Nông dân “xuất chưởng”, giá cà phê chuyển hướng

Chỉ trong một tuần, nông dân cà phê đã khuyến khích nhau bán ra vừa phải tránh sức ép giảm giá. Kết quả giá cà phê tăng một cách đẹp mắt. Bán ra vừa đủ cho nhu cầu đã làm được lòng mọi phía: giải cứu được thiếu hụt trong giao hàng, giá vẫn tăng một cách tự nhiên và hợp lẽ.

Nông dân cà phê tuần qua đã làm được việc không “găm” hàng gắt gao để có thể gây nên tình trạng “thắt cổ chai” nguy hại cho thị trường sau này.

Biểu đồ giá cà phê
Biểu đồ giá đóng cửa robusta Liffe từ 5-1 đến nay (tác giả tổng hợp)

Khi người trồng cà phê “tung chưởng”

Tuy niên vụ cà phê được quy ước bắt đầu từ ngày 1-10 hàng năm, đợt này, phải đến giữa tháng 12 trở đi, khi công việc đồng áng xong xuôi, người trồng cà phê Việt Nam mới thực sự rảnh tay để tính toán chuyện bán mua.

Trong những năm trước, đến tháng 11, thị trường đã phải nhộn nhịp do các nhà xuất nhập khẩu đua nhau ký hợp đồng mua bán giao hàng sớm. Hiện tượng này đã thúc ép một bộ phận nông dân phải hái sớm, vì do họ đã bán cà phê non khi còn trên cây. Cứ theo nhịp độ và thói quen ấy, trong những mùa cũ, thị trường cà phê nội địa và xuất khẩu thường tạo nên đỉnh điểm giao hàng ở tháng 12 và đặc biệt tại ngay tháng trước Tết.

Mùa này, về thời gian, gặp đúng sự trùng hợp ấy, tháng 12 cũng là tháng trước Tết. Theo quán tính, thị trường từ tháng 12 đã “bắt mạch” tâm lý bán ra ấy của nông dân Việt Nam, tạo dư luận và đồng thời đẩy giá thị trường kỳ hạn (TTKH) xuống liên tục, đặc biệt trong những ngày trước Tết nguyên đán (xin xem biều đồ phía trên). Giá nội địa không còn cách nào khác, đã lao theo dốc dài của giá kỳ hạn. Chính vì vậy, giá nội địa đầu mùa ở mức 42.500 đồng thì có khi chỉ còn quanh mức 35.500-35.800 đồng/kg.

Bức xúc với giá xuống, trong khi người trồng cần tiền tiêu Tết và giải quyết kinh tế gia đình, nông dân đã “bấm bụng” rủ nhau bán chỉ “dừa đủ xài” *. Thực thế, người này kêu gọi người kia chỉ bán ra ít để giúp đẩy giá lên. Và giá nội địa đã tăng lên lại mức 37.500-38.000 đồng/kg vào sáng thứ Sáu 13-1. Hãy nghe họ nói: “Ai cần tiền tiêu tết thì bán đi vài bao mà tiêu cũng được rồi đó, còn lại để lên trên 40.000 đồng/kg rồi tính tiếp”, một người ở Tây Nguyên lấy tên Tâm Đoan khuyên đồng nghiệp của mình như thế.

Ngay khi tung chiêu, tuần qua, giá nội địa và giá kỳ hạn nhìn chung đảo chiều đi lên một cách ngoạn mục. Giá kỳ hạn giao dịch có khi rớt xuống dưới 1.720 đô la đã phải vút lên trên 1.920 đô la Mỹ/tấn.

“Chưởng” được tăng phần công lực

Dù chưa ai đứng ra tổ chức mua bán và điều độ xuất khẩu, vì quyền lợi của bản thân mình, tuần qua nông dân cà phê Việt Nam đã làm nên chuyện khác thường: chặn đứng tức thì đà giảm nhanh của thị trường, bịt được những hù dọa do giá rớt của TTKH đưa lại.

Song, phải nói rằng, những điều kiện phụ họa đã giúp “cú chưởng” của người trồng cà phê thêm lắm “công lực”. Do muốn tăng cước vận chuyển đường biển, hầu hết các hãng tàu đều thông báo thiếu chỗ. “Công ty tôi giao hàng giữa tháng thì mới bắt được tàu trung chuyển vào dịp tết hay cuối tháng”, vị đại diện của Công ty cà phê Eapok, Daklak nói.
Chính vì thế, lượng hàng xuất lên tàu ra nước ngoài có thể giảm nhiều trong tháng 1-2012. Theo nhận định của một nhà phân tích thị trường tại TPHCM: “Với nhịp độ này, rất có thể hàng xuất FOB (lên tàu) trong tháng 1-2012 chỉ chừng 100.000 tấn”.

Trong khi đó, tại nhiều bản tin thị trường, lượng xuất khẩu FOB được ước chừng 120.000 – 170.000 tấn. “Ở những tháng trọng điểm như tháng 12 và 1 hàng năm, nếu nước ta xuất khẩu chừng 100.000 tấn, giá thị trường khó có lý do để giảm. Và con số 100.000 tấn chính là con số tối ưu cho nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta của thế giới trong giai đoạn hiện nay”, ông nói tiếp.

Mặt khác, tín dụng và lãi suất ngân hàng trong năm mới 2012 vẫn còn căng thẳng do Chính phủ vẫn ưu tiên chống lạm phát. Hơn nữa, trong những năm qua, các ngân hàng trong nước đã có quá nhiều rủi ro đối với cho vay kinh doanh cà phê. Một loạt các công ty, đại lý cà phê vỡ nợ, lỗ lớn vẫn còn khó tiếp cận tín dụng. Thiếu vốn, nhiều nhà xuất khẩu đang hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm ngưng giao dịch mua bán từ đầu vụ đến nay.

