Cà phê: Những điều tai không muốn nghe

Giá sàn kỳ hạn robusta vượt lên lại, qua mức 1.800 đô la/tấn, nhưng chưa ai dám khẳng định đợt tăng giá tuần qua là vững bền và lâu dài. Có quá nhiều yếu tố đáng lo cho giá kỳ hạn, để rồi kéo theo hậu quả bất an cho giá nội địa và xuất khẩu trong thời gian tới.

Vì sao giá tăng?

Từ mức đóng cửa 1.759 đô la/tấn cuối tuần trước, giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE chỉ cần nhích hai bước là tăng 65 đô la trong hai ngày giao dịch đầu tuần. Phiên giao dịch cuối tuần ngày 5-7 tức rạng sáng nay thứ Bảy 6-7, đóng cửa tháng 9-2013, tức tháng giao dịch chính, sàn kỳ hạn robusta chốt mức 1.809 đô la/tấn, giảm so với hôm qua nhưng tăng 50 đô la so với tuần trước.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên nhờ vậy nhảy từ 37.000 đồng lên trên 38.000 đồng/kg. Hôm nay, thứ Bảy, giá thị trường nội địa quanh mức 37.500-37.700 đồng/kg, tăng 500-700 đồng/kg so với cách nay 7 ngày. Lượng mua bán trao đổi khá cầm chừng. Một số người ngại thị trường bấp bênh, họ phải chốt một phần các lô hàng đã giao bán, giao tại các kho bên người mua.

Giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn kỳ hạn vẫn được chào ở mức cao đối với các hợp đồng đi ngay: cộng 100-120 đô la/tấn FOB cảng TP. HCM so với giá cơ sở giao dịch chính là tháng 9-2013 tại sàn London. Nếu mức bán đầu niên vụ cho loại này là trừ 80 đô la/tấn, giá xuất khẩu hiện nay cao hơn bấy giờ từ 180-200 đô la/tấn.

Rõ ràng, với thị trường như hiện nay, hàng hóa khó bề lưu thông trao đổi. 2000 đô la/tấn trên sàn kỳ hạn vẫn đang là mức kỳ vọng cho nhiều người còn giữ hàng vì đó là cơ sở cho giá nội địa qua mức 40.000 đồng/kg.

Giá niêm yết của sàn kỳ hạn London thấp là nguyên nhân làm giá nội địa rẻ hơn từ mấy bữa nay. Người còn “ngậm” hàng chưa thể bán do thấp hơn giá thành. Giá xuất khẩu cao, cộng 100-120 đô la/tấn FOB so với London làm “nghẹn” người mua vì tính ra không đủ “sở hụi”. Chỉ có ai thật rất cần do thiếu hàng giao mới mua cho hàng đi.

Các tháng 7 và 8 hàng năm là kỳ nghỉ hè của các hãng rang xay và kinh doanh cà phê tại các nước tiêu thụ phương Tây, nên mua bán giai đoạn này thường rất im ắng. Đợt tăng giá vừa qua trên sàn kỳ hạn London được xem như là một cuộc chỉnh giá sau khi rớt “một thôi” từ trên 2.100 xuống gần 1.700 đô la/tấn trong ba tháng vừa qua. Đồng thời, đây là dịp tổng kết 6 tháng đầu năm. Các quỹ đầu cơ thường dùng thời gian tuần đầu của quý mới và 6 tháng cuối năm để điều phối, chu chỉnh lượng vốn của họ trên các thị trường. Thị trường tài chính như một bình thông nhau. Vào dịp này, giới đầu cơ thường để ra vài ba ngày để “kết sổ” và cân đối lượng vốn qua lại trên các sàn cho hợp lý với kế hoạch riêng của họ. Trong trường hợp này, có thể họ đã kéo ít vốn về lại hai sàn cà phê vì giá đầu năm đã xuống “quá xá”; có thể vì vậy mà giá mấy ngày đầu tuần nhích lên khá bất ngờ và đẹp mắt chăng?

