Giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc “rơi tự do” xuống 15.000 NDT/tấn

Trong tuần qua, dù cho nguồn cung đã giảm 30% song không thể nào kìm hãm được đà giảm như rơi tự do của giá.

Theo nguồn tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của nước ta sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái tiếp tục sụt giảm mạnh cả về lượng lẫn giá.

Trong tuần qua, dù cho nguồn cung đã giảm 30% song không thể nào kìm hãm được đà giảm như rơi tự do của giá. Tính đến 16/8, mỗi tấn cao su thiên nhiên xuất khẩu đã giảm 2.000 NDT so với tuần trước đó, với sản phẩm cao su của các công ty quốc doanh còn 15.300 NDT/tấn; sản phẩm cùng loại của lực lượng tư thương xuất với giá 15.200 NDT/tấn.

Ban quản lý cửa khẩu Móng Cái cho biết, phía Trung Quốc đang thực thi các biện pháp siết chặt dần khâu giao thương hàng hóa giữa hai bên theo phương thức tiểu ngạch.

Từ lâu nay, các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu của Trung Quốc vẫn nhìn nhận mặt hàng cao su thiên nhiên do doanh nghiệp và thương gia hai bên xúc tiến giao dịch tại khu vực Lục Lầm – La Phù là hoàn toàn theo cơ chế thị trường tự do và giao nhận tiểu ngạch.

Vì thế, theo thỏa thuận giữa cá cơ quan quản lý cửa khẩu và xuất nhập khẩu hàng hóa của hai bên, đã đến lúc phải hạn chế giao thương tiểu ngạch và cần phát triển trao đổi mậu dịch quốc gia theo phương thức chính ngạch, vừa ổn định lâu dài, vừa tránh được mọi rủi ro , lợi ích kinh doanh đạt hiệu quả tốt.

Trong tình hình này, các doanh nghiệp và thương gia hai bên cũng nên chuyển hướng dần sang giao dịch mặt hàng cao su thiên nhiên hệ chính ngạch. Thực tế trong mấy tuần qua, hàng nghìn tấn cao su đã được xuất-nhập theo hệ này qua cầu Bắc Luân.

Dư luận cho rằng, nếu thực chất thị trường Trung Quốc luôn có nhu cầu về mặt hàng nguyên liệu mang tính chiến lược này, nhưng lại đang hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch, nên chắc chắn phải mở rộng chính ngạch bằng biện pháp giảm thuế nhập khẩu để thu hút nguồn hàng. Bởi vì trở ngại chính hiện nay khiến các doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc tránh nhập khẩu cao su hệ chính ngạch là nhằm tránh mức thuế quá cao, kinh doanh sẽ không còn lãi.

Một biện pháp khác thuộc phía Việt Nam có thể thực hiện để cao su thiên nhiên vẫn có khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hiệu quả là nguồn cao su khối SRV3L, SVR10, SRV20…chuyển giao cho các xưởng chế biến cao su hỗn hợp tại thành phố ửa khẩu Móng Cái để làm nguyên liệu “gốc” sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu tại chỗ.

Tại Móng Cái hiện nay, có tất cả 9 xưởng chế biến cao su hỗn hợp. Nếu được phối hợp vận hành tốt, các đơn vị chuyên doanh xuất khẩu cao su vẫn tiêu thụ được nguồn hàng và các xưởng chế biến cao su hỗn hợp lại có công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân thu được lợi ích trong kinh doanh xuất khẩu mặt hàng cao su hỗn hợp được định chế là mặt hàng nguyên liệu thô, có chính sách khuyến khích nhập khẩu hệ chính ngạch và miễ thuế.

Tận dụng điều kiện này và xử lý tốt các mối quan hệ trong kinh doanh, tin rằng các loại mủ cao su thiên nhiên sơ chế của Việt Nam vẫn đảm bảo thông thoáng con đường xuất khẩu sang Trung Quốc, dù cho hệ tiểu ngạch có tiến tới xóa bỏ, vẫn không ảnh hưởng gì.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85