Tin buồn

Xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ: Cẩn trọng với những “chiêu” gây khó dễ

Được coi là nước nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam song dường như Mỹ đã và đang cố tình tìm cách gây khó cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, từ cuối năm 2011 trở lại đây, nhóm mặt hàng nông sản khi vào thị trường này gặp ngày càng nhiều trắc trở.

Thanh long cũng là mặt hàng bị Mỹ gây khó

Năm 2012, nông sản xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong thời gian tới, hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi Mỹ sẽ thực hiện kiểm tra chất lượng các mặt hàng nông sản nhập khẩu vào Mỹ theo Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) mới được Chính phủ nước này ban hành. Cụ thể, theo đạo luật, từ năm 2012, Mỹ sẽ thực hiện quy trình kiểm tra hết sức ngặt nghèo đối với các sản phẩm hàng hóa của tất cả các nước khi xuất khẩu vào thị trường này, bao gồm nông sản, đồ ăn, đồ uống. Cũng theo FSMA, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ có quyền ra lệnh kiểm tra hoặc thu hồi sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ nếu không đảm bảo chất lượng đồng thời tính phí cho chủ hàng xuất khẩu sản phẩm đó.

Từ năm 2009 trở lại đây, Mỹ đã lợi dụng những đạo luật thương mại để đưa ra các “chiêu” nhằm tạo lực cản cho các mặt hàng xuất khẩu của ta vào thị trường này. Chúng ta không còn lạ gì khi nghe đến các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà phía Mỹ cố tình gây khó dễ cho ta đối với những mặt hàng như túi nhựa PE, ống thép, thủy sản…Và nay lại đến các mặt hàng nông sản.

Không xa xôi gì, ngay tháng 11 – 2011 vừa qua, quả thanh long – một mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu khá lớn của Việt Nam – bỗng dưng bị Mỹ cấm thông quan vì cho là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp tham gia xuất khẩu mặt hàng này, mặc dù kết luận có lượng tồn dư thuốc nhưng FDA (cơ quan quản lý Thuốc và thực phẩm Mỹ) lại không quy định rõ giới hạn tỷ lệ bao nhiêu. Điều đáng nói là, trước đó Mỹ không hề có quy định này… Sự việc này đã khiến nhiều doanh nghiệp của ta chọn giải pháp ngừng xuất khẩu thanh long.

Cũng trong năm 2011 (cụ thể là từ tháng 7 đến tháng 11) khoảng 600 tấn mật ong của Việt Nam đã bị Cơ quan dược phẩm Mỹ trả lại. Lý do mà nước này đưa ra là bởi, mật ong của ta nhiễm một loại thuốc trừ nấm có tên là Carbenzamin. Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù dư lượng chất này ở mật ong xuất khẩu của ta thấp hơn rất nhiều so với quy định của CODEX và Liên minh châu Âu (EU) song Mỹ vẫn cố tình khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn. Kết cục là, sau sự việc 600 tấn mật ong của Việt Nam bị Mỹ trả lại, đến nay sản phẩm mật ong hầu như khó có thể xuất khẩu được. Song, điều quan trọng là, động thái này của Mỹ đã khiến 35.000 người nuôi ong của Việt Nam rơi vào tình thế “dở khóc dở cười”. Bởi từ khi trở thành mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh, nhiều người dân Việt Nam đã chuyển hẳn sang làm nghề nuôi ong lấy mật. Do đó, có thể trông thấy ngay sự ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người nông dân Việt Nam.

Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường mình hướng đến

Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây có thể lại là một cách để Mỹ cố tình gây khó dễ cho các mặt hàng xuất khẩu của ta. Song vấn đề ở đây là, họ được quyền làm như vậy. Bởi vậy, bà Trang khuyến cáo, các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ cần tìm hiểu thật kỹ các rào cản, các đạo luật ta có thể gặp phải. Bởi thị trường này dù chúng ta chiếm nhiều về mặt hàng, số lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu song đây lại là thị trường phức tạp nhất.

Ngoài ra, phía cơ quan Nhà nước, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng cho biết, trong gian tới, cơ quan này sẽ tổ chức các buổi đối thoại nhằm thiết lập một kênh thông tin thông suốt giữa các bên liên quan để giải quyết các vướng mắc, tranh chấp liên quan đến vấn đề xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Đây là việc làm cần thiết để các doanh nghiệp có thêm nhiều điều kiện nhằm bổ sung những thông tin cần thiết cho việc xuất khẩu các mặt hàng không chỉ sang Mỹ mà sang cả EU và nhiều nước khác trên thế giới.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. phamvanloi2608

    EU là 1 thị trường khó tính ! Nếu không hiểu rõ luật chơi ta sẽ bị loại . Cần tìm cho mình những thị trường khác nếu MỸ làm khó ta quá !

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82