Tin buồn

Người trồng cà phê cần được hỗ trợ để tái canh

1/4 diện tích cà phê tại Đăk Lăk bước vào giai đoạn già cỗi, hiệu quả kinh doanh thấp, nhưng nông dân khó khăn về vốn và kỹ thuật để tái canh.

Tỉnh Đăk Lăk hiện có 50.000 ha cà phê (chiếm khoảng 1/4 diện tích cà phê toàn tỉnh) đang bước vào giai đoạn già cỗi, hiệu quả kinh doanh thấp. Những năm gần đây, người dân và các doanh nghiệp ở địa phương đã tiến hành phục hồi, tái canh, nhưng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thất bại hoàn toàn. Đây là việc làm đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe và nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, nông dân Đăk Lăk đang rất cần có sự hỗ trợ để tái canh cà phê có hiệu quả.

Xem chuyên đề: > Tái canh cây cà phê: những vấn đề cần quan tâm

Chăm sóc cà phê
Nông dân cần hỗ trợ vốn và quy trình kỹ thuật để tái canh hiệu quả

Muốn tái canh nhưng thiếu vốn

Gia đình ông Y Nao AYun (dân tộc Ê Đê) ở buôn Thung, xã Chư M’gar, huyện Chư M’gar (tỉnh Đăk Lăk) có 2 ha cà phê. Nhờ sản xuất loại trồng này trong vài chục năm qua mà cuộc sống gia đình ông trở nên khá giả. Tuy nhiên, hiện nay một nửa diện tích cà phê của gia đình ông đã già cỗi, muốn nhổ bỏ trồng lại, nhưng chưa biết làm sao. Ông Y Nao cho biết: “Tôi có 1 ha cà phê đã già, muốn phá để trồng lại, nhưng phải dùng phương tiện cơ giới, rất tốn kém”.

Bắt đầu trồng cà phê từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Hóa, ở thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến, huyện Chư M’gar có 3 ha. Cách đây 4 năm, gia đình ông nhổ bỏ hơn nửa ha cà phê có độ tuổi gần 30 năm để trồng lại. Mặc dù đã tốn kém khá nhiều chi phí và công chăm sóc, nhưng tỷ lệ cây sống chỉ đạt 20%, nên phải trồng xen các loại hoa màu để đỡ lãng phí đất.

Trong thời kỳ tái canh cái khó khăn nhất là vốn. Ông Hóa cho biết: “Trồng mới trở lại rất khó lên, vì đất đã nhiễm bệnh rồi. Chi phí trồng lại tốn gấp đôi so với trồng mới. Nông dân chúng tôi mong được Nhà nước cho vay vốn trong thời hạn 3 năm đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến khi thu hoạch sẽ trả”.

Cơ quan chức năng ở huyện Chư M’gar, tỉnh Đăk Lăk đã tiến hành rà soát lại quá trình nông dân tự tái canh cà phê, và cho thấy tỷ lệ thất bại lên đến 70%. Ông Phạm Trí Thức – Giám đốc Trạm Khuyến nông huyện Chư M’gar cho biết: “Thực tế trên địa bàn huyện, chúng tôi đã điều tra ở tất cả các xã, thị trấn, việc tái canh cà phê thất bại từ 60- 70%. Tái canh thất bại vì người dân nhổ gốc cà phê mới được 1 đến 2 năm tuổi, trong quá trình xử lý đất không được chú trọng. Tái canh trồng lại trong 1, 2 năm đầu, tỷ lệ cây sống đạt khoảng 70 – 80%, nhưng đến năm thứ 3 còn 40% và đến năm thứ 4, thứ 5 thì chỉ còn lại 20%”.

Là huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Đăk Lăk ,với khoảng 36.000 ha, nhưng hiện nay Chư M’gar có hơn 20.000 ha ở độ tuổi trên 25 năm, hiệu quả kinh doanh thấp. Ông Trương Văn Chỉ – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư M’gar nói rằng, tái canh cà phê là việc làm cần thiết, vừa mang cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài, nhưng đây lại là vấn đề nan giải đối với địa phương.

