Giá cà phê tăng vẫn chưa hết căng

Tuần qua, giá cà phê robusta nội địa có lúc đạt trên 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá xuất khẩu tính theo giá trừ lùi (differentials) vẫn còn cao so với giá bán hàng tồn kho tại châu Âu.

Trong khi đó, giá cách biệt giữa cà phê arabica và cà phê robusta trên 2 sàn kỳ hạn đang đưa robusta vào thế đáng lo.

Biểu đồ 1: giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ 1: giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần

Giá nội địa qua mức 40.000 đồng/kg

Đây không biết là lần thứ mấy, khi giá nội địa quanh mức 40.000 đồng/kg là gặp phải sức bán từ nông dân khá mạnh. Ngay tức khắc, giá thị trường kỳ hạn robusta Liffe NYSE liền giảm nhanh.

Thực vậy, giá robusta nội địa với giá kỳ hạn Liffe NYSE liên tục đi sóng đôi. Nếu như ngày hôm trước, được giá nông dân bán ra nhiều, các hãng kinh doanh mua xong đưa hàng lên bán phòng hộ (hedging), là giá kỳ hạn liền rớt nhanh.

Giá thị trường kỳ hạn 2 ngày đầu tuần xuống dưới mức 2.000 đô la/tấn, tới điểm đáy mức 1.955 đô la/tấn, nông dân đã chê giá thấp, dừng bán ra. Phản ứng nhanh của sàn: giá kỳ hạn bục lên lại ngay. Khi sàn giao dịch thấy quá căng, người bán từ Việt Nam chê giá thấp không chịu bán ra, sàn này đã phải bung ra mua.

Nên, giá ngày thứ Năm 8-3-2012 đã vọt qua lên mức 2.088 khi đóng cửa. Hôm qua, ngày cuối tuần, giá cà phê nhân xô nội địa đã có lúc đạt 40.500 đồng/kg. Với mức này, hàng bán ra nhiều và lại được đưa lên sàn kỳ hạn cũng nhiều, giá Liffe NYSE đóng cửa cơ sở tháng 5-2012 khuya hôm qua 9-3-2012 thất thủ, rớt 38 đô la/tấn nay chỉ còn 2.050 đô la/tấn. Tuy nhiên, giá này vẫn ở mức cao hơn so với tuần trước 30 đô la. Tuy giá kỳ hạn cuốn tuần rớt, giá nội địa sáng nay thứ Bảy 10-3 vẫn còn đứng được mức 40.000 đồng/kg tại các vùng nguyên liệu.

Giá cà phê xuất khẩu cao – tồn kho giảm

Do giá nguyên liệu liên tục đi sát với giá niêm yết trên thị trường kỳ hạn Liffe NYSE, giá xuất khẩu tính bằng mức chênh lệch giữa giá kỳ hạn và giá xuất khẩu FOB vẫn cao. Nhiều nhà kinh doanh nhập khẩu vẫn muốn chờ, chỉ những ai lỡ bán, thiếu hàng mới mua để thực hiện cam kết giao hàng.

Cho đến nay, giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch (differentials) với giá niêm yết sàn kỳ hạn Liffe NYSE cho loại 2, 5% đen vỡ cũng chỉ ở mức trừ 30-40 đô la/tấn FOB cảng Sài gòn. Trong khi đó, giá robusta loại 2 theo tiêu chuẩn Liffe NYSE hàng nằm sẵn tại các kho châu Âu cũng chỉ ở mức trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết của thị trường kỳ hạn. Nên, nhiều nhà nhập khẩu, thay vì chọn mua tại Việt Nam có giá mắc hơn cho thị trường châu Âu và Mỹ, đã mua hàng chất lượng cao hơn và có giá tại sàn trừ 30 đô la/tấn.

