Gia Lai: Nguy cơ đổ nợ vì tiêu chết hàng loạt

Còn chừng hơn tháng nữa là đến chính vụ thu hoạch tiêu (trung tuần tháng 3) tại thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh, những tưởng khi về đây sẽ được thấy hình ảnh nhà nhà phấn khởi đón nhận tin năm nay tiêu được giá (giá hiện tại là 120.000 đồng/kg).

Nhưng không phải như vậy, đa phần người dân đang rầu rĩ, có người còn thốt lên rằng: Tiêu ốm là người ốm, tiêu chết thì người cũng muốn chết theo.

Từ khoảng trung tuần tháng 7-2011 đến nay, rất nhiều nông dân ở 2 vựa tiêu lớn nhất tỉnh Gia Lai là Chư Sê, Chư Pưh luôn phải sống trong cảnh mất ăn, mất ngủ vì tiêu chết hàng loạt. Hộ ít thì mất vài chục trụ, hộ nhiều thì đến hàng ngàn trụ.

“Sinh mạng người và cây gắn với nhau”

Câu nói này được nông dân Nguyễn Đức Thắng (35 tuổi, trú tại thôn Plei Thơ Ga, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) nói khi dẫn chúng tôi đi thực địa vườn tiêu 600 trụ của nhà ông. Ông giải thích, mọi sinh hoạt của cả gia đình 4 miệng ăn đều trông chờ vào cây tiêu. Tôi vừa mua được đất, cất được nhà gần đường quốc lộ cũng nhờ cây tiêu, nhưng nhìn tình hình “tiêu điều” thế này, chắc có lẽ phải quay lại ở nhà rẫy mất…


Những vườn tiêu bị chết hoàn toàn.

Chỉ vào những trụ đã chết hẳn và những trụ đang có dấu hiệu bệnh, ông Thắng than thở: Với kinh nghiệm gần 10 năm trồng loại nông sản này, tôi có thể cảm nhận được mỗi ngày mỗi dây tiêu cao thêm được bao nhiêu phân, ra thêm bao nhiêu lá nhưng chưa bao giờ thấy tiêu chết nhiều và nhanh như thời gian vừa qua. Vườn nhà tôi bị thiệt hại hoàn toàn hơn 20% số trụ. Đó là chưa kể số trụ phát hiện bệnh kịp thời, đã ra sức bơm thuốc theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ Thực vật; tuy nhiên hiện tại, chúng cũng trong tình trạng lá đang từng ngày úa vàng.

Ông Thắng cho biết thêm, từ khi phát hiện bệnh, gia đình đã “đổ” vào vườn tiêu cả chục triệu đồng tiền thuốc nhưng tiêu vẫn cứ chết. Điều đáng ngại hơn, đó là bệnh này lây lan rất nhanh. Nhìn vào những trụ tiêu gia đình ông Thắng mới trồng lại, thấy lá đang có dấu hiệu co quắp, còn những trụ được cho là đã may mắn thoát bệnh thì trái rất ít, có chùm chẳng có hạt nào.

Theo ông Thắng, nếu tiêu không bệnh, với giá cả như hiện tại, gia đình ông sẽ thu trên 200 triệu đồng. Thiệt hại do không thu hoạch được mấy năm, cộng với chi phí đầu tư trồng mới phải mất vài triệu đồng một trụ, mà trồng lại chưa chắc đã thoát bệnh, rồi tiền đầu tư thì vay ngân hàng… sẽ là gánh nặng của gia đình.

Ở thôn Plei Thơ Ga nói riêng và xã Chư Don nói chung hầu như nhà nào cũng bị tình trạng tiêu chết vì bệnh, nhiều nhà thiệt hại từ 80% đến 100%. Nhà ông Hiếu có 3.000 trụ bị chết sạch. Nhà ông Hà có 2.000 trụ bị lụi tàn, ông bỏ vườn hoang luôn vì không bói đâu ra tiền để tái đầu tư. Thiệt hại nặng nhất là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, có gần 5.000 gốc tiêu nhưng bị bệnh chết đến hơn 3.000 trụ. “Tốc độ chết của tiêu chỉ kéo dài trong vòng 1 tuần. Nếu thời gian tới không có biện pháp nào khắc phục được tình trạng trên thì chúng tôi cũng phá sản mất thôi!”-bà Tuyết chán nản.

