Tin buồn

Giải pháp nào cho sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột?

Sau khi đăng bài viết “Sàn giao dịch cà phê BMT: Có sân nhưng thiếu cầu thủ!” Y5Cafe nhận được nhiều ý kiến phẩn hồi từ bà con, với tinh thần góp ý đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện tình hình “ảm đạm” của sàn giao dịch cà phê BMT hiện nay.

Việc ra đời sàn giao dịch cà phê Buôn ma Thuột là một ý tưởng đột phá, là niềm mong mỏi của bà con nông dân cà phê bấy lâu. Tuy nhiên sau bao năm hoạt động tình hình và khả năng đáp ứng sự mong mỏi của bà con là chưa nhiều.

Y5Cafe xin được đăng “phản hồi của anh Trần Vĩnh Bửu”, hy vọng qua bài viết này Y5Cafe sẽ đón nhận được nhiều hơn nữa những góp ý, đề xuất của bà con để cái sàn trong mơ của chúng ta được thành công. Hy vọng ban quản lý sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột lắng nghe và ghi nhận ý kiến của bà con.


Dưới đây là ý kiến của anh Trần Vĩnh Bửu:

Nếu đối tượng đầu vào của Sàn BMT là các nông dân trồng cà phê.

– Đầu tiên BMT phải xem xét lại kênh phân phối: Đại lý, kho bãi…

Hiện tại, sản lượng cà phê tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên, nhưng chủ yếu tập trung ở các huyện vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn. Mà nông dân thì rất thụ động và sợ rủi ro. Họ không thể vận chuyển hàng hóa của họ đi hàng trăm km để nhập hàng vô một kho nào đó, trong khi họ chưa biết được cái giá họ bán sẽ là bao nhiêu. Đầu tiên là thấy lỗ trước mắt.

Muốn giải quyết vấn đề này sàn BMT cần phải có một hệ thống kho bãi gần nơi đầu vào (phát sinh vấn đề là chi phí đầu tư rất lớn nếu sàn BMT tự xây kho bãi hay thuê kho bãi). Nhưng nếu sàn BMT chịu hợp tác với các công ty, các đại lý đang thực hiện thu mua khá mạnh ở từng vùng thì vấn đề này có thể giải quyết.

Nhưng vấn đề của các đại lý là có lợi ích thì họ mới chấp nhận hợp tác. Vì vậy sàn BMT cần xây dựng một phương án hợp lý về lợi ích cho các đại lý ở từng vùng. Có lợi ích thì phải có chi phí, như vậy chi phí đó lấy từ đâu? Không thể thu từ nông dân và các đại lý, mà nhất thiết phải lấy từ nơi đầu ra…!

-Đối tượng đầu ra của sàn BMT là ai, chúng ta phải định hình họ: Là những DN rang xay trong nước (chiếm số ít), những DN nước ngoài muốn thu gom cà phê tại VN, những nhà đầu cơ nhằm kiếm lợi…

Họ là những đối tượng sẵn sàng bỏ ra chi phí để giao dịch trên sàn nếu việc mua qua sàn đối với họ tiện lợi và nhanh chóng khi họ cần. Còn cách lấy chi phí từ họ như thế nào thì tôi không cần trình bày tới. Vấn đề ở đây là các DN FDI thu mua rất mạnh thông qua các đại lý thu mua từ nông dân. Điều cần là làm thế nào để họ vừa mua trực tiếp qua sàn vừa có thể giao dịch với đại lý thường cung ứng hàng cho họ nhưng lại thông qua sàn BMT. Vấn đề này cần có một khung pháp lý và nhiều vấn đề tôi không thể viết hết ra đây được…

Trên đây là những ý kiến góp ý. Chúc cho sàn giao dịch cà phê BMT sắp tới sẽ có bước tiến triển mới!

Xin chân thành cảm ơn.
Trần Vĩnh Bửu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Tri

    Thay toàn bộ lãnh đạo của BCE, thuê người nước ngoài điều hành và training những người trẻ Việt Nam có trình độ chuyên môn và cầu tiến.

    1. Bùi Văn Chính

      Tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Tri, cái gì còn được sự bảo hộ của nhà nước hay sự quản lý của nhà nước tất cả đều không hiệu quả, nên có tính đột phá trong tất cả các khâu từ cấp quản lý lãnh đạo tới nhân viên mới hòng thay đổi được cục diện vấn đề.

  2. Thanh Sơn

    Biện pháp của bạn khó khả thi, chẳng khác nào bảo con mèo từ bỏ cục thịt mỡ.
    Tôi nghĩ, để điều hành BEC thì người Việt mình không thiếu đâu, không cần thuê. Họ chỉ không có cơ hội. Vấn đề ở khung pháp lý và chính sách đồng bộ chưa phù hợp nên sàn vắng khách là tất yếu thôi.

  3. Hoàng BL

    Chúng ta hãy nhìn vào hoạt động mua bán cà phê của ta hiện thời:
    1 doanh nghiệp cần hàng, thì có đến hàng tá đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp đại học .v.v. chỉ cần cho giá cao lên tý là có thể gom được lượng hàng mình muốn.