Biểu đồ 2: Lượng robusta tồn kho NYSE Liffe tiếp tục giảm
Biểu đồ 2: Lượng robusta tồn kho NYSE Liffe tiếp tục giảm

Chính vì thế, lượng tồn kho robusta Liffe NYSE theo báo cáo mới nhất ra trong tuần nay giảm thêm 8.560 tấn (xin xem biểu đồ 2) chỉ còn 202.410 tấn, 20% ít hơn so với cách đây một năm.

Với giá chệnh lệch (differentials) như hiện nay cho các chào giá xuất khẩu FOB (30-40 đô la/tấn dưới giá Liffe NYSE), dự kiến tồn kho này vẫn sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Cách biệt giữa arabica và robusta: cần báo động

Trong khi theo dõi thị trường, người ta thường chỉ chăm chú đến giá niêm yết trên thị trường kỳ hạn và giá xuất khẩu. Nhiều người hay để quên một yếu tố quan trọng khác của thị trường, giá cách biệt (arbitrage) giữa hai sàn arabica Ice và robusta Liffe NYSE

Biểu đồ 3: Giá cách biệt arabica Ice và robusta NYSE Liffe giảm nhanh
Biểu đồ 3: Giá cách biệt arabica Ice và robusta NYSE Liffe giảm nhanh

Trước đây, khi giá niêm yết sàn giao dịch arabica tăng cao, giá arabica có khi cao hơn giá robusta trên 4.000 đô la/tấn. Song, trong nhiều ngày qua, giá arabica Ice đã xuống cực nhanh trong khi robusta Liffe NYSE tăng rất vững. Hiện tượng này đã là giá cách biệt giữa hai loại nay khép lại nhanh, chỉ còn quanh mức 2.000 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 3). Thường thường, mức cách biệt này chỉ quanh mức 1.450 đến 1.650 đô la/tấn.

Theo cách nhìn thông thường, giá cách biệt của 2 sàn này càng co lại bao nhiêu, tức giá arabica rẻ và khuynh hướng rang xay sẽ sử dụng arabica nhiều hơn. Nếu giá cách biệt này giãn ra càng xa, tức robusta rẻ hơn, rang xay sẽ mua nhiều hơn để sử dụng trong các mẻ rang xay của họ.

Với mức cách biệt giữa giá kỳ hạn arabica và robusta co lại nhanh như hiện nay, thiết nghĩ các nhà xuất khẩu và sản xuất cà phê robusta của nước ta nên cảnh tỉnh là vừa. Vì, một khi giá cách biệt co lại hơn nữa, chuyện lo chạy bán hàng xuất khẩu nay mai sẽ trở thành nỗi lo chung của cả nước để làm sao giữ vững được kim ngạch của ngành hàng mạnh như năm cũ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bi

    -giá cách biệt giữa hai loại nay khép lại nhanh, chỉ còn quanh mức 2.000 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 3). Thường thường, mức cách biệt này chỉ quanh mức 1.450 đến 1.650 đô la/tấn.
    -Trong khi đó, giá cách biệt giữa cà phê arabica và cà phê robusta trên 2 sàn kỳ hạn đang đưa robusta vào thế đáng lo.
    Ai hiểu 2 ý này nói gì ko? giải thích giùm với, khó hiểu quá! Cám ơn.

    1. Tâm Cà

      Khi A giảm thì người ta sẽ mua A nhiều hơn. Rô mà tăng thêm tí nữa thì người ta chẳng mua Rô đâu. Vì A uống ngon hơn
      Nhưng mức cách biệt 2000$ thì còn cao chứ chưa phải là thấp. Nếu mức cách biệt dưới 1400$ thì mới bắt đầu lo. Brazil sắp vào vụ nên chuyện giá A bắt đầu có mức cách biệt xích lại gần với Rô cũng bình thường. Nếu qua tháng 7 mà tình hình tồn kho trong nước còn nhiều thì mới thật sự đáng lo.

      Hôm nay là 11/3. Cũng còn rất sớm! Bà con ai muốn trữ thêm tí nữa thì cứ vững tin. Riêng tui đã xuất do có việc dùng đến tiền.

