3 đô la và một ký cà phê “đắng”

Với 3 USD người ta có thể mua được 1 kg cà phê nhân Việt Nam chế biến được 40 tách cà phê thượng hạng, bán mỗi tách 3 USD.

Tại Hội thảo “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO” diễn ra tuần qua, câu chuyện của ông Lương Văn Tự (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam) khiến nhiều người đắng lòng.

Ly cà phê
Theo ông Tự 1 kg cà phê nhân Việt Nam (khoảng 3USD) chế biến được 40 tách
cà phê thượng hạng và bán với giá 3USD/tách

Ông Tự cho biết, hiện nay đến 90% cà phê Việt Nam xuất khẩu thô, mỗi 1kg cà phê thu về được 3USD, trong khi sang nước ngoài, bước vào quán cà phê sang trọng uống một tách cà phê chế biến từ cà phê nhân của Việt Nam, chúng ta cũng phải trả đến 3USD. Mà theo tính toán, từ 1kg cà phê người ta có thể pha chế được 40 tách cà phê thơm ngon. Một ví dụ cụ thể để thấy sự thiệt thòi của các DN chế biến thô, không chỉ với riêng cà phê mà gần như của tất cả các ngành nông sản, từ gạo, hạt điều, hạt tiêu…

Theo ông Tự, thẳng thắn mà nói chúng ta yếu từ công nghệ đến năng lực cạnh tranh, năng lực quản lý, đặc biệt là khả năng liên kết, tập hợp sức mạnh… Sắp tới, Hiệp hội Cà phê – Ca cao sẽ kiến nghị Nhà nước chuyển Quỹ bảo hiểm xuất khẩu cà phê, thành Quỹ bảo hiểm ngành hàng cà phê, để có thể thu phí xuất khẩu của tất cả các DN xuất khẩu (kể cả trong và ngoài Hiệp hội) nhằm chia sẻ nguồn lực, tái đầu tư cho cây cà phê, nâng cao chất lượng, hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam

Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đã tham gia vào hai chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu ở thế kỷ XXI, nổi bật nhất là chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực. Việt Nam hiện là nhà sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới xét về mặt sản lượng và đứng thứ 5 thế giới xét về kim ngạch xuất khẩu…

Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc sản xuất, ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị. Tỷ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu của Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng trên 60% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu và năm 2010 vẫn còn ở mức 61%, tương đương với 51,5 tỷ đô la Mỹ. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn đang bị phụ thuộc nhiều vào đầu vào của nước ngoài và hoạt động sản xuất ngành hàng phụ trợ phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu còn yếu.

Rất nhiều chuyên gia tham dự hội nghị cũng đồng tình với ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Mại khi kiến nghị Nhà nước sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các Luật Thuế theo hướng tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, công khai, tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh và đầu tư. Về chính sách lao động và việc làm cần có ưu đãi cao hơn đối với DN vừa và nhỏ, kể cả lĩnh vực dịch vụ, theo đó không chỉ miễn, giảm thuế đối với DN sử dụng nhiều lao động.

Đặc biệt, chính các DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh, định hình đường hướng, bước đi, xác định điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ, đề ra giải pháp kinh doanh dài hơi hơn. DN cần quan tâm thích đáng cho chiến lược hình ảnh và thương hiệu của mình, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường đầu tư và bồi dưỡng trình độ, chuyên môn cho người lao động.

“Doanh nghiệp đầu tư chưa tương xứng cho công tác phát triển nguồn nhân lực. Thực tế, họ thường sử dụng biện pháp “ăn xổi, đi săn đầu người” từ công ty khác thay vì tự đào tạo” – các chuyên gia thẳng thắn phê bình.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe con

    Nhà báo viết : “trong khi sang nước ngoài, bước vào quán cà phê sang trọng uống một tách cà phê chế biến từ cà phê nhân của Việt Nam, chúng ta cũng phải trả đến 3USD”.
    Ngẫm kỹ thì hóa ra nhà báo viết mà còn quá ngu ngơ.
    Cần gì phải vào quán sang trọng ở nước ngoài mới trả 3 USD/ly. Ngay tại VN, và cũng không sang trọng lắm, bạn trả 100k/ly, tức là gần 5 USD/ly là chuyện quá bình thường !
    Ghi chú: tôi nghĩ, cái giá mà ông Tự trả là ổng đi uống cafe vỉa hè ở Paris hay Cali thôi.