Nghe sản lượng “không muốn tin”

Brazil được hai mùa liên tiếp 2012/13 và 2013/14 đang rộ hiện nay. Mùa này, tuy Brazil trong chu kỳ “mất” sau một mùa trước “được” và đến nay vẫn bán chưa hết hàng, dồn lại, tạo sức ép bán ra đến niên vụ này. Nếu  lấy số bình quân của các ước báo thấp nhất đã được công bố, chừng 50 triệu bao cho niên vụ 2013/14, cộng với tồn kho từ vụ cũ mang sang 10 triệu bao, Brazil đang nắm trong tay 60 triệu bao tức 3,6 triệu tấn. Trong khi đó, bình quân hàng Brazil cần tiêu thụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu mỗi tháng chừng 240 ngàn tấn, nên cả năm thị trường hàng Brazil chỉ tiêu thụ chừng 2,9 triệu tấn, thặng dư 700 ngàn tấn. Nếu Brazil ra tay bù thiếu hụt do bệnh nấm lá đang làm giảm sản lượng arabica vùng Nam Mỹ, thế giới cũng chỉ cần thêm 200 ngàn tấn arabica. Số dư ròng đến cuối vụ 2014/15 của Brazil chừng 500 ngàn tấn. Thế mà vụ sắp tới, cà phê Brazil lại vào năm “được”!

Đồng real Brazil (BRL) mất giá mạnh, hiện ở 2,2512 BRL ăn 1 đô la Mỹ, đang ở các mức thấp nhất tính từ 4 năm trở lại đây, là lực đẩy để Brazil xuất khẩu với giá “vô tội vạ”. Chính vì vậy, không trách gì đầu cơ và các hãng kinh doanh đang thiên về “bán trước mua sau” tạo giá giảm mạnh hơn trên thị trường.

Reuters hôm 4-7 đưa tin một số nhà kinh doanh ước sản lượng robusta Việt Nam cũng tăng trong niên vụ tới, quanh mức 27-29 triệu bao, hay chừng 1,7 triệu tấn, cao hơn vụ cũ khoảng 10%. Điều này ngược với ước đoán của một quan chức Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) mới đây đưa tin giảm 30% so với niên vụ này, được ước chừng 1,2 triệu bao. Nên, con số sản lượng cà phê Việt Nam vụ mới 2013/14 nhẩm tính theo quan chức này chỉ còn 800.000 tấn. Nhỏ quá đáng! Nếu sản lượng nước ta ở mức này, kiến nghị của Vicofa về việc giữ 1/5 sản lượng cà phê để giúp giá tăng xem ra không cần thiết. Vì chưng, nếu sản lượng chỉ chừng bấy, “không cần chương trình tạm trữ, giá thị trường robusta cũng phải tăng mạnh ngay khi ông ta ước báo rồi”, một nhà phân tích tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu.

Người bán nhiều, kẻ mua ít: đều phải lo

Tổng cục Thống kê ước trong 9 tháng đầu niên vụ đến hết tháng Sáu 2013, cả nước xuất khẩu đạt 1,19 triệu tấn.

Phía Brazil, Bộ Thương mại nước này ước xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2013 tăng 20%, chừng 803.000 tấn.
Chỉ tính tồn kho cà phê tại các cảng biển của Nhật, nước tiêu thụ lớn thứ ba sau Mỹ và Đức, tính đến hết tháng 5-2013 đạt 2.619.833 bao, tức 157.190 tấn, tăng 5,48% so với tháng trước. Đây là mức tồn kho cao kỷ lục từ trước đến nay. Nhật tiêu thụ bình quân hàng năm 7.236.000 bao/năm, hay 434.160 tấn. Lượng tồn kho “khủng” ấy xấp xỉ với 19 tuần tiêu thụ. Thế mà, hai hãng rang xay lớn nhất tại Nhật hiện nay là Nestlé và Kraft thường không có thói quen “ngậm” hàng nhiều và để lâu như thế. Nhờ có mạng lưới tổ chức thu mua toàn cầu của riêng họ, hai “người khổng lồ” này chỉ nhận hàng khi cần theo cách “nước đến chân mới nhảy” (just-in-time) để giảm chi phí tài chính và lưu kho.

