Đắk Lắk tổng kết niên vụ cà phê 2011/2012

Theo Báo cáo của UBND tỉnh, trong niên vụ 2011/2012, tổng diện tích cà phê của Đắk Lắk đạt 200.193 ha, tăng gần 9.500 ha so với niên vụ trước.

Trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch đạt 190.329 ha, tăng 12.000 ha, năng xuất bình quân đạt 25,62 tạ/ha, sản lượng cà phê nhân xô đạt 487.748 tấn.

Ông PGĐ Sở Công Thương Đăk Lăk đọc Báo cáo tổng kết

Theo đánh giá của UBND tỉnh, niên vụ cà phê 2011/2012 là niên vụ được mùa, tuy giá cà phê nhân xô bình quân giảm so với niên vụ trước nhưng tình hình thời tiết ổn định, sâu bệnh ít nên cũng đã giảm được một phần chi phí sản xuất và thất thoát trong thu hoạch.

Về tình hình chế biến cà phê trong niên vụ vừa qua, do các DN cà phê gặp khó khăn về tài chính nên việc đầu tư mới cho nhà xưởng, dây chuyền chế biến cà phê nhân còn hạn chế so với niên vụ trước. Hầu như các DN chỉ sử dụng hệ thống trang thiết bị hiện có và chỉ thực hiện bảo dưỡng hoặc sửa chữa nhỏ để phục vụ chế biến. Nhìn chung, các DN chỉ chế biến được khoảng hơn 20%, số còn lại do nông dân tự chế biến theo phương thức thủ công rồi được DN thu mua, chế biến lại và phân loại, đánh bóng thành phẩm…

Tuy nhiên chất lượng sản phẩm cà phê niên vụ qua được đánh giá là đã cải thiện đáng kể. Theo đó, cà phê nhân chất lượng cao đạt 69.134 tấn, chiếm 23,3%; cà phê loại R1 đạt 105.163 tấn, chiếm 35,4% tổng lượng cà phê xuất khẩu, còn lại là loại R2.

Trong niên vụ 2011/2012, toàn tỉnh đã xuất khẩu được 298.181 tấn cà phê, giảm 4,2% so với niên vụ 2010/2011 và chiếm 18,7% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 621,57 triệu USD, giảm 4,4% so với niên vụ trước và chiếm 18,3% tổng kim ngạch cả nước.

Lý giải nguyên nhân sụt giảm cả về số lượng lẫn kim ngạch trong khi sản lượng của niên vụ 2011/2012 tăng, UBND tỉnh cho rằng một phần do lượng cà phê dùng cho chế biến sâu đã tăng lên (khoảng 10% tổng sản lượng của tỉnh), nguyên nhân khác là một số DN KDXK lớn như Công ty CP ĐT&XNK Đăk Lăk, Công ty CP ĐT&XNK cà phê Tây Nguyên… gặp khó khăn trong kinh doanh nên chỉ hoạt động cầm chừng đã tạo điều kiện cho các DN FDI và DN ngoài tỉnh thu mua chuyển sang địa phương khác xuất khẩu. Bên cạnh đó, cũng có hiện tượng người dân thu mua và chuyển đến địa phương khác bán…

Hiện tại, toàn tỉnh có 15 DN tham gia KDXK cà phê, trong đó có 3 DN xuất khẩu cà phê rang xay và cà phê chế biến sâu với sản lượng đạt 1.113 tấn cà phê hòa tan, đạt kim ngạch 6,86 triệu USD và 1.865 kg cà phê rang đạt kim ngạch 9,315 USD và 12 DN chuyên xuất khẩu cà phê nhân, trong đó Công ty XNK 2/9 Đăk Lăk là đơn vị dẫn đầu với số lượng 123.754 tấn, đạt kim ngạch 253.127 triệu USD.

Về thị trường xuất khẩu, sản phẩm cà phê của Đăk Lăk đã được xuất khẩu tới 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 36 thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD trở lên, trong đó có 18 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD. Có 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu cà phê của Đăk Lăk gồm: Đức, Nhật Bản, Mỹ, Italia, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Indonesia và Nga.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù đã đạt được những thành tích quan trọng trong niên vụ 2011/2012, nhưng ngành cà phê Đăk Lăk vẫn còn một số tốn tại cần khắc phục như: Tình trạng thu hái quả xanh còn phổ biến, chất lượng chế biến cà phê chưa cao. Các DN thu mua chưa áp dụng giá thu mua cho cà phê nhân xô chất lượng cao dẫn đến việc nông dân không mặn mà với việc đầu tư và hái cà phê chín để nâng cao chất lượng cà phê.

Tái canh diện tích cà phê già cỗi là vấn đề cấp thiết nhưng triển khai chậm, do nông dân thiếu vốn nên việc tái canh vẫn chưa thực hiện. Diện tích cà phê được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột còn hạn chế, chỉ mới có 8.850 ha với sản lượng 26.000 tấn.

Mối liên kết giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ đang được phát triển, tuy nhiên ở một số đơn vị thực hiện việc liên kết thực chất chỉ là giao khoán. Một số DN chưa chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu. Tình trạng cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu, ép cấp, ép giá còn xảy ra. Lãi suất ngân hàng vẫn còn cao, các điều kiện vay vốn thắt chặt đã gây khó khăn cho DN và người dân trong việc vay vốn, đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất hay cải tạo vườn cây. Các chi nhánh của DN FDI chủ yếu là thu mua, sơ chế, xuất khẩu cà phê nông sản, xuất nội bộ với giá bán bằng giá mua cho công ty mẹ nên không phát sinh giá trị gia tăng cũng như thuế giá trị gia tăng. Xuất khẩu cà phê chế biến sâu tuy có tăng nhưng còn chiếm tỷ trọng thấp, công tác đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mới chỉ triển khai trên diện hẹp nên chưa có tác dụng nhiều….

Tại Hội nghị, UBND tỉnh đề ra kế hoạch sản xuất và xuất khẩu cà phê cho niên vụ 2012/2013. Theo đó, diện tích cà phê trong niên vụ tới dự kiến đạt 200.161 ha, có 119.575 ha cho sản phẩm với sản lượng khoảng 465.000 tấn. Số lượng cà phê xuất khẩu cho niên vụ 2012/2013 đạt 350.000 tấn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81