Tan tác thị trường cà phê!

Chỉ sau một tuần, giá cà phê trên thị trường nội địa giảm 2.000 đồng/kg. Chỉ cần một tuyên bố hay một tin đồn từ ai đó, giá hàng hóa trên các sàn kỳ hạn, rất khăng khít với thị trường tài chính, đua nhau tháo chạy tán loạn.

Giá đua nhau đổ nhào

Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE tuần qua
Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE tuần qua

Suốt nhiều tháng qua, đã có không biết bao nhiêu thông tin đầy thiện ý với mục đích hỗ trợ, đẩy giá cà phê lên như hạn hán, cung cấp thiếu hụt, xuất khẩu giảm mạnh… nên người còn cà phê trong tay vẫn nuôi kỳ vọng sẽ có mức cao như 45.000 – 50.000 đồng/kg. Tuần qua, ai đặt kỳ vọng giá tăng càng cao, càng thất vọng lớn.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đang lìa dần mức kỳ vọng 45.000 đồng/kg để quay về mức thấp 41.000 đồng/kg. Thực vậy, sáng hôm nay, giá cà phê nội địa chỉ còn đứng quanh mức 41.500 đồng/kg, giảm 2.000 đồng so với cách đây một tuần.

Với mức ấy, người còn giữ hàng đành phải chờ “chuyến đò” khác, vì nếu bán ra, ắt hẳn chịu lỗ do lỡ mua vào mức cao như 43.000-44.000 đồng. Mặt khác, giá kỳ hạn xuống quá nhanh, bên mua cũng đang “bần thần”, chưa định được thị trường đi tiếp hướng nào.

Tại sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE London, ngày qua ngày khác giá xuống nhanh. Đóng cửa phiên cuối tuần khuya thứ Sáu 24-5, tức rạng sáng thứ Bảy 25-5 giờ Việt Nam, giá niêm yết tháng giao dịch chính (7-2013) chốt tại mức 1.952 đô la/tấn, vực lên lại từ mức 1.937 đô la/tấn, là mức giao dịch thấp nhất tính từ ngày 10-1-2013 đến nay (xin xem biểu đồ 1 phía trên).

So với tuần trước, giá London đi mất 85 đô la/tấn. Sàn kỳ hạn Ice của cà phê arabica tại New York thê thảm hơn: rớt 9,65 cts/lb tức chừng 213 đô la/tấn.

Nghe rằng, thị trường tài chính thế giới, trong đó có các sàn cà phê kỳ hạn rung chuyển khi vị Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke dự kiến giảm dần chương trình kích cầu, tức hãm dần lượng tiền “in mới” vào các thị trường nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ như đã từng làm trước đây.

Có lẽ đó là tác nhân chính để đầu cơ tài chính “buông” cổ phiếu và hàng hóa giao dịch chỉ với chủ đích tài chính mà ta thường gọi là “hàng giấy”, tạo ra cảnh tan tác vừa qua trên thị trường cà phê.

Thông tin cung – cầu khá bất lợi

“Họa vô đơn chí”, thật xui cho thị trường cà phê. Đồng lúc đó, báo cáo thường kỳ của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) phát hành cho tháng 4-2013 thấy toàn những con số lớn.

[ Giới thiệu Tổ chức Cà phê Thế giới – ICO ]

bieu do xuat khau ca phe the gioi
Biểu đồ 2: Xuất khẩu cà phê thế giớ 6 tháng đầu niên vụ cao kỷ lục (nguồn: ICO)

ICO nói rằng xuất khẩu cà phê thế giới trong 6 tháng đầu niên vụ 2012-13, tức từ 1-10-2012 đến 31-3-2013, đạt mức cao chưa từng có trong lịch sử ngành hàng cà phê thế giới từ trước đến nay với 56,1 triệu bao (60 kg x bao), tăng 7% so với cùng kỳ cách đấy 1 năm (xin xem biểu đồ 2). Trong đó, lượng robusta xuất khẩu quá mạnh, đạt 22,2 triệu bao, tăng 15% so với cùng kỳ vụ 2011-12.

