Quy chuẩn cho sản phẩm cà phê bột: Những đòi hỏi từ thực tiễn (kỳ 2)

Trong sản xuất chế biến cà phê bột, hầu hết các cơ sở ít nhiều đều phải gia giảm thêm các nguyên liệu. Nhưng do chưa có những quy chuẩn cụ thể nên hiện khó đánh giá, định lượng các chất phụ gia cần gia giảm như thế nào là vừa phải, là không độc hại…

Kỳ II: …Đến khó do thiếu tiêu chí về chất phụ gia

Quy trình thì chặt, nhưng quy chuẩn thì chưa

Theo đánh giá của các nhà quản lý và cả các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê, quy trình xin cấp phép sản xuất, chế biến cà phê bột hiện nay khá chặt chẽ. Theo đó, cơ sở chế biến phải hoàn thành đầy đủ các loại giấy tờ như: giấy kiểm tra sức khỏe định kỳ của người sản xuất, giấy chứng nhận tham gia tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ; bao bì không được sử dụng bao bì tái chế. Căn cứ trên việc xem xét các loại giấy tờ này, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh sẽ cấp giấy xác nhận phù hợp quy định về an toàn thực phẩm (nếu có đầy đủ hồ sơ, sẽ cấp giấy trong vòng 7 ngày) cho doanh nghiệp.

Danh hiệu Cúp Vàng chất lượng sản phẩm cà phê bột sẽ ngày càng có uy tín hơn nếu có quy chuẩn để kiểm định chặt chẽ việc sản xuất, chế biến cà phê bột. (Trong ảnh: Trao danh hiệu Cúp Vàng chất lượng sản phẩm cà phê bột cho các cơ sở, doanh nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV năm 2013). Ảnh: Hoàng Gia

Quy trình cấp phép chặt chẽ như vậy song hiện vẫn chưa có một bộ quy chuẩn nào về các thành phần trong cà phê bột. Trên bao bì của sản phẩm cà phê bột hiện chỉ công bố về hàm lượng caffein (theo quy định của Bộ Y tế, tiêu chí bắt buộc đối với cà phê bột là hàm lượng caffeine phải trên 1%, độ ẩm bảo đảm để tránh ẩm mốc). Hiện nay, việc kiểm tra chất lượng cà phê bột chủ yếu dựa trên Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29-3-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. TS. Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của tỉnh cho biết từ trước đến nay, khi tiến hành kiểm tra, nếu các cơ sở vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, lần 2 phạt hành chính và lần 3 mới thu hồi giấy phép kinh doanh. Kèm theo đó, những đơn vị làm tốt, tức đạt loại A thì 1 năm kiểm tra một lần, loại B thì tần suất kiểm tra 6 tháng 1 lần, loại C phải đình chỉ để khắc phục lỗi cho đến khi cơ sở phải thực hiện nghiêm việc bảo đảm an toàn thực phẩm mới được sản xuất kinh doanh lại. Cách xử lý này vừa nhằm mục đích tuyên truyền, uốn nắn, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện cho các cơ sở làm ăn, cạnh tranh lành mạnh.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết, từ thực tế đi kiểm tra cho thấy có một số cơ sở có trộn các chất phụ gia như bắp, các loại đậu… nhưng lại chưa có quy chuẩn, tiêu chí nào để đoàn kiểm tra đối chiếu, xác định. Cán bộ kiểm tra không biết căn cứ vào đâu để xem xét xem việc độn bao nhiêu chất hoặc nên độn những chất gì với hàm lượng thế nào vào cà phê giúp tạo hương vị cà phê thơm ngon mà không gây hại đến sức khỏe. Chính vì vậy mà cũng qua công tác kiểm tra, có những cơ sở có pha trộn một số nguyên liệu nông sản trong chế biến cà phê bột nhưng hàm lượng caffeine bảo đảm trên 1% thì vẫn cho phép hoạt động.

Cũng vì chưa có quy chuẩn nên quy trình xét đạt danh hiệu Cúp Vàng chất lượng sản phẩm cà phê bột (vẫn được thực hiện trong các kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột) chủ yếu dựa trên cảm quan, nếm thử sản phẩm xem hương vị thế nào bên cạnh việc xem xét có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hay không chứ không phải căn cứ trên việc xét nghiệm là sản phẩm phối trộn những thành phần gì… Điều đáng nói là sau các Lễ hội Cà phê, doanh nghiệp có quyền được dùng danh hiệu Cúp vàng trong quảng cáo sản phẩm song nếu sản phẩm đó có sai phạm thì cũng không bị thu hồi Cúp.

[ Tiêu chuẩn cà phê Việt Nam ]

Đã có những “con sâu làm rầu nồi canh”

Bởi thiếu những quy chuẩn cụ thể về chất phụ gia nên thực tế đã tạo kẽ hở cho một số cơ sở rang xay, chế biến hám lợi đã tạo ra cà phê “dởm”, đánh lừa vị giác người uống bằng cách tẩm hóa chất vào bột đậu nành để chế biến cà phê bột, thêm bột bắp, bỏ ký ninh để tăng độ đắng… Câu chuyện này đã từng gây xôn xao dư luận trong những ngày tháng 7-2012. Dù đó là kết quả phát hiện qua kiểm tra của cơ quan chức năng ở TP.Hồ Chí Minh nhưng thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột cũng không thể không nghiêm khắc mà nhìn chuyện người để đề phòng cho mình.

Và rồi cũng không phải đâu xa lạ, dù chưa đến mức nghiêm trọng như vậy nhưng chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2013, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra, phát hiện 14 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột trên địa bàn tỉnh không đạt tiêu chuẩn chất lượng như đã công bố. Hàm lượng caffeine trong hầu hết các mẫu sản phẩm kiểm tra chỉ đạt 0,2 – 0,47%, quá thấp so với mức chuẩn quy định, trong khi đó hầu hết các cơ sở bị kiểm tra đều công bố hàm lượng caffeine trên bao bì là lớn hơn hoặc bằng 1%. Còn theo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học khảo sát chất lượng cà phê bột sản xuất và lưu thông trên địa bàn Dak Lak do Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành trên 27 mẫu cà phê bột và cà phê hòa tan ở 30 cơ sở sản xuất, ngoài nguyên liệu cà phê nhân, có 73,3% số cơ sở dùng thêm đậu nành, 46,7% số cơ sở dùng thêm bắp, 6,7% dùng thêm đậu đỏ. Về phụ gia thực phẩm sử dụng cho chế biến cà phê, có 80% số cơ sở dùng caramel, 63,3% dùng tinh hoặc hương cà phê, 60% dùng bột vani; 96,7% số cơ sở dùng bơ các loại, 86,7% có dùng rượu, 3,3% số cơ sở dùng nước mắm… Về nội dung này, xét một cách khách quan, khảo sát điều tra để biết vậy chứ cũng chưa có căn cứ nào để nói các cơ sở nói trên vi phạm vì chưa có quy chuẩn quy định cụ thể về chất phụ gia. Thêm nữa, nhiều người cho rằng, chất phụ gia chủ yếu là các loại nông sản thì cũng chẳng có gì là hại. Nhưng vấn đề là ở liều lượng và chất lượng của các loại nông sản để pha trộn này như thế nào mới là điều đáng bàn và cần phải có những tiêu chí cụ thể.

Kỳ 1:  Khó từ sản xuất nhỏ lẻ và manh mún…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83