Nên tồn kho trên nên được hiểu của các công ty kinh doanh môi giới đưa về phục vụ các nhà rang xay cỡ vừa và nhỏ. Vậy, nếu hạn chế trong khu vực này, ước số lượng hàng ấy phải sử dụng đến 30 tuần mới cạn kho nếu như trong thời gian dài hơn nửa năm ấy không cần nhập khẩu thêm một hạt nào. Vậy, thị trường Nhật từ nay đến cuối năm có hai chọn lựa: nếu tiếp tục nhập đều, lượng tồn kho này khó giảm, hoặc muốn giảm tồn kho, Nhật sẽ nhập khẩu hạn chế. Hơn nữa, Nhật là nước tiêu thụ chủ yếu arabica. Họ thường mua robusta loại cực tốt như chế biến ướt hay cà phê được đánh bóng làm sạch để thay thế arabica khi loại cà phê thơm này cao giá. Liệu mua bán cà phê robusta giữa ta với Nhật trong nửa năm cuối này có trầm lắng?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Văn Thành

    Theo tui được biết, khách hàng từ Nhật rất khó tính. Họ mua hàng chỉ thử nếm không dùng máy, tính toán cung cầu rất kỷ lưỡng (nước đến chân mới nhảy) cho nên họ không thể để một lượng hàng tồn kho lớn như vậy (bảy tháng không cần mua vẫn còn hàng để tiêu thụ) thông tin này nên kiểm chứng lại … Người Nhật không chỉ dùng càfee để uống mà họ còn dùng càfee để ĂN nữa đó, bà con cứ yên tâm sx ra càfee thật nhiều là được, dù Nhật có thừa hàng thì Trung quốc đang tiêu thụ rất mạnh, bên cạnh đó Ấn độ đang mất mùa nặng nhất hơn 10 năm qua.

  2. Gold Coffee

    yennguyen bạn đã từng hỏi Cà phê có phải là Vàng, xin thưa chính là Vàng mà còn là Vàng nguyên chất không pha tạp chất nữa đấy. Cơm no áo đẹp, nhà lầu xe hơi đặc biệt là con cháu học thành tài là nhờ Cà phê cả đấy!
    Vì vậy tôi rất đau lòng khi nghe thấy bà con chặt Cà phê, tại sao vậy nhỉ, không có phương án khác hay hơn để giữ cây cà phê lại cho mùa tới hay sao? ngoại trừ bị sâu bệnh, năng xuất thấp phải thay giống mới đã đành, thật tiếc. Riêng tôi chưa khi nào chặt phá bỏ 1 cây Cà dù có lúc giá Cà phê xuống còn 4 triệu 3 trăm ngàn/1 tấn.

    1. phamtuan

      Trước khi chặt bỏ đi bà con chúng tôi cũng fải đắn đo tính toán rồi mới chặt. Chứ cứ ôm lấy vươn để rối chết đói giá thì chẳng tăng là bao trong khi đó giá đầu tư thì cao chi phi lớn. Thử hỏi trồng được cây cà phê đâu có dễ chặt đi cũng đau lắm. Làm cà phê mà nhà lầu xe hơi con cái ăn học tới nơi tới chốn thì nhà bác phải làm mấy chục ha mà ko phải thuê nhân công ko cần đầu tư nhiều mà năng suất lại cao.

  3. Hoàng phúc

    Tôi biết tại sao bạn đặt tên “gold cafe” vì khi giá 4,3 triệu/ tấn bạn vẫn mua được 1 cây vàng. Nếu tính theo vàng tôi nghĩ cafe thời điểm đó còn cao hơn bây giờ.

  4. tuan

    Thị trường đang được hỗ trợ tốt. Nguồn hàng vụ mùa vừa qua xem như đã gần cạn. Chúng ta bắt đầu trông vào vụ mùa tiếp theo với 1 ván bài lật ngửa nhưng không hề đơn giản.

