Găm hàng chờ giá: Bài học quý cho ngành cà phê

Việc nông dân và nhà xuất khẩu giữ hàng hóa với mục đích đẩy tăng giá đã khá phổ biến, nhưng hiệu quả nhất là trong ngành cà phê 3 năm qua.

Nông dân trữ cà phê trong kho chờ giá lên
Nông dân trữ cà phê trong kho chờ giá lên

Từ năm 2009 trở về trước, mỗi khi vào vụ thu hoạch (tháng 10 – tháng 11) là giá cà phê liên tục lao dốc do nguồn cung dồi dào khi bà con nông dân và nhà xuất khẩu đẩy mạnh bán ra. Giá thường giảm sâu vào giữa vụ hoặc thời điểm giáp Tết Nguyên Đán bởi nhu cầu tiền mặt tăng cao. Nhà đầu cơ cũng tận dụng cơ hội này để gom hàng, sau đó chờ đến khoảng tháng 3 – tháng 5 năm sau, khi nguồn hàng của vụ thu hoạch đã gần như cạn kiệt thì bắt đầu đẩy giá lên để chốt lời.

Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, bà con nông dân đã biết cách điều tiết nguồn cung qua việc tham khảo thông tin cung cầu, kinh tế vĩ mô, giá cả thị trường trong nước và quốc tế. Các nhà xuất khẩu thì hạn chế ký các hợp đồng giao xa để giảm thiểu những rủi ro về giá cả. Điều này đã giúp giá cà phê duy trì mức cao ngay cả khi ở thời điểm giữa vụ.

Khi người trồng cà phê và nhà xuất khẩu điều tiết được nguồn cung, giá cà phê cũng đã tuân theo quy luật của cung cầu nhiều hơn, thay vì phụ thuộc phần lớn vào đầu cơ như trước đây. Nhiều lúc, động thái của ngành cà phê nước ta còn điều khiển được cả giá trên thị trường kỳ hạn ở London và giá giao ngay tại châu Âu, vượt qua cả những tác động của biến động tiền tệ và các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Hiệu quả của việc găm hàng chờ giá từ Việt Nam khá rõ ràng, các nhà xuất khẩu và nông dân trồng cà phê ở các nước sản xuất lớn như Brazil, Ấn Độ, Indonesia giờ đây cũng đi theo mô hình này.

Ở Brazil, giá cà phê arabica trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm những tháng qua do kỳ vọng nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới sẽ có vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, nông dân nơi đây đã không bán tháo ồ ạt như trước mà giữ hàng lại, chờ đợi giá lên và tìm kiếm hỗ trợ của chính phủ. Kết quả là, giá cà phê arabica từ mức thấp nhất của 2 năm, giờ đây đã hồi phục mạnh trở lại. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil, nông dân đang còn giữ gần 60% sản lượng vụ mùa 2012-2013, thay vì mức 43% như cùng kỳ vụ trước.

Tại Indonesia và Ấn Độ, không có con số cụ thể minh chứng cho hoạt động găm hàng rõ như ở Việt Nam và Brazil, nhưng các nguồn tin quan sát đều cho thấy người sản xuất cà phê đã điều tiết tốt nguồn cung giúp tăng giá sản phẩm.

Quay trở lại thị trường trong nước, niên vụ 2012-2013 vừa bắt đầu được 3 tuần, nhưng giá cà phê trong 2 tuần đầu sụt giảm khá mạnh bởi các nhà nhập khẩu và nhà đầu cơ tin tưởng sản lượng tăng cao sẽ làm cho giá rẻ. Có lúc, cà phê xuất khẩu nước ta bị trả giá trừ lùi 100 USD/tấn so với giá giao kỳ hạn trên sàn London, hàng giao tháng 11, tháng 12.

