Tây Nguyên: Khởi sắc từ nghề nuôi ong

Với lợi thế nuôi ong của vùng cao nguyên rừng núi, khí hậu ít biến động, đất đai rộng lớn cộng với những rẫy cà phê, cao su, cây ăn quả bạt ngàn, Tây Nguyên nhanh chóng trở thành một trong những khu vực có nghề nuôi ong mật lớn nhất cả nước.

Nhờ có đầu ra ổn định, giá cả thị trường cao đã đem lại cho người nuôi ong mật nơi đây hiệu quả kinh tế lớn.

Mô hình nuôi ong của ông Nguyễn Ngọc Diên, xã Cư Blang, thị xã Buôn Hồ, Dăk Lăk

Mùa đưa ong đi tìm mật

Những ngày này, đi dọc theo tuyến quốc lộ 14 từ tỉnh Gia Lai đến Dăk Lăk qua Dăk Nông, giữa những đồi cao su, cà phê bạt ngàn ta dễ dàng bắt gặp những trại ong di động ven đường, hay thấp thoáng trong lô cao su… mỗi lán trại đều có số lượng đàn lớn với hàng trăm thùng ong được xếp xít nhau. Từ khoảng tháng 10, khi mùa lá cao su già và rụng xuống, cũng là lúc những người nuôi ong mật khắp cả nước rủ nhau về đây tụ hội cho ong hút mật. Ít ai biết rằng, không chỉ ở các loài hoa mà cả những lá cao su úa vàng cũng tiết ra một lượng mật khá lớn. Đây là thứ mật có giá trị cao được thị trường nước ngoài, nhất là thị trường châu Âu ưa chuộng. Thời điểm này, sắp hết mùa lá rụng, những chồi non mới nhú của cây cao su lại tiết ra một lượng mật lớn hơn nữa, kế đến là mùa hoa cà phê bung nở, rồi những vườn cây trái đơm bông… hứa hẹn những lứa mật ong bội thu.

Để đưa ong đi tìm mật ở vùng khác, người “chăn” ong thường phải chọn trước những địa điểm có tiềm năng lớn, định cư dài ngày cho ong thỏa thê lấy mật. Quy trình di chuyển đàn ong cũng phải tuân thủ những điều kiện bắt buộc là di chuyển vào ban đêm để không làm ảnh hưởng đến đàn, đồng thời bảo đảm quân số ong đã về tổ đầy đủ rồi mới phủ bạt cẩn thận, xếp lên xe tải đưa đi. Trò chuyện với anh Nguyễn Văn Tĩnh (quê ở thị Trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) được anh cho biết: Bố con anh mới đưa 300 đàn ong của gia đình đến xã Ea Kênh, huyện Krông Păk (Dăk Lăk) được hơn một tháng nay. Cứ đến đầu mùa rét, cũng là lúc người nuôi ong ở các tỉnh phía Bắc như gia đình anh lại rủ nhau đưa ong vào các tỉnh Dăk Lăk, Gia Lai, Dăk Nông, Bình Phước để lấy mật, đồng thời để đàn ong tránh rét. Theo anh Trương Văn Lâm, người nuôi ong ở xã Cư Mlan, huyện Ea Súp (Dăk Lăk) (hiện đang chăn ong ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Dăk Lăk) chia sẻ: việc di chuyển đàn ong có nhiều cái lợi, thứ nhất là để thay đổi vị trí vùng lấy mật cho đàn ong đỡ nhàm chán một chỗ, đưa ong đi theo mùa lấy mật sẽ giảm chi phí cho ong ăn thêm đường, phấn hoa… mà chất lượng mật lại cao hơn. Cứ ba ngày anh lại phải đảo cầu trong thùng ong một lần để kiểm tra, làm vệ sinh tổ. Việc nuôi ong, ít tốn công sức và thời gian hơn làm rẫy, nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì, cẩn thận hơn, vừa phải nhẹ nhàng, khéo léo. Mùa này (khoảng từ tháng 10 năm nay đến tháng 2 năm sau) được coi là mùa thu hoạch chính của những người nuôi ong, chất lượng mật vừa tốt lại thu được nhiều.

Làm giàu từ nuôi ong

Ở Dăk Lăk nuôi ong mật xuất hiện từ những năm trước giải phóng 1975, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 3- 4 hộ nuôi với số lượng đàn đếm trên đầu ngón tay. Sau này thấy điều kiện nuôi ong khá thuận lợi nên cũng có nhiều người nuôi thử với quy mô nhỏ lẻ, do đầu ra của sản phẩm từ ong mật còn khó khăn. Từ năm 2000 trở đi, việc nuôi ong ở Dăk Lăk đã trở thành một nghề làm kinh tế, khẳng định bởi nhiều trang trại lớn, phát triển mạnh với giống ong nhập khẩu từ Italia. Cũng từ đây bắt đầu thời điểm cực thịnh của nghề ong ở Dăk Lăk và đã xuất hiện những đại gia nuôi ong, khiến nhiều người ở các tỉnh, thành khác đổ xô lên Tây Nguyên học nghề nuôi ong. Thị trường tiêu thụ rộng mở, đầu ra của sản phẩm từ ong mật được chú trọng, người nuôi ong được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua, bao tiêu sản phẩm khá bảo đảm. Công ty cổ phần Ong mật Dăk Lăk đã hỗ trợ các hộ nuôi ong trong tỉnh về kỹ thuật, ong giống đến việc thu mua sản phẩm cho người dân. Hiện nay, Dăk Lăk có khoảng 1.200 hộ nuôi ong với gần 200.000 đàn. Năm 2010, toàn tỉnh xuất khẩu được 11.000 tấn mật ong, 200 tấn sáp ong sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc…

Nghề nuôi ong lấy mật ở Dăk Lăk tập trung ở hầu hết các huyện, thị xã và thành phố Buôn Ma Thuột, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân. Với gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi ong mật, ông Vũ Tiến Cát ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar chia sẻ: nghề nuôi ong khá đơn giản, để phát triển đàn ong chỉ cần đầu tư mua giống ban đầu, sau đó tự tách ong chúa sang tổ khác để tăng đàn. Nuôi ong cho mật quanh năm, kể từ đàn ong mới tách tổ khoảng 20 ngày là đã bắt đầu cho mật. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn thức ăn sẵn có mỗi năm từ 500 đàn ong ông Cát thu về khoảng 17 tấn mật, với giá hiện nay khoảng 31.000 đồng/kg mật, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông cũng thu về gần 400 triệu đồng. Còn hộ gia đình ông Nguyễn Huy Bát ở Phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, nuôi 3.000 đàn ong mật, mỗi năm gia đình ông khai thác được khoảng 100 tấn mật ong, thu lãi khoảng trên 2 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu lợi từ các sản phẩm khác của ong như mật, sữa ong chúa, phấn hoa.

Có thể nói, nghề nuôi ong ở Tây Nguyên những năm gần đây không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ong mà giúp nhiều hộ gia đình làm giàu nhanh chóng.

>> Nuôi ong mật ở Tây Nguyên: Bài 1 – Mùa đưa ong đi tìm mật

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83