Giá cà phê nhào lộn như…xiếc

Giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa hết lội suối đến trèo đèo để rồi quay lại bằng mức giá cuối tuần trước. Tuy nhiên, sức bán ra không nhiều do người có hàng vẫn chưa chịu mức dưới 38.000 đồng/kg. Song, so với arabica, thế thắng của robusta hiện nay cũng là chính là thế yếu về thị phần vì các nhà xuất khẩu arabica đang bán mạnh với giá rẻ.

Giá cà phê nhảy “cà tưng”

Giá niêm yết trên sàn giao dịch cà phê robusta Liffe NYSE London lại có thêm một tuần có giá tháng giao hàng ngay (1-2013) cao hơn tháng giao hàng chính (3-2013). Như vậy, “vắt giá” đã kéo dài qua tuần thứ hai liên tiếp kể từ tuần trước.

Vắt giá là hiện tượng sàn kỳ hạn có cấu trúc giá đảo chiều, giá tháng giao hàng ngay cao hơn giá tháng giao hàng xa. Đây là hiện tượng đầu cơ dùng áp lực tồn kho được chứng nhận (certifieds) cộng với vị thế mua bán mạnh hàng giấy trên sàn kỳ hạn để đẩy giá tháng giao ngay theo ý đồ và có lợi cho vị thế kinh doanh của mình. Bằng cách này, đầu cơ có thể triệt người đang có vị thế nghịch lại với họ và trở thành bất lợi trên sàn kỳ hạn. Mặt khác, cấu trúc vắt giá này thúc đẩy các nhà kinh doanh có hàng thực (physicals) kéo nhanh về sàn hay giao hàng chốt giá ngay để hưởng lợi hơn, do giá tháng giao hàng ngay cao hơn giá giao xa.

Trong tuần, giá giao dịch tháng 3-2013 của sàn robusta London có lúc chỉ còn 1.840 đô la/tấn khi đóng cửa. May thay, cuối tuần giá này đã búng nhanh lên lại để tăng 22 đô la/tấn so với giá đóng cửa tuần trước. Tuần này, giá đóng cửa sàn robusta đứng mức 1.894 đô la cơ sở tháng 3 (nay đang được giao dịch chính). Nhưng nó vẫn thấp hơn 39 đô la/tấn so với giá tháng giao ngay là tháng 1-2013, hiện đang ở mức 1.933 đô la tính đến hết phiên giao dịch hôm qua thứ sáu 21-12, tức rạng sáng thứ bảy 22-12 giờ Việt Nam (xin theo dõi biểu đồ 1 với giá tháng 1-2013 được biểu thị bằng màu xanh và tháng 3 bằng màu đỏ).

Trong khi đó, giá arabica trên sàn ICE New York tuần qua cũng tăng nhẹ. Hiện giá sàn này đang ở mức 146,60 cts so với 143,15 cts/lb so với đóng cửa tuần trước, tức tăng chừng 76 đô la/tấn.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên sau khi “lội” xuống dưới mức 37.000 đồng/kg do giá sàn giao dịch xuống mạnh ngay đầu tuần, sáng nay đã trèo lên lại mức 37.800 đồng, bằng mức giá của cuối tuần trước.

Mức dao động không mấy, nhưng kiểu nhào lộn này đang như tung hỏa mù và làm choáng váng cho nhiều nhà xuất nhập khẩu hàng thực khi lượng tiền và tín dụng càng ngày càng eo hẹp.

Giá chào xuất khẩu cho loại 2, 5% đen vỡ cũng đang quanh mức trừ 30/40 đô la/tấn cơ sở tháng 3-2013 nhưng khách mua đang trả rẻ hơn chừng 10 đô la. Với mức này, các nhà xuất khẩu vẫn do dự chưa dám bán mạnh vì thái độ của nông dân khá cương quyết: giữ vững giá nội địa ở mức 39.000-40.000 đồng/kg mới bán ra, dù đang ở thời điểm Noel và Tết dương lịch. Đây thường là lúc nhiều nhà vườn cần bán ra ít nhiều để vui chơi chi phí dịp lễ và chuẩn bị tưới tắm vườn cây để kích đợt ra hoa quan trọng nhất trong năm.

Ai kiên trì cho biết!

Tuy sàn giao dịch arabica ICE New York tuần qua có giá đóng cửa tăng, thái độ của nông dân các nước sản xuất arabica không mấy kiên định. Mỗi lần nghe tin mưa về đều trên các vùng trồng cà phê tại Brazil, thị trường chứng kiến một đợt bán ra mạnh, không từ Brazil thì cũng từ các nước cạnh tranh khác từ các nước thuộc vùng Trung Mỹ.

