Canh tác hữu cơ – phương pháp canh tác có kiểm soát

Trong canh tác hữu cơ, điều cơ bản là đất, nước phải sạch, không bị nhiễm độc tố do tồn dư phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật,… không bị nhiễm chất thải công nghiệp độc hại. Và dinh dưỡng, phòng bệnh cho cây trồng phải sử dụng các chế phẩm sinh học 100% từ thiên nhiên. Do đó sẽ không còn tồn dư hóa chất độc hại trong sản phẩm.

Vì sao phải canh tác hữu cơ ?

Trải qua hơn 50 năm, với cuộc cách mạng trong nông nghiệp bằng cách ứng dụng kỹ thuật trong phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã làm gia tăng đáng kể năng suất cây trồng nhưng càng ngày càng bộc lộ mặt trái của sự lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật … đã dẫn đến sự tàn phá môi trường, ô nhiễm nguồn đất, nước và đặc biệt gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Do đó hiện nay, qua tổng kết những nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học đã khuyến cáo, lựa chọn phương pháp canh tác thân thiện với môi trường ( như canh tác hữu cơ)

Hiện nay Mỹ và Châu Âu đã chuyển đổi từ canh tác hóa học sang canh tác hữu cơ khoảng 30% , Hàn Quốc 50%,…Và xu hướng này càng ngày càng tăng.

Vậy canh tác hữu cơ là gì ?

Canh tác hữu cơ là phương pháp canh tác “sạch”, thân thiện với môi trường.

Sạch ở đây là không dùng  phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ (khai hoang), không chất kích thích tăng trưởng… Nói chung,  phương pháp canh tác này giống như tập quán canh tác hàng trăm năm qua như ông bà ta đã làm trước đây, lúc mà chưa có các loại thuốc bảo vệ mùa màng, các loại phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, kích thích tố tăng trưởng… như bây giờ. Nói đúng hơn, canh tác hữu cơ là phương pháp canh tác trên nền tảng canh tác tự nhiên như ngày xưa nhưng có sự kiểm soát, tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học.

Thí dụ :

Việc cung cấp dưỡng chất cho cây trồng ( phân bón) : áp dụng phân bón hữu cơ sinh học (chiết suất 100% từ nguồn gốc thiên nhiên : trùn đất, cá, rong tảo…), với mục đích đảm bảo tối thiểu dưỡng chất cho cây trồng phát triển.

Nếu dùng phân chuồng : phân bò, phân heo, phân gà … thì gia súc phải dùng thức ăn từ cánh đồng cỏ tự nhiên (không bón phân hóa học, hóa chất bảo vệ mùa màng…). Thức ăn dành cho heo, gà… phải là thức ăn thiên nhiên (không được dùng thức ăn công nghiệp chế biến) thì mới được phép sử dụng, do trong thức ăn công nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu từ canh tác hóa học có dư lượng hóa chất.

– Việc bảo vệ mùa màng : áp dụng những tiến bộ khoa học mới như trồng những loại cây, hoa mà có hương vị xua đuổi côn trùng xung quanh vùng canh tác. Nếu trồng lúa thì kết hợp nuôi cá, thả vịt, để giúp giảm côn trùng gây hại, hoặc dùng phương pháp bẫy đèn thu hút côn trùng chứ tuyệt đối không được dùng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học. Trong trường hợp nếu áp lực sâu bệnh quá nặng, chỉ áp dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh (chiết suất 100% từ thiên nhiên như các loại thuốc chiết suất từ cây Neem để mà xua đuổi côn trùng).

Tất cả các chế phẩm khi ứng dụng vào canh tác hữu cơ đều phải được sự phê chuẩn của tổ chức Hữu Cơ Quốc Tế nhằm đảm bảo chất lượng tuyệt đối an toàn.

Do đó sản phẩm làm ra từ phương pháp canh tác hữu cơ ngoài việc không gây ô nhiễm nguồn đất, nước mà còn tuyệt đối an toàn vời sức khỏe người tiêu dùng.

* Vì sao thực phẩm hữu cơ có giá cao gấp đôi, gấp ba thực phẩm thông thường?

Việc áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ đòi hỏi sự quản lý nghiêm ngặt, năng suất làm ra thấp. Những yếu tố này dẫn đến sản phẩm làm ra có giá thành cao. Đây cũng là một hạn chế, nhưng về mặt sức khỏe thì tuyệt đối an toàn.

Sản phẩm khi lưu thông trên thị trường phải có Logo, nhãn mác chứng nhận để giúp người tiêu dùng phân biệt nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.

Theo thông lệ quốc tế, các sản phẩm thực phẩm hữu cơ sẽ được gắn nhãn “Certified Organic Foods” – “Chứng nhận thực phẩm hữu cơ”.

