Tin buồn

“Đại gia phố núi” đổ nợ tiền tỉ cho nông dân

Hàng chục hộ dân ở xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) phản ảnh với XLPL về tình cảnh điêu đứng, sống không được mà chết cũng chẳng xong của họ khi bị một cặp vợ chồng lừa cạn tài sản bằng chiêu bài “thu gom cà phê” rồi bỏ trốn biệt tăm biệt tích khỏi địa phương

Xem chuyên đề: >> Đại lý vỡ nợ và chuyện ký gửi cà phê của nông dân

Vợ chồng “đại gia” thu mua cà phê thay phiên nhau bỏ trốn

Trong đơn kêu cứu gửi đến Xa lộ Pháp luật, hàng chục nông dân ở xã Ninh Gia tố cáo bị vợ chồng Lê Văn Minh (SN 1977) và Hoàng Thị Hương (SN 1979) trú tại thôn Hiệp Hòa (Ninh Gia, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) chiếm đoạt hàng tỉ đồng bỏ trốn. Nhiều nạn nhân cho biết trước khi sự việc đổ bể vợ chồng Minh được đánh giá là cặp vợ chồng “hiền như bụt”, chí thú làm ăn cũng như biết đối nhân xử thế trong quan hệ xóm giềng.

chiem dot ca phe o lam dong
Chân dung “nữ đại gia”

Được biết trước đây vợ chồng Minh vốn nghèo khó nhưng nhờ bắt đầu “lên đời” từ khi chuyển sang nghề thu mua cà phê bán lại cho chủ hàng. Theo đó cứ đến mùa thu hoạch cà phê, hàng chục gia đình ở xã Ninh Gia giao cho vợ chồng Hương – Minh chở hàng tấn cà phê đi bán rồi cả tháng sau mới tới nhận tiền.

Nhờ được bà con tạo điều kiện nên chỉ vài năm bước vào nghề kinh doanh cà phê, vợ chồng Minh có cuộc sống khá giả. Và đến thời điểm xảy ra sự việc đôi vợ chồng này được xếp hàng “đại gia” trong giới kinh doanh ở địa phương.

Người dân cho biết những năm trước Minh và Hương thực hiện rất sòng phẳng giao kèo mua bán cà phê, không bao giờ chậm của ai đồng nào. Tiếng lành đồn xa, những nông dân trồng cà phê kéo nhau đến hợp tác làm ăn cùng vợ chồng tiểu thương Lê Văn Minh ngày càng nhiều. Danh tiếng cũng như uy tín của “đại gia” thu mua cà phê phố núi chỉ thật sự đổ bể từ đầu năm 2013.

Chị Trần Thị Yến Linh, chủ một đại lý chuyên thu mua cà phê cho biết vào cuối năm 2012 giao cho vợ chồng Minh 1,4 tỷ đồng (có giấy viết tay) để làm “đại lý con”. Theo thoả thuận, vợ chồng Minh dùng số tiền này đặt cọc khi mua cà phê từ các hộ dân. Sau đó chị Linh sẽ mua lại số hàng này và trả cho đại lý khoản tiền huê hồng.

“Chúng tôi thỏa thuận đến ngày 19/1/2013 vợ chồng Minh phải giao đủ số lượng hàng cho tôi. Nhưng đến ngày 20/1, đã quá hạn mà vẫn chưa thấy cà phê chuyển tới, chồng tôi chạy xe xuống nhà “đại lý con” mới hay tin Hoàng Thị Hương đã bỏ trốn. Riêng Minh vẫn ở nhà”, chị Linh kể.

Ngay sau đó sự việc được trình báo lên công an xã Ninh Gia. Tại cơ quan công an, đối tượng Lê Văn Minh xác nhận vợ mình đã ôm nhiều tỉ đồng tiền hàng của hàng chục hộ gia đình trốn khỏi nhà trong đêm 19/1, hiện không rõ ở đâu.

Minh khai nhận toàn bộ kế hoạt bỏ trốn của vợ anh không hề hay biết. Thế nhưng chỉ vài ngày sau khi được công an mời lên làm việc, đối tượng này cũng lặng lẽ rời khỏi địa phương, giao hai con nhỏ cho bà con nội, ngoại chăm sóc.

Hàng chục nông dân rơi vào cảnh “khóc dở chết dở”

Qua nắm bắt vụ việc ở địa phương, nạn nhân bị vợ chồng Minh – Hương lừa đảo chiếm đoạt tiền bán cà phê lên tới 20 gia đình. Ngoài “mua cà phê nhưng không trả tiền” của người dân, vợ chồng tiểu thương Lê Văn Minh còn chiếm đoạt tiền do các đại lý cấp một “cho mượn” ban đầu.

Tổng số tiền vợ chồng này “ẳm túi” cao chạy xa bay ước tính 5 – 6 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Hoa trú tại thôn Hiệp Hòa cho biết nhiều năm nay gia đình mình đều bán cà phê cho cơ sở vợ chồng Minh. Theo sổ sách, vụ thu hoạch cuối năm 2012 vợ chồng tiểu thương này phải thanh toán cho bà Hoa hơn 307 triệu đồng. Nhưng đến nay vợ chồng Hương – Minh bỏ trốn khiến gia đình bà đang lâm vào hoàn cảnh bi đát.

