Xuất khẩu cà phê có điều kiện: Ý kiến của một người trong cuộc

Chủ đề “Đưa cà phê vào diện xuất khẩu có điều kiện” được Y5Cafe đăng tải thời gian qua đã nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến đóng góp từ bà con. Nổi bật trong đó có ý kiến của anh Hoàng Vĩnh Tuấn, dưới góc nhìn của một người trong cuộc anh Tuấn đã gửi đến chúng ta những ý kiến hết sức xác đáng. Mời bà con cùng trao đổi.

Xin chào mọi người trên diễn đàn Y5Cafe !

Đây là lần thứ hai tôi tham gia vào diễn đàn này với cùng một nội dung: Xuất khẩu cà phê có điều kiện. Nay tôi thấy mình cần đóng góp thêm ý kiến để nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp như chúng ta cùng tham gia.

Hiện tại tôi đang làm đại diện cho một doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê từ Việt Nam. Trong danh sách các nhà cung cấp của mình có doanh nghiệp lớn, có doanh nghiệp nhỏ, có doanh nghiệp Nhà nước, có doanh nghiệp tư nhân.

Thực tế công việc của tôi chỉ ra rằng không có cơ sở để nói doanh nghiệp nhỏ bán phá giá, thậm chí giá của họ khá cao so với các doanh nghiệp lớn (thường là 20-30 USD/tấn). Điều này có thể phải nhờ tiếng nói của các văn phòng đại diện tại Việt Nam tham gia ý kiến để từ ý kiến cá nhân có thể chuyển thành ý kiến của số đông.

Cà phê nhân
Đưa cà phê vào diện xuất khẩu có điều kiện: Lợi hay hại?

Về mặt chính sách

Sau khi hàng loạt doanh nghiệp lớn gặp khó khăn (các doanh nghiệp này gặp khó khăn là vì đâu?) chính sách này mới xuất hiện. Không bàn đến các vấn đề khác, tại sao không áp dụng chính sách sau hai năm nữa? Khi đó chúng ta có độ công bằng cho các Doanh nghiệp hơn, chính sách đã rõ ràng hơn và mọi người cũng biết được lộ trình hơn.

Ví dụ như lộ trình chúng ta cam kết khi gia nhập WTO chăng hạn. Chính sách phải công bằng, rõ ràng, rành mạch và hơn hết phải phục vụ lợi ích của đa số. Tôi đề nghị hoãn hoãn thời gian áp dụng chính sách đến 2014-2015. Thời gian này hãy để các Doanh nhiệp tự hoàn thiện mình cũng như hoàn thiện chính sách.

Bổ sung yêu cầu chính sách

Theo tôi phải yêu cầu các doanh nghiệp tham gia ngoài các tiêu chí đã nêu phải bổ sung thêm báo cáo kiểm toán trong hai năm trước khi áp dụng chính sách. Ông là doanh nghiệp lớn, xuất khẩu lớn mà ông thua lỗ thì xin thưa chỉ làm khó thêm cho cả hệ thống ngành cà phê, chính ông làm ăn thua lỗ mới ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành và cũng có thể chính ông là bán phá giá.

Về mặt thiệt hại nguồn vốn

Hiện tại chính sách không thể khẳng định được nguồn vốn mà hệ thống ngân hàng chắc chắn cung cấp là bao nhiêu ngay khi hệ thống ngân hàng đang trong quá trình điều chỉnh và bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh với sản phẩm là tín dụng.

Một ngân hàng có thể công bố sẵn sàng cung cấp 5 nghìn tỷ- 7 nghìn tỷ cho ngành cà phê nhưng xin thưa để vay được vốn của họ rất khó khăn. Điều chắc chắn tôi nhìn thấy sẽ là số vốn của các doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia xuất khẩu sẽ chảy sang lĩnh vực khác. Ví dụ một doanh nghiệp có 15 tỷ để kinh doanh x 100 doanh nghiệp = 1500 tỷ. Một lượng vốn không phải là nhỏ. Điều này cũng chỉ ra rằng nếu chính sách chưa chứng minh được nguồn vốn thì chưa thể nói đến điều kiện thành công của chính sách.

Nếu chính sách thất bại

Kinh nghiệm nhãn tiền vẫn còn với ngành gạo. Ngành bất động sản cũng vậy. Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đứng trước nguy cơ phá sản do chính sách áp dụng quá nhanh. Tại sao không kìm họ lại ngay từ đầu? Để đến khi họ đã đi quá xa thì áp dụng chính sách quá chặt. Thành công hay không thành công?