      1. van huong

        Thực ra đây chỉ là chiêu đánh động của các nhà xuất khẩu cà phê thôi các bạn ạ. Mình học về chuyên ngành kinh tế nên khá hiểu mấy chiêu thức này của các ông maketing. Cà phê rô là loại cà phê có chất lượng tốt hơn loại A rất nhiều. “mình có 1 câu hỏi thế này 1 ly cà phê rô thơm ngon có giá 15 ngàn 1 ly và cà phê A dở hơn rất nhiều nhưng có giá 12 ngàn, bạn sẽ uống cà phê nào?” Hiện tại Việt Nam là nước xuất khẩu số 1 cà phê rô. Sản lượng hơn rất nhiều lần nước thứ 2. Indo tận tháng 5 mới thu hoạch với lại tháng 5 thu hoạch thì tháng 6-7 mới xuất khẩu dc. Nên các bạn đừng lo.
        Chúc các bạn thành công

      2. Kinh Vu

        Bạn Van huong thân mến, có thể bạn đúng khi nói về chiêu thức marketing gì đó, nhưng bạn nói rằng “Cà phê rô là loại cà phê có chất lượng tốt hơn loại A rất nhiều…” là đang nói ngược với thực tế đấy nhé, riêng về cà phê thì có lẽ bạn không chuyên ngành rồi.

  2. Tâm Cà

    Đã xuất cà. Giá trên 40 thì xuất bà con nhé. Mình xuất 40.4, không trừ độ, không trừ tạp. Mặc dù độ đo được là 15.7. Có mua trữ vào gần 6 tấn khi giá 38.2. Mình được hơn 27 tấn. Kể ra năm nay không ăn thua.

  3. CFGL

    Chắc đây là bài của chuyên gia viết thuê cho các nhà đầu cơ cà phê nên có âm hưởng giống nhiều bài trước đây. Bạn đã đọc bài: “Đợt tăng giá cà phê sắp kết thúc” đăng hôm 15/2 chưa ? Khi đó bài báo trích dẫn nhận định của một chuyên gia nước ngoài Flury cho rằng “các hợp đồng mở của quyền chọn mua với giá 1.950 USD/tấn cho tháng 3 ở mức cao cho thấy thị trường đang hấp dẫn.

    Giá cà phê đã tăng liên tục suốt từ tuần trước tới nay vì cung từ Việt Nam yếu. Tình trạng vắt giá xảy ra suốt từ ngày 9/2 tới nay, với giá kỳ hạn tháng 3 cao hơn kỳ hạn tháng 5 , cho thấy hàng thực không có.

    Nhưng Flury đồng thời cảnh báo, giá robusta sẽ quay đầu giảm sau khi kỳ hạn tháng 3 đáo hạn. Ngoài ra, thị trường cũng cần điều chỉnh sau đợt tăng mạnh và kéo dài vừa qua.”
    Thế nhưng phản ứng của thị trường hiện nay như thế nào khi giá cà sàn London đang ở mức 2050$/tấn ?.

  4. Thuận Hòa

    Mình đọc mà thấy nếu sự xích lại gần giữa hai anh A và R thì nhà rang xay sẽ tập trung nhiều hơn vào anh A để mua. Hi hi hi nhưng các nhà rang xay sẽ mua ở đâu khi nông dân Braxin-Việt-Inđô-Ấn độ…đều găm hàng và sản lượng ngày càng giảm do sự già cỗi của cây trồng? Bài viết này chủ yếu đưa tin rung cho rớt mấy trái cà chín đấy. He He He thôi đi nhen.

