Tin buồn

Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn ngành cà phê: Cần giám sát chặt

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp cà phê trong nước thay vì “kêu khóc” trước sự lấn át của các doanh nghiệp ngoại, cần tự mình chủ động đầu tư, mở rộng kinh doanh để cạnh tranh…

Xem thêm: Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn cà phê Việt

Nên ra điều kiện với doanh nghiệp ngoại

Bà Phan Thị Thanh Minh- Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Theo luật, các DN FDI được quyền đầu tư kinh doanh, xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, nếu các cơ chế chính sách hiện hành bị các DN FDI “lách” chỗ nào, thì chúng ta cần phải chấn chỉnh chỗ ấy để tránh tình trạng các DN FDI cạnh tranh không lành mạnh. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm cách đầu tư, kinh doanh tốt hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp FDI trong mua bán xuất khẩu cà phê”.

Cà phê nhân
Cà phê nhân – Ảnh minh họa

Đồng thời, Bộ Công Thương đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan, cùng các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các DN nước ngoài trong việc mua, bán nguyên liệu trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Trong khi đó, TS Phạm Tất Thắng – chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng: “Việc doanh nghiệp nước ngoài được kinh doanh nông sản, trong đó có cà phê ở trong nước đã được cảnh báo từ rất lâu, kể từ khi VN mới gia nhập WTO, đó là chúng ta sẽ phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế ngay trên sân nhà.

Chính vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị đối phó với tình hình này như thế nào. Doanh nghiệp nước ngoài được phép mua trực tiếp cà phê của dân nhưng mua với số lượng bao nhiêu, họ được đặt bao nhiêu điểm thu mua… là quyền của chúng ta”. Theo ông Thắng, có thể đặt điều kiện khi cho phép doanh nghiệp nước ngoài khi họ được mua trực tiếp nông sản của ta, đồng thời các địa phương cũng nên có quy định và thực hiện kiểm tra, giám sát việc này.

“Cần tự do cạnh tranh”

Đó là khẳng định của ông Vũ Quốc Tuấn – Trưởng phòng Truyền thông đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam về loạt bài mà Báo NTNN đã phản ánh. Ông Tuấn cho biết: “Thực tế, hiện Nestlé có nhà máy chế biến cà phê rang xay lớn nhất ở Việt Nam và Nestlé có quyền thu mua cà phê của dân để có nguyên liệu chế biến cho nhà máy, thế nhưng cho đến nay chúng tôi chưa hề mua trực tiếp một hạt cà phê nào của dân”.

Trung bình mỗi năm, Nestlé thu mua khoảng 250.000 tấn cà phê tại Việt Nam (chiếm 25% sản lượng) để phục vụ cho nhà máy rang xay của công ty.

Theo ông Tuấn, phương thức thu mua của Nestlé hiện nay là mua qua đại lý trung gian, có nghĩa là các đại lý nhỏ đi thu mua cà phê trong dân, sau đó họ bán cho đại lý cấp 1 và Nestlé chỉ mua qua đại lý cấp 1, các đại lý này cũng đều là các doanh nghiệp trong nước.

Về ý kiến, các công ty nước ngoài vào thu mua trực tiếp nguyên liệu có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến ngành cà phê Việt Nam, ông Tuấn nói: “Ở đây, có thể vì lý do nào khác, nên họ mới đưa vấn đề này lên thành một nguy cơ. Còn riêng về quan điểm của Nestlé là ủng hộ tự do cạnh tranh, điều này vừa thích hợp với các quy định của WTO, vừa đảm bảo tự do thị trường. Chứ còn chúng ta cứ quản lý theo kiểu bảo hộ các DN trong nước bằng biện pháp hành chính, thì không có hiệu quả”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Le@

    Anh Tất Thắng ạ! mong rằng anh sớm có những phân tích cụ thể hơn, chi tiết hơn về nguyên tắt hoạt động của tổ chức WTO trên toàn cầu; đây là tâm huyết của bà con nông dân mình đang còn thiếu nhiều thông tin lắm. Các bác làm việc hưởng lương đôi khi vì cuộc sống riêng tư hoặc vì miếng cơm manh áo mà không thể hoặc không tiện nói ra nhận biết của mình…
    Là nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, anh hãy vì tương lai của một nền kinh tế Việt Nam hùng mạnh trong tương lai gần mà trước mắt là bà con nông dân trên mọi miền đất nước, mong lắm anh ạ!
    Kính chúc anh và gia đình sức khỏe & hạnh phúc.
    Mong sớm được gặp lại nhau.
    Lê BMT

  2. Le@

    Tôi đang sẵn lòng hợp tác với tổ chức UNESCO VN của anh, anh Nguyễn Hùng Sơn và các anh trong thường trực, anh Nguyễn Tất Thắng ạ.

