Quốc lộ 14 – Nhọc nhằn và đau thương quá !

Sáng nay 18/5, đi về TP.HCM công tác, bất ngờ chứng kiến hiện trường vụ tai nạn thảm khốc, Kinh Vu đã chuyển về cho BBT Y5Cafe những dòng cảm xúc…

Phải nói là quá bàng hoàng! Bàng hoàng và đau thương quá!

Nghẹn ngào và không còn lời nào để thốt lên được nữa khi trực diện với hiện trường tai nạn kinh hoàng bên dòng Sêrêpôk. Khi tôi đến đây thì những thi thể và người bị thương đã được chuyển đi, chỉ còn lại ngổn ngang những tấm chiếu đắp xác vương vải trên mặt đường cùng với những mảnh vỡ và những bàn thờ lập vội.

Tôi có dịp phải đi công tác trong chính buổi rạng sáng đau thương này qua quốc lộ 14, mà cứ mỗi lần đi qua không lúc nào là không chứng kiến những tai nạn khủng khiếp.

Đã đến lúc chúng ta đừng thờ ơ nữa mà cần phải lên tiếng tự hỏi, đến lúc nào thì chúng ta sẽ ở trong những người xấu số ấy, đến lúc nào thì những người có trách nhiệm mới thôi nghĩ về những văn phòng làm việc hoành tráng ngàn tỷ này, trăm ngàn tỷ kia để nhớ đến những con đường như quốc lộ 14 đứng hàng thứ hai trong tổng chiều dài của đất nước. Đây là con đường huyết mạch vận chuyển những sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao (nếu không muốn nói là có tổng giá trị nông sản xuất khẩu lớn nhất Việt Nam) của các tỉnh Tây nguyên từ Kon Tum qua Gia Lai, đến Daklak rồi Dak Nông và xuôi về Bình Phước để đến với các cảng của Tp.Hồ Chí Minh mà vươn mình ra khắp thế giới.

Với khoảng 800.000 tấn cà phê, 500.000 tấn đậu bắp các loại, 500.000 tấn cao su, hàng vạn tấn hạt điều, bông, mía đường, sắn, tiêu…, gần như là tất cả nông sản xuất khẩu chủ lực hằng năm từ các tỉnh Tây nguyên đều phải đi qua con đường này. Để rồi cũng khoảng chừng ấy giá trị hàng hóa từ tiêu dùng cho đến phục vụ sản xuất, từ phân bón cho đến xăng dầu đi ngược lại với Nông dân, đi trên những con đường mà theo thống kê của một bài báo đăng trên Tuổi Trẻ là đường cao tốc của Việt nam đắt hơn 1,5-2 lần những nước xung quanh trong khu vực và thậm chí đắt hơn cả chi phí làm đường của Mỹ. Thế nhưng thực trạng chất lượng của những con đường huyết mạch của chúng ta như thế nào, thôi xin không nói nữa, xin mời bà con xem hình để dễ hình dung hơn.

Nếu ai đó có nghi ngờ về tính trung thực của những hình này, nếu ai đó còn nghi ngờ về thực trạng của con đường mà hàng vạn, hàng vạn người vì mưu sinh cuộc sống mà phải đi qua hàng ngày, xin liên hệ với tôi, tôi xin cam kết thay vì cung cấp hình gốc, tôi xin được bỏ tiền túi ra để ra mua xăng dầu, bao ăn trên suốt dặm trường và thuê xe xịn mời vị đó cùng đi với tôi để chứng kiến. Mong rằng các vị có đủ can đảm để đi suốt đoạn đường quốc lộ 14 từ Bắc Tây nguyên cho đến Tp. Hồ Chí Minh.

Bài và hình ảnh của Kinh Vu

 Một số hình ảnh về thực trạng quốc lộ 14

Nơi lan can đã không đủ chắc chắn để ngăn cản chiếc xe khách xấu số, lao xuống dưới 20m vực sâu

Âm dương chỉ cách biệt bởi một lan can mong manh và một cái gờ xi măng thấp tủn

Hình chụp từ bên bờ Dak Nông, nơi xe tải đang qua cầu là điểm xe lao xuống cầu

Với độ cao khoảng 20m, chỉ biết cầu nguyện…  còn sống người nào hay người ấy!