  5. sự thật

    Giá cả giống như một cuộc chiến, người bán muốn bán cao, người mua muốn mua thấp nên hai bên phải dùng mọi khả năng để giàmh phần lợi về mình. Trong cuộc chiến này hầu như người mua luôn giành được phần thắng vì họ có sức mạnh tài chính, làm chủ thông tin, có kế hoạch, chặt chẽ. Bên bán luôn ở thế yếu vì phải đối diện với cơm, gạo, áo, tiền… phần lớn chi phí đều trông cả vào cà phê. Trong khi sản xuất manh mún, không có được sự gắn bó, đoàn kết. Tầm nhìn về kinh tế, tài chính rất giới hạn. Nên phần lớn chịu thua trong cuộc chiến giá cả này, chấp nhận được chăng hay chớ, được sao hay vậy.

    Trong cuộc chiến giành chủ quyền đất nước, ông cha đã bao lần lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy tầm vông, gậy gộc thắng máy bay, tàu chiến. Ngày nay con cháu điều kiện tốt hơn các cụ xưa nhiều, tài chính tốt hơn, trí tụê tốt hơn, kiên trì, can đảm chắc cũng không kém. Điều thiếu là không có tổ chức, không có người lãnh đạo. Lại gặp những viên tướng tồi chưa đánh đã chạy. Mà thói đời càng chạy địch càng đánh, càng đuổi, càng rệt. Bởi vậy mới có cảnh giá bị rệt về tới 4k. 1 kg cà phê không bằng 1 kg cà pháo. Trong khi giá trị của loại thức uống cao cấp này không thay đổi và ngày càng tăng cao. Giá bán lẻ ly cà phê hầu như có xu hướng luôn tăng trên toàn thế giới. Hô hào bán, đe dọa nhau bán, càng bán nhiều giá càng hạ đó là điều tất yếu. Muốn giữ được giá trị kinh tế của hạt cà phê rất cần có tổ chức, đoàn thể, có tướng tài, hiểu biết, có tâm, có tầm. Khi giá lên từ từ bán ra, có lúc tấn công, găm hàng đẩy giá lên, lúc giá xuống thu quân, chờ cơ hội..

    Cà phê là thức uống thiết yếu của cuộc sống văn minh, hiện đại, con người cần uống để hưng phấn, tỉnh táo, nâng cao sức lao động chân tay và trí não. Nó có giá trị cụ thể, thiết yếu đâu phải loại sản phẩm bèo bọt mà sợ mất giá? Nếu cứ sợ mất giá, bán tháo thì giá sẽ mất thật khỏi phải bàn cãi. Cho dù mọi điều kiện đều tốt mà cứ tăng cường bán, tranh nhau bán thì giá giảm là chắc. Khi nào hàng hết thật không còn để bán vì bị địch quân đánh đuổi, bị tướng tồi hô hào bán tháo, bị cuộc chiến thông tin làm cho tanh bành, điêu đứng, bị địch gom hết hàng với giá rẻ sau đó đẩy giá lên hưởng lợi, ra thông tin tốt lúc đó mình ngồi nhìn tiếc nuối, mấy vị tướng tồi vẫn ngồi phểnh râu, ta có tin tốt, ta vẫn là tướng, là nhà thông thái hiểu nhiều, biết rộng. Quân ơi tin tốt rồi, tốt lắm đấy, quyết găm hàng chờ giá lên cao hãy bán. Nghiệt nỗi hàng bán hết rồi còn đâu nữa mà găm?

  6. tuan

    @Sự Thật : Rồi đến 1 lúc nào đó nước ta tích lũy được đủ năng lực tài chính thì lúc sẽ làm chủ được giá.

  7. ho hung

    Người uống cà phê của đất nước sản xuất cà phê nhất nhì thế giới như VN ta đang phải uống vào một thứ hỗn hợp các chất độc hại được gọi là “cà phê”. Người không uống cà phê ở VN ta mà vào quán cà phê lại đang đưa vào mình thứ độc hại còn trên mọi thứ độc hại.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85