Tin buồn

Trồng cà phê sạch giúp nông dân né “cơn rớt giá”

Những ngày qua, thông tin về việc cà phê liên tục rớt giá từng ngày ở mức thấp nhất trong ba năm qua khiến người dân không thể yên tâm. Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ ám ảnh mãi người làm nông nghiệp nơi đây. Nhưng ở huyện Đắk Hà-vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Kon Tum có một nhóm hộ vẫn có niềm vui riêng cho mình trong “cơn rớt giá”.

Quy trình khép kín

Năm 2009, một nhóm 42 hộ dân ở thị trấn Đắk Hà – huyện Đắk Hà được một người quen đang công tác ở Hà Nội giới thiệu về mô hình trồng cà phê sạch theo tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế Flo (tổ chức quốc tế về thương mại công bằng) đem lại hiệu quả cao nên nhiệt tình hưởng ứng. Theo đó, một tổ hợp tác mới với tên gọi “Tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng” đã ra đời. Đối tượng tham gia tổ hợp tác này là những hộ, cá nhân làm cà phê nhỏ lẻ, ưu tiên hộ khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hội không kết nạp các cá nhân, tổ chức sản xuất lớn.

IMAG2149
Hạt cà phê được dàn mỏng khi phơi nhằm đảm bảo độ khô, sạch.

Để có sản phẩm sạch, quy trình sản xuất cà phê cũng có những đổi thay so với trước. Theo đó, các diện tích cà phê trồng đều nghiêm cấm dùng thuốc diệt cỏ, khuyến khích dùng phân bón vi sinh thay phân hữu cơ. Sản phẩm sau thu hoạch phải được phơi trên nền xi măng hoặc bạt, phơi cà phê không được để dày, phải mỏng. Nghiêm cấm việc thu hái trái còn xanh, phải đảm bảo độ chín trên 90%. Vườn cây phải sạch, không để các vỏ bao bì phân bón trên vườn… “Việc làm này không lạ vì lâu nay huyện Đắk Hà đã nghiêm cấm thu hái trái xanh, khuyến khích sử dụng phân vi sinh như dùng vỏ cà phê ủ bón lại cho cây. Chúng tôi phải ý thức để đảm bảo chất lượng của sản phẩm khi đưa ra thị trường”, anh Dương Văn Bằng – nhóm trưởng Ban môi trường, kiểm soát của tổ cho biết.

Xem thêm: Cách làm phân vi sinh giá rẻ từ vỏ cà phê

Theo anh Dương Văn Bằng, bản thân tổ cũng hình thành các ban kiểm soát để thanh, kiểm tra các tổ viên trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, người của tổ chức Flo thường xuyên về tập huấn cho nông dân quy trình trồng, chăm sóc. Cùng với đó là các buổi kiểm tra việc trồng, chăm sóc, thu háichế biến của hội viên… trước khi cấp giấy chứng nhận đã tuân thủ theo tiêu chuẩn của tổ chức cho mỗi hộ gia đình.

Mở nhiều cái lợi cho dân

Quy trình chặt chẽ, khép kín là vậy nhưng với người trồng thì tổ hợp tác lại mở ra nhiều cái lợi cho người dân.

Theo quy định, tất cả các sản phẩm làm ra hiện nay phải được chào bán với giá tối thiểu 2.480 USD/tấn nhân. Đây là mức giá cao so với thị trường. Để giúp người dân bán được sản phẩm, tổ chức Flo với hệ thống trải rộng khắp ở các thị phần lớn trên thế giới đã đứng ra đảm nhiệm chào hàng, giới thiệu sản phẩm đến các đơn vị có nhu cầu. Năm đầu tiên vừa tham gia nên sản phẩm bán không đáng kể nhưng đến các năm tiếp theo lượng hàng bán ra theo cấp số nhân. Từ khoảng 20 tấn trong 5 năm đầu tiên tham gia đến hai năm qua bình quân mỗi năm xuất gần 500 tấn đã giúp người dân hưởng lợi nhiều.

IMAG2160
Cà phê sau khi sơ chế được đóng gói, bảo quản nơi khô thoáng.

Đối với các sản phẩm chưa bán được, người dân tham gia sẽ ký gửi vào doanh nghiệp đợi khi có hợp đồng sẽ xuất. Nếu khó khăn, người dân có nhu cầu bán gấp thì giá bán sẽ cao hơn thị trường hiện tại 200 – 400 đồng/kg. “Chúng tôi không lo doanh nghiệp lừa vì tất cả sản phẩm bán đều được tổ chức Flo kiểm soát và báo lại cho các hội viên biết” các thành viên trong tổ khẳng định.