  3. dân viêt

    Chúng ta, những người nông dân trồng cà phê rất cám ơn các DNNN, nhờ họ mới phá được thế độc quyền của các DNTN và tất nhiên những DNTN và những ký sinh trùng trên các DNTN như Vicofa chẳng hạn sẽ rất buồn vì không ép được bà con nông dân. Vì vậy bà con nông dân cũng phải cần lên tiếng để đòi lại sự công bằng, không thể để các DNTN độc quyền ép chúng ta mãi được.
    Đề nghị bỏ Vicofa vì chẳng giúp gì cho nông dân mà chỉ tìm cách ép nông dân, ép các DNNN, tạo điều kiện cho các DNTN độc quyền, lũng đoạn để rồi chính Vicofa sẽ sống ký sinh trên các DNTN.

  4. Thuận Hòa

    Nghe đọc cũng thấy NỘI NGOẠI giống hệt nhau ở một điểm đều ép bà con ra bã hết. Bài viết này của anh thu mua NỘI là cái chắc.

  5. quan tâm

    Tôi là nông dân trồng cà phê một nắng hai sương cực khổ đã nhiều, may gặp thời kỳ mở cửa mở tầm nhìn. Ta hay tây không quyết định nữa mà là chất lượng, là tài năng chứ đừng u u mơ mơ tại nọ kia nữa. Vào WTO rồi đừng nghĩ đang còn là ngày xưa mà muốn gì được lấy, nhiễu loạn lung tung,… thật sự DNTN yếu phải đóng học phí mà học đừng dấu dốt làm khổ bà con nông dân. DNNN tuy không tốt lắm nhưng là trào lưu thời đại cản chẳng được đâu! Phải mạnh như họ và hơn họ mới đủ sức chơi, còn không xin chuyển công tác để dân đỡ cực khổ.

  6. Thành Trung

    Hãy để cho các DNNN nua trực tiếp cà phê của nông dân. Theo xu hướng chung của thị trường thì cần phải giảm các khâu trung gian để tăng hiệu quả kinh doanh giảm chi phí thu mua thì mới có lợi cho quốc gia cho người nông dân. Tại sao tất cả các mặt hàng của chúng ta như sữa, phân bón…. đều phải qua rất nhiều khâu trung gian đẩy giá lên cao rất nhiều so với giá thành SX. Chẳng hạn như đạm Phú Mỹ giá thành SX chỉ bằng 1 nửa so với giá bán cho người nông dân là do các khâu trung gian lũng đoạn thị trường khi không có cạnh tranh

  7. Nông Cà

    Nông dân chúng tôi chỉ quan tâm DN nào mua được giá cao (đối chiếu với giá thế giới) là chúng tôi quyết định bán!
    Điều mà chúng tôi quan tâm nhất là không cho phép Vicofa lũng đoạn chính sách của chính phủ để o ép nông dân chúng tôi.
    Như trường hợp hiệp hội lương thực Vietfood đã lũng đoạn chính sách của nhà nước về giá lúa làm nông dân trồng lúa lao đao, đến bây giờ nông dân trồng lúa vấn chưa có lối thoát về giá!
    Chính phủ nên tỉnh táo để bảo vệ quyền lợi cho nhiều phía, chứ đừng nghe những lời “hươu vượn” của các hiệp hội mà thiệt thòi cho nông dân!

  8. Mê Cà phê

    Việc này tôi nghĩ chỉ có Bộ Nông nghiệp chỉ đạo cho Viện Chiến lược phát triển nông thôn(ông Cao Đức Phát chỉ đạo cho ông Đặng Kim Sơn) đồng thời phối hợp với các tỉnh có cà phê để có chiến lược kinh tế ngành. Đó là cách duy nhất để ngành cà phê Việt mới xứng tầm quốc gia cà phê thứ 2 thế giới về sản lượng. Còn DNNN hay DNTN họ đều phải thương chính họ hơn thương nông dân chứ…? Có điều tôi chỉ buồn là các doanh nghiệp nội mà đặc biệt là Vicofa và 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam họ không có tâm để tìm ra chiến lược cho ngành và cho chính họ vì lẽ đó họ thua là tât yếu. Thương nông dân cà phê Việt quá vì những người có trách nhiệm họ lại là những gương mặt vô cảm…!
    Nếu có thể được tôi mong Y5 caphe chuyển tin này cho ông Cao Đức Phát và ông Đặng Kim Sơn
    Xin chân thành cảm ơn !

  9. thidilih

    Thật là buồn cười, caphe tháng 5 còn chưa giao vậy mà các ông nội chỉ mua giá tháng 7, như vậy mà cứ kêu oai oải. Người nông dân cứ phải chịu hết.