  5. chuotdong

    Thân gửi Nông Dân 1/2 cùng các bạn.
    Nhà văn, nhà giáo
    Nhà báo, nhà thơ
    Họ viết cần nhờ
    Dựa theo “ngọn sóng”.
    Ta là nhà nông
    Cần gì đến “trắc”
    Cần gì phải “bằng”
    Chả cần theo luật
    Cứ thế mà phăng
    Giống như san bằng
    Sân phơi cà nhỉ
    Nói ra suy nghĩ
    Của mình thế thôi.
    Gặp bạn hôm rồi
    Không ghi địa chỉ
    Sao liên lạc tí
    Với bạn được ta?
    Nay lại vào nhà

    Cà ta có tốt?
    Bỗng dưng đột ngột
    Trời chuyển mùa đi
    Nắng mưa tức thì
    Nơi bạn có tới?
    Khí hậu thay đổi
    Hơi quá bất ngờ
    Vì đến bây giờ
    Chưa qua 28(XP)
    Thế mới không dám
    Ngừng tưới, bỏ phân
    Chưa hết mùa xuân
    Nước mưa sao đủ.
    29 Cốc Vũ
    Âm lịch của ta
    Thường hết tháng 3
    Mới là mưa thật.
    Nay trời lật đật
    Ủng hộ đây rồi
    Chỉ cục bộ thôi
    Gia Lai thế đó.
    Có biết thêm khó
    Cho Dak Lak không?
    Lại còn Dak Nông
    Lâm đồng …nữa chứ?
    Mỗi bạn vài chữ
    Pót lên xem nào
    Để liệu biết sao
    Sản cho mùa tới
    Không phải mình vội
    Chạy trước ô tô
    Nhưng vẫn không thừa
    Nếu ta dự trước.
    Phương Tây có lướt
    Khó qua được mình
    Dự đoán linh tinh
    Là quyền chúng nó.
    Luôn tìm chỗ khó
    Ép giá dân nay
    Vỏ quýt nếu dày
    Có ngay móng nhọn.
    Mùa tuy chưa trọn
    Nhưng đường đã chọn
    Có thể đúng rồi
    Không sớm muộn thôi
    Khả năng mình thắng.
    Vài ngày mình vắng
    Nếu không thăm nhà
    Y5 của ta
    Chúc mọi người nha
    Vững lòng tin tưởng.
    Nếu có gì vướng
    Cần phải chi tiêu
    Cứ bán ít nhiều
    Để chi tạm đã.
    Nếu cà rớt giá
    Đừng trách lẫn nhau
    Thuận trước, thuận sau
    Cả nhà êm ấm.

  6. Nghiện caphe

    Phương Tây có lướt
    Khó qua được mình
    ………………………
    Không sớm muộn thôi
    Khả năng mình thắng.
    Được đấy, chúng ta hãy tự tin!

  7. Tư Cà Nam Đà

    Đầu bài viết thấy hay hay cố tìm hiểu thêm tí kinh nghiệm nhưng cuối bài vẫn dỡ chiêu bài xuối dục bà con ta nhanh chóng bán cà. Bà con mình đừng lo, dự trữ thế giới giảm mạnh chứng tỏ hàng thực đang dần khan hiếm, tại nội địa VN hiện giờ cà trong dân cũng chẵn còn nhiều nữa đâu không biết tại các vùng khác thế nào chứ ở chổ mình ở cũng như những người đi làm cà phê của quê mình ở Quảng Ngãi đến thời điểm hiện nay số người còn cà phê chỉ chừng 25 – 30 % thôi. Mình là cán bộ nhà nước nhưng cũng trồng được ít cà, năm nay được 17 tấn đầu mùa bán 4 tấn trang trải chi phí, nay mình còn 13 tấn chờ giá trên 45 mới có ý định mở kho xuất hàng, chứ để lâu cà mọt hao nhiều lắm.

  8. Thanh Tâm - Cưkuin

    Chị Tí dạo này rảnh quá hè, có thời gian làm thơ nữa cơ đấy. Hôm nào chị rảnh về Đắc Lắc ta đi thăm Thầy Vịnh nha chị. Em thu hoạch tiêu sắp xong rồi.

