Tin buồn

Giá cà phê lìa dần các đỉnh cao

Như máy bay giảm độ cao để hạ cánh, giá cà phê bỏ dần các đỉnh cao rõ nhanh để xuống mức thấp, cả giá kỳ hạn lẫn giá nội địa. Trong tuần, ước báo sản lượng cà phê do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố xem ra có con số vừa phải và khá sát thực tế. Tuy nhiên, giá cuối tuần giảm có thể do một yếu tố khác…

Biểu đồ 1: Sản lượng cà phê Việt Nam (Nguồn: tùy viên USDA)

Lại chuyện sản lượng cà phê

Sự kiện lớn nhất tuần qua trên thị trường cà phê có lẽ là các dự báo sản lượng mà các tùy viên nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành.

Theo báo cáo, trong niên vụ 2012-13, nước dẫn đầu vẫn là Brazil với 55,9 triệu bao. Tuy nhiên, Brazil là nước tiêu thụ mạnh với 20,69 triệu bao. Ước lượng của USDA thấp hơn đến 7 triệu bao so với ước lượng của CONAB, cơ quan nghiên cứu sản lượng thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil. Việt Nam xếp hạng nhì với chừng 24,2 triệu bao tức 1,45 triệu tấn, giảm 9% so với 2011-12 là 26 triệu bao tức 1,56 triệu tấn. Xuất khẩu cà phê trong niên vụ mới này của nước ta được ước chừng 1,3 triệu tấn.

Như vậy, sản lượng của hai niên vụ liền kề 2011-12 và 2012-13 của Việt Nam được USDA ước là 3 triệu tấn. Xuất khẩu của hai niên vụ này cũng được dự báo chừng 2,76 triệu tấn, hay bình quân mỗi tháng, từ tháng 10-2011 đến tháng 9-2013 sẽ đạt 115.000 tấn. Theo một chuyên gia ngành hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, con số xuất khẩu bình quân này là con số đẹp và vừa phải để có cơ may giữ vững giá cà phê trên thị trường. “Nếu vì một lý do gì mà hàng xuất hiện trên thị trường nhiều hơn số bình quân này, ắt giá sẽ gặp gay go. Vì, nếu to hơn con số ấy, thị trường sẽ ‘ứ hự’ cà phê nếu như đầu cơ không ‘hút hàng’ hay nông dân và các nhà xuất khẩu nước ta không điều tiết kỹ lượng bán ra”, ông lo lắng giải thích.

Giá cà phê liên tục xuống thấp

Từ một năm rưỡi nay, đứng trước sản lượng khổng lồ của Brazil, giá cà phê arabica trên sàn kỳ hạn Ice New York chịu sức ép giảm mạnh. Nếu như ở thời điểm tháng 4-2011, giá sàn kỳ hạn arabica đạt mức đỉnh trên 300 cts/lb hay chừng 6.600 đô la Mỹ/tấn, thì nay chỉ còn đúng 50% tức quanh mức 150 cts/lb, tương đương với 3.300 đô la/tấn.

Biểu đồ 2: Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta London tuần qua (tác giả tổng hợp)

Đối với sàn robusta Liffe NYSE, giá nhiều khi phải chống chỏi mạnh để vươn lên, nhưng vẫn không cưỡng nổi. Như “cùng sàn một mộng” với sàn kỳ hạn arabica, cách đây 18 tháng, giá robusta còn trên mức 2.600 đô la/tấn thì nay chỉ còn quanh mức 1.860 đô la/tấn, giảm mất 700-800 đô la/tấn.

Giá kỳ hạn xuống dần khỏi các mức đỉnh, kể cả mức 1.900 đô la, giá cuối tuần trước, để nằm tại mức 1.859 đô la/tấn khi đóng cửa hôm qua thứ sáu 23-11 tức rạng sáng thứ bảy 24-11 giờ Việt Nam (xin xem biểu đồ 2).

Giá kỳ hạn xuống, nhưng giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch (differentials) giữa giá niêm yết và giá tại cảng lên hàng (port of loading) vẫn chưa chịu tăng, đang quanh mức trừ 30-40 đô la/tấn của mức cũ. Các năm trước, khi giá kỳ hạn giảm, chính là cơ hội cho giá xuất khẩu tăng.

Theo chân sàn kỳ hạn, trong thời gian gần đây, cứ mỗi tuần giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa bị “xén” mất cả 1 triệu đồng/tấn. Cách đây hai tuần, giá còn trên mức 39 triệu đồng tấn, thì cuối tuần qua chỉ còn 38 triệu và sáng nay thứ bảy 24-11 chỉ nằm ở mức 37 triệu đồng/tấn. Thậm chí có nhiều nơi, giá chào mua còn thấp hơn mức ấy.

Biểu đồ 3: Đồng Real Brazil (BRL) mất giá so với đô la Mỹ

Hôm qua, sàn kỳ hạn arabica tiếp tục xuống dù chỉ số đồng đô la (USDX) giảm mạnh trên thị trường hối đoái quốc tế. Trong ngày, có lúc chỉ số đô la Mỹ giảm 0,80 điểm so với đóng cửa hôm trước (80,97 điểm). Đáng lẽ ra, đấy là cơ hội tăng giá cho hai sàn cà phê. Ngặt một điều, giá hai sàn này thực tế lại đi trái chiều, quay đầu giảm. Sàn arabica đã kéo theo bạn mình là robusta, tuy sàn này không muốn lắm. Yếu tố giảm có thể là do đồng real Brazil trong ngày giao dịch, có lúc bị mất giá và rớt xuống mức sâu nhất so với đồng đô la Mỹ tính từ 3 năm rưỡi nay (xin xem biểu đồ 3).

Trong quá khứ, đã nhiều khi, một trong hai đồng tiền của hai nước xuất khẩu lớn là Brazil và Việt Nam bị mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, giá các sàn kỳ hạn cà phê giảm vì đấy là cơ hội xuất khẩu nhiều hơn. Xuất khẩu nhiều thì sức bán ra càng mạnh, bán càng mạnh càng tạo sức ép giảm giá trên thị trường.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

72