Vì sao cà phê Việt Nam chưa đạt được trình độ quốc tế?

Thiếu sót lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng là thiếu tính chặt chẽ. Theo đó, xét về điều kiện pháp lý, hợp đồng kể cả trong nước lẫn quốc tế, các DN đều yếu trong cách thể hiện.

Xem thêm bài: > Doanh nghiệp cà phê: Yếu vì thiếu kinh nghiệm trong giao dịch quốc tế

Bởi vì, hầu hết DN đều phải tự đàm phán, thương lượng, soạn thảo và ký kết hợp đồng mà không có sự tư vấn của luật sư. Vì thế, kết quả của hôm nay chính là việc trả giá cho quá trình tự học.

Ông lương văn tự
Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA)

Trong đó, trường hợp của các DN chế biến và xuất khẩu cà phê Việt Nam là minh chứng rõ nhất. Cụ thể, trước nay, cà phê Việt Nam luôn đứng nhóm đầu về xuất khẩu so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Thế nhưng, khi tham gia thị thường cà phê thế giới, Việt Nam lại luôn thua thiệt. Cụ thể, năm 2011, DN xuất khẩu cà phê Việt Nam bị “ngấm đòn” chua cay nhất từ trước đến nay, do giá bán xuất khẩu luôn giữ vị trí thấp nhất so với các nước.

Theo đánh giá từ thị trường thế giới, cà phê Việt Nam chưa đạt trình độ quốc tế vì chưa đáp ứng được cách buôn bán của thế giới.

Trong bối cảnh đó, Vicofa luôn day dứt vấn đề phải làm sao để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cà phê nói riêng và ngành cà phê nói chung.

Do đó, vấn đề hiện nay là phải tập trung sơ kết lại tình hình mua bán cà phê cả trong nước lẫn nước ngoài để từng bước xây dựng hợp đồng mẫu, từ đó để hạn chế thời gian “tự học” và chấp nhận việc “trả giá” cho các DN trong ngành, tạo bình đẳng trong bán buôn hơn.

Hiện, DN Việt Nam thường gặp rất nhiều rủi ro về pháp lý, trong khi người Việt lại rất ngại tranh chấp pháp lý, thậm chí chấp nhận chia sẻ rủi ro 50/50 mà chưa hẳn mình đã vi phạm. Lợi dụng nhược điểm này, các đối tác sẽ dễ dàng gây rắc rối để hưởng sự chia sẻ như đã nói trên.

Vì thế, vấn đề hiện nay là các DN cần phải xốc lại hệ thống phòng ban pháp chế trong DN, đặc biệt là trong việc soạn thảo và đám phán hợp đồng hợp tác kinh doanh.

LƯƠNG VĂN TỰ – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Phạm Văn Khiêm

    Nhìn nông dân Braxin thu hoạch thấy người ta hái từng quả chín một để thấy rằng họ trọng chất lượng sản phẩm đến mức nào. Còn ở ta thì làm ẩu quá (mà cũng phải thôi): xanh, chín tuốt hết, đó là chưa nói đến có thể còn dư lượng những hóa chất độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng thì làm sao giá cao được?! Sở dĩ tôi nói “mà cũng phải thôi” là bởi vì hái xanh, hái chín thì giá sản phẩm đều mua như nhau thì để thuận lợi trong quá trình thu hoạch người ta chấp nhận hái xanh. Nếu như có thiết bị đánh giá chất lượng sản phẩm, phân biệt được sản phẩm hái chín, sản phẩm hái xanh và giá mua sản phẩm hái xanh chỉ bằng 60 -70% giá sản phẩm hái chín, lúc đó nông dân mới chú trong đến việc thu hoạch quả chín. Đó cũng là một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Còn nhiều những yếu tố khác, khâu khác mà tôi chưa dám trao đổi ở đây, chỉ nêu ở khâu thu hoạch xanh, chín thôi