Trên quốc lộ 14 đoạn qua khỏi Dak Nông, rất nhiều đoạn có lề đường bẫy tài xế như thế này

Bẫy như thế này giăng khắp nơi trên suốt đoạn đường

Từ Dak Lak đến Bình Phước, duy nhất chỉ nơi đây đang đổ đá vá đường

Rất, rất nhiều xe trong sương mù hay bị pha đèn trong đêm tối, khó mà nhận định đâu là lề

Không những phải canh lề, tài xế còn phải đề phòng …trụ điện đập vào mặt !

Chào mừng đến Bình Phước

Hố voi chào mừng đầu tiên thuộc khu vực Bình Phước

Và vô vàn hố khủng long chờ đón những xe hàng vài chục tấn lọt vào đây

Tài xế khó có thời gian để ghi nhận lời nhắc nhở….

…Bởi vì phải canh chừng bên kia cái mô gò thấp kém là vực thẳm đủ cho xe tải lộn 5 vòng

Những đoạn đường mạnh ai nấy chạy, không phải theo luật mà phải theo ổ voi thực tế

Không biết cái hố bom này sâu bao nhiêu? ngay cả xe tải cũng chẳng dám thử đo

Và “thành công” tất yếu của hàng loạt cái bẫy đã giăng ra 

May mắn tài xế và phụ lái không sao, nhưng họ còn chưa hoàn hồn bởi cái lề cao bằng nửa chiếc xe tải

Cảnh này không xảy ra hàng ngày mới là chuyện lạ

Một đoạn đường “còn tốt” được cày lên xí phần đã lâu lắm rồi để đó, “LUẬT GIAO THÔNG?”

Khách dừng nghỉ ăn uống xong, khi ra đoạn này thì trả về cho đất cả – Đoạn Trạm Nghỉ Rạng Đông 

Đường cày xới (rồi bỏ đấy) dạng này cực kỳ nguy hiểm cho xe 2 bánh – Xin đừng hô khẩu hiệu nữa quá khôi hài

Đã từng có xe container, xe tải lật chỏng vó nơi đây, chỉ vì kiểu lề không đâu có được

Kết hợp với đường hẹp thử thách tay nghề của các bác tài

Cái bảng hướng dẫn ĐƯỜNG ĐANG LÀM này đã có từ lâu, nhưng không thể tìm ra ai đang làm

 

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. vanhofas

    Mình đã ko dưới 5 lần đi xe máy về Dak Lak. Những năm trước đường rất tốt, nhưng càng ngày thì càng tệ. Tỉnh thì chờ vốn từ Bộ nên rất thờ ơ. Đợt Tết rồi, mình cũng bị sụp ổ Gà rất to tại trạm nghỉ Bù Đăng, sửa xe gần cả tr. QL 14 rất nhiều điểm đen như: Vừa qua BMT, đoạn rừng thông Dak Song, Dak Rlấp, điển hình là Bù Đăng đến Đồng Xoài… 3 năm rồi, vẫn chưa làm xong. QL14 còn như vậy, thì Tây nguyên còn bị hạn chế phát triển.

  2. nguyên

    Tiền đâu mà làm đường? Tiền thuế của dân mới đủ để làm lễ hội và festival thôi, nào là lễ hội chùa Hương, đền Trần… nào là lễ hội hoa, trà … nào là lễ hội cà phê, trái cây… nào là lễ hội pháo hoa, du lịch biển… vân vân và vân vân. Không khéo nay mai mở thêm lễ hội tham quan các cung đường không thể đi được khắp VN!

  3. Chu se-Gia Lai

    Tiền lệ của Việt Nam mình vẫn thế… Mất bò rồi mà vẫn không chịu làm chuồng. Gia Lai mình năm ngoái còn có đoạn đường treo biển quảng cáo cho đấu thầu thả cá nữa cơ.