Riêng châu Á và châu Đại dương, xuất khẩu chủ yếu robusta, trong kỳ đạt 20,6 triệu bao, đây cũng là kỷ lục xuất khẩu 6 tháng đầu niên vụ của vùng này so với cùng kỳ của các vụ trước. Thống kê ICO cũng cho rằng, xuất khẩu cà phê của nước ta trong thời gian này đạt 12,4 triệu bao, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Indonesia, tuy con số không bằng nước ta, xuất khẩu trong kỳ cũng đạt kỷ lục 5,2 triệu bao, tăng 71,4% so với cách đấy 12 tháng. Tỉ lệ xuất khẩu vùng châu Á và châu Đại dương chiếm hơn 1/3 tổng lượng xuất khẩu của thế giới.

Thống kê xuất khẩu của ICO thường được hiểu là các lô hàng đã giao xuống tàu, ra khỏi nước xuất khẩu (sold & shipped) chứ không tính hàng còn nằm trong các kho ngoại quan (sold & unshipped).

ton kho ca phe chau au
Biểu đồ 3: Tồn kho Cà phê châu Âu ECS

Báo cáo thường kỳ của Liên đoàn Cà phê châu Âu (European Coffee Federation – ECF) cho biết rằng tồn kho cà phê châu Âu thuộc diện kiểm soát của tổ chức này tính đến hết tháng 3-2013 tăng 108.831 bao so với tháng 2-2013, đạt mức 10.329.674 bao. Như vậy, sau 12 tháng tính từ tháng 3-2012, lượng tồn kho cà phê châu Âu tăng 938.399 bao.

Châu Âu, Mỹ và Nhật là ba khối nước tiêu thụ cà phê lớn của thế giới. Số liệu tồn kho của khối này có thể ảnh hưởng đến giá sàn kỳ hạn và giá xuất khẩu của 2 loại cà phê robusta và arabica.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. sự thật

    Nhìn vào biểu đồ tồn kho châu âu chúng ta thấy mức tồn kho hiện nay là khoảng trên 10 triệu bao, theo con số chính xác nêu trên là 10,330 triệu bao (xin phép làm tròn số cho dễ đọc). Giá hiện nay là 1950$/tấn.
    Tồn kho tháng 7/2011 gần 14 triệu bao. Giá cà phê lúc đó cũng là 1950$/tấn.
    tóm lại:
    1. Khi tồn kho 14 triệu bao giá tương ứng là 1950$
    2. Khi tồn kho 10,3 triệu bao giá tương ứng là 1950$
    Như vậy giá hiện nay là quá thấp (tồn kho ít hơn nhiều mà giá đã trượt dài như thế gọi là quá bán!).
    Đã quá bán rồi thì sẽ xuất hiện lực mua và giá sẽ sớm tăng trở lại.
    Hy vọng là như vậy để những ai chưa xuất hàng có cơ hội bán được giá cao.

  2. sự thật

    Cũng nhìn vào biểu đồ trên chúng ta thấy khoảng tháng 5/2011 tồn kho ở khu vực 13 triệu bao, đó cũng là lúc giá cà phê đạt đỉnh 52 triệu vnđ/tấn
    Tính từ khu vực 4/2010 đến nay thì tồn kho hiện nay đang ở mức thấp và đang chạm khu vực kháng cự 10,5 triệu bao. Nên khả năng tồn kho giảm xuống trong thời gian tới là có thể xảy ra.
    Nói cách khác, mức tồn kho hiện nay là bình thường.

  3. sự thật

    Từ tháng 10/2010 đến tháng 5/2011 tồn kho liên tục gia tăng từ khu 10 triệu lên khu 13 triệu.
    Tương ứng thời gian đó giá cà phê Robusta cũng tăng liên tục từ khu 1600-2700.
    Dựa trên thực tế đó có thể nghĩ tồn kho hiện nay đang ủng hộ giá lên. Hy vọng đợt giảm này chỉ là ngắn hạn và những kỳ vọng giá lên 55-60 vẫn có cơ sở xảy ra.

  4. nongdancun

    Đã quá bán rồi thì sẽ xuất hiện lực mua và giá sẽ sớm tăng trở lại. Đó là một niềm hy vọng. Một hy vọng quá mong manh. In-đô nắng ráo thuận lợi cho thu hoạch. Bra-xin tiếp tục có một năm sản lượng cao. Tây nguyên đã có mưa đều, báo hiệu một vụ mùa khả quan vào niên vụ tới. Như vậy có sức mua nhưng hàng đầy ắp thì chắc gì người ta chịu bỏ tiền ra để mua giá cao. Hay là người ta lại chờ cho giá xuống nữa!
    Trong lúc nầy nếu có lên chăng cũng chỉ là một vài phiên điều chỉnh nhẹ, còn lại đa phần sẽ là tiếp tục xuống và xuống. Những ai nuôi hy vọng thì cứ hy vọng. Nhưng đó là một hy vọng khó thành hiện thực. Ít ra là trong năm nầy.