    1. Vũ_KRPak

      Vì ăn trộm lộng hành quá mà bác, bắt buộc phải hái thôi. Với lại ở chỗ em các rẫy xung quanh mà đã hái xong (toàn cà xanh) thì rẫy mình cũng phải theo thôi, không thì bọn gọi là đi “mót” nó cũng vào rẫy của mình “mót” nữa. Lúc này muốn để quả chín thì cũng không thể rồi.
      Mà kì lạ, những người đã hái quả xanh thì mùa nào cũng hái quả xanh. Làm 1 mùa vất vả vậy mà sao họ lại hái quả xanh, họ ko tiếc hay sao ấy. Sản lượng quả xanh khi ra nhân đâu bằng lúc quả chín đâu. Trái còn non nhiều nên khi phơi khô hạt nhân bị teo tóp lại hết. Tiếc. Vì những người này nên làm những người xung quanh họ phải tuốt cà xanh theo. Có phải đó là thói quen? mà là thói quen thì khó mà bỏ được.

  2. Nguyen Quoc Phong

    Đúng là DN Việt Nam có thiệt thòi khi ký hợp đồng và giải quyết tranh chấp. Cụ thể theo tôi biết có một số điểm rõ ràng sau:

    – Về nơi xử lý tranh chấp: Trong hđ cà phê ngoại hầu như lúc nào việc xử lý tranh chấp cũng ở Luân Đôn. Đây là một thiệt thòi của ta vì nếu có tranh chấp đến mức phải qua trọng tài hoặc ra tòa thì DN Việt Nam có hiểu gì về luật ỏ nước Anh đâu mà sang tranh chấp. Hơn nữa chi phí cũng cao, trọng tài Luân Đôn tuy nói là trọng tài nhưng tất nhiên phải bênh người phe mình rồi. Có ai dám bảo là mấy ông Tây sẽ làm việc công bằng không?

    – Về kiểm định chất lượng và trọng lượng hàng hóa: Không hiểu sao khi mình xuất đi cũng có kiểm định trung gian hẳn hoi, ngoài ra người mua cũng cử nhân viên đến giám sát nữa. Vậy mà nhiều khi hàng đến nước ngoài, người mua cũng chọn một đơn vị kiểm định nữa rồi dựa vào chứng thư kiểm định đó mà kiện mình về chất lượng hoặc trọng lượng.
    Dựa Chứng thư của đơn vị kiểm định nước ngoài thì hàng mình không đạt chất lượng. Nhưng dựa vào chứng thư kiểm định của mình thì hàng mình đạt chất lượng. Ai đúng ai sai chưa biết, vậy mà nhiều khi ta chịu thua chịu bồi thường thiệt hại cho họ.

    1. Tân Hưng

      Mình cũng có tốn kém chi phí để thuê Cafecontrol kiểm định nhưng đơn vị này không được nước ngoài thừa nhận là đơn vị trung gian, thường gọi là bên thứ 3 đó, (không tin thì đúng hơn) nên chứng thư không được chấp nhận… Nếu có xảy ra tranh chấp như bạn Nguyen Quoc Phong nói thì cty XK cafe của VN mình… luôn luôn thua!

  3. haohao

    Xanh nhà hơn già đồng. Công nhận 1 điều là chừa quả xanh lại cũng coi như là biếu ko cho người đi mót, có khi họ níu gãy cả cành nữa cơ.

  4. hntcafe

    Để hái chín hết chắc người dân chỉ đem lá và cành về nhà bán thôi, chứ bị hái trộm hết còn đâu nữa. Nếu được thì nên nói giúp việc bảo vệ giùm cafe với, lúc đó mới tính đến chuyện chất lượng cafe!

  5. quan tâm

    Do khâu thu mua mà ra cả : Mua xô nên bà con cũng hái xô! DN cũng xuất khẩu ào ào miễn có nhiếu tiền bỏ túi. Trọng tài bận đi họp.

  6. TÀI THỊNH CO LTD

    Việt Nam hay có cái kiểu đồ thừa lắm, đổ thừa cho không hái xanh thì sợ trộm. Cái đó là tại mình chứ ko phải tại ai, ai bảo làm mà ko quản lý được, phải biết tự lượng sức mình mà làm chứ, ai biểu nhà có 2-3 người mà đòi làm 10 hecta cà phê. Đã làm nhiều thì phải quản lý được, còn ko được thì bán đi.

