Tin buồn

Đăk Lăk: Nông dân phá bỏ cà phê vì… thiếu nước

Đăk Lăk có hơn 202.002 ha cà phê, trong đó có 132.800 ha đang trong độ tuổi cho quả. Toàn tỉnh có 539 hồ chứa nước trên 15 huyện, thành phố và thị xã. Hằng năm, trữ lượng nước từ các hồ này có dung tích gần 1 tỷ mét khối.

Trong đó, các hồ chứa có dung tích lớn như hồ Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột), Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp), hồ Ea Kar và Lăk (thuộc huyện Lăk) có dung tích chứa lên đến trên 400 triệu mét khối/năm. Các hồ còn lại có sức chứa từ 25.000-100.000 mét khối nước/năm. Tuy nhiên, mực nước dự trữ đến nay đang ở mức báo động, nhiều hồ nước có dung tích vừa và nhỏ đã cạn kiệt. Hậu quả của việc thiếu nước là đến nay, chỉ riêng cây cà phê toàn tỉnh đã có hơn 86.000 ha bị khô hạn, nguồn nước tưới cho số diện tích này cũng chỉ mang tính “cầm cự”.

Thực tế, với cà phê, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 thì nhiều diện tích sẽ bị khô cháy do thiếu nước tưới. Anh Nguyễn Viết Bình ở Ea Kar than thở: “Tây Nguyên thường bắt đầu mùa mưa vào khoảng giữa tháng 3, thế nhưng hiện nay nguồn nước tưới đang khan hiếm, không biết lấy đâu nước để “cứu” những rẫy cà phê đang héo dần !? Nguy cơ cây cà phê bị chết dần đang là mối lo ngại lớn của người dân”.

Để khắc phục hạn hán, nhiều địa phương đã trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ công tác phòng – chống hạn như nạo vét, hồ, kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi… Thế nhưng, nguồn nước chống hạn lại rất hạn chế. Ngoài các hồ chứa đã cạn dần thì mực nước sông, suối, nước ngầm cũng suy giảm mạnh.

Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT Đăk Lăk) cho biết: Thời tiết những ngày sắp tới trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đăk Lăk nói riêng có nhiều bất lợi, dự kiến nguồn nước phục vụ sản xuất bị thiếu hụt, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát điều kiện sản xuất để tham mưu cho UBND tỉnh giao kế hoạch sản xuất, tưới tiêu cho các địa phương phù hợp với điều kiện thực tế. Mặt khác, Chi cục đã đôn đốc các địa phương xây dựng phương án phòng chống hạn kịp thời, phù hợp với điều kiện của từng vùng nhằm đảm bảo sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả để bảo vệ sản xuất bằng các hình thức chống rò rỉ nước ngầm; chuẩn bị nhiên liệu, phương tiện tại các trạm bơm dã chiến để bơm nước chống hạn kịp thời và hiệu quả; khuyến cáo người dân thực hiện sản xuất theo kế hoạch, không gieo trồng trên những diện tích mà nguồn nước không đảm bảo để tránh rủi ro về hạn; tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước (kể cả nguồn nước ngầm), điều tiết, khai thác nước phù hợp và sử dụng tiết kiệm; hướng dẫn nông dân chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp tại những nơi có khả năng thiếu nước, đảm bảo sản xuất hiệu quả…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân cà phê

    Ngày nào tôi cũng vào trang web khí tượng thủy văn để xem dự báo thời tiết, tình hình khô hạn này còn kéo dài, cà phê héo hết rồi.

    1. Vũ Anh

      Vô web đó làm gì bạn. Ảnh mây vệ tinh là hình ảnh có thể cho mình dự báo tốt nhất mà họ cũng ko cập nhật nữa kìa. Về ngắn hạn mình nhìn trời, mây mà đoán thôi.

  2. Trần Ninh

    Nhiều nơi khô hạn, chưa bao giờ thời tiết khô hạn ở Tây Nguyên diễn ra trên diện rộng như bây giờ, mùa cà phê nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung đang bị ảnh hưởng mất mùa lớn. Biến đổi khí hậu thật khó lường.

    1. Ham Rong

      Bạn đã chứng kiến đợt khô hạn năm 2005 chưa mà nói là chưa bao giờ . Nói phải chính xác , tình hình bây giờ so sánh với mùa hạn năm 2005 chưa là cái đinh gì đâu nhé

  3. Vũ Anh

    Hạn hán nghiêm trọng, mực nước ngầm tụt xuống mức sâu mới. Cà vừa thiếu nước ủ rủ, vừa bị rệp sáp tấn công dữ dội. Nếu mưa đến muộn thì mất mùa nặng là cái chắc.

  4. Đakkan

    Hy vọng sau những năm bị hạn nặng như năm nay, người dân sẽ ý thức được tác hại của việc trồng cà phê tràn lan không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng làm mãi mà vẫn nghèo, cuối cùng thì cũng chỉ khổ người dân mà thôi.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81