Tiêu chết không chỉ khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, mà bao nhiêu vốn liếng, công sức của người dân đều bị đổ sông, đổ biển, lâm vào tình trạng nợ nần do vay ngân hàng, mua chịu tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Nông dân trước nguy cơ phá sản dù tiêu được giá

Theo nhiều nông dân, đây không phải là năm đầu tiên xuất hiện bệnh, song kiểu chết hàng loạt thì chỉ sau mùa mưa năm ngoái mới thấy. Người dân thấy bệnh thì cứ vái tứ phương chứ cũng chưa biết rõ bệnh và phương pháp điều trị cụ thể nên hiệu quả chữa trị không cao. Hậu quả là hàng trăm tỷ đồng của người dân đang ngày ngày đội nón ra đi.


Ông Thắng bên cây tiêu bị chết.

Theo ông Lê Đình Quốc (TP. Pleiku)- người có trên 20 năm trồng cây hồ tiêu, một trong những người tiên phong của vựa tiêu Chư Sê thì, cây tiêu rất khó tính do đó tiêu bệnh và chết đa phần do người dân canh tác không đúng kỹ thuật, bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều. Nhiều năm liền vẫn duy trì như vậy đã khiến cây tiêu kiệt sức; khi nấm bệnh được ủ lâu ngày thì cây không đủ sức kháng bệnh dẫn đến chết nhanh chóng và chết trên diện rộng.

Do lợi nhuận của cây hồ tiêu lớn nên nhiều người đã đổ xô đi trồng tiêu mặc dù chưa nắm đầy đủ kiến thức, kỹ thuật về loại cây khó tính này. Bên cạnh đó, ăn theo cây tiêu là các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bán tràn lan khắp 2 vựa tiêu này cũng góp một phần làm cho cây tiêu xuống cấp, dễ mắc bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: Nguyên nhân làm cây tiêu chết hàng loạt là do nấm phytopthora. Cây tiêu là loại cây cần rất nhiều vốn mà người trồng tiêu đâu phải ai cũng bắt đầu với số vốn lận lưng nhiều đâu. Chuyện nông dân báo về rằng cây tiêu chết nhanh, chết chậm, vàng lá, thối rễ, long đốt gãy thân… đã khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Phải nói, những lúc khó khăn như thế này, người dân chỉ trông mong vào Hiệp hội.

Hiệp hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực tiếp đi thực tế từng vườn cây bị bệnh, tuy nhiên cũng thừa nhận nhiều khi lực bất tòng tâm. Vườn tiêu nào may mắn phát hiện bệnh sớm thì còn có khả năng cứu vãn, còn khi bệnh đã nặng thì chi phí điều trị rất cao, tình hình điều trị cũng bấp bênh.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tiêu chết hàng loạt, theo ông Bính là do cơn bão số 9, số 11 năm 2009 đã làm đổ, lay gốc rễ, tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập rồi ủ bệnh, khi gặp mưa nhiều (mùa mưa năm 2011) sẽ làm ẩm đất. Đây là môi trường thuận lợi để các loại nấm bệnh phát triển và phá hại vườn tiêu.

Hiệp hội đã khuyến cáo các chủ vườn tiêu nên có biện pháp phòng ngừa bằng cách đào mương thoát nước và xử lý phòng bệnh bằng các loại thuốc hóa học có trên thị trường như: Aliette, alfamil, alpine… hoặc dùng chế phẩm trichoderm-loại tinh chất hòa với nước để phun và tưới theo hướng dẫn trên bao bì.

