Xuất khẩu cà phê hay ván bài lật ngửa

Hai thị trường kỳ hạn cà phê hình như muốn đeo theo bóng của bức tranh kinh tế vĩ mô hơn là quay về với qui luật cung-cầu vốn có của chúng. Arabica Ice tăng mạnh, robusta Liffe NYSE chỉ “ăn theo” chút ít.

Tuy nhiên, là một nước sản xuất robusta lớn, 9 tháng ngoảnh lại kể từ ngày 1-10-2011, có lẽ ta nên bảo nhỏ với nhau trước rằng e mình có một niên vụ bội thu, lượng xuất khẩu nhiều với giá tốt.

Hai sàn hai điệu nhảy

Hai đồng tiền của hai khối kinh tế hùng mạnh ở 2 bên bờ Đại Tây dương là Mỹ và châu Âu với nhóm sử dụng đồng euro (eurozone), tiếp tục “đánh đu”. Khi bên này nhún thì bên kia nhường và ngược lại, động thái ấy đã làm thị trường hối đoái thay đổi xoành xoạch. Thị trường tài chính, đặc biệt cổ phiếu và hàng hóa theo bở hơi tai. Trên thị trường hàng hóa, giá cả mấy ngày qua tăng giảm thất thường mà không chịu theo một qui luật cung-cầu nào.

Đang trong chiều hướng tăng do ảnh hưởng yếu tố bên ngoài, giá arabica Ice New York vẫn lên đều đặn. Thế mà, trong tuần, có lúc có dự báo sương giá tại Brazil có thể xảy ra vào cuối tuần này, thì ngay ngày hôm ấy giá Ice arabica lại xuống một cách không ngại ngần, cũng chỉ vì đồng đô la Mỹ tăng mạnh.
Thị trường cà phê lại có thêm một tuần giá robusta lờ đờ tuy cuối tuần tăng 50 đô la Mỹ/tấn trong khi giá arabica Ice cứ lúc nào cũng như muốn chồm lên mạnh mẽ.

Arabica tăng: không thể so bì

Theo quan sát của một số chuyên gia, động thái tăng giá của arabica Ice từa tựa như thời robusta Liffe NYSE London chuyển loại hợp đồng 5 tấn/lô sang 10 tấn/lô. Chiêu của đầu cơ bấy giờ là lúc thì trì giá xuống sâu, khi thì làm bung lên bất ngờ với tần suất khá dày, như để đánh bạt những ai yếu bóng vía do ít tiền qua đó đánh lạc hướng thị trường. Rồi, cũng nhóm đầu cơ ấy đẩy giá kỳ hạn robusta lên cao, cố ý để làm giãn giá chênh lệch (trừ lùi – differentials) nhằm gom hàng mạnh về tay mình. Một khi lượng hàng thực (physicals) vào đủ để khống chế giá chênh lệch mua bán, họ bắt đầu từng bước khuynh loát thị trường bằng mọi ngả, từ giá niêm yết, đến giá xuất khẩu và giữ “yết hầu” của thị trường: tạo từng cơn thiếu hàng giả tạo và cục bộ để khống chế giá hoàn toàn.

Hiện nay, arabica Ice đang bắt đầu mở cửa cho hàng chất lượng thấp hơn  của Brazil vào đấu giá. Chính vì thế, giai đoạn dao động này chẳng qua là phát pháo mở màn cho những biến động bất ngờ và dữ dội hơn về sau, cả lúc tăng cũng như khi giảm.

Tuy arabica Ice tăng mạnh, robusta Liffe NYSE “ăn theo” không mấy. Giá kỳ hạn robusta sau mấy phiên giảm đã về mức cận 2010 đô la Mỹ/tấn cơ sở tháng 9-2012, phiên cuối tuần chốt mức 2063 đô la, tăng 18 đô la so với giá đóng cửa cuối tuần trước là 2045 đô la Mỹ/tấn (xin xem biều đồ 1 trên cùng). Lực đẩy lên của giá robusta không mạnh, trong khi giá arabica Ice tiếp tục phóng lên. Nếu như giá đóng cửa cơ sở tháng 9-2012 của sàn kỳ hạn arabica Ice chốt mức 176.45 cts/lb thì cuối tuần này ở mức 186.10 cts, cao hơn 9,65 cts/lb hay 213 đô la/tấn. Cách đi này đã làm giá cách biệt (arbitrage) giữa hai sàn arabica và robusta tiếp tục giãn ra xa. Giá arabica càng giãn xa so với robusta, chứng tỏ arabica mắc hơn robusta. Nhờ vậy mà giới rang xay sẽ thích mua robusta hơn. Đến sáng hôm nay, mức cách biệt giữa hai sàn arabica Ice và robusta Liffe NYSE đang ở mức 90,47 cts/lb hay 1995 đô la/tấn so với ngày 15-6 chỉ được 1205 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 2 ).

Giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa sáng nay 14-7 đã về lại trên quanh mức 42.500 đồng/kg, cao hơn cuối tuần trước 500 đồng/kg sau khi hạ lên hạ xuống vài lần cận mức 41.000 đồng/kg.

