Tin buồn

Sản xuất, kinh doanh phân bón: Đủ kiểu sai phạm

Phân bón (PB) là mặt hàng thiết yếu của ngành nông nghiệp, mỗi năm nông dân Việt Nam phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua.

Mặc dù pháp luật về sản xuất kinh doanh PB ngày càng chặt chẽ hơn, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều kẽ hở khiến tình hình sản xuất kinh doanh PB vẫn còn bát nháo. Nhiều ngày thâm nhập, tìm hiểu thị trường PB ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ, PV NNVN đã thu thập được nhiều tài liệu cho thấy hàng loạt các DN sai phạm về chất lượng, mẫu mã… và chuyện thanh tra “ngại” công bố kết luận cho báo chí.

Phân bón quá nhiều, thật giả lẫn lộn nên nông dân không biết đường nào mà lần…

Theo tài liệu điều tra của NNVN, thời gian gần đây các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hàng loạt các Cty phân bón và phát hiện công ty lớn bé đều vi phạm về chất lượng, bao bì… để đánh lừa nông dân.

Lâu nay nông dân vốn xem sản phẩm phân bón của Cty phân bón Baconco (Ba con cò) – có trụ sở và nhà máy ở KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu và Văn phòng liên lạc ở đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM là chất lượng vì đây là một DN lớn. Ngoài ra, sản phẩm của DN này còn được quảng cáo khá “kêu” – đã tốt nay còn tốt hơn. Thế nhưng, tài liệu của chúng tôi cho thấy, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 55 triệu Cty Phân bón Baconco vì sản phẩm kém chất lượng. Theo đó, ngày 9/9/2011 UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định số 2255/QĐ-UBND xử phạt Cty PB Baconco số tiền 55 triệu đồng do sản phẩm phân bón NPK 15-15-15S kém chất lượng.

Tương tự, cơ quan chức năng Đồng Nai cũng phát hiện Cty TNHH sinh học HPH (đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Xuân, Q.12 – TP.HCM) sản xuất phân bón lá nhưng chưa được đưa vào Danh mục phân bón. Tại thời điểm kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện 15 chai phân bón lá HP-777 (50ml/chai) vi phạm và Sở NN-PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt 25 triệu đồng.

Chúng tôi về Lâm Đồng, nơi rất nhiều nông dân trồng cây công nghiệp (chè, cà phê, tiêu…) và hoa màu (chủ yếu ở Đà Lạt và Di Linh, Bảo Lộc) hàng năm phải bón một lượng lớn phân bón. Ông Trần Văn Dũng (ngụ thôn 4, xã Lộc Nam, Bảo Lâm) cho biết, nhà tui có 3 ha cà phê, mấy năm nay quá mệt mỏi vì gặp phải PB bón xong cây trồng… y như cũ. Theo ông Dũng, hàng trăm hộ dân nơi đây đều trồng cà phê, một năm bón hàng trăm tấn phân. Thế nhưng do PB quá nhiều, thật giả lẫn lộn nên không biết đường nào mà lần. Chính vì thế, bà con bảo: dùng phân bón bây giờ như đánh đố, hên thì gặp phân tốt, xui thì đành phải chịu.

Theo tài liệu của NNVN, trong năm 2011 Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra 190 vụ về kinh doanh sản xuất PB. Thật bất ngờ có tới 162/190 vụ vi phạm. Theo đó, cơ quan này đã xử phạt hành chính gần 320 triệu đồng. Đáng nói trong 162 vụ vi phạm thì có tới 144 vụ vi phạm về nhãn hàng. Tìm hiểu của PV, những sai phạm về nhãn mác của các công ty chủ yếu nhập nhèm, lách luật để đánh lừa nông dân.