Ngoài ra, mỗi kg cà phê xuất khẩu, nhà nhập khẩu phải đóng 9.000 đồng tiền phúc lợi đầu tư cho cộng đồng. Theo đó, số tiền trên sẽ được giao về cho tổ hợp tác để tái đầu tư lại cho vườn cây. Trong năm 2012 vừa qua, bình quân mỗi ha được quỹ đầu tư lại 20 triệu đồng tiền phân bón và các chế phẩm sinh học. Số tiền trên bằng khoảng ½ tổng số tiền đầu tư bón phân cho một ha cà phê trong mỗi vụ. Ngoài ra, trong các năm qua, quỹ phúc lợi đã tái đầu tư hạ tầng cho cộng đồng. Theo đó, quỹ đã đầu tư hội trường tổ dân phố 5 thị trấn với giá 870 triệu đồng, hội trường và nhà tình thương ở tổ dân phố 2B với giá gần 700 triệu đồng; khen thưởng, tặng quà cho các con em có thành tích xuất sắc trong học tập… Những hộ trong tổ còn được cấp đồ bảo hộ lao động, thuốc men…. và đi Trung Quốc tham quan các mô hình hay.

“Ngoài việc hưởng lợi từ giá sản phẩm cũng như các ưu đãi đầu tư khác thì cái lợi lớn nhất với người tham gia là được trang bị kiến thức sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường cho mỗi người”, anh Bằng kết luận. Trong năm tới, tổ sẽ sang Thái Lan để học hỏi mô hình ở nước này. Đây tuy không phải là cường quốc cà phê nhưng mô hình tổ hợp tác của Thái Lan rất tốt. Các nhà nhập khẩu cà phê lớn của thế giới luôn tìm đến. Với họ, đầu ra cho sản phẩm không phải là vấn đề.

Ông Phạm Đức Hạnh – Bí thư huyện ủy Đắk Hà phấn khởi cho biết: Trong khi người dân trồng cà phê đang loay hoay với bài toán giá cả thì những người tham gia vào tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch của Đắk Hà lại khá vững tin vào sản phẩm của mình với giá thành và đầu ra đảm bảo. Với những lợi ích trên, mùa cà phê này này tổ hợp tác cà phê sạch đã mở rộng lên gần 100 hội viên.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. lambaoloc

    Tôi cứ tưởng cà phê sạch là sao nhưng đọc xong thấy cà phê của nông dân bây giờ hầu như là sạch. Ai bây giờ mà chẳng hái chín, hái xanh thì hao chứ còn gì. Hơn nữa đại đa số bây giờ người ta làm cỏ bằng máy, nói chung cà phê của nông dân đại đa số là sạch chỉ khi các nhà rang xay là hết sạch thôi. Nhưng giá vẫn bèo là vì người ta dùng chất phụ nhiều. Vì đồng tiền người ta không cần đến sức khỏe của con người.

  2. Phạm Hùng Sơn

    Nếu chuyện trong bài viết có thật thì tại sao các địa phương khác không có mô hình này nhỉ? Như lambaoloc nói thì chuyện làm cà phê sạch theo tiêu chuẩn trong bài viết là không khó. Có bạn nào là thành viên của “Tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng” trong bài viết thông tin thêm cho bà con chúng tôi rõ hơn câu chuyện này được không? Xin cảm ơn trước!

  3. Cà Phê Bền Vững

    Chào tất cả bà con nông dân!
    Có thể chủ đề này đã được Trang Y5 đề cập nhiều nhưng bà con không chú ý. Thực ra bà con gọi từ ” CÀ PHÊ SẠCH” là chưa đúng và chưa hết ý của giá trị loại cà phê này. Không phải bà con lau sạch, rửa sạch, bón phân” sạch”, ” làm cỏ sạch” là cà phê sạch mà ý nghĩa của từ sạch ở đây có nghĩa là ” Giá trị của chuỗi giá trị” Nâng cao giá trị sản phẩm lên trong chuỗi giá trị ấy. Để thực hiện và nâng cao được giá trị cũng như truy nguyên được nguồn gốc cà phê có được đảm bảo thực hiện theo các yêu cầu để nâng cao giá trị không thì bà con nông dân chúng ta buộc phải thực hiện theo bộ nguyên tắc chung gọi là” Bộ Nguyên Tắc chung cho cộng đồng cà phê: ‘ Common code for coffee community”. BÀ con vui lòng tham khảo thêm tại http://www.4c-coffeeassociation.org/ để có thể hiểu thêm.

  4. Trần Ninh

    Việc sản xuất cà phê sạch như bài viết trên đây thực sự không có gì khó khăn đối với bà con nông dân. Vấn đề về giá bán tôi thấy có điều gì đó không ổn: hiện tại giá cà phê ở thị trường thế giới đang thấp (chỉ 1448 đến 1500USD/tấn) trong khi sản xuất theo FLO thì giá tối thiểu 2.480 USD/tấn, thật khó tin. Mặt khác, tôi cho đây là điều quan trọng nhất: nếu không bán được thì ký gởi DN, vậy đến bao giờ DN bán được với giá tối thiểu 2.480 USD/tấn cho bà con (một năm, 2 năm hay nhiều năm chờ đến khi giá cà phê thế giới tăng trở lại?), và nếu bà con cần bán thì giá cao hơn giá thị trường hiện tại từ 200-400đ/kg, cụ thể như hiện tại 30.000đ/kg thì cà phê sạch của FLO chỉ bán được tối đa 30.400đ/kg thì chẳng có gì hấp dẫn.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81