Tin buồn

Bản tin thị trường cà phê ngày 2/11/2012

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên hôm nay ở mức 39.100-39.300 đồng/kg, nhưng vẫn thấy có nhiều giao dịch quanh mức 40.000 đồng/kg.

Sau những phiên liên tiếp sụt giảm, giá cà phê Robusta trên sàn NYSE Liffe London đã bật tăng đáng kể. Kỳ hạn giao tháng 11 tăng 18 USD lên 1.958 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2013 cũng tăng 16 USD lên 1.984 USD/tấn.

Giá cà phê Robusta London tăng khi dữ liệu cho thấy dự trữ cà phê có giấy chứng nhận hợp lệ trong kho theo dõi bởi NYSE Liffe đã sụt 3% xuống còn 115.860 tấn so với 2 tuần trước đó. Giá tăng còn do kinh tế thế giới có dấu hiệu ổn định và triển vọng lạc quan hơn.

Theo chuyên gia phân tích nghiên cứu của Sucden Financial cho rằng phiên điều chỉnh tăng hôm qua của giá cà phê Robusta là cần thiết vì thị trường đã rơi vào vùng bán quá mức do trước đó đã bán khống một khối lượng lớn.

Còn một nhà môi giới ở Singapore thì cho biết “Giá cà phê Indonesia đang loạn cả lên. Tôi đoán là do họ đã bán hàng quá mức. Mọi người đang cố bán cà phê với những mức giá chẳng ai giống ai.” Vì thế các nhà xuất khẩu cà phê đang rất thận trọng khi chào hàng, nhất là đối với những lô hàng giao sau. Được biết Indonesia và Việt Nam chiếm đến 23% sản lượng cà phê Robusta toàn cầu.

Tuy nhiên, giá cà phê Arabica trên sàn ICE vẫn tiếp tục suy yếu bởi sức ép nguồn cung và nhu cầu bán ra của các nước sản xuất. Kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 1,2 cent xuống mức 153,45 cent/lb và giao tháng 3/2013 giảm 1,15 cent còn 159,2 cent/lb, mức giảm khá nhẹ. Trong phiên có lúc giá giảm xuống mức 152,8 cent là mức thấp nhất kể từ ngày 21/6. Giá cà phê Arabica đã giảm 32% trong năm nay.

Theo một số nguồn tin thị trường cho rằng giá cà phê Arabica sẽ còn giảm nữa khi sản lượng cà phê loại này đã trở nên quá dồi dào.

Giá cà phê Arabica suy yếu còn do cơn bão Sandy tàn phá vùng đông nam nước Mỹ để lại hậu quả khá nặng nề.

Giá cà phê xuất khẩu loại R2, 5% đen vỡ được chào 1.915 USD/tấn với mức trừ lùi 70 USD theo giá tháng 1 tại London.

Thời tiết khu vực Tây nguyên hiện rất thuận lợi để cây cà phê chín nhanh và nhà nông đẩy mạnh hoạt động thu hái.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe sáng

    Tôi hiểu vì sao nhà môi giới ở Singapore nói vậy. Đơn giản là vì các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia bán “loạn cả lên” thẳng với khách hàng mà không qua tay các nhà môi giới nên họ không bằng lòng là đúng quá rồi. Không biết các nhà xuất khẩu cà phê VN nghĩ sao?

  2. Cư Né

    Nông dân sẽ không bán cà phê giá thấp nếu có sự hỗ trợ cần thiết từ cơ chế, nhất là vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng để trang trải chi phí đầu tư trong năm theo thời vụ. Hiện nay cần số tiền từ 15-20 triệu đồng để trả tiền nhân công thu hoạch cho 1 ha cà phê.
    Ai sẽ hỗ trợ cho nông dân.

      1. mỹ hà

        Đúng rồi bạn tran phong ơi.
        Hôm qua mình mới hái tỉa xong, khoảng 5 tấn mà đã trả khoảng 5 triệu rồi (40 công nữ). Phần còn lại khoảng 12 tấn chắc cũng mất gần 12 triệu thì cũng đến 15-20 triệu chứ sao vì còn công khác như chuyển cà vào kho. Khoán thì cao họ mới làm, còn công nhật thì họ cứ từ từ, mình chạy lo ăn phụ + nước nữa cũng mệt.
        Máy hái cà phê! Đã ba mùa mưa, mong lắm thay!

      2. hoàng việt_kontum

        Trung bình 1ha 20 tấn quả tươi hái tuốt cành một lần 800.000 đ/tấn = 16 triệu , chưa kể bốc vác vận chuyển và các chi phí khác !

  3. Ngô Phú Hiển

    Cũng chỉ là đoán thôi, lưu ý là cà phê Indo thường phải cộng thêm 80$ so với giá đóng cửa trên sàn Luân Đôn vậy nên việc họ bán “loạn cả lên” xem ra không được hợp lý cho lắm.

  4. Còi

    Chi phí nhân công thu hoạch 1ha cà phê cũng nằm ở khoảng 15-20 triệu vì còn phụ thuộc vào năng suất vườn cây nữa. Hái khoán bây giờ cũng 80.000đ/tạ còn hái công nhật thì 130 – 150 ngàn đồng/ công mà chỉ được 170- 180Kg/công thôi. Để giảm chi phí nhân công ở chỗ tôi người ta để cho khoảng 70-80% số quả trên cây chín là tuốt hết luôn, khỏi mất công kéo bạt trở đi trở lại (hái tỉa theo cây). Nếu tính cả chi phí bốc lên bốc xuống và chi phí vận chuyển thì số tiền còn có thể cao hơn

  5. Ngô Phú Hiển

    Áp lực bán ra của nông dân khiến giá cà phê chưa thể lên ngay được, mỗi khi lên một chút thì thương nhân trong nước đã vội vàng bán ra để chốt lời và phòng chống rủi ro, sau đó dễ dàng mua lại từ nông dân với giá rẻ, khi nào áp lực bán ra của nông dân còn chưa giảm thì giá còn chưa thể lên được. Tuy nhiên nhiều khả năng thị trường sẽ tích lũy và đi lên từ khu vực này. Năm ngoái được mùa giá còn lên, năm nay mất mùa giá lại xuống?
    Giá cà phê đã giảm khá nhiều rồi, từ 2218 về 1935. Trên biểu đồ các chỉ báo kỹ thuật đã đi vào vùng quá bán và có phân kỳ tăng, giới đầu cơ có thể đang âm thầm gom hàng, tiếp tục hù dọa nông dân để gom hàng ở mức giá thấp hơn, khi gom đủ họ sẽ đẩy giá lên để kiếm lời, khả năng lên khu vực 2100-2200. Các mức kháng cự hiện nay: 2027, 2065, 2096, 2127, 2171, 2227.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82