  4. pham quang vinh

    Cần phải gióng lên nhiều hồi chuông.
    Đừng nói đâu xa, ngay quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Buôn Hồ, gần 1km tôi thấy như đường Trường Sơn hồi còn chiến tranh chống Mỹ.

    1. balck cafe

      Tổ chức lể hội để nhiều người biết đến cà phê BMT hơn. Nhưng du khách đến lễ hội bằng máy bay nên chưa biết thực trạng này, còn là tour đường bộ chắc không ai dám tham quan lễ hội.

    2. lê văn trung

      Đường chúng ta nên đào sâu xuống và cho nước vào để làm sông cho ghe thuyền vận chuyển hành khách thì tai nạn giao thông sẽ hạn chế nhiều hơn.

  5. Nông Cà

    Vừa rồi có dịp từ Dak Lak xuôi về TPHCM.
    Chuyến xe giường nằm cao cấp đi trong đêm phải rên siết trọn hơn 100 km dày đặc ổ voi, ổ trâu, ổ gà…
    Hành khách đã yên vị trên chiếc giường hiện đại, nhưng chao đảo lắc lư không hề chợp mắt suốt một đêm. Ai thấu cho khách lữ hành QL14! Hỡi bác Bộ trưởng GTVT!

  6. Đinh tân lâm

    Ai cũng biết là bộ máy cán bộ của VN là cồng kềnh vào bậc nhất thế giới. Nhưng khi có những sai phạm của các cán bộ (ví dụ: cán bộ lâm trường để mất rừng, cán bộ thanh tra quản lý thị trường để hàng giả tràn lan, thanh tra giao thông vận tải thì đường làm chưa xong đã hư…). Lúc được hỏi tất cả các cán bộ đều trả lời: “LỰC LƯỢNG MỎNG”.
    Tôi có 3 đứa cháu làm nhà báo tất cả tụi nó đều than rằng muốn gặp cán bộ để viết về thành tích thì khá dễ dàng và được tiếp đón, chứ viết về những sai phạm của cán bộ thì luôn được trả lời là do lực lượng mỏng hoặc mắc họp, hẹn lần hẹn lửa thì nhà báo cũng bó tay. Vậy nhưng nhà nước luôn trao huy chương này danh hiệu nọ cho các cơ quan, ban ngành rần rần.

  7. balck cafe

    Tôi cũng ở Buôn Hồ, hiện đang làm việc tại HCM. Hôm qua đọc bài báo tai nạn kinh hoàng ở DakLak lòng tôi lặng lại. Mỗi lần về quê trong những chiếc xe đêm mà cảm giác đu đưa trong đêm. Không biết dưới đường bao nhiêu là cạm bẩy. Daklak là một tỉnh xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước, con đường 14 là mạch máu cho sự phát triển. Mong nhà lãnh đạo của tỉnh tìm bài giải cho vấn đề này.
    Những hình ảnh Chú Vịnh đưa ra còn sock hơn những hình ảnh cực độc ở Việt Nam. Thật là đau lòng quá đi thôi…? Mong các bác tài hãy vũng tay lái, trước mắt bà con hãy sống bằng “niềm tin” nhé.

  8. lambaoloc

    Mấy ngày nay có đọc báo điện tử nghe tin sao mà thấy đau thương và mất mát quá lớn, tôi nghĩ với độ cao của cầu đến 20m thì người ở trong xe hầu như may mắn lắm mới thoát được. Hy vọng trong tương lai đừng có tai nạn như vậy nữa. Xin chia buồn cùng các nạn nhân.

  9. văn minh

    Thật đáng thương cho những người đi trên chiếc xe ấy. Xin chia buồn cung người thân của họ, mong rằng sau vụ tai nạn này thì tất cả mọi người phải suy nghĩ về quốc lộ 14 nơi chúng ta đang sinh sống và sản xuất những sản phẩm mà trên thế giới biết đến. Qủa thật như Kinh Vu nói không nơi nào đường xấu như ở Tây Nguyên mình, đường ko theo kịp với mức phát triển của xã hội.