>> Nông dân Gia Lai nợ nần vì tiêu

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. thuydung_gia lai

    Là 1 Ks nông nghiệp, khi đọc bài viết này tôi vô cùng đau lòng và xin chia buồn với những nông dân bị thiệt hại và qua đây tôi cũng muốn chia sẻ với bà con vốn kinh nghiệm ít ỏi của mình, “Hiệp hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực tiếp đi thực tế từng vườn cây bị bệnh, tuy nhiên cũng thừa nhận nhiều khi lực bất tòng tâm” thì với kinh nghiệm ít ỏi của mình, tôi muốn chia sẻ với bà con áp dụng để phòng bệnh cho cây tiêu, tôi nghĩ: Kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế thì bà con nông dân mình hơn hẳn một kỹ sư như tôi, nhưng có những cái rất đơn giản mà bà con chưa chú ý tới thì cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến tiêu chết hàng loạt như hiện nay? Thôi thì “phòng bệnh còn hơn chữa bệnh”, chuyên môn của tôi là về dinh dưỡng cây trồng nên ở góc độ về dinh dưỡng tôi cho rằng:
    Nguyên nhân sâu xa của “bệnh tật” là do sức đề kháng của cơ thể, cây trồng cũng vậy, nhưng hầu như các chuyên môn BVTV và bà con nông dân đều không chú trọng đến vấn đề này. Một khi sức đề kháng cơ thể yếu thì rất dễ bị cảm cúm hay mắc các bệnh khác, cây trồng cũng vậy.
    Một mùa bội thu -> nhiều trái (trái lấy đi 1 phần xương và thịt của cây mẹ), vậy mùa sau cây mẹ sẽ bổ sung lại xương và thịt của mình như thế nào? thịt là các nguyên tố đa lượng: N,P,K; xương là các nguyên tố trung, vi lượng: Ca, Mg, S, Mn, Si, Fe, Zn, Cu, Bo, Mo. Đa phần nông dân chỉ chú trọng đến việc bổ sung phần thịt cho cây mẹ mà ít quan tâm đến việc bổ sung phần xương của cây trồng, sức đề kháng của cây trồng được củng cố hay bổ sung là nhờ phần xương của cây. Tuy cây cần các nguyên tố trung, vi lượng với hàm lượng rất ít nhưng nếu THIẾU hay THỪA sẽ làm giảm năng suất cây trồng và cây dễ bị nhiễm bệnh. Nhưng bổ sung với lượng như thế nào? các loại trung, vi lượng chỉ khi bón qua lá là cây hấp thu đầy đủ và nhanh nhất, việc chọn và bón bổ sung các loại phân bón lá uy tín cũng là một vấn đề đối với bà con nông dân.

  2. Bốn Tiêu Nam Đà

    Xin chia buồn cùng bà con đã thiệt hại rất nặng nề! Theo Tôi những vườn tiêu đã chết là vì giá cả thời gian qua khá cao nên bà con mình bỏ phân hóa học rất nhiều mong có được năng suất cao nên tiêu chết là cái chắc. 8 năm trước nhà tôi cũng vậy 1.700 trụ tiêu đang thu hoạch nhưng trong vòng hai tháng chỉ còn trụ và dây chết khô. Với lòng đam mê và quyết tâm theo đuổi cây tiêu để phát triển kinh tế gia đình tôi đã nhổ hết vườn tiêu chết này sang trồng ở rẫy khác. Vụ rồi 1.700 trụ tôi thu được 5,2 tấn đến nay vẫn tươi tốt bình thường chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Sở dĩ tiêu tôi không bị chết nữa là vì tôi không dùng phân hóa học mà chỉ dùng phân bò ủ hoai mục + với vôi, phân vi sinh. Khi đến mùa tưới, vườn tiêu tôi không đào bồn sâu mà chỉ chở đất từ nơi khác về đắp luống thành bồn chứa giữ nước khi tưới. Sang mùa mưa thì phá bồn ra bằng như mặt sân phơi vậy, và cứ thế năm nào cũng vậy. Còn bốn phía xung quanh vườn tôi dùng xe cuốc hào sâu 1,5 m rộng 1m làm rào bảo vệ không cho người lạ, gà, chó … vào trong vườn mang mầm bệnh từ nơi khác đến, chỉ chừa cổng ra vào có khóa hẳn hoi. Vào trong vườn chỉ có tôi và người làm công. Đây là thực tế tôi đã làm và thành công bà con nên tham khảo. Nếu chưa tin lắm thì làm thử vài trăm trụ thôi để thấy hiệu quả thế nào? Làm tiêu chỉ cần trúng đậm 3-4 năm là đủ rồi, nếu tiêu có chết đi thì cũng chẳng tiếc vì người xưa đã đặt tên cho nó là cây tiêu mà sao không đặt cho nó tên khác như cây tùng, cây bách, cây đỏ, cây đen chẳng hạn. Chúc bà con thành công!

  3. TanGL

    Vườn tiêu nhà mình bị bệnh chết sạch. Vệ sinh vườn rồi trồng lại có được không bà con? Bạn nào có kinh nghiệm chỉ cho mình biết với. Xin cảm ơn nhiều.