Tương tự, khi về đại lý phân bón T.H (ở Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, Bình Phước), chúng tôi thấy khá nhiều loại phân bón bày bán. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, phát hiện “Phân gà xử lý” của Cty TNHH Thiên Ngưu (ấp 4, xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh, TP.HCM) là không có trong danh mục cho phép của Bộ NN-PTNT. Nhìn kỹ trên bao bì chúng tôi thấy ghi dòng chữ nhỏ xíu “Phân trung vi lượng bón rễ”. Hỏi: Tại sao phân trung vi lượng bón rễ lại ghi thêm dòng chữ to chình ình là Phân gà xử lý? Đại diện Cty Thiên Ngưu thừa nhận: “Đây chỉ là một hình thức “lách luật” mà thôi”. Vấn đề này, chúng tôi trao đổi với ông L, một chuyên gia về PB hữu cơ, ông huỵch toẹt: “Rõ ràng đó là kiểu… lách luật để qua mặt cơ quan chức năng quản lý rồi. Mặc dù đó là phân hữu cơ (phân gà xử lý) nhưng chỉ cần ghi 1 dòng “phân trung vi lượng” trên bao bì là chủ hãng PB này đã bỏ qua hàng loạt quy định của pháp luật như đăng ký khảo nghiệm, đăng ký danh mục…”.

Nói về tác hại của việc này, ông L nhận định “khi mà DN đã biết lách luật thì ai dám chắc họ không “lách” chất lượng để kiếm lời?”. Đưa bao bì “Phân trung vi lượng bón rễ” của Cty Thiên Ngưu cho ông L xem, ông nói thẳng: Tại sao phân trung vi lượng lại không ghi rõ thành phần trung lượng là cái gì? tỷ lệ bao nhiêu? Vi lượng tỷ lệ thế nào…? Còn nếu mà là Phân gà xử lý thì thành phần hữu cơ phải trên 20%, chứ trong sản phẩm này ghi 9% là không đúng…

Tài liệu của NNVN cũng cho thấy, cơ quan chức năng vừa phát hiện Cửa hàng VTNN Nhung Luân (xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) kinh doanh phân bón NPK 16-16-8-1,3S và NPK 20-20-15+TE của Cty TNHH Thiên Phú Nông (huyện Củ Chi, TP.HCM) bị kém chất lượng.

Trong quá trình tìm hiểu về tình hình SX-KDPB NNVN tiếp tục phát hiện dấu hiệu không ít DNPB và các đại lý bán hàng “bắt tay” để gian dối nông dân. Chủ đại lý T (Bảo Lâm, Lâm Đồng) thừa nhận: Nếu các DN sản xuất PB tăng giá mà không báo trước 3-4 ngày là tui… nghỉ chơi ngay! Tức là tui không thèm bán phân cho họ nữa – ông T nói. Vì sao vậy? Bởi vì nếu tăng giá mà biết trước tui sẽ nhập hàng về chờ giá lên thì bán. Đại lý của tui lớn như vầy, bán cả chục loại PB, ông nào mà bị tui “tẩy chay” thì ngán lắm, doanh thu giảm ngay – ông T hí hửng khoe. Xác minh thông tin của ông T bằng việc hỏi khéo nhiều đại lý khác khiến chúng tôi không khỏi giật mình vì không ít DN phân bón ưu ái hết lòng cho đại lý để họ “ca ngợi” PB của mình khi nông dân tới mua…

Chính vì vậy, một chủ đại lý PB quy mô khá ở Lâm Đồng thừa nhận, chỉ cần giá PB tăng một lần cũng kiếm được cả trăm triệu, một năm tăng vài lần coi như sống khoẻ. Ông T còn khoe: một số DN ngoài khoản thông báo trước tăng giá, và nhiều hậu mãi như bán hàng “mua 10 tấn, tặng 1 tấn, mua 20 tấn tặng 2,5 tấn…”. Như vậy, bán 10 tấn phân bón (khoảng 130 triệu) thì đại lý đã được 13 triệu chưa kể 1 tấn phân bón đại lý bán ra cũng bỏ túi từ vài trăm ngàn tới cả triệu đồng (tùy thời điểm có sốt PB hay không). Cũng theo một số đại lý, không ít Cty PB “cò con” hào phóng chiết khấu với tỷ lệ “khủng” để đại lý nhận bán hàng; đồng thời mỗi năm “hỗ trợ” từ vài chục triệu đến cả trăm triệu nếu đại lý nào bán doanh số cao… Điều này lý giải vì sao các đại lý phân bón luôn là những đại gia còn bà con nông dân thì méo mặt nếu vớ phải phân bón rởm, kém chất lượng.

Đức Trung

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Dambri

    Không biết bác bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nghĩ gì về các Cục chức năng trước vấn nạn phân bón, thuốc trừ sâu dỏm mà hàng triệu nông dân đang kêu trời hiện nay? Hay là tại bà con kêu trời chứ không kêu bác Bộ trưởng!