  10. Nguyen Van Tan Da Lat

    Bác nông cà ơi, tiếng kêu thảm thiết của bác chẳng thấu đâu vì những vị này không bao giờ có thời gian để lên diễn đàn của nông dân mình nên không thể nghe thấy được. Quá đau xót thương tâm cho những người xấu số, cầu cho linh hồn họ mau siêu thoát về thế giới bên kia. Thành thật chia buồn cùng gia đình những người không may trên chuyến xe này.

  11. Bon

    Xây dựng trụ sở cơ quan hàng nghìn tỷ đồng là vì danh dự quốc gia. Còn đường giao thông đắt nhất thế giới, chưa đi đã hỏng, toàn ổ voi, ổ khủng long không vì sỉ diện dân tộc. Phải vậy không các bác?

  12. minhanh

    Cái ổ voi thì to đùng đùng giữa đường, CSGT thì đứng ngay bên phải đang chận hàng chục xe lại… Đi qua bên trái để tránh ổ gà thì… phạm luật giao thông !

  13. phamvanloi2608

    Đoạn đường QL 14 thì khỏi phải nói rồi. Nó là 1 con đường dài quanh co qua biết bao núi đèo, đường lại ít dân cư nữa. Năm nào trên dọc đường về từ SG đến cầu 14 tôi cũng thấy có 1 đến 2 chiếc xe tải bị lật ở ven đường. Đường thì hẹp, lại quanh co, dốc cao, mỗi lần 2 xe khách tránh nhau các bác cũng được vài phen hú tim. Tôi chứng kiến cảnh chiếc xe tải cũ kỹ khi bò lên con dốc cao cứ như là vận động viên mạo hiểm lao núi vậy. Nó mà chết máy thì mấy xe đi đằng sau kể như cũng toi đời. Vài năm trở lại đây công an giao thông làm rất gắt gao thường xuyên bắn tốc độ dọc đường Ql 14 nhưng tôi thấy cũng chẳng giảm được tai nạn là mấy. Vì các bác tài biết hết chỗ thường xuyên kiểm tra tốc độ, qua khỏi đó là lại lao như bay. Vốn dĩ nghề lái xe là thế … không chạy nhanh, không nhồi nhét sao có lợi nhuận cao. Chung quy lại thì ta còn quá nghèo, hạn chế về mọi thứ (đường sá, phương tiện ko đạt chất lượng…).
    Tây nguyên có rất nhiều thế mạnh về khai thác chế biến gỗ, quặng boxit, du lịch sinh thái. Nhưng rừng thị bị phá gần hết rồi, còn quặng boxit thì đang chảy máu, mấy khu du lịch chả có vốn đầu tư sữa chữa, đổi mới thì lấy đâu ra khách …
    Nhà máy xí nghiệp thì dây chuyền cũ kỹ lỗi thời, không đạt tiêu chuẩn về xử lý nước thải. Bằng chứng đó chính là con sông Sêrêpôk bị ô nhiễm… Dân ta chủ yếu dựa vào caffe, tiêu, điều, cao su… Nhưng cũng chịu số phận quanh co, gập ghềnh như con đường QL 14!

    1. Văn Thành

      Đây là Quốc lộ 14 chứ đâu phải là con đường, nếu mà là con đường thì người ta xử lý lâu rồi, như đường cao tốc, đường nối dài chẳng hạn. Thường thì người ta chỉ quan tâm đến những con đường mà có mật độ dân số cao và có nhiều tiềm năng về lĩnh vực “công nghiệp không khói”. Còn QL14, nó là đường chạy xuyên qua nhiều tỉnh thành và khai sinh cũng đã từ lâu, nó oằn mình kêu cứu cũng đã từ lâu nhưng “các Táo” đang tính … rồi sẽ hết đời “Táo” này đến đời “Táo” khác chắc cũng thế thôi. Thôi thì, người dân ta mỗi lần có việc đi qua đây thì “chịu khó nín thở” để vượt qua “định mệnh”.