  10. Minh ca phe

    Indo là nước SX cà phê thừ 3 thế giới sàn lượng chỉ bằng 1/2 của VN vậy mà giá trị xuát khẩu cao hơn VN. Bởi họ đã làm tốt cả 3 khâu SX – Chế biến – Xkhẩu. Còn Vicofa đã làm được gì trong hai khâu đầu. Sau bao nhiêu năm núp bóng cơ chế bao cấp và bảo hộ của nhà nước, Vicofa chỉ là hiệp hội xuất khẩu cà phê thô. Tâm và tầm của các Ông ở đâu? Chỉ giỏi kêu ca và tìm mọi cách kiếm lời trên mồ hôi nông dân. Tốt nhất các Ông nên đổi tên Vicofa thành “Đại lý siêu cấp XK cà phê thô VN” hay hơn và đúng nghĩa với cách làm của các Ông hiện nay hơn. Tại sao các Ông chỉ kêu DNNN lũng đoạn thị trường yêu cầu nhà nước tăng cường giám sát nhằm bảo vệ lợi nhuận cho các Ông mà không kêu Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến… tạo dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường thế giới ? Hay là các Ông ghen ghét không muốn các nhà chế biến phát triển và giầu có chính đáng dân lại được nhờ?

  11. Tư Cà Nam Đà

    VN đang trong lộ trình hội nhập WTO hoàn toàn nên DN trong nước còn được bảo hộ của chính phủ. Vậy để tồn tại trong thời buổi kinh tế VN hội nhập hoàn toàn thì DNTN và các quan chức nhà ta phải vắt óc suy nghĩ và hành động ngay từ bây giờ để bảo vệ DNTN và bảo vệ quyền lợi cho người SX cà phê, ở đây không ai hết là Nông dân chúng ta. Vì làm như thế Nông dân chúng ta mới an tâm SX để có hàng hóa xuất khẩu thu ngoại tệ về cho quốc gia, chứ làm khổ Nông dân chúng ta như thế này bằng những suy nghĩ đi lùi với thời đại và các loại phí như: Phí xăng dầu, quỹ bảo hiểm nghành hàng cà phê vv… Hiện giờ các loại phí này có đêm lại lợi ích gì cho Nông dân ta đâu mà chỉ đêm lại lợi ich cho một nhóm người ngồi mát ăn bát vàng.

  12. ngọc bảo

    9/03/2012
    Nông dân chúng tôi thật chán mấy “Ông” quá, nếu khó quá thì nghỉ thôi, kêu ca suốt thế này chắc chắn cũng chẳng giải quyết được lợi ích nhóm của mấy “Ông”.
    Nhóm “Ông” có 20, trong khi nông dân chúng tôi là hàng triệu, “Ông” tự suy nghĩ đi?

  13. cà đắng

    Dân muốn bán giá cao , nhưng không bán được trực tiếp cho người cần mua (nhà máy chế biến), Người cần mua lại không mua trực tiếp được của dân , mà phải mua qua đại lý. Trăm dâu đổ đầu tằm …dân khổ dài dài…

  14. Ham Rong

    Đọc những loạt bài với nội dung tương tự như thế này đăng báo trong thời gian qua, tôi thật sự thấy lo cho người trồng cà phê VN. Vì tôi thấy ẩn đằng sau những bài báo này đã hé lộ cho chúng ta thấy mục đích đen tối của các ngài trong Hiệp Hội rất rõ “Sẽ ra những cơ chế áp đặt lên đầu những nông dân trồng cà phê trong thời gian tới đây như là Hiệp hội GẠO đã tròng lên đầu nông dân trồng LÚA lâu nay”.
    Họ nói đủ điều không tốt cho các doanh nghiệp FDI, nhưng thử hỏi nếu không có họ thì nông dân mình sẽ như thế nào ? Nhìn lại thời gian trước đây, khi chưa có họ mà chỉ có các vị Doanh nghiệp nhà nước độc quyền thì giá cả như thế nào ? Giá thì mua 1, bán 2 nhưng cuối cùng cũng ra đi hết. Bây giờ cố gắng cứu mấy cái thây ma đó để làm gì ?
    Nếu vì lợi ích của nông dân chúng tôi thì nên để cho thị trường được tự do cạnh tranh lành mạnh.
    Ở tại tỉnh Gia Lai chúng tôi các doanh nghiệp FDI không mua trực tiếp của nông dân, họ chỉ mua lại các doanh nghiệp, qua 1 cấp mà chúng tôi đã thấy quyền lợi của mình mất đi nhiều rồi, đừng để cho chúng tôi mất nhiều hơn các ngài ơi, làm ơn !

  15. duchuy

    DNNN lũng đoạn thị trường cà phê?
    Ông bà xưa dạy rằng “nói có sách mách có chứng”, tôi thấy cả nội dung bài báo không hề đưa ra được một chứng cứ gì cả, thực tế các DNNN đang tiêu thụ 50% sản lượng cà phê của VN đó là số liệu minh chứng cho thấy bài báo không có tính thuyết phục!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81