  9. Tân cà

    “Với mức cách biệt giữa giá kỳ hạn arabica và robusta co lại nhanh như hiện nay, thiết nghĩ các nhà xuất khẩu và sản xuất cà phê robusta của nước ta nên cảnh tỉnh là vừa.”

    Đọc xong bài báo, thấy có ý này, là tác giả muốn cảnh tỉnh điều gì? khuyên người sản xuất nên nhanh chóng bán hàng, đề phòng giá rớt chăng? sao phải nói bóng gió vậy?

    1. Mr Coffee

      “Với mức cách biệt giữa giá kỳ hạn arabica và robusta co lại nhanh như hiện nay, thiết nghĩ các nhà xuất khẩu và sản xuất cà phê robusta của nước ta nên cảnh tỉnh là vừa.”

      Đọc xong bài báo, thấy có ý này, là tác giả muốn cảnh tỉnh điều gì? khuyên người sản xuất nên nhanh chóng bán hàng, đề phòng giá rớt chăng? sao phải nói bóng gió vậy?

      Mình thấy vấn đề này bài báo đưa không hợp lý, không đúng tí nào.
      Không phải cứ cảm thấy cà nào rẻ hơn thì mua cà đó rang. Mỗi nhà rang xay, mỗi loại cà phê bột hoặc hòa tan đều có những công thức riêng nhất định. Khi mà khách hàng đang yêu thích và quen thuộc với khẩu vị đó mà thay bằng công thức khác thì sẽ dẫn đến mất khách hàng thôi,chẳng thằng rang xay nào ngu vây.
      Mình nghĩ vấn để cách biệt co lại là do cung cầu thôi, cà robusta thì đang còn tồn kho Việt Nam rất nhiều, trong khi Indo phải 3 tháng nữa mới có cà, trong khi đó Braxin được đánh giá là rất được mùa cho nên giá robusta giữ dc cao hơn Arabica là điều dễ hiểu.

  10. No coffee

    Tôi không hài lòng với cái kết của bài này vì đọc xong nhiều người cũng lo lo, mà các bác biết rồi đấy, nông dân thường không kiên định lắm, họ dao động rồi còn vài cân cà phê đem bán hết với giá rẻ, lấy gì mà nuôi con cái, mai giá lên lại ngồi tiếc rẻ. Vậy tôi muốn, các bác viết bài nên có cái kết làm yên lòng bà con. Cám ơn nhiều

    1. cà pháo

      Năm 2009, chênh lệch này chỉ vào khoảng 70 – 80cents, nhưng khi đó cà A khoảng 150cents – 170cents còn cà R khoảng 1500$. Nay chênh lệch đang là 90 – 100cents. Xu hướng cà A có thể vẫn xuống, vậy có đáng xem xét không?
      Tin tức có lợi thì tung hô, trong khi những bài viết phân tích thì “ném đá”. Nên không?
      Lập lên diễn đàn để trao đổi, nếu thấy tin chưa chuẩn thì nên liên hệ tác giả mà trao đổi thông tin. Người ta bỏ công sức ra thu thập thông tin (nhất định phải có kiến thức tốt và trình độ ngoại ngữ giỏi), mà các thông tin này phần nhiều mang tính tổng hợp những việc đã qua, giá tăng hay giảm là do THỊ TRƯỜNG. Vậy mà cứ “ném đá” thế?
      Hiện nay người làm cà phê hầu hết đói thông tin (trong nước thì ít thông tin, đọc các trang mạng nước ngoài thì không thể vì không biết ngoại ngữ). Kể cả tin quốc tế (đã dịch), tin ủng hộ giá tăng thì tung hô, tin cho rằng giá giảm thì chửi là do đầu cơ? Văn hóa đọc có vấn đề thật!

  11. manhquandhhc6

    Nhà mình có ít cafe mà cứ đợi mãi tăng mà chẳng thấy đâu hết lên được tí rồi lại xuống mất, chán thật.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

98