thị trường.

Báo cáo mới nhất của sàn kỳ hạn London cho biết rằng tính đến hết ngày 22-11-2013, tồn kho robusta đạt chuẩn thuộc Liffe NYSE chỉ còn 45.900 tấn, giảm thêm 2.870 tấn so với kỳ báo cáo hai tuần trước đó, là mức thấp nhất tính từ tháng 4-2000 và chỉ bằng 42% cách đấy một năm (xin xem biểu đồ 2).

Mặt khác, hình như thị trường cà phê được thị trường cổ phiếu hà hơi tiếp sức. Thật vậy, thị trường tài chính tuần qua đã chứng kiến giá cổ phiếu Mỹ tăng lên các mức cao kỷ lục như vào ngày 27-11, chỉ số S&P 500 đạt mức 1.807,23 điểm, Dow Jones tăng lên mức 16.097,33 điểm, là những mức kỷ lục từ trước đến nay.
Các yếu tố ấy cũng góp phần đáng kể nâng giá kỳ hạn lên trong tuần vừa rồi.

Chỉ ngại tăng không bền

Nếu như không bàn đến các yếu tố kỹ thuật như mức độ tham gia của các quỹ đầu cơ thì sản lượng cụ thể của các nước cạnh tranh và sức bán hiện nay của họ là yếu tố rất đáng quan tâm.

Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng sản lượng cà phê của Brazil niên vụ hiện nay, thu hoạch xong cách nay hai tháng, có thể đạt 53,1 triệu bao (60 kg x bao), gồm 39,2 triệu bao arabica và 13,9 triệu bao robusta, cao hơn ước báo 47,5 triệu bao mà cơ quan Conab thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil đưa ra.

Nếu chỉ khoanh lại cho năm này, sản lượng cà phê Brazil đã thừa cho nhu cầu của nước này, gồm tiêu thụ nội địa chừng 21,1 triệu bao và dành cho xuất khẩu 31 triệu bao mà không cần gộp tồn kho đầu kỳ chừng 6-7 triệu bao. Như vậy, giả sử niên vụ tới, sản lượng Brazil không đổi so với hiện nay, tồn kho đầu kỳ của năm tới 2014 sẽ lên đến 8-9 triệu bao.

Vậy mà, năm tới, theo chu kỳ sinh học cây cà phê Brazil “năm được-năm mất”, năm sau lại là “năm được”. Nếu như sản lượng vụ sau của Brazil chỉ tăng khiêm tốn lên 56 triệu bao, nguyên số cà phê thặng dư của Brazil đã bằng hay lớn hơn sản lượng của Colombia, theo USDA ước chừng 11 triệu bao. Thật ra, nhiều người đang ngắm ngía con số 60 triệu bao cho Brazil trong năm tới. Hiện nay, thị trường đang bàn đến con số tổng lượng cà phê đầu kỳ của Brazil từ tháng 10-2014 là 64 triệu bao, đấy có thể là con số tối thiểu. Động thái của thị trường đang biến thiên theo các con số này.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết nước này đã xuất khẩu 67.000 tấn cà phê trong tháng 9-2013, giảm 2,9% so với mức 69.000 tấn cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng cà phê xuất khẩu toàn niên vụ 2012/13 của Indonesia đạt 545.000 tấn, tăng 50,5% so với mức 362.000 tấn so với niên vụ 2011/12.

Hơn nữa, trong tuần qua, giá cách biệt giữa hai sàn arabica và robusta chỉ quanh quẩn mức 750-800 đô la/tấn so với mức đỉnh chừng 4.100 đô la/tấn. Giá cách biệt này càng co lại bao nhiêu càng bất lợi cho robusta bấy nhiêu, ngược lại, càng giãn ra càng có lợi. Nếu như trước đây người ta mua một tấn robusta là 1.600 đô la chẳng hạn, thì một tấn arabica tương ứng với mức 5.700 đô la; với mức cách biệt co lại như hiện nay, arabica chỉ chừng 2.400 đô la/tấn. Tại thị trường hàng thực, mức cách biệt này có thể còn rẻ hơn, có thể chỉ 400-500 đô la/tấn.

Khi giá cách biệt trên co lại, các hãng rang xay có khuynh hướng sử dụng arabica nhiều hơn.

Tuy cà phê xuất khẩu của nước ta giảm hẳn từ sáu tháng nay với lượng xuất khẩu hàng tháng đều dưới xa con số 100.000 tấn, vẫn chưa thấy thị trường “cập rập” lo thiếu hàng như những năm trước, trong đó có phần chi phối của mức cách biệt giữa hai loại cà phê. Với các thông tin trên, dù có người cho đó chỉ là dự báo hay tin đồn gì đi nữa, thì thị phần cà phê nước ta hình như đang mòn dần. Đấy phải chăng là điều đáng lo nhất của người sản xuất kinh doanh cà phê hiện nay?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dinhnhi

    Chào Bà Con !
    Cà phê giá như thế này dân ta có cơ hội chặt hết cà phê để tái canh đây ,khỏi lăn tăn chuyện giá cả nửa.

  2. Trần Ninh

    Theo như bài viết trên đây, có vẻ như tác giả khuyên Bà con nông dân nên bán ra ồ ạt khi giá lên khoảng 34-35 ngàn/kg vào dịp Noel này, nếu không sẽ không còn cơ hội cho đến 2015.

  3. phamvanloi2608

    Với giá cà phê như năm nay thì các nhà phân tích cũng thừa biết sản lường cà phê năm sau của các nước sẽ như thế nào .
    Dân nghèo lấy tiền đâu ra chăm bón cho cà phê tốt được !
    Đồn điền cà phê chắc cũng bù lỗ . VN cũng thế Brazil cũng thế thôi.

  4. tran phong

    Có bà con nào vay được tín dụng tái canh cây cà phê chưa vậy? Chia sẻ kinh nghiệm để mọi người biết cách vay được nguồn này để tái canh.

  5. Hoàng Quỳnh

    Giá lên anh “hoài nghi”, giá xuống anh “đột quỵ”.
    Phải chăng anh thận trọng?
    Sao anh không thận trọng theo chiều hướng ngược lại?
    Giá xuống thời “hoài nghi”, giá lên thời “bay bổng”?
    Có phải vì hiện nay tình hình không ủng hộ giá lên vì cà phê Robusta dư thừa?
    Nhưng sao lại ảo tưởng về những điều không thực tế?
    Arabica dư thừa rất rõ thể hiện ở số liệu tồn kho không ngừng tăng cao.
    Trong khi đó Robusta tồn kho ngày càng giảm, giảm đến mức thấp kỷ lục.
    Việt Nam mấy năm qua thời tiết không thuận lợi, khi nắng hạn, khi mưa vào lúc cà trổ bông.
    Thực tế đã rõ cà phê Robusta thiếu hụt trầm trọng
    Vậy mà có những người cứ thích Robusta dư thừa. Và rất hoan hỷ khi giá xuống.
    Lạ thay! Lạ thay!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88