  14. dinh y

    Những hình ảnh này phải gửi lên Bộ giao thông đường bộ xem xét mới đúng. Ko biết khi nào mới hết tình trạng nay.

  15. 1 người bạn Gia Lai

    Sau khi nghe vụ tai nạn mình thấy buồn quá. Thật buồn cho những người xấu số. Mình có thời gian hay đi qua đoạn đường đó, đi tuyến Gia Lai-tp.HCM. Đôi khi cũng thấy sợ mỗi lần ngồi trên xe đi và về… Giờ mình đã ở Gia Lai luôn rồi nên ko còn phải đi nữa. Mong sẽ ko ai còn chịu cảnh đau thương này nữa… Chúc mọi người luôn thượng lộ bình an. Và một lần nữa xin chia buồn cho các gia đình có thân nhân xấu số. Chúc nhũng người bị thương sớm bình phục.

  16. Cà đắng

    Toàn là người trẻ tuổi. Có gia đình mất mát đến 2 người luôn. Kinh hoàng quá ! Đau thương quá !
    Xin chia buồn cùng gia đình các nạn nhân.

  17. Minh le Ngoc

    Tôi vừa làm 1 chuyến đi từ Bảo Lộc – Cát Tiên qua Bù Đăng, Bình Phước 2 ngày, vừa mới về tới nhà mở trang Giacaphe, thấy bài này… Bài viết và hình ảnh đúng y như nhận xét của tôi cách đây mấy tiếng, khi đang đi trên quốc lộ 14 và tỉnh lộ Sao Bộng – Đăng Hà. Thật là một con đường kinh hồn, nó bị băm nát thật tội nghiệp… Không đủ tiền làm đường, nhưng cũng “bây” ra đấy rồi để người đi đường chịu… Không hiểu các quan chức liên quan nghĩ sao?!…

  18. thanh liêm

    Tiền dân vô túi các bác đứng đường hết rồi lấy đâu mà tiền làm đường chứ. Theo tính toán sơ sơ của mình như thế này:
    Trên QL14 nơi cữa ngõ vào tỉnh GL, ĐL… Cứ mỗi chốt có các bác đứng đường sẽ thu tiền của dân có quy luật như sau:
    – Xe tải dưới 4 tấn miễn là có chở hàng, không cần biết chở bao nhiêu: 50.000 Đ/xe khi họ vui, còn khi buồn thì con số này phải nhân lên nhiều lần.
    – Xe tải từ 4t – 8t : tối thiểu 100.000 đồng/xe
    – Xe tải 3 chân : tối thiểu 150.000 – 200.000 đồng/xe
    – Xe tải 4 chân, đầu kéo : tối thiểu 250.000 – 300.000 đồng/xe
    Mình chỉ đề cập đế xe tải, chưa đề cập đến các loại xe khác.
    Mình ước lượng trên QL 14 mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt xe qua lại, trung bình mỗi xe sẽ “làm luật” chi cho 1 chốt là 200.000 đồng.
    Như vậy mỗi chốt đứng đường một ngày sẽ thu vô : 1500 x 200.000 = 300.000.000 đồng không cần bỏ vốn. Một năm sẽ thu vô : 300.000.000 x 360 = 108.000.000.000 đồng.
    Đoạn đường từ Gia Lai vô TPHCM qua các tỉnh: Gia Lai. Đaklak, Đaknông, Bình Phước, Bình Dương… mỗi tỉnh có tối thiểu 3 chốt, vậy có tất cả tối thiểu là 15 chốt.
    Vậy mỗi năm dân xe phải “chung” số tiền tối thiểu trên đoạn đường này là: 108.000.000.000 x 15 = 1.620.000.000.000 đồng.
    Số tiền này để làm lại đường sá tốt như một nước phát triển bậc nhất thế giới. Mà mình chỉ đề cập đến các loại xe tải chư chưa nói đến xe máy, xe oto con, xe khách các loại… Còn các khoản thu từ việc lập biên bản: các khoản thu này nộp vào ngân sách nhà nước mình không tính tới.
    Cứ hỏi ra đường thu tiền mãi lộ như thế, đó đã thành thông lệ thì các bác tài không chở hàng quá tải thì lấy gì kiếm sống, nuôi gia đình, mà các bác tài đâu muốn như vậy. Chở hàng quá tải thì nhanh hư xe, mòn lốp cũng tốn tiền vậy. Nhưng chở đúng tải thì không đủ tiền chi cho các bác… thì còn con đường lựa chọn nào khác…