Nhiều nhà kinh doanh thậm chí kiên quyết đứng ngoài thị trường nghe ngóng, chờ đợi giá rẻ hơn để mua vào. Tuy nhiên, người sản xuất cũng nắm rõ xu hướng này. Kết quả là, ngay trong tuần vừa qua, giá cà phê đã tăng ấn tượng trở lại. Theo dữ liệu của công ty Volcafe thì mức trừ lùi cho cà phê robusta loại 2, 5% đen vỡ chỉ còn 10 USD/tấn so với giá kỳ hạn tại London.

Có thể bạn quan tâm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Ngọc Lan Consumer

    ko đơn giản như vậy đâu.
    Chẳng qua trong 10 năm qua nguồn cung Robusta ko tăng, trong khi đó nhu cầu toàn thế giới tăng, cộng với chính sách lãi suất cực thấp của đồng USD gián tiếp làm tất cả các loại hàng hóa, chứng khoán vào uptrend thôi. Cẩn thận nhé

    1. Hoàng BL

      Tôi rất thích và hoàn toàn đồng ý với bạn!
      Nếu chúng ta cứ suy nghĩ theo kiểu “đếm của trong lỗ” thế này thì sẽ có ngày há hốc vì sốc.

  2. Hoàng Lân

    Nên ôn lại bài học về Quy luật cung cầu. Kẻ bán người mua, ai mạnh hơn ai người đó sẽ thắng. Cà phê, tiêu, điều, gạo của VN nhiều nhất nhì thế giới mà không điều tiết được cung cầu giá cả thế giới thì quả thật là hèn !

    1. Tân Hưng

      Vậy thì theo bạn, kẻ mạnh là kẻ có tiền hay kẻ có nhiều hàng? Mà khi đã không hơn rồi thì lấy gì mà điều tiết? Mong bạn có cao kiến!

  3. Tư Cà Nam Đà

    Tôi không đồng tình với ý kiến của hai bạn trên vì: Đại đa số Nông dân thời nay có tư tưởng và tiềm lực kinh tế khác xưa rồi, chính vì vậy khi giá cả thị trường lao dốc thì người ND sẽ không bao giờ đưa hàng ra ngoài đều cho thấy người sản xuất cà phê đã điều tiết tốt nguồn cung giúp tăng giá trở lại cụ thể như năm qua.
    Hai bác trên là dân chơi cà mạng phải không nhỉ! Năm rồi đa số dân choi cà mạng đều là lỗ hoặc hòa có anh may lắm thì lời chút đỉnh. Nhưng những anh nào choi hàng thực thì được ca khúc khải hoàn vì trúng đậm mua 37 – 38 bán 43 – 44.

  4. Đỗ xuân Đức

    Ý kiến của tôi thì trung hoà giữa 2 xu hướng trên.
    Việc giá giảm trong thời gian tới sẽ có. Gia đình kinh doanh phân bón, người dân vừa qua đầu tư khá nhiều về phân bón, công cao mà thu chẳng được bao nhiêu, áp lực rất nhiều. Thuận lợi là lãi suất ngân hàng có thấp, giá caphê cao nhưng chẳng lẽ để hàng trong nhà chưa biết giá đi về đâu mà phải chịu lãi, có ng phải chịu lãi 3%/tháng. Việc bán 1 phần lớn là có, nhiều hộ như vậy thì sẽ có lượng lớn hơn, trong khi các doanh nghiệp càphê giảm do phá sản, doanh nhgiệp còn thì hết vốn do ôm hàng nhiều. Hỏi:hàng đi đâu? Việc ở đây là biên độ bao nhiêu? Trả lời của tôi rằng biên độ sẽ nhỏ, giá dưới 40 chắc chắn có ít, tăng cao cũng khó.

  5. Trúc Lam

    Làm khó, bán khôn
    Làm ra sản phẩm hạt cà phê là khó có khi là quá khó với nhiều nông dân. Bán không khó nhưng phải khôn. Cái khó lại bó cái khôn. Không . Cái khó phải ló cái khôn. Tùy cơ mà ứng biến. Đành rằng thằng còm làm nuôi thằng thẳng, nhưng nuôi vừa thôi, hài hòa bà con ạ.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85