  7. Hằng Nguyễn

    Chú này là Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao tại sao không đi đầu trong việc thay đổi này để giá cà phê, ca cao của VN tương xứng với thế giới chứ. Nhân tài của VN mình cũng đâu có thiếu, chẳng có tổ chức nào giúp bà con, đưa ra quy trình chăm sóc, nguồn giống tốt,…
    Mình chỉ thấy trang web này có ích nhất cho bà con Tây Nguyên, Cao Nguyên mình thôi.
    Cảm ơn Y5 nhiều nhiều.

  8. ho vuong

    Ở đâu cũng vậy, tôi nghĩ lâu dài phải thay đổi để làm cà phê chất lượng thôi. Tôi nghĩ cà rô mà chế biến ướt thì làm dối không được. Cũng có đối tượng mua giá cao cho loại chất lượng chế biến ướt. Có gì các bạn làm tốt trước, rồi tự ra giá và tiếp thị chắc sẽ thành công.
    Còn cái xấu thì kệ họ, ai làm được cứ cho điện thoại. Tôi rất ghét cà xanh uống không ra gì, mua về bán cạnh tranh sớm muộn cũng vỡ nợ.
    Đừng mua cà xanh thì ăn trộm cũng phải đợi chín, thôi chúng ta phải đợi những doanh nghiệp chuyên mua cà chất lượng và kiểm định công bằng ra đời.
    Tôi nghĩ doanh nghiệp này phải rang xay mới dám mua cao, hy vọng nay mai thôi.

  9. Thao Nguyen

    Toàn bọn ăn trộm, hết heo đến gà, chó, bây giờ cà… nên mới kém chất lượng. Làm sao hạn chế trộm cắp nhỉ? Chỉ có chính quyền mới biết…

  10. MUF

    Dù còn nhiều vấn đề…, nhưng bà con nông dân cũng rất mừng là Ngài chủ tịch đã thấy được sự thật là mình đang là Chủ tịch ngành cà phê, ngành chưa đạt trình độ quốc tế!

  11. Nông Thị Mạc

    Xin chào cả nhà!
    Theo tôi thì vấn đề hái cà phê xanh hay chín là không quan trọng vì đó là cách lựa chọn tốt nhất mà người nông dân buộc phải làm thôi. Khi bạn đầu tư vốn bạn còn có kế hoạch cắt lỗ cơ mà, sao chúng ta lại đi nói ý thức của người Nông dân? Có ai trong số chúng ta chưa đi xe máy vượt đèn đỏ hay uống rượu say mà đi xe máy chưa? Ý thức và cách làm chuyên nghiệp thì quá tốt nhưng theo tôi thì Nông dân như tôi chỉ mong nhà nước nên làm như thế nào trong vấn đề hợp đồng cho tốt hơn và luôn có giải pháp hổ trợ Doanh nghệp. Theo tôi biết thì luật về mua bán tàu biển và luật bảo hiểm tàu biển còn phức tạp và rắc rối hơn nhiều nhưng sao chưa thấy nói gì mà.

  12. Phạm Văn Khiêm

    Tôi cũng là nông dân làm cà phê. Một nắng hai sương, phải chịu bao nhiêu nỗi bức xúc mới có hạt cà phê. Tôi vẫn hiểu hái quả chín phải chịu nhiều vất vả, rủi ro hơn hái xanh, trong khi phơi khô rồi thì xanh chín như nhau, mua cùng một giá nên chả ai dại gì mà hái chín – “xanh nhà hơn già đồng mà”. Để nông dân quan tâm đến việc hái chín thì vấn đề mấu chốt là cơ chế giá.

  13. VOTALOC

    Tôi thấy bạn Phạm Văn Khiêm nói đúng, nếu khi mua không phân biệt được xanh hay chín thì vấn đề chất lượng cà sẽ không đảm bảo được. Theo tôi để nâng cao chất lượng sản phẩm và để người hai sương một nắng đỡ bị thiệt thòi thì cần phải có sự quan tâm chặt chẽ của các cấp chính quyền và của toàn xã hội từ đầu ra cho đến đầu vào đối với sản phẩm cà phê. (Phân bón: cần đảm bảo chất lượng không có phân kém chất lượng trên thị trường, Nước tưới: đảm bảo đủ nước tưới, Tệ nạn xã hội: tỉ lệ thuận với nạn trộm cắp cà phê)

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84