    1. MUF

      Anh phải nghĩ rằng, người ta không quản đêm ngày mưa nắng, bỏ con bỏ vợ ở nhà để ra đường đứng, không rời trạm nữa bước, thì phải có thu nhập xứng đáng chứ!

      1. Văn Thành

        “Người ta không quản đêm ngày mưa nắng, bỏ con bỏ vợ ở nhà để ra đường đứng” là vì họ “yêu Tổ Quốc” đó bác MUF ạ !

      2. yeunongdan

        Làm có lương chứ có phải ko lương đâu mà than, đứng không còn khỏe hơn khối người nhà nông còng lưng với cây cà phê đấy chứ, rồi ai đi làm ko phải rời vợ rời con bạn chỉ ra xem nào? Đi làm rồi về chứ có phải như đi bộ đội dài tháng dài năm đâu mà nói. Lương cao thế nhiều người muốn làm còn không được!

  19. dân càpe

    Vốn đầu tư để sửa chữa đường qua nhiều % nên còn lại với giá thành rẻ mạc nên nhà thầu phải làm ít đi thì mới có ăn, vậy đường nhanh hỏng là đúng mà có nhanh hỏng thì mới có tiền. Hơn nữa tuyến đường này chở quá nhiều nông sản và hay quá tải vì đã “làm luật” không sao cả cứ đi. Không thể trách ai được…

  20. lê quang doãn

    Chỉ chú trọng lợi ích nhóm, xây dựng các khu dân cư mới, ở đó đường rộng 16m, 24m có đèn đường thắp sáng suốt đêm cho giun, dế đi ăn. Rồi để đó từ 5 năm-10 năm hoặc lâu hơn nữa chưa bán được đất, chứ đâu có lo làm đường, làm cầu cho dân đi.

  21. cafenghot

    Chuyện thường ngày ở tất cả mọi cung đường, có nói nhiều cũng “vũ như cẩn”. Có kiểm tra nhưng kiểm tra tại nhà hàng khách sạn thì cán cân làm sao mà thẳng được.

  22. Thành

    Những nhận định và hình ảnh của bác Kinh Vu quả không sai chút nào. Nhà mình ở Đak Nông, đang học ở tpHCM, mỗi lần về quê trên QL 14 là mình lại cảm thấy thật ngán ngẩm, đúng là con đường “có một khong hai”. Hy vọng nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm sẽ suy nghĩ nhiều hơn về việc này!

  23. cafeDakNong

    Thống nhất với mọi người là vấn đề đường sá quá tệ. Nhưng các bình luận của tác giả ở nhiều ảnh không khách quan, bởi vì có nhiều ảnh chụp đoạn đường đang thi công. Đường mau xuống cấp còn một nguyên nhân quan trọng nữa là 100% các xe tải đều chở quá tải, thậm chí nhiều xe hàng chở quá tải gấp 7 đến 8 lần trọng lượng cho phép và thường chạy quá tốc độ, vì vậy con đường phải chịu đựng nhiều hơn khả năng theo thiết kế. Thế đấy, đủ thứ tệ hại gộp lại và cho một kết quả như mọi người đã thấy.

  24. Đỗ Thanh Gia lai

    Anh MUF chắc làm công an hay có người thân làm công an nhỉ? Cũng tội cho các anh giao thông đứng chốt quá!

  25. Nguyễn Tiến Cương

    Anh Kinh Vu làm ơn gửi bài này về cổng thông tin của Quốc Hội hay Chính phủ giùm để các vị …

Tin đã đăng

Tin mới nhất

95