    Về địa lý thì khỏi phải nói ai cũng hiểu đây là bài toán làm đau đầu ban quản lý sàn nhất, mà tôi cam đoan là chưa bác nào có lời giải.

    Về mặt quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình thì sàn đã làm tốt chưa? Thử hỏi 1 đại lý cà phê xem sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột là cái gì, đang làm gì? Bảo đảm với các bạn rằng họ chỉ có thể trả lời rằng “tui chịu”. Ngay các các anh chị, chú bác ở trong Y5 này đố ai hiểu rõ về nó.

  4. Bo

    Bạn nói đúng. Tên giao dịch của sàn là BCEC nhưng phần nhiều viết không đúng vì cũng không ai quan tâm hay cần hiểu nó là cái gì kia mà.

  5. Ngô Phú Hiển

    Sàn giao dịch không phải là con buôn. Khi nào hiểu được điều này, BCEC mới có thể có những chuyển biến tích cực.

    1. le đạt

      Anh Hiển nói đúng rùi, khi nào hiểu được thì mới có thể có những chuyển biến tích cực được, theo như tôi biết thì BCEC không mua và cũng chẳng bán, đó là nơi để người mua và người bán gặp nhau với giá cả làm hài lòng cả hai bên, không biết như thế có phải không nhỉ anh Hiển…

  6. thidilih

    Tôi là người rất thích tìm hiểu những sự kiện liên quan đến mình. Chẳng hạn như sàn giao dịch BMT. Nhưng cũng như mọi người, tôi chả hiểu gì cả. Họ hoạt động ra sao, cách giao dịch như thế nào để người nông dân có thể tiếp cận, kho chứa ra sao, có thể mang hàng tới được không, khi chào bán hàng ai mua, thanh toán có đơn giản ko, tiền lấy có dễ hay khó vv… Tại sao xây dựng lên mà không có chiến lược mà hoạt động hay là do trình độ còn hạn chế. Thật tình tôi chả hiểu, xin nhờ bà con ai biết chỉ giáo cho mọi ng cùng tôi hiểu với. Chúc diễn đàn ngày một lớn…

  7. Dungkrongnang

    Sàn giao dịch ư? Trung tâm giao dịch cafe BMT lúc nào tôi đi ngang qua đó cũng thấy vắng teo, chả hiểu làm ăn ntn nữa. Mong sớm có những giải pháp tích cực để dân chúng tôi thấy những hạt cafe do mình làm ra có gia trị, xứng đáng với sức lao động của mình.

  8. QA

    Sàn giao dịch BCEC được mở với kỳ vọng là 1 kênh giảm thiểu rủi ro, ổn định giá đầu ra cho người nông dân bằng các giao dịch futures, chuyển giao rủi ro về giá từ người nông dân sang người đầu cơ (với mong muốn thu càng nhiều lợi nhuận càng tốt) trên thị trường, chứ không phải để thu mua cà phê. Nếu thu mua cà phê thì chỉ cần đơn giản mở một chợ đầu mối nông sản. Tuy nhiên người nông dân còn thiếu (hầu như không có) khái niệm về bảo hiểm giá (hedging) bằng giao dịch kỳ hạn (futures), các kỹ thuật chốt giá, xác định giá sàn, phân biệt thị trường cà phê thực (physical/cash coffee market) và thị trường giao sau (futures market) thì làm sao có thể bảo hiểm giá bằng cách tham gia giao dịch trên sàn BCEC như kỳ vọng. Hơn nữa, khối lượng giao dịch min là 2 tấn thì so với sản lượng cà phê trung bình của nông dân Việt Nam vẫn là lớn. Nông dân VN cũng có lẽ không muốn đóng tiền ký quỹ để có thể đảm bảo giá đầu ra. Sản lượng đầu ra không ổn định cũng làm cho người nông dân khó xác định số lượng hợp đồng futures cần để bảo vệ số lượng cà phê thực mà mình có. Hơn nữa, không phải ai cũng xác định được mức giá hợp lý để chốt giá trên sàn futures cả.
    Hedging đòi hỏi phải có nhiều kiến thức về risk management. Việc cần thiết là phải đào tạo các kiến thức, kỹ năng cho các thể chế tham gia trên thị trường trước khi tiến hành các biện pháp vệ hoạt động (sàn giao dịch SAFEX tại Nam Phi đã mất nhiều năm để đào tạo trước khi đi vào hoạt động). Việc nghiên cứu các cơ chế để sử dụng các công cụ phái sinh cho người sản xuất cà phê đã được nghiên cứu và đề xuất bởi World Bank (International Task Force) tuy nhiên tại VN vẫn chưa có cơ chế áp dụng. Có lẽ một cơ chế cung cấp các hợp đồng quyền chọn (put-options) sẽ hợp lý hơn phát triển một sàn giao dịch cà phê tương lai với hoàn cảnh của ngành công nghiệp cà phê hiện nay.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81