“Hiện gia đình tôi đang bị chủ cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu đòi nợ ráo riết. Mấy năm lại đây cây cà phê mất giá nên tiền lãi có đáng bao. Tất cả vốn liếng gia đình coi như tiêu tan”, bà Hoa mếu máo.

vo no ca phe o lam dong
Các nạn nhân trình bày sự việc với phóng viên

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Hướng, một nạn nhân khác của vợ chồng Hương – Minh khóc lóc phản ánh: Đầu tháng 1-2013, gia đình bà đã bán cho vợ chồng Hương – Minh 4 tấn cà phê nhân trị giá gần 160 triệu đồng nhưng chưa nhận được đồng nào. Thành quả lao động của hơn chục nhân công cả năm trời của gia đình coi như “công dã tràng”.

Được biết, thời điểm vợ chồng Lê Văn Minh bỏ trốn, nhiều người tới cơ quan chức năng để trình báo. Nhưng cũng không ít nạn nhân thừa nhận trước đây “bí mật” bán cà phê cho vợ chồng Minh, nay mất trắng tiền không dám tố cáo bởi sợ bị chồng hoặc vợ phát hiện sẽ dẫn đến tình cảm vợ chồng bất hòa.

Trước những thiệt hại của người dân do Hoàng Thị Hương cùng chồng là Lê Văn Minh gây ra, người dân phản ánh cơ quan chức năng địa phương tỏ ra thiếu trách nhiệm.

Cụ thể sự việc xảy ra từ tháng 1/2013 nhưng mãi tới tháng 4/2013 công an huyện Đức Trọng mới về địa phương thu thập chứng cứ, lấy lời khai một số nạn nhân sau khi những gia đình bị lừa đảo liên tục tới cơ quan công an đề nghị làm rõ sự việc.

“Từ đó đến nay những người bị hại chúng tôi không nhận được bất kỳ câu trả lời hay thông tin nào từ phía cơ quan công an. Chúng tôi rất nóng lòng tìm ra vợ chồng Hương và Minh để đòi lại tài sản mà trả nợ. Với tình cảnh này chỉ có nước bán nhà cửa lên rẫy dựng lều mà sống”, anh Lê Đức Thiệu, một nạn nhân trình bày.

Đem những trăn trở, bức xúc của người dân đến trao đổi với công an huyện Đức Trọng, Trung tá Trần Quốc Toản, Đội phó đội CSĐT tội phạm về TTXH cho biết: “Việc vợ chồng Hương – Minh đã rời khỏi địa phương là có thật, tố cáo của người dân chúng tôi đã nhận được hồ sơ.

Hiện nay, chúng tôi đang ráo riết vào cuộc và đang chờ kết quả giám định chữ ký nhận tiền, nhận cà phê của vợ chồng Hương – Minh từ công an tỉnh Lâm Đồng. Khi có kết quả giám định từ công an tỉnh, xác định đúng chữ ký trên giấy ký nhận từ các hộ là của vợ chồng Hương – Minh, chúng tôi sẽ cho khởi tố vụ án và phát lệnh truy nã ngay ”.

Trung tá Toản cho hay công an huyện Đức Trọng sẽ gấp rút chỉ đạo điều tra làm rõ sự việc đồng thời động viên, giải thích và trấn an các nạn nhân.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. k duông

    Đã biết bao nhiêu vụ vỡ nợ ở Daklak rồi Gialai sao bà con nông dân không cảnh giác, để rồi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, nhìn vào gương các vụ vỡ nợ, chính quyền có làm gì đâu, thôi đành chờ mùa tới thôi. bótay.com

  2. Y - Hnuaêban

    Bài học này đã quá cũ, cũ đến mức cứ hễ nhắc tới đại lý Cafe là chúng ta đều nghĩ ngay đến chuyện lừa đảo của một số đại lý kể cả những đại gia nổi tiếng. Vậy bà con ta sao lại mơ hồ và mất cảnh giác đến ngây thơ như vậy, gửi vào các cơ quan kinh tế của nhà nước hẳn hoi chưa chắc đã hoàn toàn tin tưởng điển hình như Inexim DakLak chẳng hạn (Xưởng CB II) đó. Bọn lừa đảo nó mưu mô xảo quyệt lắm cũng do pháp luật còn nhiều kẽ hở nên chúng sẵn sàng hy sinh đời bố để củng cố đời sau, đánh đổi vài ba năm tù rồi được đặc xá lại trở về bình thường mà số tiền chúng lừa bà con ta có lấy lại được đâu. Có dư thì cho nhau mượn tạm giải quyết khó khăn đối với những người thân ruột thịt, xóm giềng ở mức vừa thôi, còn cứ bỏ trong buồng là OK nhất hoặc có tiền chưa biết làm gì thì tạm trú vào Bank rồi sau tính, đừng nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của chúng, phải cảnh giác cao độ nhé bà con.

  3. nguyen thi thuy hang

    Sách cũ soạn lại, nông dân phải coi chừng , nâng cao cảnh giác với mấy anh đại da “mượn đầu heo nấu cháo”. Đừng tin vào mấy chàng tên Lí mang họ Đại kia. Tin anh ấy thì bán nhà đấy.

  4. bùi văn khuyến

    Mang trứng giao cho ác rồi lại trách chính quyền không có trách nhiệm, thật hết chổ nói. Chung quy cũng từ lòng tham mà ra. Tại sao không tiền trao cháo múc, trách ai bây giờ…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81