Bộ Nông nghiệp Brazil đã sơ kết sản lượng niên vụ 2012-1. Theo đó, ước sản lượng niên vụ vừa thu hoạch xong đạt mức 50,8 triệu bao, tăng 0,3 triệu bao so với ước tính trước đây. Song thị trường arabica vẫn lấy con số 55 triệu bao để làm con số cơ sở kinh doanh của mình.

Chính vì thế, Bộ Nông nghiệp Brazil đã đề nghị Bộ Tài chính nước này hoãn nợ cho nông dân chừng 60 ngày để giảm áp lực bán ra gây giá giảm như đã xảy ra từ bấy lâu nay. Giá arabica sàn New York đã có lúc xuống mức thấp nhất tính từ hai năm nay.

Tin này đi ngược lại với nhiều thông tin đươc đăng tải vừa qua ở nước ta khi cho rằng nông dân Brazil ôm hàng “chắc nịch”. Đến nay, các động thái của chính sách và số liệu thống kê đều cho thấy sức ép do Brazil được mùa lớn, hàng ra mạnh, giá arabica giảm nhanh và đang bị đe dọa hàng ngày.

Vừa rồi, thị trường cũng tiếp nhận thông tin cho rằng tồn kho cà phê nhân tại Mỹ trong tháng 11-2012 chỉ giảm nhẹ với mức 39.345 bao, đạt 4.902.097 bao. Từ năm 1989-2011, lượng tồn kho cà phê tại Mỹ tháng 11 hằng năm giảm bình quân 198.500 bao. Nếu so với tháng 11-2011, tồn kho hiện nay vẫn cao hơn 16,5%. Bấy giờ, tồn kho cà phê tại Mỹ chỉ 4.207.891 bao, giảm 251.525 bao so với tháng 10-2011.

Như vậy, có thể nói rằng tồn kho cà phê tại Mỹ giảm rất nhẹ trong tháng 11-2012 (xin xem biểu đồ 2). Chứng tỏ các nước Brazil và Trung Mỹ vẫn bán ra đều dù giá arabica ICE New York giảm rất mạnh. Tại sàn arabica New York, giá niêm yết hiện chỉ còn chừng 145 cts/lb hay chừng 3.195 đô la/tấn so với trên 300 cts/lb hay 6.615 đô la/tấn so với trước đây.

Chính vì thế, giá cách biệt (arbitrage) giữa 2 sàn robusta của London và arabica New York càng lúc càng co lại một cách đáng ngại cho robusta. Một khi giá cách biệt robusta và arabica khép gần nhau, điều đó nói lên rằng giá arabica đang rẻ hơn robusta. Các nhà xuất khẩu arabica đang cố dành lại thị phần từ tay người bán robusta trên thương trường.

Giá cách biệt Arabica và robusta hiện nay đang nằm dưới mức 60 cts/lb hay chừng 1.300 đô la/tấn so với mức trên 4.100 đô la/tấn vào đầu tháng 9-2011 (xin xem biểu đồ 3).

Tuần qua, cũng rộ tin cho rằng sàn ICE (Mỹ) nơi niêm yết hợp đồng cà phê arabica đang đàm phán để mua lại sàn NYSE Euronext, là nơi đang niêm yết hợp đồng robusta. Nếu thương vụ này thành công, ICE sẽ trở thành sàn giao dịch nông sản lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nguyen huan

    Giá kỳ hạn hợp đồng đã đáo hạn; nhưng kỳ hạn tháng 3/2013 tuy có thấp song số đơn vị giao dịch tý xíu đáng gì đâu mà bình luận. Phải chăng đây là ý đã được đặt hàng.

  2. hoàng bá tạo

    Doanh nghiệp còn không biết, vậy nông dân chỉ còn cách ngồi chờ chứ biết làm gì. Nếu muốn có giá tốt thì giữ hàng lại, bán ít để đầu tư còn lại chờ giá lên rồi bán. Chúc bà con thành công.

  3. Nguyenhuong

    Giáng Sinh an lành, hạnh phúc
    Gía cả lúc này chưa quan trọng
    Trong ta còn cà ta cất kho
    Mặc cho giá đỏ hay xanh,
    Qua ngày Noel ta tính tiếp
    Lúc này cần sự kiên trì
    Bà con kg cần suy nghĩ
    Hết tết Dương Lịch giá sẽ nhích.

  4. Trần Ninh

    Nhất trí như anh Hoàng Bá Tạo, chúng ta hãy bình tĩnh xem xét lượng bán vừa phải thôi, cần trang trải đến đâu bán đến đó, chờ giá trên 40.000đ/kg.

  5. nguyen tien anh

    Phải lo trang trải cho cái tết sắp tới, mùa tưới và phân tro cũng rất cần không biết có giữ được để chờ giá lên không?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88