“Việt Nam xuất khẩu cà phê?”

Người Phần Lan nổi tiếng thế giới về nghiện cà phê. “Bữa sáng của tôi gồm hai tách cà phê, trên đường lái xe tới công ty tôi dừng lại một quán bên đường làm thêm tách nữa, chừng nửa buổi làm việc tôi lại tự thưởng cho mình một tách và bữa trưa không thể thiếu cà phê” – ông Mika Nevalainen, lãnh đạo Công ty Kyro (chuyên sản xuất kính của Phần Lan), kể với các phóng viên VN trong một quán ăn ở Helsinki.

Thế ông có biết những nước xuất cà phê hàng đầu thế giới?”. “Tôi biết chứ, Brazil, Colombia, Mexico này”. “Còn VN?”. “Thế à, VN xuất khẩu nhiều cà phê à?” – ông Mika hỏi lại.

Ông Pekka Nieminen, một đồng nghiệp của ông Mika đã từng tới VN và thích cà phê VN, xác nhận cho ông thông tin này. Và ngay cả với các nhân vật quan tâm tới giao thương với VN cũng chưa biết về những mặt hàng thế mạnh của VN.

Bà Pirkko Haavisto, trưởng phòng chính sách thương mại của Liên đoàn Công nghiệp và doanh nghiệp Phần Lan, cho biết nhập khẩu từ Trung Quốc vào Phần Lan năm 2003 đạt gần 1,6 tỉ euro (Trung Quốc đứng thứ bảy trong số các nước xuất khẩu hàng đầu vào Phần Lan và dẫn đầu khu vực châu á – Thái Bình Dương). Các nước Đông Nam á xếp hạng lần lượt là Malaysia (hơn 200 triệu euro), Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines và cuối bảng là VN (41,1 triệu euro). Tính ra, cứ mỗi người trong số xấp xỉ 5,2 triệu dân Phần Lan năm qua bỏ ra 307 euro để mua hàng “made in China” và con số này đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng. “Chúng tôi chỉ biết mỗi hàng Trung Quốc thôi” – nhiều người Phần Lan thừa nhận khi được hỏi họ nghĩ thế nào về hàng hóa từ Trung Quốc và các nước ASEAN.

“Chúng tôi không phải là những người tiêu dùng quá khó tính như nhiều nước châu Âu khác. Bản thân tôi chỉ quan tâm tới chất lượng và giá cả của hàng hóa. Vậy nên để xâm nhập thị trường Phần Lan nói riêng và cả các nước Bắc Âu nói chung, điều quyết định sẽ là chiến lược xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của mỗi nước” – ông Pentti Makinen nói. Người Trung Quốc len lỏi thị trường Bắc Âu xa xôi này bằng nhiều cách: hàng loạt nhà hàng Trung Hoa mọc lên ở Helsinki và luôn đông khách, cử hàng loạt các đoàn doanh nghiệp Trung Quốc sang Phần Lan tiếp thị, nắm bắt thị hiếu là không cần quảng cáo hàng hiệu nhưng luôn uy tín về chất lượng và giá cả…

Hàng VN chưa xâm nhập được phải chăng vì thiếu cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ tại Helsinki? Câu hỏi được đặt ra với ông Pentti. Không hẳn vậy. Thái Lan cũng hoạt động thông qua đại sứ quán của họ tại Thụy Điển nhưng làm rất tốt. Họ chọn cách tiếp thị hàng hóa thông qua du lịch. Năm qua, số người Phần Lan đi du lịch Thái Lan tăng lên nhanh chóng và nhờ đó hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan được nhiều người biết đến hơn” – ông Pentti trả lời.

Trong nhiều cuộc tiếp xúc với giới chức Phần Lan, chúng tôi cố gắng hỏi những ấn tượng của họ về VN. Phần lớn mọi người đều biết về các cuộc chiến tranh trong quá khứ của VN nhưng đa số chưa tới VN lần nào và tất cả đều khá xa lạ với hình ảnh hiện tại của VN.

Chúng tôi nhiều lần hỏi các doanh nghiệp cũng như các tổ chức thương mại của Phần Lan những bí quyết để hàng hóa VN xâm nhập thị trường Phần Lan. Một chính khách xin giấu tên đã trả lời thẳng thắn: “Tôi nghĩ chính giới chức và doanh nhân sẽ phải năng động tìm hiểu cách thức để xúc tiến thương mại. Trong cuộc chiến cạnh tranh này, rất khó để chúng tôi đưa ra cách thức để quảng bá sản phẩm VN. Vâng, xin hãy hỏi chính quý vị”.

Chúng tôi nghĩ cũng phải. Những câu hỏi của chúng tôi lại cùng lên máy bay trở về VN.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80