Tổng hợp thị trường cà phê tuần 24 (10/6 –15/6/2013)

Tuy giá cà phê nhân xô đã đảo chiều tăng vào cuối tuần nhưng khả năng để giá cà phê Robusta London hồi phục vẫn chưa thấy có dấu hiệu thực sự rõ ràng.

Đầu tuần, giá cà phê thế giới thể hiện xu hướng trái chiều. Trên sàn Liffe NYSE London, giá cà phê Robusta tiếp tục suy giảm nhẹ. Kỳ hạn giao tháng 7 giảm 3 USD, tương đương giảm 0,16 %, xuống 1.845 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 6 USD, tương đương giảm 0,32 %, còn 1.857 USD/tấn. Tuy nhiên, đây lại là mức giá cà phê Robusta cao nhất tuần.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE New York đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao tháng 7 tăng 1,8 cent, tức tăng 1,42 % lên 128,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 1,85 cent, tức tăng 1,43 %, lên 130,85 cent/lb. Đây cũng là mức giá cà phê Arabica cao nhất tuần.

Giữa tuần, giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng suy yếu trên cả hai thị trường. Tại thị trường London, giá cà phê Robusta tiếp tục trượt dài. Kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm tất cả 140 USD, tương đương giảm 7,59 %, xuống 1.705 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm tất cả  126 USD, tương đương giảm 6,79 %, còn 1.731 USD/tấn. Đây là mức giá cà phê Robusta thấp nhất tuần.

Tương tự, tại thị trường New York, giá cà phê Arabica tuy có phiên tăng nhưng xu hướng chính vẫn là suy yếu. Kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm tất cả 5,05 cent, tức giảm 3,92 % xuống 123,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm tất cả 5,45 cent, tức giảm 4,17 %, còn 125,4 cent/lb.

Cuối tuần, giá cà phê thế giới tiếp tục thể hiện xu hướng trái chiều. Tại thị trường London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng 34 USD, tương đương tăng 1,96 %, lên 1.739 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 33 USD, tương đương tăng 1,87 %, lên 1.764 USD/tấn.

Trái lại, giá cà phê Arabica tại thị trường New York đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao tháng 7 giảm 1,45 cent, tức giảm 1,17 % xuống 122,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 1,6 cent, tức giảm 1,28 %, còn 123,8 cent/lb. Đây cũng là mức giá cà phê Arabica thấp nhất tuần.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm xuống mức 38.400 – 38.700 đồng/kg.

Giá cà phê xuất khẩu loại R2, 5% đen vỡ, xuống ở mức 1.800 USD/tấn, (FOB), với mức cộng 60 USD theo giá tháng 7 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta London giảm 99 USD/tấn, tương đương giảm 5,31 %, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 1.600 đồng/kg, tương đương giảm 3,98 % và giá cà phê Arabica New York giảm 5,2 cent/lb, tức giảm 4,03 %, các mức giảm khá mạnh.

Theo các nhà quan sát thị trường, dường như đã có sự bán tháo ở một số quốc gia sản xuất lớn do nguồn cung dồi dào tại các nước Mỹ Latinh và dấu hiệu thế giới sẽ có năm thứ hai cung cà phê vượt quá cầu ngày càng rõ ràng hơn.

Trong báo cáo hàng tháng mới đây, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO)  cho rằng nhiều nước trồng cà phê có thể phải đối mặt với thua lỗ trong năm nay khi họ bán cà phê với giá dưới mức chi phí sản xuất trong bối cảnh chỉ số giá trung bình tổng hợp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Tư năm 2010. Báo cáo cũng ghi nhận trong 4 nhóm giá thì giá cà phê Robusta có biến động thấp nhất.

Conab, cơ quan dự báo mùa vụ của Bộ Nông nghiệp Brazil, cho rằng sản lượng năm nay vào khoảng 48,6 triệu bao. Trong khi đó, công ty Tư vấn và Phân tích Safras & Mercado ở Sao Paulo ước báo sản lượng sẽ ở mức 52,9 triệu bao, gồm 15 triệu bao cà phê Robusta và 37,9 triệu bao cà phê Arabica. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng vừa đưa ra con số ước tính, nhà sản xuất số 1 thế giới sẽ có vụ thu kỷ lục của năm giảm trong chu kỳ hai năm một ở mức 53,7 triệu bao, giảm 5% so với ước tính sản lượng của vụ trước.

Liên đoàn gieo trồng cà phê quốc gia Colombia (Fedecafe) vừa có báo cáo cho biết sản lượng cà phê của quốc gia thuộc dãy Andes đang hồi phục mạnh mẽ và Colombia sẽ sớm giành lại vị trí nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ ba thế giới.

Anh Văn (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Văn Thành

    Một sự thật lâu nay mà chỉ có người trong cuộc mới tin. Đó là, gần 3-4 tuần nay các nhà đầu tư tung ra những thông tin trái chiều nhau để thi nhau mua bán khống (hàng giấy) làm cho các nhà rang xay muốn mua hàng thực trong lúc này nhưng không có, buộc họ phải đem hàng dự trữ ra chế biến để tiêu thụ. Rồi đến một thời điểm nào đó , cái gì đến ắt nó sẽ đến khi hàng trong kho vơi dần từng ngày.

  2. Thành

    Giá hiện rất khó lên vì đầu cơ bán khống quá nhiều rồi nên họ sẽ đè giá xuống thấp để mua thanh lí. Có lên cũng phải qua tháng sau thì mới may ra.

  3. Hậu Anh Gialai

    Thời tiết thì thất thường, phân bón, nhân công thì tăng, giá thì giảm, zậy mà có người lấy bắp làm cà phê, hại dân, hại nước quá….

  4. Gold Coffee

    Theo tôi có rất nhiều lý do làm cho giá cà phê xuống và chưa đúng với giá trị của mặt hàng nông sản này, cho dù Cà phê là mặt hàng giao dịch trên sàn kinh tế thế giới rất mạnh, chi sau Dầu (hàng tiêu dùng)
    1. Cán cân cung và cầu
    2. Sức khỏe kinh tế toàn cầu (mức tiêu thụ của các nước dùng cà phê để chế biến các mặt hàng tiêu khác như: Bánh, kẹo, nước tăng lực, thuốc chữa bệnh v..v., chính trị, tiền tệ, tin gây sốc v..v
    3. Đầu cơ có hệ thống của những nhà Tư Bản hạng nặng.
    4. Các nhà rang xay chế biến cà phê hòa tan và bột.
    Nhưng đặc biệt là các nhà rang xay thành phẩm trong nước vì muốn siêu lợi nhuận nên họ chỉ dùng chủ yếu là Bắp và Đậu nành để chế biến, cà phê chỉ là thứ phụ nên giá cà phê cứ ảm đạm thế này đấy các bác ơi.
    Ở Indonesia, theo tôi biết mức tiêu thụ cà phê nội địa rất lớn, mà lại tăng liên tục hàng năm.
    Vài dòng chia sẻ cùng diễn đàn NÔNG DÂN TRÔNG CÀ PHÊ, Tôi cũng là dân mê cây Cà phê từ 1984. Tôi còn nhớ năm 1986 có 1kg cà phê nhân xô đưa ra HTX đổi được 15kg Gạo. NGHĨ LẠI THẤY SƯỚNG THẬT.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88