Cà phê: cuộc giằng co về giá

Qua một tuần, giá cà phê robusta London rớt nhưng arabica lại tăng. Thị trường đang họat động “tráo” giá nhau so với thời gian trước đây: arabica giảm mạnh, robusta tăng. Đối vối người kinh doanh chuyên nghiệp, đợt soán ngôi về giá này xem ra có lợi và cần thiết cho người trồng robusta.

Biểu đồ 1: Giá kỳ hạn sàn robusta London so với arabica New York tuần qua (ft.com)

Ngôi sao đang bị soán ngôi?

Các thị trường kỳ hạn hàng hóa vốn rất nhạy cảm với thời cuộc. Khủng hoảng nợ châu Âu và suy thoái kinh tế toàn cầu đôi khi chính là dịp để cho các nhà đầu cơ tạo sóng kiếm lời, đưa món này lên, đạp hàng kia xuống để có cơ hội làm phình to ví tiền của mình.

Cuộc tranh giành thế thượng phong giữa hai đồng tiền euro và đô la Mỹ trong những tuần gần đây đã làm lung lay nhiều thị trường tài chính và hàng hóa. Hôm qua, ngày giao dịch cuối tuần, đồng euro bất chợt xuống cận mức thấp nhất tính từ 2 năm nay so với đồng đô la Mỹ. Thế là, đồng đô la mạnh, đẩy giá các thị trường cổ phiếu và hàng hóa xuống vực, như chỉ số giá hàng hóa CRB giảm 2,1% trong đó dầu thô mất 3,1%.

Với thị trường cà phê, từ ngày thứ Hai 2-7 đầu tuần đến nay, nếu như giá cà phê arabica New York ngày nào cũng có khuynh hướng “nhóng” lên thì robusta London gặp lắm điều “xúi quẩy”, đi chiều ngược lại với arabica.

Hôm qua, ngày 6-7, tuy hai thị trường cà phê ở hai bên bờ Đại Tây dương đều xuống chủ yếu do biến động của thị trường hối đoái, robusta bị arabica soán ngôi cao trong tuần. Nếu như arabica Ice cả tuần qua tăng 5,75 cts/lb dù phiên ngày hôm qua giảm điểm, thì robusta cả tuần mất 89 đô la với chỉ phiên cuối tuần mất 54 đô la.

Như vậy, giá đóng cửa cơ sở tháng 9-2012 nay là tháng giao dịch chính chỉ còn 2.054 đô la, so với cuối tuần trước là 2.134 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1 phía trên).

Biểu đồ 2: Giá cách biệt giữa 2 lọai cà phê giãn ra lại có lợi cho robusta (tác giả tổng hợp)

Xuống ngôi để đổi đời

Đối với người chuyên nghiệp, lần chuyển ngôi này xem ra cần thiết và có lợi dù giá robusta xuống khá mạnh. Song, nhờ arabica vững trong khi robusta yếu, giá cách biệt giữa hai sàn kỳ hạn arabica và robusta đến sáng hôm nay đã được kéo lên lại, tức từ 1.200 đô la/tấn nay lên được trên 1.850 đô la/tấn hay 84,44 cts/lb. (Xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Trong kinh doanh cà phê, giá cách biệt này rất quan trọng đối với các hãng rang xay, là người mua cuối cùng (end buyers) quan trọng. Nếu giá cách biệt giữa arabica và robusta càng xa, điều đó cho biết rằng arabica mắc hơn robusta (và ngược lại). Nếu mức cách biệt càng giãn, khả năng sử dụng robusta và robusta chất lượng cao càng nhiều để thay thế cho arabica “mắc mỏ”.

Robusta là loại cà phê thường được dùng để pha trộn với arabica, trong khi arabica quyết định chất lượng của tách cà phê. Nước ta là nước sản xuất và xuất khẩu robusta số 1 thế giới.

Giá kỳ hạn xuống, thị trường trong nước yên ắng hẳn. Sáng nay, mức chào bán cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên quanh mức 42.000 đồng, giảm so với đầu tuần 2.000 đồng/kg.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Gia Hưng

    Thưa với nhà báo kiêm giám đốc công ty.
    Bài báo viết : Thị trường đang họat động “tráo” giá nhau so với thời gian trước đây: arabica giảm mạnh, robusta tăng. Đối vối người kinh doanh chuyên nghiệp, đợt soán ngôi về giá này xem ra có lợi và cần thiết cho người trồng robusta.
    Tôi xin đề nghị viết lại : Đối với người trồng robusta, đợt soán ngôi về giá này xem ra có lợi và cần thiết cho người kinh doanh chuyên nghiệp.
    Vì tôi chắc chắn rằng giá robusta giảm hoàn toàn không có lợi và càng không cần thiết với người trồng robusta nên không thể có chuyện như tác giả viết thế. Xin cảm ơn.

    1. Cư Pul

      Không lẽ nông dân trồng cà rô lại đi muốn giá hạ? Xin tác giả cho biết cái lợi và cái cần thiết là như thế nào? chứ thực tình nông dân không hiểu ý khi tác giả viết như vậy.

  2. thanhhuyen

    Giá cà phê cuối tuần qua có giảm chút ít nhưng bà con yên tâm đi, cà phê đâu có còn nhiều. Vì vậy để chuẩn bị cho hàng tết thì dứt khoát các nhà chế biến phải thu mua giá cao mà thôi. Dứt khoát phải được 50 ngàn đòng một ký hãy bán.

  3. honam

    Giá cà phê lên xuống là chuyện thường tình. Giá là do nhà buôn dặt ra, họ làm mọi cách để thu lợi cao. Nhưng yếu tố quan trọng vẫn là nguồn hàng. Nay nguồn hàng đã cạn thì giã sẽ phải lên lại thôi. Các bạn nên vững chí. Tôi đồng ý với bạn Thanhhuyen.

  4. Đinh tân lâm

    Cà phê R xuống thì buồn tuy nhiên giá arabica lên là 1 điều rất vui cho người trồng cà phê VN. Trong thời gian qua giá A xuống quá mạnh, tôi rất lo cho giá vụ tới khi mà khoảng cách giữa 2 loại cà phê gần bằng nhau thì liệu người làm cà phê R sẽ ra sao. Cũng hên là trong lúc khủng hoảng kinh tế mà cà phê A cao gấp 3 lần cà phê R nên người rang xay đã quay qua mua cà phê R giá rẻ hơn vô tình làm dân ta được lợi, nếu giá A xuống mạnh thì giá R nằm được giá này trong bao lâu.

  5. Bi

    Y5 ơi. Giá đóng cửa cơ sở tháng 9-2012 nay là tháng giao dịch chính chỉ còn 2.045 đô la chứ, sao lại là 2.054 đô la nhỉ ? Xem biểu đồ cũng… không thấy gì hết !

    1. Y5Cafe

      Có lẽ là tác giả bị nhầm. Giá đóng cửa London cuối tuần của kỳ hạn tháng 9/12 đúng phải là 2.045 USD. Biểu đồ được lập tăng giảm theo tỷ lệ % nên bạn khó thấy cụ thể.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

90