Và nếu thất bại có cam kết chỉnh sửa chính sách hay không? Có chiu trách nhiệm trước 100 doanh nghiệp cà phê hay không khi mà cơ hội công việc, vốn đầu tư của họ phải bỏ dở do chính sách? Nếu chỉ là hết nhiệm kỳ hết tuổi công tác thì về hưu hoặc nhận xét chung chung, nhận khuyết điểm xuề xòa thì xin thưa ai cũng làm được các bác ạ. Rồi còn nhiều ngành nghề khác: tiêu, điều,…

Đối ngoại – Đối nội

Với các doanh nghiệp cà phê nước ngoài vi phạm quy chế kinh doanh thì chúng ta nhẹ nhàng nhằm mục đích “tạo môi trường kinh doanh lành mạnh” (trích lời bài báo) còn với doanh nghiệp nội địa thì tại sao không tạo cơ chế lành mạnh? (Tôi ước mình có thể chuyển sang làm việc ở Bộ Công Thương để được đóng góp hay xây dựng chính sách tốt hơn!) Phải chăng doanh nghiệp trong nước quá hiền lành. Hay nên chăng cần thành lập Hiệp hội Cà phê của các Doanh nghiệp nhỏ để cùng góp tiếng nói với VICOFA tạo thêm sự công bằng.

Nhận xét: Đọc lại bài viết của mình tôi nhận thấy tôi phê bình nhiều hơn. Dẫu sao đó cũng là ý kiến của cá nhân tôi. Tôi không chỉnh sửa ý tứ. Ý của tôi là vậy cũng mong đóng góp với diễn đàn.

Trân trọng cảm ơn!

Hoàng Vĩnh Tuấn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Cảm ơn bạn Tuấn!
    Việc nói ” doanh nghiệp nhỏ bán phá giá” để đưa ra KD có điều kiện là “cả vú lấp miệng em!”. Có công trình nào nghiên cứu trong vòng 5 năm trở lại đây DN nhỏ nào bán phá giá, DN lớn có bán phá giá không? tác động của việc bán phá giá này đến việc mua bán cà phê như thế nào? hoàn toàn không có cơ sở!
    Nhất trí khi áp dụng một chính sách mới phải có một lộ trình! lộ trình đó đủ thời gian để các DN chuẩn bị đáp ứng các điều kiện tham gia, thường là từ 3 – 5 năm! (chưa tính đến chuyện các điều kiện đưa ra có hợp lý hay không nữa)
    Hiệp hội cũng mãi là hiệp hội, họ có trách nhiệm bảo vệ các hội viên của họ trước hết, ai dám chắc rằng họ không bảo vệ hội viên theo cách “ăn xổi ở thì”, bất chấp tác động tiêu cực đến nông dân trồng cà phê!

  2. phạm xuân vỹ

    Đọc bài của anh Hoàng Vĩnh Tuấn xong thấy… rõ được 1 phần, Vỹ sẽ viết 1 bài dựa vào số liệu thực tế để làm rõ hơn thiệt hơn của chính sách này.

    Hẹn cuối tuần vậy.

  3. Kinh Vu

    …”nếu chính sách chưa chứng minh được nguồn vốn thì chưa thể nói đến điều kiện thành công của chính sách”… Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này, tôi vote cho anh Tuấn 5 sao, mong được nhận bài và ý kiến của anh để đăng như một entry chứ nằm trong phản hồi bỏ sót đọc thì uổng.

  4. vu

    Từ trước tới giờ nhà nước mình có nghe tiếng nói của người dân đâu mà nói làm gì. Vẫn điệp khúc cũ (biết rồi nói mãi). Cũng chỉ là ở dưới nói gì trên nghe vậy, chỉ khổ các doanh nghiệp nhỏ mà thôi. Nếu được bầu tôi sẽ bầu ông VĨNH TUẤN vào bộ Công Thương để tạo sự cạnh tranh công bằng hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

  5. Cà đắng

    Tui nghĩ đưa ra chính sách này thêm lùng nhùng rắc rối chỉ cản trở, gây khó khăn mà thôi. Đáng lẽ ra phải quan tâm, ưu tiên, miễn thu phí tất cả các mặt hàng xuất khẩu, vì chúng mang ngoại tệ về cho đất nước mà.

  6. lambaoloc

    Ước gì mấy ông ngồi trên làm nhiều hơn nói. Có như vậy người nông dân bớt khổ mà có bỏ tiền ra cũng không uổng công. Nhưng khốn khổ mấy ông toàn vẽ đường để kiếm ít cháo. rồi cuối cùng người dân vẫn hoàn khổ. Nếu mấy ông được như Anh Tuấn thì đỡ biết mấy.

