Tin buồn

Kinh doanh nông nghiệp vất vả, lãi ít

“Làm nông nghiệp rất vất vả và lãi ít, vì so với các mặt hàng khác, nông sản là hàng hóa rẻ nhất”.

Đó là đúc kết của ông Trương Văn Hiền – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An sau nhiều năm lăn lộn với nghề kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông từng được biết đến là một doanh nhân gặt hái được khá nhiều thành công, từng là đại biểu Quốc hội, được phong Anh hùng Lao động. Hẳn nông nghiệp đã mang lại cho ông rất nhiều, cả về kinh tế và chính trị?

– Không hẳn như thế đâu, kinh doanh trong nông nghiệp rất vất vả, lợi nhuận lại ít, nhất là trong bối cảnh hiện nay, công ty chúng tôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. So với các mặt hàng khác, thì hàng nông sản là mặt hàng rẻ nhất. Đại đa số các mặt hàng như lúa, ngô… giá trị gia tăng hiện chỉ bằng 1/3 – 3/5 so với các mặt hàng khác.

sản xuất lúa
Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đang là hướng đi mới của Nghệ An.

Tôi ví dụ, 1 sào lúa bình quân thu được 400kg thóc/2 vụ, tính toán chi li thì mỗi tháng chỉ lãi được có 90.000 đồng/sào. Vì thế, theo tôi để giá lương thực “cân bằng” với các mặt hàng khác, giá lúa phải đạt 12.000 đồng/kg, gạo 18.000 đồng/kg.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn, nông nghiệp được coi là “cứu cánh” cho nền kinh tế. Với riêng kinh nghiệm của mình và công ty, ông xác định những chiến lược kinh doanh gì để vượt qua khó khăn?

– Trước đây, kinh doanh nông nghiệp có rất ít người nhảy vào, nhưng gần đây chỉ tính riêng ở Nghệ An, về lĩnh vực phân bón và giống đã có đến hàng chục đơn vị cùng kinh doanh. Đây là một xu thế chung của sự phát triển, nhưng rõ ràng cùng một địa bàn có nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh, sản xuất cùng một sản phẩm, chưa nói đến quy mô, chất lượng sản phẩm như thế nào nhưng chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh về thị trường.

Bên cạnh đó, gần đây do lãi suất ngân hàng cao, giá nông sản thấp, nên sức đầu tư của người dân cũng có phần giảm xuống. Trong bối cảnh đó, người làm nghề kinh doanh phải biết vươn ra các thị trường khác, chứ không thể chỉ bó hẹp ở một địa bàn được.

Từ đầu năm đến nay đã có rất nhiều doanh nghiệp phá sản, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp, phần do vốn mỏng, phần do bị tác động từ khủng hoảng kinh tế. Vậy xin hỏi thẳng, tình trạng công ty ông hiện nay ra sao?

– Làm kinh doanh lúc thuận lợi, khi khó khăn là chuyện thường. Những lúc thuận lợi, công ty chúng tôi cũng đã có những nguồn dự phòng và hiện nay trong bối cảnh chung của nền kinh tế, công ty cũng đã có những thay đổi cơ bản theo hướng đa ngành, đa sản phẩm.

Trước đây, chúng tôi chủ yếu sản xuất phân bón, nhưng nay lại tập trung chính vào sản xuất giống và vừa rồi chúng tôi lại đầu tư thêm nhà máy xay xát. Ngoài ra, chúng tôi còn sản xuất và nhập khẩu khoảng 200.000 tấn phân bón/năm và kinh doanh các mặt hàng khác.

Sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ do ruộng đất manh mún, nên hàng hóa còn kém chất lượng giá trị. Đứng ở góc độ của một nhà làm kinh doanh, theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để thay đổi nền sản xuất này?

– Theo tôi, chúng ta cần tập trung vào xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Như trong đó vụ đông xuân này, chúng tôi đã triển khai xây dựng thí điểm 8 CĐML, mỗi cánh đồng rộng từ 30 – 50ha và đã đánh giá là có hiệu quả hơn khoảng 30% so với trước đây. Chỉ có thực hiện CĐML mới có thể áp dụng được các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao.

Hiện chúng tôi đang hỗ trợ các huyện vay phân bón không tính lãi để làm CĐML. Nhưng việc dồn điền đổi thửa đang gặp rất nhiều khó khăn. Vả lại, dồn điền đổi thửa được rồi thì ai làm, làm như thế nào, ai đầu tư, dân được gì? Người dân mới được hỗ trợ 30% phân bón, tương đương 1,3 triệu/ha, trong khi đó họ phải đầu tư vào CĐML hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Cho nên, để làm được CĐML trên diện rộng cần phải triển khai cánh đồng mẫu nhỏ, khi người dân thấy được lợi ích thì việc dồn điền đổi thửa không còn là việc khó.

Theo ông, để hàng nông sản nói chung và hàng nông sản Nghệ An nói riêng có đầu ra ổn định, giá trị cao, chính quyền, người dân và doanh nghiêp cần phải làm gì?

– Một trong những nguyên nhân khiến các mặt hàng nông sản của Nghệ An chưa tạo ra được thương hiệu là do sản xuất manh mún và tập quán của người dân. Biết trồng lúa không được nhưng họ vẫn làm, đất không phù hợp trồng lạc, vừng nhưng họ vẫn làm. Do đó, theo tôi chính quyền cần phải kiên quyết trong việc lựa chọn giống cho địa phương, rồi diện tích gieo cấy cụ thể của từng loại. Ngoài ra cần phải đẩy mạnh việc đầu tư trong và sau thu hoạch.

Hiện nay, có những việc đầu tư quá lớn, mình doanh nghiệp khó có thể gánh hết, nếu không có sự chung tay của chính quyền.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoàng Huyền

    Nông phẩm thì rẻ nhưng thành phẩm thì mắc. Người nông dân phải bán nông phẩm mình làm ra với giá rẻ mạc và chỉ sau vài khâu chế biến đơn giản và qua mấy tay buôn thôi thì giá nông phẩm ở tit trên trời xanh rồi. Thử hỏi người nông dân làm sao sống nổi với cảnh này… thời buổi này thật bất công. Nhà nước cần có biện pháp và chính sách bảo vệ nông dân nhanh thôi vì từ lâu nhà nước đã quên đi người đã tạo ra sản phẩm để nuôi sống dân.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82