    1. Bốn Tiêu Nam Đà

      Tuyệt đối không bao giờ thành công, nếu vệ sinh vườn tốt thì tiêu phát triển năm thứ nhất và năm thứ 2, năm thứ 3 tiêu phủ trụ (trụ gỗ) là tiêu bắt đầu chết dần. Tốt nhất là bạn nên tìm chỗ khác mà trồng lại tỷ lệ thành công sẽ cao hơn nhưng trươc khi trồng phải nhổ trụ phơi ngoài trời 1 năm hoặc dìm xuống ao thời gian tương tự.

  4. TanGL

    Cám ơn bạn đã chia sẻ kinh nghiệm. Ở vùng mình mà tìm được đất thuận lợi để trồng tiêu thì quá khó. Hết đất rồi bạn ơi. Thế nên mình mới định sử dụng lại ô đất cũ.
    Thật ra vườn mình 320 trụ chết còn 100 vừa rồi thu được 5 tạ, trụ bằng bê tông. Nếu để vườn như thế thì tiếc và khó chăm những trụ còn lại lắm. Nếu có cách nào trồng lại mà giữ được vườn thì tốt quá.

  5. TK Daklak

    Nhà mình trồng tiêu mấy chục năm, đã từng trãi cay đắng sập nghiệp khi vườn tiêu chết. Quanh nhà mình đây nhiều người cũng có hoàn cảnh tương tự. Bây giờ mình lại tái lập vườn tiêu, nhưng chỉ dám xen trong rẫy cafe và trồng trên trụ sống.
    Tôi dám cá chắc rằng những người bây giờ vui vẻ vì có rẫy tiêu tốt bây giờ tương lai sẽ khóc và đau khổ vì tiêu chết thôi vì tôi đã có kinh nghiệm nhiều rồi, không ai tài giỏi đâu. Tôi có ông cậu vì trồng 6 ha tiêu, thuê cả kỹ sư, tiến sĩ về chăm sóc rồi tiêu cũng chết, nợ nần chồng chất phải bán rẫy cũng không đủ trả nợ…
    Cứ cho cây tiêu sống tự nhiên, đừng ép thúc nó bằng cách bón phân xịt thuốc nhiều. Cây cafe cũng vậy, ép thúc nó thì tuổi thọ nó không cao…
    Lời khuyên nghiêm túc là những người trồng tiêu khi trúng mùa được giá hãy tích lũy vốn liếng, và nên trồng xen. Tiêu bị chết thì chí ít 3 năm trở lên mới trồng lại được sau khi đã cày ải xới xáo, tiệt trùng, 1 năm sau trồng lại rồi sẽ chết lại thôi, tôi thử nhiều rồi.
    Nói chung khi vườn tiêu chết thì chủ vườn mất tinh thần, phải tự chủ và hãy nghĩ mình có thể làm lại đừng để suy nghĩ tiêu cực lấn át…

  6. k duông

    Tiêu chết là do chúng ta làm sai tập quán của cây tiêu. Bản thân cây tiêu là cây sống trên rừng leo lên cây khác, trong khi chúng ta lại trồng theo hình thức công nghiệp mật độ cao không có cây che bóng mát, sai với tập quán của chúng là ánh sáng tán xạ. Vì vậy chúng ta phải trồng theo đúng kỹ thuật là không được làm cỏ bằng xà bách mà nhổ bằng tay, đồng thời tuyệt đối không dùng phân bón hóa học, nên dùng cây che bóng mát, chỉ dùng phân xanh hoai mục thôi thì tiêu sẽ không chết.

  7. nongdan

    Khi phát hiện cây tiêu mắc bệnh, gần như bất cứ bệnh gì, bà con nên hủy cây tiêu đó ngay. Hủy càng sớm thiệt hại càng nhỏ, không nên chữa chạy gì cả, tốn tiền, lây lan cây khác, tiêu mắc bênh như người mắc ung thư vậy, không chữa được, mấy lời tâm huyết, khinh nghiệm của tôi!

  8. Trần Văn Hướng

    Chào các anh chị ! hiện tại em có 2ha cà phê ở Lâm Đồng nhưng đã già nên cho năng suất không cao, em cùng gia dình có kế hoạch trồng lại mới toàn bộ. Vậy em xin hỏi nếu như mình xen canh giữa cây cà phê và tiêu thì có được không và kỹ thuật làm như thế nào nhờ anh chị nào tư vấn giúp em nhé : ĐT 0906383565

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85