Kinh doanh cà phê: Mua cao, bán thấp để … chiếm đoạt thuế

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện nhiều doanh nghiệp từ tỉnh khác đến mua cà phê với giá cao hơn thị trường và sau đó đem bán lại cho các Doanh Nghiệp xuất khẩu cà phê của tỉnh với giá thị trường.

Nghịch lý “mua cao – bán thấp” của các Doanh Nghiệp này đã gây khó khăn cho các Doanh Nghiệp xuất khẩu cà phê của tỉnh, làm xáo trộn thị trường và thất thu thuế Nhà nước.

Xem thêm: >> Nghịch lý cà phê mua cao, bán thấp vẫn lãi

Trốn thuế tinh vi

Các Doanh Nghiệp này luôn mua với giá cao hơn thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg, sau đó đưa xuống TP. Hồ Chí Minh bán thấp hơn giá mua từng đó tiền. Những Doanh Nghiệp mua bán kiểu này thường hoạt động một thời gian ngắn rồi giải thể, bỏ trốn.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Dak Lak, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20 công ty được thành lập mới, do người ngoài tỉnh đến đăng ký kinh doanh và cũng có kiểu kinh doanh như trên.

Riêng tại thị xã Buôn Hồ có 14 công ty hoạt động theo hình thức này, đã thu mua được 136.000 tấn, trong khi tổng sản lượng cà phê của địa phương chỉ khoảng 30.000 tấn.

Công ty cà phê Ngô Quý Yên - Daklak
Công ty TNHH Ngô Quý Yên đăng ký kinh doanh tại quán cơm số 541 đường Hùng Vương (TX. Buôn Hồ) nhưng chủ quán cho biết họ chưa bao giờ có mặt ở đây.

Trên khoảng 1 km của đường Hùng Vương (thị xã Buôn Hồ), có tới 4 công ty đăng ký địa chỉ nhưng người dân đều cho biết chưa có một công ty nào đến thuê đặt trụ sở.

Công ty TNHH Ngô Quý Yên (do ông Ngô Quý Yên, ở tỉnh Thanh Hóa làm giám đốc) lấy địa chỉ số 541 đường Hùng Vương đặt trụ sở nhưng đây chỉ là một quán cơm bình dân. Bà Huỳnh Thị Mỹ (chủ quán) cho biết: “Người ta lấy địa chỉ nhà của mình để kinh doanh chuyện khác mà mình không biết. Hôm trước công an và thuế vụ có đến hỏi là số nhà 541 Hùng Vương có đăng ký bán cà phê không, mình trả lời rõ là nhà mình chỉ bán quán ăn, được mấy chục năm rồi”.

Một trường hợp khác, Công ty TNHH Nguyễn Hữu Hiếu (do ông Nguyễn Hữu Hiếu, ở tỉnh Hải Dương làm giám đốc) lấy địa chỉ số 579 đường Hùng Vương làm trụ sở thì cũng chỉ là nhà dân. Từ tháng 4-2012, Công ty Nguyễn Hữu Hiếu bỗng dưng nổi tiếng ở thị xã Buôn Hồ vì luôn mua cà phê với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg, sau đó bán lại cho các Doanh Nghiệp xuất khẩu cà phê ở nhiều tỉnh khác nhau.

Theo Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ, chỉ trong thời gian ngắn, công ty này đã mua cà phê tại địa phương rồi bán lại cho 5 Doanh Nghiệp khác với tổng trị giá ghi trên hóa đơn hơn 709 tỷ đồng và được hoàn thuế giá trị gia tăng gần 35,5 tỷ đồng.

Trên địa bàn TX. Buôn Hồ hiện có 8 công ty từ tỉnh khác đến kinh doanh khai man địa chỉ như thế. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng xác định được 4 công ty bỏ trốn là công ty Lê Quang Tập, Nguyễn Hữu Hiếu, Thủy Phong Phát và Ngô Quý Yên. Bốn công ty này đã thu mua cà phê trên địa bàn rồi bán lại cho 40 Doanh Nghiệp ở các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông… với tổng giá trị lên đến 2.288 tỷ đồng và được các Doanh Nghiệp này khấu trừ thuế đầu vào hơn 114 tỷ đồng.

Thủ đoạn của các Doanh Nghiệp này là thu mua cà phê cao hơn giá thị trường, sau đó lại bán ra với giá thấp cho Doanh Nghiệp xuất khẩu để lấy hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) và kiếm lời từ hành vi chiếm đoạt khoản thuế.

Ông Lê Văn Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phân tích: Ví dụ giá cà phê trên thị trường là 40.000 đồng/kg nhưng Doanh Nghiệp chịu mua giá 41.000 đồng/kg để nhanh chóng gom được lượng hàng lớn, rồi bán lại cho Doanh Nghiệp khác với giá chỉ 40.000 đồng/kg, nhận khoản tiền hoàn thuế VAT với tỷ lệ 5% mà Doanh Nghiệp chuyển sang tương đương 2.050 đồng/kg. Thay vì đóng khoản hoàn thuế đó cho Nhà nước, họ bỏ trốn để được lãi 1.050 đồng/kg.

