Tin buồn

Công nghệ chế biến nông sản quá lạc hậu

Một trong những giải pháp và định hướng lớn đang được Bộ NNPTNT xây dựng để gia tăng giá trị nông sản, đó là đầu tư vào công nghệ chế biến, nhất là với những cây trồng chủ lực như lúa gạo, cà phê, điều, cao su…

Chế biến hạt điều
Đa dạng hóa các sản phẩm ngành điều xuất khẩu là một trong những mục tiêu được Bộ NNPTNT đặt ra trong thời gian tới.

70% cà phê sẽ được chế biến công nghiệp

Việt Nam mỗi năm xuất khẩu (XK) 1,1-1,2 triệu tấn cà phê, đứng hàng thứ 2 thế giới về XK (sau Brazil), nhưng thực tế cho thấy, hầu hết sản phẩm cà phê của nước ta xuất thô là chủ yếu, tức chỉ mới bán ra ở dạng nhân. Chính điều này đã khiến cho thị trường cà phê của nước ta luôn phụ thuộc vào những biến động của thị trường thế giới, chưa kể giá trị xuất thô cũng rất thấp.

Để khắc phục điều này, theo ông Trang Hiếu Dũng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT), trong thời gian tới, ngành cà phê sẽ thực hiện các giải pháp chính như: Thực hành các biện pháp thâm canh cà phê bền vững, đưa tỷ lệ cà phê được cấp chứng chỉ (4C, UTZ, RainForest) từ 12% lên 30% vào năm 2015 và đạt 50% vào năm 2020. Đồng thời, tăng tỷ lệ cà phê được chế biến ở quy mô công nghiệp từ 20% năm 2010, lên đến 40% năm 2015 và 70% năm 2020.

Một điểm “nhấn” nữa của ngành cà phê là sẽ mở rộng quy mô, công suất chế biến cà phê hòa tan từ 10.000 tấn (1%) năm 2011 lên 25.000 tấn (2,5%) năm 2015 và 50.000 tấn (5%) năm 2020. Bên cạnh đó, tổng sản lượng cà phê rang xay từ 5% hiện nay lên mức 10% vào năm 2015 và 20% vào năm 2020.

Riêng về cây “quý tộc” là điều, thay vì chỉ chú trọng XK, Bộ NNPTNT cũng cho rằng, chúng ta cần tăng tỷ trọng tiêu dùng nội địa để tránh rủi ro trong tương lai. Còn về XK, sẽ đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40%.

Ông Đỗ Văn Nam- Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Ngay khâu thu hoạch của cà phê, nếu áp dụng theo quy trình UTZ và có giấy chứng nhận, giá trị sẽ tăng lên 20 – 30 USD/tấn. Riêng khâu chế biến, nếu xuất thô, cà phê chỉ được 2.000USD/tấn, nhưng nếu chế biến ra cà phê hòa tan, giá có thể lên tới 6.000USD/tấn. Các doanh nghiệp rất biết điều này, nhưng do vốn đầu tư lớn, lãi suất cao nên chưa làm được. Nếu Nhà nước có cơ chế chính sách cho vay vốn với lãi suất hợp lý thì các doanh nghiệp sẽ thu lời được từ khâu này”.

Chất lượng là ưu tiên hàng đầu

Đối với cây lúa, mục tiêu lớn nhất mà Bộ NNPTNT đề ra cho thời gian tới, đó là tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ thu mua, bảo quản, xay xát, dự trữ, lưu thông, đưa tỷ lệ gạo thu hồi trên 68%, mặt khác, sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch lúa còn 5 – 6%, cải thiện chất lượng gạo XK. Tỷ lệ hạt trắng bạc (bạc bụng) không quá 4%, tỷ lệ hạt hư hỏng không quá 0,2%, hạt vàng không quá 0,2%. Tuy nhiên, theo ông Trang Hiếu Dũng: “Mục tiêu chính vẫn là phải nâng cao thêm giá trị gia tăng của gạo XK, cụ thể sẽ tăng thêm 15% vào năm 2015 và 20 – 25% vào năm 2020”.

Với mặt hàng cao su, Bộ NNPTNT cũng đề ra mục tiêu, từ nay đến năm 2020, sẽ đầu tư tăng thêm công suất chế biến được 500.000 tấn mủ khô/năm. Trong đó, cao su đại điền, quy mô nhà máy có công suất từ 6.000- 20.000 tấn/năm, còn cao su tiểu điền công suất từ 1.200 – 1.500 tấn/năm. Cũng theo đề xuất của Bộ NNPTNT, Việt Nam cần xây dựng các nhà máy sản xuất săm lốp ô tô, xe máy trong nước, đưa tỷ trọng sử dụng mủ cao su trong nước lên tối thiểu 30% vào năm 2020.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, chế biến chính là khâu mà Việt Nam cần đầu tư nhất hiện nay để tăng giá trị các mặt hàng nông sản của mình. Để thực hiện được điều đó, Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ khối tư nhân tăng đầu tư vào lĩnh vực này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80