  5. sự thật

    Quan sát kỹ hơn chúng ta thấy từ 10/10 đến 5/11 tồn kho tăng đều từ 10 triệu bao lên 13 triệu bao. trong giai đoạn này giá từ 1250$/tấn lên 2700$/tấn, có nghía là thời kỳ này tồn kho và giá cùng đồng hành, tỷ lệ thuận với nhau.
    Xét giai đoạn từ tháng 4/12 đến nay tồn kho tăng từ 9 triệu bao lên 10,3 triệu bao, trong khi giá tăng từ 1700$/tấn lên 1950$/tấn, như vậy thời kỳ này tồn kho và giá cũng đồng hành. Vậy thì nếu trong thời gian tới nếu tồn kho lên 13 triệu bao thì giá cũng có thể lên 2500$/tấn – 2700$/tấn. Bởi vì như trên đã phân tích, chúng ta đều thấy một thực tế là trong giai đoạn này tồn kho và giá đang cùng đồng hành, tỷ lệ thuận với mhau.

    1. duchuy

      Số liệu @ Sự thật đưa ra tháng 10/10 giá 1250 và tháng 05/11 giá 2700 , tôi thấy không đúng với dữ liệu tôi cập nhật từ năm 2009 đến nay, nếu bạn cần kiểm chứng lại tôi sẽ gửi cho bạn dữ liệu cụ thể từng phiên giao dịch trong thời gian trên, email liên lạc : [email protected]

      1. sự thật

        Chào bạn,
        Tôi chỉ nói đến tính tương đối thôi, số liệu có thể không chính xác như bạn nói nhưng bà con nông dân ai cũng biết thời gian từ 10/10 – 5/11 là chu kỳ tăng giá từ 25000vnđ/kg lên 52000vnđ/kg.
        Trong thời gian này nhìn vào biểu đồ tồn kho ở trên chúng ta thấy cũng tăng từ khu 10 triệu bao lên khu 13 triệu bao. Thông điệp chính là nhờ quan sát với cái nhìn khách quan, chúng ta nhận ra có những thời kỳ giá và tồn kho cùng đồng hành tăng.
        Hiện nay tồn kho đang ở khu vực 10,3 triệu bao, nếu trong thời gian tới tăng lên 13 triệu bao thì khả năng giá cà phê lên 45000vnđ/kg – 50000vnđ/kg vẫn có thể xảy ra.
        Và chúng ta cũng biết năm nay hạn hán rất dễ mất mùa, lượng xuất khẩu cà phê Robusta của nước ta thường chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số lượng cà phê Robusta xuất khẩu của toàn thế giới. Nên những ai kỳ vọng giá lên 50000vnđ/kg là có cơ sở.

    2. bienho

      Trong giai đoạn này ( 2008-2012) kinh tế Mỹ và Châu Âu đang tụt dốc thê thảm , đồng dollar Mỹ rớt giá thảm thiết . Giới đầu cơ bảo toàn vốn của mình nên chui vào đầu cơ trên thị trường hàng hóa làm cho vàng , bạc , đồng … và cà phê tăng giá như diều gặp gió . Nói như thế để thấy rằng quý vị chỉ thiên về PTKT mà quên đi những yếu tố kinh tế chính trị khác . Nay kinh tế Mỹ và Châu Âu bắt đầu khởi sắc trở lại , vàng rớt thê thảm … thì e rằng các lập luận của các ông chỉ là trò cười cho thiên hạ .

