Quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La

Nhìn vườn cà phê của gia đình rộng 2.000m2, anh Tòng Văn Phùng ở phường Chiềng An (Thành phố) thở dài: giá cà phê năm nay thấp quá, dù đến thời điểm này đã tăng lên gần 7.000 đồng/kg quả tươi. Năm 2011, giá đầu vụ 6.000 đồng/kg, đến cuối vụ 17.000 đồng/kg nhưng đến năm nay, đầu vụ chỉ 3.000 đồng/kg và giờ gần 7.000 đồng/kg.

Nông dân Hua La thu hoạch cà phê

Năm 2011, diện tích cây cà phê Sơn La gần 5.800 ha (diện tích cho thu hoạch gần 3.500 ha), sản lượng 5.700 tấn quả, tập trung nhiều ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố. Ngày 14-11-2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch đến năm 2020, theo đó Sơn La trồng 10.000 ha cà phê. Tuy nhiên, theo Quyết định số 1987/QĐ-BNN-TT ngày 21-8-2012 của Bộ trưởng bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020: diện tích cây cà phê cả nước 500.000 ha, trong đó Sơn La 5.000 ha. Như vậy, đến thời điểm này, diện tích cây cà phê Sơn La đã vượt quy hoạch của Bộ 1.000 ha.

Để lý giải về quyết định của Bộ trưởng bộ NN&PTNT, tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề “Liên kết phát triển cây cà phê chè bền vững vùng Tây Bắc” vừa tổ chức tại Sơn La, tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nói: “Nếu diện tích trồng cà phê tăng, đồng nghĩa với sản lượng và nguồn cung tăng, trên thực tế nhu cầu thị trường vẫn thế thì giá cà phê sẽ thấp, ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống của người trồng cà phê. Chính vì vậy, bộ NN&PTNT đã tính toán rất kỹ để quy hoạch diện tích trồng cà phê cả nước dựa theo quy luật cung cầu của thị trường, nhằm đảm bảo nông dân có thu nhập; hơn nữa Bộ cũng khuyến cáo người dân nên trồng xen trong vườn cà phê các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để che bóng, chống sương muối cho cây cà phê và đa dạng nguồn thu, tránh hiện tượng được mùa mất giá, mất mùa được giá”.

 Đến các xã Hua La (Thành phố) và xã Chiềng Ban (Mai Sơn), nơi có diện tích cây cà phê tập trung, dễ dàng nhìn thấy nhiều vườn cà phê mới trồng trên sườn đồi, núi dốc, không làm đường đồng mức, các gốc cà phê không tạo hố, nhiều vườn cây không được cắt tỉa đúng kỹ thuật nên rất nhiều cây bị khuyết tán, cây tốt nhưng quả ít… Những cây cà phê cao vượt đầu người, cành lá xum xuê nhưng ít quả. Gặp anh Lèo Văn Lon ở bản Nam, xã Hua La đang thu hái cà phê, thấy trong bao tải có lẫn rất nhiều quả xanh; gia đình có 1 ha trồng từ năm 1996 (do Công ty cà phê cây ăn quả cung cấp giống), năng suất hiện nay chỉ đạt khoảng 11 tấn/ha. Theo tính toán, mỗi kg cà phê thu hoạch được cũng mất hơn 5 nghìn đồng tiền đầu tư công chăm sóc, phân bón và thuê người thu hái.

Còn nhà anh Lèo Văn Vinh, bản Tong Chinh, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) trồng 5.000m2 cây cà phê từ năm 1995, năng suất hiện nay khoảng 8 tấn quả. Tháng 6 năm 2011, thấy giá cà phê cao, anh tiếp tục trồng thêm 3.000m2 bằng cách chọn quả to để ươm giống vì không biết mua cây cà phê giống ở đâu?

Cách vườn cà phê của anh Lon và anh Vinh khoảng 200-400m nhưng vườn cà phê của anh Lương Thanh Phương, hợp tác xã Hoàng Văn Thụ lại cho năng suất gấp đôi. Với 1 ha cây cà phê trồng từ năm 1994, đến nay năng suất năm nào cũng đạt khoảng 25 tấn/ha. Theo anh Phương, để vườn cà phê nhà có năng suất cao, anh đã áp dụng nghiêm các kỹ thuật như: khống chế cây cao từ 1,2m-1,5m; tháng 12 bón phân, tháng 3-4 tỉa cành, cắt bỏ những cành không có khả năng cho quả và bón phân vào tháng 4-5 lần 1, tháng 7-8 bón tiếp lần 2; cứ 2 năm anh bón phân chuồng 1 lần, cách bón: cuốc hố chôn cạnh gốc 20 cm, lần bón trước đào hố bên phải thì lần sau sẽ đào hồ bên trái của cây. Nếu tính cả tiền đầu tư thuê hái 2.500 đồng/kg cộng với tiền phân bón, mỗi kg cà phê sau thu hoạch gia đình anh chỉ chi phí hết gần 4.000 đồng.

Để cây cà phê Sơn La phát triển bền vững, giúp người trồng có lãi cần chú trọng chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản sau thu hoạch; nhân giống cây ghép có chất lượng, thay thế dần các cây già cỗi, hạ thấp chi phí sản xuất để cạnh tranh với các nước trồng và xuất khẩu cà phê khác. Mỗi người phải tự ý thức giữ gìn thương hiệu, chất lượng sản phẩm cà phê vùng Tây Bắc; nghiêm túc thực hiện kỹ thuật sản xuất an toàn, không thu hái quả xanh… Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cà phê hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn, có chứng chỉ.

Các ngành chức năng cần xây dựng thương hiệu và sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) và các nước nhập khẩu. Huy động nguồn vốn của nhà đầu tư, vốn trong dân vào phát triển ngành cà phê; hỗ trợ việc hình thành các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác hoặc hợp tác xã trồng, chế biến, tiêu thụ để hỗ trợ cho nông hộ sản xuất cà phê. Đồng thời mở rộng sự hợp tác liên kết giữa sản xuất với thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83