Tin buồn

Diện tích trồng cà phê: Vượt chỉ tiêu mà… hoảng

Hoạt động kinh tế với thể thao (nhất là bộ môn điền kinh) là 2 lĩnh vực khác biệt nhưng có chung mong ước: nỗ lực về đích trước kì hạn. Tới đích trước hạn định được coi là thành tích lớn.Vậy mà như là một nghịch lí, với ngành sản xuất cà phê thì ngược lại, về đích trước kì hạn lại trở thành vấn đề thực sự đáng lo ngại.

diện tích cà phê

Năm 2005, Chính phủ ban hành Quyết định (số 150) về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển cà phê đến 2010 và định hướng đến 2020. Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đến 2020, diện tích trồng cà phê trong cả nước chỉ ở mức tối đa 500 ngàn ha. Vậy mà đến thời điểm này tổng diện tích cà phê đã lên đến hơn 571 ngàn ha.

Ngay từ 2009, sau 4 năm thực hiện quyết định của Chính phủ, diện tích cà phê đã đạt tới 534 261 ha, vượt qua chỉ tiêu ấn định cho năm 2020. Vậy là cách đây 4 năm, diện tích trồng cà phê đã về đích trước kì hạn hơn 10 năm so với quy hoạch của Chính phủ.

Mới đây, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn tất đề án quy hoạch phát triển ngành cà phê đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Bản đề án này đưa ra chỉ tiêu cụ thể: đến 2020 diện tích trồng cà phê là 500 ngàn ha, đến 2030 giảm xuống chỉ còn 479 ngàn ha. Như vậy, để đạt được chỉ tiêu nói trên, từ nay đến 2020, phải cắt giảm hơn 71 ngàn ha, và đến 2030 là 92 ngàn ha cà phê.

Vì sao phải giảm diện tích cà phê so với hiện thời. Tại sao diện tích trồng cà phê về đích trước kì hạn hơn 10 năm lại trở thành vấn đề đáng lo ngại? Liên tục những năm vừa qua, diện tích trồng cà phê không ngừng mở rộng theo kiểu tự phát. Chính phủ đã có quy hoạch nhưng không ít địa phương vẫn cứ “chạy theo phong trào” nên trồng cà phê vô tội vạ. Không bảo đảm điều kiện cả về thổ nhưỡng cũng như thời tiết nhưng cây cà phê vẫn cứ “vô tư” mọc lên ở nhiều địa phương ngoài vùng quy hoạch. Diện tích cây trồng tăng vọt trong khi năng suất và chất lượng không ngừng giảm sút. Đó là hiện trạng thật sự đáng lo ngại đối với ngành sản xuất cà phê.

Đến đầu quý 3-2012, với sản lượng xuất khẩu đạt hơn 1,2 triệu tấn, Việt Nam vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu cà phê. Đây là niềm vui lớn nhưng lại gắn liền với nỗi lo không nhỏ: đứng đầu sản lượng hàng hóa nhưng lại rơi xuống top cuối bảng về giá bán cũng như chất lượng sản phẩm. Cùng loại sản phẩm và xuất khẩu trong cùng thời điểm, giá cà phê Việt Nam luôn thấp hơn các nước (có những lúc giá bán thấp hơn gần 300 USD/tấn). Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, càng tăng khối lượng cà phê xuất khẩu, Việt Nam càng thua thiệt về hiệu quả kinh tế. Đây là nguyên nhân chính buộc Chính phủ cũng như ngành chuyên trách siết chặt quy hoạch diện tích trồng cà phê, gắn liền mục tiêu giảm số lượng, tăng chất lượng.

Thực tế cho thấy, nếu triển khai theo kiểu xuề xòa như những năm vừa qua, kết quả thực hiện sẽ trái ngược với chỉ tiêu đã được xác định trong đề án. Không chỉ tuyên truyền và vận động, còn phải sử dụng “biện pháp mạnh” đối với những địa phương bất chấp chỉ đạo của Chính phủ, vẫn cố tình mở rộng diện tích cà phê chất lượng kém, năng suất thấp.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoàng Lân

    Nuôi con gì, trồng cây gì mang lại thu nhập và lợi nhuận cao nhất cho ngượi nông dân? Bộ NN & PTNT rất khó trả lời! Theo quy hoạch thì ai được trồng cây này và ai không được trồng cây kia? Trong khi thu nhập và lợi nhận các cây lại không giống nhau nhau trong cùng thới điểm, thậm chí trong thời gian dài? Ai chịu trách nhiệm về thua thiệt của bà con do chấp hành sản xuất theo quy hoạch? Phải chăng Bộ chỉ “làm bộ”. Nhiều mặt hàng Bộ viết và thông qua quy hoạch chưa ráo mực thì đã bị phá vỡ như cà phê, tiêu, sắn… đã vượt xa cả DT SL và trị giá xuất khẩu. Và ngược lại như cây bông, cây điều…

    Trên cùng một đơn vị diện tích, bà con sẽ biết trồng cây gì có lợi nhất. Nhiều nơi bà con xóa đói, giảm nghèo, tiến lên làm giàu cũng nhờ những cây có lợi thế về giá cả thị trường xuất khẩu như tiêu, cà phê… vậy ai dẫn dắt bà con? Chính là thị trường.

    Quy hoạch phải dựa trên mọi lợi thể so sánh toàn diện các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho từng mặt hàng, lấy thị trường là yếu tố quyết định.

    Quy hoạch chỉ nên mang tính định hướng. Quy hoach phải có nhiều phương án và luôn điều chỉnh theo thị trường. Quy hoạch một thì biện pháp phải 10. Quy hoạch mà không có các chính sách, giải pháp hữu hiệu, chỉ hô hào chung chung. Và nếu lấy biện pháp hành chính áp đặt, thi quy luật thị trường sẽ hủy diệt, con người phải trả giá đắt mà trước hết là bà con nông dân bị tổn thương nặng nề nhất…

  2. honam

    Diện tích trồng cà phê : Vượt chỉ tiêu mà …hoảng .Đúng vậy! một số dự án lớn trồng cà phê đã được thực hiện có kế hoạch, có nguồn vốn và có ngợi ca, nhưng tìm hiệu quả kinh tế thì không thấy.Điển hình là cà phê chè trồng ở vùng đất thấp Quảng trị, Phủ quỳ – Nghệ an. Trồng cà phê là mong được thu nhập cao, nhưng do không hợp khí hậu thổ nhưỡng cây quá ít trái nên người trồng cà phê lâm cảnh khổ.Vậy ai mà không …Hoảng

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82