  6. Nguyễn Thiên Hưởng

    Sự thật phân tích rất có lý. Theo mình nhận định thị trường này đã xuất hiện lực mua trở lại, khi mà lực bán muốn giảm nhưng lực mua đã kéo nó về vạch xuất phát. Hiện tượng này trong chứng khoán là cây nến Doji. Thị trường cà phê sẽ đảo chiều trong ngắn hạn. Nhưng cái mức giá 55-60 rất khó đạt được. Mình không thấy thông tin có thể hỗ trợ mạnh như vậy. Lực mua đã xuất hiện nhưng vẫn chưa có tín hiệu mạnh, thông tin chưa hỗ trợ lực mua làm sao giá có thể lên cao.
    Theo mình
    Gia cà phê sẽ dao động trong vùng (42-44.000/kg).
    Nếu mong muốn giá lên cao hơn thì phải qua tới vụ, khi mà thị trường thiếu hụt sản lượng.

  7. Giang

    Có lý ở chỗ nào? @Sự thật lấy đâu ra số liệu này mà bàn : Xét giai đoạn từ tháng 4/12 đến nay tồn kho tăng từ 9 triệu bao lên 10,3 triệu bao, trong khi giá tăng từ 1700$/tấn lên 1950$/tấn,…
    Chỉ giùm cụ thể ngày nào tháng 4/12 lại có giá 1700$ ???

  8. HOÀNG KIM

    Chào các bạn,
    Không bàn tới việc các số liệu các bạn dẫn giải có chính xác hay không. Ở đây tôi xin xin góp ý thế này : Phân tích cơ bản (PTCB) về bản chất là rất khó, đòi hỏi chúng ta cần có một đội ngũ chuyên gia cùng với những nguồn tin xác thực, nhanh nhạy và có giá trị. Tuyệt đại đa số chúng ta chỉ được tiếp cận những thông tin rất là sơ sài, ít quan trọng hoặc “tin vịt”. Chỉ có những đại gia thật sự, bỏ ra một số tiền lớn để MUA TIN mới có thể có tin chính xác. Còn nếu chỉ dựa vào vài số liệu như các bạn tham luận như trên mà để dự báo thì thật là không thể. Mặt khác, năm 2011 là năm Robusta đạt đỉnh cao của nhiều năm nên lấy số liệu năm đó ra để so sánh với các năm thông thường thì e rằng không chuẩn xác.
    Vài lời chia sẻ !

    1. vanho

      Mình đã đọc bài viết của bạn , nhưng nếu bài viết của bạn cách đây khoảng tháng 3 lúc đó cà đang đĩnh điểm thì minh khâm phục bạn lắm , còn bây giờ bạn viết lên những PTCB thì tôi cũng thấy bạn cũng là bình thường và chỉ là người đi sau

    2. sự thật

      Tôi nhớ trong một bình luận gần đây, anh Hoàng Kim có nói nửa cuối năm nay giã cà phê Robusta sẽ lên 50-60. Xin được hỏi hiện nay anh có thay đổi quan điểm của mình không?

      1. HOÀNG KIM

        Chào bạn,

        Hiện tại tôi vẫn đang theo dõi và phân tích sát sao.
        Khả năng giá còn giảm nhiều nên tôi chưa đưa ra khả năng giá sẽ hồi phục chính xác là bao nhiêu.
        Cho tới giờ phút này, tôi chưa phủ nhận điều gì đã phát biểu.

  9. sự thật

    Hy vọng đóng cửa phiên hôm nay Robusta kỳ hạn đóng cửa dương 20$ và sau đó đảo chiều tăng để bà con được mừng!

    1. bienho

      Chiều nay London đóng cửa -30usd . Điều này cho thấy các anh toàn bốc phét và nông dân lại là nạn nhân của các anh mà thôi . Xúi bà con giữ hàng để phục vụ ý đồ của các anh :duy trì vị thế LONG trên paper market .

  10. Nguyễn Văn Chiến

    “Phân tích cơ bản (PTCB) về bản chất là rất khó, đòi hỏi chúng ta cần có một đội ngũ chuyên gia cùng với những nguồn tin xác thực, nhanh nhạy và có giá trị”. Nhiều ý kiến phản hồi ở Y5 hay quá, thể hiện những nhận định, phán đoán có lí, có tâm huyết. Nếu Y5 cà phê giúp diễn đàn tập hợp trí tuệ, kinh nghiệm quý này, để có những định hướng tốt cho bà con thì hay quá.