Tái canh cà phê là vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với huyện. Bởi theo ông Chỉ, “với 36.000 ha, từ nay đến 2015 có khoảng 16.000 ha phải chuyển đổi, tái canh. Tái canh thì phải có thời gian nghỉ 3 năm sau đó đầu tư trồng mới. Chính sách của tỉnh hiện nay chỉ mới hỗ trợ cây giống, hạt giống. Để giảm bớt khó khăn trong quá trình tái canh, cần có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân”.

Ông Ngô Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Quảng Phú, cho biết trên địa bàn hiện có hơn 3.000 ha cà phê, nhưng khoảng một nửa đã bước vào giai đoạn lão hóa, cần phải trồng lại. Trong những năm qua, nông dân ở đây cũng đã tự nhổ bỏ, tái canh những vườn cà phê già cỗi, nhưng đều thất bại. Cái khó ở đây là kỹ thuật và chi phí trong quá trình tái canh.

“Việc tái canh cây cà phê chi phí rất cao, tỷ lệ sâu bệnh cũng rất lớn. Nông dân dựa vào kinh nghiệm của mình để tự tái canh cây cà phê thì tỉ lệ đạt rất thấp. Vì vậy tôi đề nghị các ngành chức năng cần hỗ trợ về kinh phí, về khoa học kỹ thuật để cho bà con nông dân tái canh cà phê được hiệu quả cao, duy trì diện tích và sản lượng”- ông Sơn đề nghị.

Cần quy trình tái canh cụ thể

Trong thực tế, cũng đã có một số doanh nghiệp tái canh cà phê thành công. Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Pôk, ở huyện Chư M’gar, tỉnh Đăk Lăk. Doanh nghiệp này có 500 ha cà phê, trồng qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó khoảng một nửa diện tích đang bước vào giai đoạn già cỗi. Qua nhiều năm thử nghiệm bằng nhiều mô hình khác nhau, đến nay Công ty này đã tái canh thành công được 94 ha, tỷ lệ cây sống trên 90%, năng suất 3,5 tấn/ha.

Để có được kết quả này, ngoài khả năng tài chính dồi dào của doanh nghiệp, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, Công ty còn có sự hỗ trợ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.

Chia sẻ những khó khăn và thành công bước đầu của việc tái canh cà phê, ông Trần Cư – Giám đốc Công ty Cà phê Ea Pôk, cho biết: “Vấn đề tái canh hết sức khó khăn. Đơn vị chúng tôi trước đây cũng đã thất bại nhiều lần. Từ thất bại đó rút ra nhiều kinh nghiệm, nhiều mô hình mới thành công được 94 ha. Quy trình cơ bản là sau khi thanh lý phải cải tạo đất ít nhất 3 năm trở lên, lượm sạch rễ, chuyển đổi cây trồng.

Vấn đề tái canh hiện nay, trước hết phải có một quy trình thống nhất trong cả nước và cả tỉnh, và được tuyên truyền, giải thích cho nhân dân mới trồng được. Vì bây giờ muốn trồng tái canh phải mất cả hàng trăm triệu/ha. Nếu không có quy trình và không khẳng định được quy trình nào là thành công thì nông dân không dám bỏ ra số tiền đó để tái canh lại, đừng để họ bỏ tiền ra trồng lại mà thất bại”.

Với tổng diện tích hơn 200.000 ha, cà phê là cây trồng chủ lực ở Đăk Lăk, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, đồng thời đóng góp khoảng một nửa nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, qua nhiều năm khai thác, toàn tỉnh hiện có khoảng 50.000 ha cà phê bước vào giai đoạn lão hóa, hiệu quả kinh doanh thấp, cần phải nhổ bỏ, trồng lại. Đây là việc làm cần thiết, vừa mang tính cấp bách vừa là chiến lược lâu dài, nhưng người dân lại gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc công bố quy trình kỹ thuật tái canh, người trồng cà phê ở Đăk Lăk đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn đầu tư trong quá trình tái canh.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77