Khuynh đảo thị trường

Nghịch lý “mua cao – bán thấp” đã làm thị trường cà phê Dak Lak bị xáo trộn. Các Doanh Nghiệp xuất khẩu cà phê trong tỉnh phải xuống tận TP. Hồ Chí Minh để thu mua nguyên liệu. Có 10 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh cho biết, đến thời điểm này họ không mua được hàng do tình trạng “mua cao – bán thấp”. Còn các Doanh Nghiệp xuất khẩu cà phê lớn của tỉnh như: Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, Công ty TNHH Anh Minh… cũng phải xuống TP. Hồ Chí Minh để mua lại cà phê từ những Doanh Nghiệp khác để xuất khẩu.

Nếu tình trạng “mua cao – bán thấp” kéo dài sẽ nảy sinh bất ổn trong mua bán khi các Doanh Nghiệp “ma” thì mua được hàng, còn các Doanh Nghiệp lớn thì không mua được hàng và từ đó làm thất thu thuế Nhà nước”.

Trước tình trạng trên, tỉnh đã thành lập thêm 2 chốt kiểm tra liên ngành trên Quốc lộ 14 và 26 để phát hiện, ngăn chặn tình trạng xuất cà phê ra ngoài tỉnh nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Trong khi đó, Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ cũng đã thông báo đến các địa phương liên quan đề nghị tạm thời không hoàn thuế, khấu trừ thuế cho những hóa đơn của những Doanh Nghiệp “ma” khai man địa chỉ và bỏ trốn khỏi địa bàn để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước, chờ cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Gian lận 2 lần thuế

Theo Luật sư Tạ Quang Tòng, Trưởng văn phòng luật sư THT, trường hợp các Doanh Nghiệp mua cao – bán thấp là gian lận 2 lần thuế. Thuế giá trị gia tăng chỉ đánh trên giá trị tăng thêm mà đối với các Doanh Nghiệp kê khai thuế theo kiểu đăng ký hóa đơn thì sẽ được khấu trừ 5%, nên khi họ mua, hay bán được khấu trừ 5% là đã rõ. Nhưng việc bán thấp họ có một cái lợi nữa là không phải nộp thuế thu nhập Doanh Nghiệp mà chỉ phải nộp thuế môn bài, mà thuế môn bài thì đối với các Doanh Nghiệp này chỉ phải nộp khoảng 3 triệu/năm.

Trong khi đó, theo quy định của Nhà nước, các Doanh Nghiệp mới thành lập được lỗ 2 năm không phải nộp thuế thu nhập Doanh Nghiệp. Nhưng thực chất họ không lỗ, ai lại đi mua cao – bán thấp vì cũng không ai kiểm tra hoạt động này. Thực chất họ không minh bạch ngay từ đầu thì họ làm việc này luôn để vừa không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tức là kiếm được số tiền này vừa có một loạt cái lợi trước mắt là bán hóa đơn và không nộp 5% thuế cho địa phương.

>> Các chiêu gian lận thuế ở vùng cà phê trọng điểm

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân cà phê

    Qua nhiều ngày tìm hiểu về chuyện này thì Nông Dân tôi thấy đây chính là bệnh thành tích của các Quan gây ra hết, cuối cùng việc thất thu thuế thì người dân Việt Nam phải è lưng ra gánh chịu thôi. Để tránh việc các DN ma lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế VAT của nhà nước thì nên đưa thuế cà phê về 0% hết, tuy nhiên các “Quan” (của tỉnh Đắk Lắc, hay Lâm Đồng) thì lại nói doanh thu của tỉnh nhà chủ yếu dựa vào cà phê nếu đưa thuế về 0% thì tỉnh nhà không thu được nhiều thuế và lương thưởng, thăng quan tiến chức của các “Quan” bị cắt hết! hu hu (dẫu biết rằng tiền thu thuế VAT này sẽ nộp về nhà nước và nhà nước rót lại xuống Tp.HCM để cho các DN XK dưới đó hoàn thuế này lại).
    Thuế 0% hay 5% thì nhà nước cũng chẳng được gì, cứ biết rằng thuế 5% thì các “Quan” ở tỉnh trồng được cà phê có nguồn thu cái đã, còn việc các ông đi hoàn thuế nơi nào thì mặc kệ (việc rót tiền ra là việc của nhà nước), ta cứ có nguồn thu đạt chỉ tiêu, thế mới có điều kiện thăng quan tiến chức, lương thưởng đều đều và tạo ra kẽ hở để bọn DN ma lợi dụng