  11. Xuanhai

    Nghèo cũng cho con đi đức. Cứ giá này thì đừng hòng mưa được cà phê của bà con. Quyết 48.000 mới bán nha bà con

  12. coffeeonline

    Cà phê là một trong những mặt hàng giá biến động rất mạnh và có nhiều thành phần tham gia mua bán kể cà các quỹ đầu tư lớn của thế giới. Giá cà phê có những lúc 50.000 VNĐ/kg thì cũng có những lúc chỉ còn 5.000 VNĐ/kg. Cà phê của mình thì giá cả và bán lúc nào là do mình quyết định, tất cả các thông tin cũng như phân tích cũng chỉ mang tính chất tương đối và chỉ để tham khảo. Quan trọng là sức chịu đựng của mình được bao nhiêu và bao lâu? Chúc bà con có những quyết định sáng suốt để đạt hiệu qủa cao nhất.

  13. phuhoang

    Theo tôi được biết tâm lý chiến là khá quan trọng trong thời chiến, vì vậy có một quan điểm sau. Một nếu giacaphe đứng về phía nông dân yêu cầu không đăng những tin làm giảm giá như sản lượng tăng, được mùa, kinh tế suy thoái… Tích cực đăng tin kich thích giá như lượng xuất khẩu giảm, hỗ trợ vốn, mất mùa… Chỉ cần một tháng giá sẽ tăng.

      1. Cua Đồng

        Theo tôi VN mình không làm ra giá chỉ làm ra nhân cà thôi, nên phụ thuộc vào giá cả thế giới, chứ VN mình nhà nước không hỗ trợ giá, các nhà rang xay thì một hạt cà cõng mấy hạt bắp và đậu.

    1. Ham Rong

      Hoang tưởng . Bạn nghĩ Người mua họ là những thằng ngu à ? Hơn nữa tại sao Y5Cafe phải đi làm những việc trái với thị trường như vậy . Chúng ta cần đưa tin khách quan để bà con nông dân có những nhận định và tự đưa ra quyết định hợp lý .

  14. Hồ Chí Cường

    Tôi đọc phản hồi của các bạn rất nhiều nhưng tôi tin vào bạn ‘cà phê sáng’ sao không thấy bạn lên diễn đàn? Cà phê xuống tôi rất buồn! Nhà tôi còn 20 tấn cà phê nhân gửi trong kho mà phải vay nợ lãi ngân hàng để bón phân đợt một.

  15. Cua Đồng

    Nhà bạn làm nhiều phải đầu tư nhiều, nếu bạn được 20 tấn nhân chắc chắn bạn phải cần 400 triệu trong một năm để đầu tư, nhà tôi 1 ha được > 4 tấn nhân một năm tính từ A – Z chi hết 80 triệu, trong khi đó bạn phải mượn ngân hàng nên cần phải chọn thời điểm thích hợp mà bán chứ, vì lãi ngân hàng hơn cả giá cà tăng đấy bạn ạ, nhưng bây giờ bạn cảm thấy nuối tiếc rồi phải không. nhà tôi thì cũng không phải mượn NH, vì có khoản thu từ dịch vụ khác nên đủ sống và nuôi vườn. Vì vậy theo tôi nếu bạn nào phải mượn NH nên giải quyết phân nửa để trả nợ, chỉ để lại phân nửa chờ giá nếu có vẫn còn có cái ăn.

  16. phuhoang

    Các bạn chưa biết sức mạnh của chúng ta rồi, mấy nước Trung Đông có sản lượng khoảng 1% dầu thô thế giới thế mà khi có biến giá dầu tăng vù vù. Trong khi đó nước ta là nước đứng đầu thế giới về caphe B mà không giữ nổi mức giá tối thiểu cho bà con có chút lợi nhuận. Bó tay với bọn đầu cơ, vậy là do ai, và vì ai.

  17. dinh xuaneatul

    May mắn là anh nông dân cứ cần tiền đâu bán đó, số còn lại thì thấy có lời phân nửa hoặc là 3/4 là cho đi luôn chứ họ mà vào mạng để nghe các bác phân tích cơ bản hay kỹ thuật gì đó thì có mà đói luôn. Thị trường thì cả thế giới đều vậy. Brazin họ giàu vậy nhà nước họ làm mọi cách để nâng giá cà lên kể cả tài chính, ngôn luân vậy mà nó cứ xuống. Còn Việt Nam mình thì chỉ ăn theo thôi làm gì có Tập đoàn hay cá nhân nào đủ sức điều tiết được giá, có người còn bảo Y5Cafe đăng tin mà giá xuống nếu được vậy thì Y5 giàu to rồi

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86