Chứng nhận này chỉ được gắn trên sản phẩm khi và chỉ khi sản phẩm không chứa các loại hormon, các loại thuốc kháng sinh, thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, thuốc trừ cỏ, không chứa phân bón hóa học, không bị biến đổi gen, không bị chiếu xạ tiệt trùng và không có hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản…

Tại Mỹ, đạo luật Organic Food Production Act ra đời năm 1998 đưa ra những tiêu chuẩn hết sức gắt gao đối với dòng sản phẩm này. Còn tại châu Âu, tất cả các sản phẩm siêu sạch đều chịu sự kiểm soát liên tục, gắt gao từ khâu đầu đến khâu cuối, tổng cộng 260 lần và thường xuyên được kiểm tra bởi các cơ quan giám sát, kiểm định độc lập nghiêm túc theo Nghị định số 2092/91 về thực phẩm siêu sạch của Liên minh Châu Âu (EU Organic Directive No. 2092/91).

Giatieu.com(St)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tiêu Cay

    Vườn tiêu 1 ha nhà tôi hai năm nay chết nhanh chết chậm gần hết chính vì lâu nay tôi lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không loại trừ phân giả thuốc đểu. Nay biết được thông tin này thì đã quá muộn vì đất đã nhiễm độc mất rồi, có trồng lại tiêu cũng chết. Nếu muốn trồng tiêu thì phải mua đất mới làm lại từ đầu theo hướng hữu cơ.

  2. Cafe Việt

    Nếu bây giờ có ai khuyên nhà nông giảm bớt phân hóa học thuốc trừ sâu, và tất yếu là giảm năng suất thì sẽ bị phản đối, ném đá với những lời lẽ tiêu cực khó nghe, thậm chí rất cực đoan như thà chết thì thôi…
    Nhưng đến khi tiêu chết hàng loạt, cà phê nhanh già cỗi, cây trồng nhanh thoái hóa giảm năng suất thì sẽ như Tieu Cay, đúng là đã quá muộn vì đất đã nhiễm độc mất rồi.
    Tôi biết có 1 vùng cà phê trước đây bị rệp sáp tràn lan, người ta đêm hàng phi thuốc sâu để đổ xuống gốc cây chống rệp. Nay vùng đó có rất nhiều người qua đời ở tuổi 35-45 mà trên 90% là bị ung thư. Có phải đấy là hậu quả ko?
    Đã đến lúc mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi lề thói canh tác! Chỉ có mình mới cứu được mình thôi.

  3. Chùa Bộc

    Các Bác ơi, sản xuất hữu cơ hết thì người dân sao đủ tiền mua, làm sao đáp ứng đủ nhu cầu dân số gia tăng hiện nay.
    Tại sao các bác không quản lý tổng hợp vườn cây nhà mình về cây giống, đất đai, phân bón, nước tưới, sâu bệnh hại…. để đảm bảo kinh tế mà không làm suy thoái tài nguyên đất, nước; không làm ô nhiễm môi trường.
    Bà con mình cái bụng còn rỗng, kiến thức canh tác còn kém, sản xuất nhỏ lẻ, đầu ra phụ thuộc. Tất cả bà con mà làm hết thì tiêu mất.

  4. Cafe con

    @Chùa Bộc nói cũng có lí nhưng nhiều để làm gì? Do đâu giá nông sản VN thấp nhất thế giới? Theo tui, thà ít mà có chất lượng, nâng cao giá thành sản phẩm, còn hơn sx nhiều để đi bán rẻ làm tài nguyên kiệt quệ, ô nhiễm môi trường…
    Cà phê trừ lùi 30$ trong khi của Indo cộng 120$. Chè đạt 60% giá bình quân thế giới. Cao su còn thấp hơn, chỉ 50% thôi… Hạt điều cho nhập ồ ạt, nay đến mùa vẫn thừa đầy kho, trả lãi sặc gạch… Ô hô… Buồn thật !

    1. Chùa Bộc

      Giá cả Cafe Việt Nam không liên quan đến nhiều ít. Mà liên quan đến cả hệ thống sản xuất, kinh doanh, chiến lược phát triển quốc gia.
      – Này nhé, các Tập Đoàn cà phê các nước theo sự phát triển: Cty nhỏ => Cty to => Tập Đoàn => Tập Đoàn xuyên quốc gia. Và thời gian là ít nhất cũng 100 năm. (Cha – con – cháu – chắt – chút, chít… là CEO)
      – Cty Cà phê Việt Nam: Nông trường => Cty => Tổng Cty => Cty con …. và “Đời Cua Cua máy, đời Cáy Cáy đào”. (mỗi Ông GĐ vơ 1 cục mang về, chỉ cần cuối nhiệm kỳ báo kinh doanh lỗ là oke).
      Đầu ra bị phụ thuộc, thì dù sản xuất ít hay nhiều; chất lượng tốt hay xấu thì cũng bị ép giá. Có những nước đâu có trồng cà phê, nhưng họ lại là nước sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86