  2. quan tâm

    Cảm ơn bài báo đã nói lên một thực trạng của đất nước trong thời kỳ đổi mới, một nỗi trăn trở triệu triệu nông dân Việt Nam hết đời nọ đến đời kia gắn bó với mảnh ruộng thửa vườn để sống và đóng góp cho xã hội. Quả thực đời nông dân rất nghèo nhưng biết làm gì hơn! Cái nghèo của nông dân chúng tôi mang đến phồn vinh cho người khác vì rằng họ văn minh hơn, tài giỏi hơn. Đất nước ta nếu không thấy được điều này thì nông dân bao giờ mới hết khổ được. Tương lai gần nên chăng phải mở cửa để cạnh tranh đẩy đủ, sau nữa hãy nghĩ đến công nghệ chế biến khi đủ tiền vả tài,…

  3. Đặc sản Ban Mê

    Nói đi nói lại thì cũng chỉ vì một mục đích thu phí xuất khẩu cà phê. Anh quan tâm đến ai ngoài những đồng tiền của người nông dân đang khó khăn.
    Nói một đằng, làm một nẻo. Hỗ trợ tái canh cho cây cà phê thì liên quan gì đến khâu chế biến nâng cao chất lượng?

  4. Nông Cà

    Vicofa là một hiệp hội nghề nghiệp nên chỉ quản lý tài chính do hội viên mình đóng góp theo điều lệ mà thôi! Vì hội không phải là cơ quan quản lý nhà nước, nên Vicofa không thể quản lý số tiền mà các DN trong và ngoài hội nộp theo quyết định của chính phủ, cùng lắm hội chỉ tham vấn cho nhà nước để nhà nước điều hành trực tiếp!

  5. Pham Hung

    Giá cao nhất trong thời điểm gần đây mới chỉ được 52000vnd thôi làm gì có giá 3Usd, mà chỉ được vài bữa thôi, nói gì cũng phải đúng sự thật chút. Ở Việt Nam 1 ly cafe cũng có giá bán đến cả 100 nghìn tương đương với 5Usd chứ không phải 3Usd nữa.

  6. Pham Hung

    Quan trọng là làm như thế nào, còn đem so sánh ai mà chẳng biết. Bài viết quá bình thường, chẳng có gì đặc sắc.

  7. Mr Coffee

    Ủa, mấy sếp tính vậy mà ko tính đến chi phí của họ bỏ ra à
    – Chi phí thu mua, tiền cước chở về nước
    – Chi phí rang xay, họ phải đầu tư biết bao nhiêu tiền để đầu tư 1 dây chuyền rang xay hiện đại để chế biến ra được loại cà phê ngon, rồi chi phí nghiên cứu chất xám cả đấy, các hương, vật liệu nữa
    – Chi phí đầu tư xây dựng quán, tiền trả cho nhân viên phục vụ,tiền điện, nước, đóng thuế… Nếu là quán cà phê sang trọng thì những khoản này không nhỏ đâu.

    Sao mấy ổng ko nói là có tí nhôm, nhựa với 1 tí tẹo kim loại quý mua khoảng vài chục đô là mà bán ra các sản phẩm điện tử giá vài ngàn đô đi.

  8. Trần anh giang

    Nói gì thì cũng không ngoài mục đích thu phí xuất khẩu cà phê ! Ông Tự hay Vicofa thì cũng chẳng làm được gì, giúp được gì cho người trồng Cà phê cả.
    Thập thò chim chuột đầy nương…
    Mất mùa, hạ giá lòng thương đồng bào…!

  9. Chùa Bộc

    Các Bác ý kiến cũng nhiều nhỉ.
    Theo tôi, thu phí các Cty trong hay ngoài nước thì cũng giống nhau cả.
    – Quan điểm của tôi là: Trong chuỗi giá trị từ “người trồng cà phê -> Thu mua/-> xuất nhập khẩu -> nhà rang xay, chế biến -> người tiêu dùng cuối cùng” thì ai là người chịu trả 1 đô, 2 đô hay nhiều đô/tấn cho người nông dân mới là quan trọng.
    – Trong ngành cà phê bền vững: Tại sao các chương trình ViệtGAP, hay GlobeGAP lại sống yểu, còn các chương trình như 4C, Utz Certified,v.v… họ ngày càng mở rộng? điều này cũng cần suy nghĩ.
    => Cứ loay hoay hoài bàn toán 1 đô, 2 đô thì còn lâu người Nông Dân trồng cà phê Việt Nam mới không chịu sự bất công về giá trị sản phẩm mình tạo ra.
    Chúc sức khỏe!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83