Để giữ vững ngôi vị xuất khẩu cà phê hàng đầu

Xuất khẩu cà phêVậy là Việt Nam đã chính thức vượt Braxin, trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê số một thế giới với sản lượng xuất khẩu 1,6 triệu tấn, kim ngạch hơn ba tỷ USD trong niên vụ 2011 – 2012.

Có kết quả này là nhờ quá trình nỗ lực của ngành cà phê suốt nhiều năm qua. Năm 2012 là năm thứ 5 liên tục diện tích thu hoạch cà phê cả nước vượt qua mốc 500 nghìn ha, sản lượng và khối lượng xuất khẩu vượt qua mốc một triệu tấn.

Cà phê là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao, nằm trong nhóm kim ngạch xuất khẩu từ hai tỷ USD trở lên. Cùng với việc mở rộng diện tích, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê không ngừng được nâng lên, góp phần làm tăng sản lượng qua các niên vụ. Vài năm trở lại đây, do khá chủ động trong việc tham gia điều tiết thị trường, cho nên người trồng cà phê đã có thu nhập ổn định và ngày càng cao, hạn chế tình trạng thua thiệt trong mua bán.

Mặc dù đạt đỉnh cao mới về sản lượng xuất khẩu, nhưng để tạo ra sự bền vững vẫn còn nhiều điều đáng bàn trong chiến lược phát triển loại cây trồng đặc biệt này. Trước hết là vấn đề quy hoạch.

Hiện, việc mở rộng diện tích trồng cà phê không theo quy hoạch đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng cà phê và nguồn đất, nguồn nước ở nhiều địa phương. Cho dù đã vươn lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhưng ngành công nghiệp chế biến lại ở trình độ rất thấp. Hiện cả nước mới chế biến được khoảng gần 10% sản lượng cà phê thu hoạch hằng năm, bao gồm cả chế biến rang xay và chế biến sâu (cà phê hòa tan). Rất ít số công ty bán thẳng sản phẩm đủ tiêu chuẩn trực tiếp cho các nhà rang xay nước ngoài mà vẫn còn 98% giao dịch xuất khẩu cà phê phải thông qua khâu trung gian.

Vì chủ yếu xuất khẩu thô cho nên giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam ở mức thấp, không xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng thế giới. Mặt khác, gần đây thị trường cà phê Việt Nam đang có nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, lũng đoạn. Nguyên nhân do tình hình tài chính khó khăn cộng với lãi suất vay vốn cao, sản lượng thu mua xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đang giảm nhanh chóng. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh, đã thu mua tới 60% sản lượng cà phê thu hoạch hằng năm.

Vì vậy, để giữ vững ngôi vị xuất khẩu số một thế giới, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững, ngành cà phê cần có một chiến lược dài hạn hơn. Trước hết, cần giảm dần số địa phương trồng cà phê, từ 18 tỉnh (năm 2011) xuống còn 11 tỉnh vào năm 2020.

Tổng diện tích trồng cà phê cũng sẽ giảm từ 586 nghìn ha (năm 2011) xuống còn 500 nghìn ha (năm 2020). Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống để tăng thu nhập trên một ha diện tích và trên một tấn sản phẩm. Nhất là, chú trọng hơn nữa đến khâu chế biến để gia tăng giá trị cho sản phẩm thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các dự án chế biến cà phê hòa tan.

Nhà nước cần tiếp sức bằng nguồn vốn và cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp trong nước trong việc thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê nhằm chủ động kiểm soát thị trường ngày một tốt hơn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Phạm Quốc Đoàn

    Việc tiếp cận nguồn vốn của các Tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếp cận được cần có những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ.

  2. Cafe sáng

    Bài báo không chính xác. VN chỉ xuất khẩu cà phê hơn Brazil trong vài tháng chứ không thể nào hơn cả niên vụ. Sản lượng Robusta hiện nay là VN hơn Brazil nhưng Brazil chủ yếu là Arbica. Tổng sản lượng Brazil vẫn gấp đôi của VN.

    Đọc hết bài báo mới thấy tác giả cóp nhặt chứ thực sự không hiểu gì về ngành cà phê. Chắc là báo mắc bệnh thành tích nặng quá rồi!

    1. cafenghot

      Bạn chưa đọc kỹ bài mà đả vội phê phán tác giả bài báo viết VN xuất khẩu caphê niên vụ 2011-2012 đứng đầu Thế Giới chứ ko phải sản lượng đứng đầu TG

  3. Nguyễn Vịnh

    Các bạn đọc lại bài này : https://giacaphe.com/32975/xuat-khau-ca-phe-8-thang-viet-nam-tiep-tuc-giu-vi-tri-so-1-the-gioi/
    Như vậy có nghĩa là tháng 9 xuất khẩu của VN giảm và Brazil đã sẵn sàng để lấy lại ngôi đầu !

    Tôi xin cung cấp số liệu mới nhất : Theo thống kê của ICO, xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2012 nước ta đạt 19.475.000 bao trong khi Brazil đạt 19.570.407 bao.
    Nếu tính cả niên vụ 2011/12 thì tính thêm 3 tháng 10+11+12 cuối năm 2011 vào nữa, nhưng đây là khoảng thời gian cà phê Brazil rất dồi dào vì vừa mới thu còn đối với nước ta lại là tháng giáp hạt.
    Các bạn đọc và tự rút ra kết luận.

  4. Trần Ninh

    Việc Việt Nam xuất khẩu cà phê nhân cao hơn Brazil, điều đó chưa nói lên ai mạnh hơn ai. Vấn đề hiệu quả kinh tế đạt được cao hay thấp của hoạt động sản xuất kinh doanh của nghề này? ta thử làm phép tính đơn giản:
    – Giá 01 kg cà phê nhân bình quân 40.000 đồng (tính bình quân cả thế giới ra VND hiện tại),
    – Giá 01 cốc cà phê 40.0000 đồng (tính bình quân cả thế giới ra VND hiện tại),
    – 01 kg cà phê nhân chế biến được 50 cốc cà phê,
    50 cốc X 40.000 đồng = 2.000.000 đồng
    Trừ chi phí phụ liệu thì người sản xuất cà phê nhân nhận được bao nhiêu trong tổng giá trị sản xuất cà phê mang lại, chắc chắn rằng giá 01 cốc cà phê trên thế giới sẽ không giảm kể cả lúc cà phê nhân rớt giá thảm hại. Đến đây chắc các bạn đã rõ, càng xuất khẩu cà phê nhân nhiều thì càng làm lợi cho ai rồi chứ, rõ ràng người sản xuất hạt cà phê không lợi là bao, trong khi giá vật tư, nhân công đầu vào ngày một tăng, chưa kể giá bán có lúc dưới 40.000 đồng/kg.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89