  2. k.purt

    Bác ơi thân ai người đó lo, thời buổi sống chết mặc bay mà. Kêu lên bộ hay trời thì còn phải họp bàn để cho vấn đề thật… lô gic.

  3. nguyễn sơn

    Phạt chừng đó tiền thì cũng chẵng nhầm nhò gì cả. Nếu sản xuất chui lọt một lần kiếm cả tiền tỉ mà nếu không thì chỉ phạt có vài chục triệu thì làm sao mà họ không làm vậy được.

  4. nguyễn sơn

    Chỉ có bà con mình là chịu thiệt thòi thôi. Dân thì bỏ phân cho cây trồng một thời gian coi cây có phát triển tốt hay không thì mới biết phân giả hay thật. Lúc đó thì cũng không biết làm gì, chỉ biết là mình chẳng thu hoạch được tí nào cả, lúc đó cây cối lại hư hỏng nữa. Lúc đó thì thiệt hại không những bị mất tiền phân mà cả năng suất cây trồng cũng mất trắng luôn. Nông dân nghèo vẫn mãi nghèo thôi.

  5. nong dan daklak

    Làm phân bón giả mạo thì thiệt hại cho nông dân chúng tôi quá. Mà đã là giả mạo rồi thì giá lại trên trời, rồi chỉ phạt có mấy chục triệu liệu có răn đe nổi không? Thêm nữa, tiền phạt ai được hưởng, nhà nước hay dành cho cán bộ quản lý thị trường? Nông dân chúng tôi bó tay, chẳng biết kêu tới ai nữa. Bỏ phân bón mà cũng hên xui như trong chiếu bạc vậy.

  6. nguyễn sơn

    Thanh tra ư. Chỉ cho it tiền thì họ cho kết luận là phân thiệt thôi, giờ có tiền thì mua được lời nói mấy người đó, mà mấy người đó phán là thật thì là thật thôi. Là giả thì chảng qua là nhà sản xuất phân bón cho họ ăn chưa đủ thôi, cho ăn đủ là thật chắc chắn giả sao mà nổi.

  7. Mountgl

    Đề nghị ngành chức năng vào cuộc. Hiện nay phân bón giả trên thị trường trôi nổi nhiều làm nông dân hết sức bức xúc. Mức phạt vài chục thậm chí vài trăm triệu đồng chẳng thấm vào đâu so với tiền lãi bạc tỷ mà họ có được. Tôi thiết nghĩ cần phải có chế tài đủ mạnh và nên chăng cơ quan Công an cần vào cuộc để đảm bảo chất lượng phân bón cho nông dân.

  8. vibrationsensor

    Hỡi những cơ quan đơn vị chức năng hãy quan tâm nhiều hơn cho nông dân chúng tôi bớt khổ. Chúng tôi là những nông dân, chân lắm tay bùn quanh năm lam lũ, chúng tôi có sức lao động chân thành vẫn cần mẫn cặm cụi làm ra những hạt lúa, hạt cà phê mà các vị dùng hàng ngày để gọi là duy trì sự sống ấy để mở mang óc sáng tạo ấy. Các vị ơi nông dân chúng tôi khổ lắm hãy bảo vệ chúng tôi. Đừng để nạn phân bón bón giả kém chất lượng lừa đảo nông dân chúng tôi, hãy đồng hành cùng chúng tôi để cho ra những hạt lúa hạt cà phê giúp cho đời duy trì sự sống cho đời thêm óc sáng tạo cho khỏi bất công đối với nông dân chúng tôi…

  9. CÀ PHÊ GIÀ

    Thanh cha ,thanh mẹ, thanh dì, nếu có phong bì thì sẽ thank you.
    Phân giả đâu phải ma túy, đâu phải vài lạng, vài cân mà là hàng chục, hàng trăm tấn. Sản xuất, vận chuyển, bày bán công khai. Muốn biết thật giả hay kém chất lượng ư? đơn giản. Lấy xăm, xăm vài bao, mỗi bao một ít bỏ vào bịch mang tới sở Khoa học công nghệ thử, hết khoảng hai ba trăm ngàn. (ba ngày sau có kết quả) Nhưng mà… BIÉÊ E ..T ….. RÔ Ô ỒI….KHỒ ….LĂ Ă Ắ M .. NÓI ..MA A A ÃI!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89