  7. Nông dân cà phê

    Vicofa thì bảo vệ thành viên của hiệp hội (không bảo vệ nông dân), thu phí xuất khẩu mục đích chính là để nuôi Vicofa (đừng nói là để tái canh cây cà phê nha, trước giờ vẫn thu phí 2USD/tấn nhưng nông dân tái canh cây cà phê vẫn chưa thấy hỗ trợ đồng nào đâu), như vậy nông dân nộp phí để nuôi những người không giúp ích gì cho mình thì thật là đau lòng khi chính sách này được thực thi.

  8. nguyen thanh long

    Bạn Hoàng Vĩnh Tuấn có bài viết tương đối khá. Nhưng để sang bộ Công Thương làm hoạch định chính sách thì tôi e là … Đã có bao giờ bạn đọc hết toàn bộ nội dung văn kiện ký kết khi tham gia WTO chưa mà bạn lại nói là WTO thì phải thế này, thế kia? Xin thưa với bạn ông Lương Văn Tự là trưởng đoàn và là người ký kết đấy.

  9. dinhanh

    Cái gì ảnh hưởng đến lơi ích của ngươi dân thì dân phản ứng, đó là lẽ tự nhiên. Tìm hiểu việc “XK cà phê có điều kiện” tôi thấy lợi ích của người trồng cà phê sẽ bị tác động xấu. Góp ý bàn luận và kiến nghị thực hiện chính sách thế nào cho hài hòa lợi ích giữa các bên (Nông dân, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài,lợi ích quốc gia…) là quyền được pháp luật quy định. Tuy nhiên để ý kiến người dân được lắng nghe, áp dụng lại là việc vô cùng khó. Mong sao những lời góp bàn của bạn Hoàng Vĩnh Tuấn là một ngoại lệ!

  10. thidilih

    Nếu tôi không nhầm thì thời gian đầu tiên khi xuất khẩu gạo ở nước ta gặp khó khăn không bán được chính phủ đã cho tự do bán gạo ra nước ngoài bằng mọi nẻo, không thu đồng phí nào để nông dân có tiền đầu tư lại. Tại sao giờ muốn xuất khẩu caphe lại phải có điều kiện? Tôi thấy nó bùng nhùng sao ấy. Ai biết xin chỉ dùm tôi với. Chúc các nhà hoạch định chính sách luôn có tâm vì người nông dân.

  11. TÀI THỊNH CO LTD

    Xuất khẩu có điều kiện:

    – Lợi ích: sẽ tránh tình trạng DN ko đủ năng lực tham gia kinh doanh => gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành cafe VN.

    – Chủ động được nguồn cung hàng hóa, dễ dàng điều tiết được lượng hàng ra thị trường.

    – Nhưng 1 khi điều tiết lượng hàng ra thị trường cũng chỉ làm ảnh hưởng 1 phần rất nhỏ đến cấu trúc giá trong trung và dài hạn, và ko có ý nghĩa gì nhiều. Vì khi điều tiết được lượng hàng chứ ko làm mất đi lượng hàng đó, trước sau gì nó cũng phải tới tay nhà sản xuất mà thôi.

    Thời gian qua tôi thấy bà con trữ cà để nhằm làm giá tăng. Nhưng than ôi chỉ làm tác động ngắn hạn mà thôi, ko có ý nghĩa lắm !

  12. hai long

    Tình hình giá cá phê thay đổi thất thường quá. Chắc phải tháng 4 thì may ra giá mới tăng lên được. Cứ như thế này thì chết người dân…

  13. thidilih

    Tài Thịnh nói vậy là chưa đúng. Nếu bà con không giữ hàng lại mà cứ bán ồ ạt thì giá sẽ thê thảm chứ không được như vậy, khi nông dân bán ra nhiều một tí giá tụt thê thảm. Trong thời gian qua nông dân chúng tôi đã phải tự cứu lấy mình khi giảm bán hàng ra để duy trì được giá ít nhất là trước mắt cũng đã là tốt rồi. Chúc bà con luôn mạnh khỏe và đoàn kết.

  14. Nghiện caphe

    Điều kiện XK cà phê càng thắt chặt, thì không ai ngòai người nông dân phải quàng vào cổ thêm 1 tròng…

  15. cu bi

    Một điều đáng nói là Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, nếu như chúng ta không xuất khẩu nữa thì sao nhỉ? Thì thế giới sẽ không có đủ cà phê mà uống đâu. Vì thế cần xuất khẩu cà phê đã qua chế biến rang xay tẩm ướp…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87