Xuất khẩu: lượng nhiều, giá vẫn cứng

Đã qua hơn 9 tháng tính từ ngày đầu niên vụ 1-10-2011, nhịp độ xuất khẩu cà phê rất mạnh và khá đều. Nhờ thế, một số báo cáo tồn kho tại các nước tiêu thụ đang lên lại. Theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation), lượng tồn kho tính đến hết tháng 5-2012 tăng 350.582 bao, đạt mức 9.720.193 bao (xin xem biểu đồ 3 ). Song, so với tháng 5-2011, con số này vẫn thấp hơn đến trên 3 triệu bao. Lượng tồn kho cà phê nhân tại Mỹ đến hết tháng 5-2012 theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê Nhân (Green Coffee Association) của Mỹ cũng tăng 49.441 bao lên 4.570.778 bao.

Trong khi đó, Reuters dẫn lại nguồn từ Tổng cục Hải quan cho biết rằng trong tháng 6-2012, nước ta vẫn xuất khẩu xấp xỉ 141.000 tấn cà phê. Nguồn tin cũng thêm rằng như vậy trong 6 tháng đầu năm 2012, nước ta xuất khẩu chừng 1,05 triệu tấn và 9 tháng đầu niên vụ đạt trên 1,3 triệu tấn.

Tuy ít ai để ý, giá tháng 9 và 11-2012 hiện nay vẫn cao hơn giá giao dịch tháng 1-2013. Hiện tượng “vắt giá” này sẽ tiếp tục giục người có cà phê đưa hàng đến các cảng đến để tranh thủ bán giá theo tháng giao dịch hiện nay đang cao hơn. Đây là một kỹ thuật rút hết hàng khỏi nước sản xuất để rồi sau này dễ làm giá hơn tại các nước tiêu thụ. Sáng nay, giá niêm yết robusta Liffe NYSE tháng 9-2012 cao hơn tháng 1-2013 là 11 đô la và tháng 3-2013 là 19 đô la; cũng vậy tháng 11-2012 cao hơn tháng 1 và 3-2013 đến tuần tự 16 và 24 đô la/tấn.

Vắt giá để rút hàng hay ván bài lật ngửa

Nếu tình trạng vắt giá này tiếp diễn với mục đích “kéo hàng đi” để hiểu rõ chân hàng, con số sản lượng của chúng ta bị “lộ chân tướng” như giữa ban ngày.

Nếu con số của Tổng cục Hải quan đúng, tất cả các ước báo về sản lượng của trong nước và ngoài nước đều có sai số quá lớn. Vì, nhiều đơn vị chỉ cho sản lượng cà phê niên vụ 2011-12 của nước ta quanh mức 1,1 hay 1,2 triệu tấn. Nếu cứ mỗi tháng trong 3 tháng cuối vụ ta xuất khẩu chừng 100.000 tấn/tháng, ta sẽ có 1,5 triệu tấn. Đó là chưa kể con số tiêu thụ nội địa mà có vị quan chức đã phát biểu một hai tháng trước rằng “ngày càng tăng đã ngốn hết hàng xuất khẩu và chẳng còn cà phê đâu để xuất cho các tháng còn lại”…

“Vắt giá” là tốt. Vắt giá để chơi “ván bài lật ngửa” về con số sản lượng…e sẽ gây không ít phiền phức cho các nhà kinh doanh cà phê của ta sau này.

Dù sao, với 1,3 triệu tấn bán đi, giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch giữa giá niêm yết và cảng giao hàng (differentials) vẫn còn rất cao so với các niên vụ cũ. Giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2012 được gọi là “cộng tới” thay vì phải “trừ lùi” như các năm trước (differentials).

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm của nước ta đạt chừng 2090 đô la/tấn. Trong khi đó, giá bình quân tháng giao dịch chính của sàn kỳ hạn Liffe NYSE chỉ quanh mức 2010-2015 đô la/tấn.

Đến thời điểm này, có thể “tổng kết sớm” rằng niên vụ cà phê 2011/12 nước ta lại có thêm một năm thành công nhờ sản lượng lớn kỷ lục, xuất khẩu nhiều kỷ lục, giá xuất khẩu (dựa trên chênh lệch) cao kỷ lục.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. chuotdong

    Tui cam đoan rằng cà phê trong dân còn dưới 10%. Lật ngữa hay nằm úp cũng vậy mà.
    Hiện tại, nước sản xuất cà phê số 1 thế giới thời tiết đang bất lợi. 20% cà chất lượng cao đã biến thành chất lượng thấp nói lên tất cả. Cán cân năm nay cà RÔ nghiêng về kịch bản vụ 2010, chí ít nó cũng đi ngang chứ không thể tụt dốc bởi:
    -Cà ra hoa trời mưa hỏng hết, cà nuôi trái trời hạn héo đi.
    -Số DT già cỗi quá nhiều, các “cụ” hết sức rồi nên năng suất kém.
    -Làm cà vất vả, tinh thần không ổn định: chặt-trồng-trồng chặt, chuyển đổi DT sang hồ tiêu nhiều.
    Từ đó suy ra nguồn cung sắp tới hạn chế =>Giá sàn khó làm xiếc với người dân nay đang còn hàng thật.
    Còn về trong nước, các cơ sở rang xay, chế biến liệu cho ta uống cà phê thật mấy phần trăm nhỉ? Kinh hoàng quá đi thôi.Tui phối trộn 20% cà chồn chính hiệu lượm được, 40% cà A, 40% cà RÔ để dành uống từ mùa vào tới nay, mình tự rang xay mới được uống cà phê thật.
    Đợt này liệu các nhà chức trách có làm ngơ để báo cáo thành tích cà phê nội địa ngày càng tiêu thụ mạnh kiểu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thêm không các chiến hữu nhỉ?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88