  2. dak lak

    “Ông Lê Văn Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phân tích: Ví dụ giá cà phê trên thị trường là 40.000 đồng/kg nhưng Doanh Nghiệp chịu mua giá 41.000 đồng/kg để nhanh chóng gom được lượng hàng lớn, rồi bán lại cho Doanh Nghiệp khác với giá chỉ 40.000 đồng/kg, nhận khoản tiền hoàn thuế VAT với tỷ lệ 5% mà Doanh Nghiệp chuyển sang tương đương 2.050 đồng/kg. Thay vì đóng khoản hoàn thuế đó cho Nhà nước, họ bỏ trốn để được lãi 1.050 đồng/kg”.
    Ai làm kế toán làm ơn giải thích giúp tôi đi. Tôi tính mãi mà chỉ thấy các doanh nghiệp lỗ 1.050đ chứ ko phải lãi 1.050đ.
    Theo tôi thì nguyên nhân như thế này các bác xem có được không nhé.
    Doanh nghiệp mua của dân giá 41.000đ (mua của dân là ko phải xuất hóa đơn), bán lại cho các công ty giá 40.000đ X 5%(GTGT) = 42.000đ. Sau đó nợ thuế => bỏ trốn. lãi đc 1.000đ. Vậy chứ lấy đâu ra 1.050đ? Hình như Ông Mạnh tính nhầm!
    Như vậy các bác thấy lỗi do ai? do dân? do các doanh nghiệp hay do chính sách của nhà nước? Đó là do quyết định hoản thời hạn nộp thuế GTGT của nhà nước đã tạo kẽ hở cho DN có điều kiện trốn thuế. Do sự quan liêu của Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch đầu tư. Cấp giấy phép kinh doanh mà ngồi ở Cơ quan cấp, ko xác minh được các cơ sở có kinh doanh hay ko. Do chính sách DN tự in hóa đơn GTGT.
    Tôi mong các tồn tại trên nhanh chóng được khắc phục. Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn đã đọc bài phản hồi của tôi

    1. Thanh Bình

      Đầu vào không tính thuế, nhưng đầu ra tính 5 %, 5% đó phải nộp thuế cho nhà nước, DN bỏ trốn không đóng thuế tức chiếm đoạt luôn số tiền phải đóng thuế cho Nhà nước. Tiền chênh lệch giữa tiền mua cao hơn so với bán là 1000 đồng nên giá trị thật DN chiếm đoạt là phải là số không nộp cho Nhà nước trừ đi 1000 đồng do bán thấp hơn mua vào. Mình thấy như vậy là đúng, bạn có thể xem lại.

  3. Dân

    Không biết họ mua vậy thì dân mình có được lợi gì không ta… tại thị trường có 40.000/kg cà phê mà họ mua dân mình tới 41.000/kg cà phê lận mà… các bác giải đáp thắc mắc này của em với!

    1. Nông dân cà phê

      Dân bán được giá cao thì rủi ro cao thôi, nếu “tiền trao thì cháo mới múc” thì không nói làm gì, đằng này nếu để các DN ma đấy mua nợ của bác thì có ngày mất trắng vì các DN này thường là DN bị “cùi” rồi họ sợ gì nữa chứ.

  4. dak lak

    Các anh các chị cứ tính đi. 1 ngày nó gom 200 tấn cà phê, nhân với giá 40.000đ thì đc 8 tỷ đồng.
    Nhân VAT 5% =>> 1 ngày nó nợ thuế nhà nước 400 triệu. trong đó trừ giá mua chênh lệch ra trung bình mỗi ngày nó bỏ túi 200 triệu.
    Hiện nay chính sách của nhà nước ta cho các doanh nghiệp nợ thuế VAT 06 tháng.
    =>>> 180 ngày X 200tr>> 36 tỷ.
    sau 6 tháng nó vù mất tích thế là xong. Nó kiếm được 36 tỷ, nhà nước thất thu 72 tỷ tiền thuế. Mà các DN này không bao giờ mua hàng của nhân dân. Chúng thường xuyên gom hàng qua các đại lý nhỏ mới nhanh có số lượng lớn. Đến khi nó vù đi thì mấy đại lý nhỏ thế nào cũng chết lây. Dẫn đến hàng loạt đại lý nhỏ bể nợ theo sau mỗi khi có Công ty ma nào mất tích.
    Ví dụ điển hình DN Chung Đào tại Buôn Hồ, năm 2007 nó tuyên bố phá sản. Chúng nó ôm tiền của dân nhởn nhơ ăn chơi (vì không bỏ trốn nên ko có dấu hiệu tội phạm). Đến năm 2010 tự nhiên DN này có nhiều tiền chỉ mỗi việc đi gom hàng của các đại lý nhỏ theo kiểu gom giá cao, bán giá thấp.
    Trung bình mỗi ngày DN Chung Đào nhập vào cty XNK 2/9 Đăk Lăk từ 150 đến 250 tấn hàng xô. Tạo đc lòng tin, DN này ký hàng nhận tiền trước, giao hàng sau. Mua hàng của đại lý trả tiền sau. Đến tháng 1/2013 tự nhiên 2 vợ chồng Chung Đào mất tích thế là lòi ra 1 dây chuyền nợ. Nào là ngân hàng, nào là đại lý, rồi chính Cty 2/9 cũng dính 7 tỷ đồng.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83