Trước đây, khi còn “đồng vào đồng ra”, nhiều nơi còn được nông dân ủng hộ gửi hàng. Nhờ lượng hàng gửi này, không ít nhà xuất khẩu, đại lý đã sử dụng nó để luân chuyển hàng hóa trong mua bán và nhiều người nhờ đó mà “tay không bắt giặc”. Song, do chủ quan không chịu phòng hộ rủi ro, nhiều cơ sở đã thua trắng, nay chỉ còn “tay không” và nhiều nông dân cũng vì thế “mất cả chì lẫn chài”. Nên tại thời điểm này rất ít người sẵn lòng gửi hàng vào kho các nhà xuất khẩu và đại lý.

Mặt khác, trong mấy niên vụ qua, giá càng lúc càng cao, thị trường nằm trong tay người bán, nhiều nông dân cũng được hưởng lợi từ đó. Nay, chuyện bức bách phải bán để giải quyết nợ nần hầu như không phải là hiện tượng phổ biến. Nông dân đang giữ cà phê chủ yếu tại nhà, chỉ khi cần mới bán. Điều này, giúp cho thị trường phải tự cảnh tỉnh, biết điều tiết lại và tự nhiên trở thành một “cái van” điều hòa đối với hàng cà phê xuất khẩu thay vai trò của nhà xuất khẩu “mạnh vì gạo bạo vì tiền” trước đây.

“Chưởng” hay phải biết hóa giải

Rạng sáng nay 14-1, giá đóng cửa phiên cuối tuần của TTKH robusta Liffe NYSE tháng 3-2012 giảm 53 đô la/tấn chốt mức 1.832 đô la/tấn, nhưng so với giá cuối tuần trước vẫn còn cao hơn trên 110 đô la/tấn. Giá nội địa cuối tuần về lại quanh mức 37.000 đồng/kg. Đó không chỉ là một khích lệ nhưng chính là một kinh nghiệm quý báu cho việc điều tiết bán ra sau này.

Rõ ràng, đối với nông dân, họ không cần biết giá chênh lệch mua bán giữa các nhà xuất – nhập khẩu là bao nhiêu (giá trừ lùi). Với họ, cái quan trọng là sau khi cân đối với giá thành sản xuất, giá bán ra của họ phải hợp lý, không gây thiệt thòi cho họ; mặt khác phải hợp lẽ, không tăng giảm thất thường một cách quá bất ngờ và khiên cưỡng.

Ngược lại, đối với nhà xuất khẩu, nếu kinh doanh dựa trên giá chênh lệch với kỳ hạn, từ nay, họ phải biết dè chừng với độ trừ lùi nào thì họ mới nên bán để một mặt bảo đảm giá được nông dân chấp nhận, mặt khác bảo đảm họ vẫn mua hàng đủ để bảo đảm uy tín với nhà nhập khẩu.

Với 100.000 tấn xuất đi hàng tháng, đặc biệt tại các tháng trước đây hay chịu cảnh súc ép bán ra, không ai có quyền nói nông dân “găm” hàng cả. Nhà phân tích lên tiếng bênh vực cho thái độ của người trồng cà phê: “Không nên nói họ găm hàng. Nếu găm, đã không có cả trăm ngàn tấn xuất đi. Nông dân vẫn bán đấy chứ, nhưng trong sự chủ động điều tiết của chính họ, đủ cho thị trường, để bảo đảm giá theo họ mong muốn”.

Dao động lượng xuất khẩu chừng 100.000 tấn đến 150.000 tấn, trong hoàn cảnh thị trường hiện nay sẽ không tạo nên sức ép bán ra nguy hại cho giá mua bán ngay, giá trừ lùi và kể cả giá kỳ hạn. Cái khéo vừa qua là lượng bán ra tối ưu như đã nói hóa giải được hiện tượng “thắt cổ chai”, điều ấy sẽ không lành mạnh cho thị trường về sau. Để xảy ra hiện tượng “thắt cổ chai”, chứng tỏ lượng xuất và giữ hàng không cân đối hài hòa.

Tuy chỉ trong một tuần, nông dân đã làm được chuyện lớn trong việc chuyển hướng giá cà phê của thị trường. Phải chăng đó là phương án hóa giải tự nhiên với các điều kiện kinh doanh mới? Hay nói đúng hơn, yêu cầu tái cấu trúc của hệ thống xuất khẩu cà phê đã được chính nông dân bắn pháo lệnh.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Nguồn lực tài chính của người trồng cà phê ngày càng được cải thiện.
    Do đó nếu không có đột biến về hoàn cảnh kinh tế, thì tiền bạc tích lũy của vụ trước sẽ giúp giảm bớt khó khăn tài chính cho vụ sau, từ đó giảm áp lực bán tháo cà phê, điều tiết được giá cả!

  2. Hoàng Vina

    -Cà phê là nông sản xuất khẩu điển hình nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam trong năm 2009, bởi 95% cà phê nhân của Việt Nam phải xuất ra thị trường thế giới, có nghĩa giá cà phê mà nông dân bán ra ở trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào giá giao dịch ở thị trường London hay New York. (trích) Xuất khẩu nông sản: “Bay qua vùng thời tiết xấu”

    Sao tui nghe nói giá cà phê là do nông dân quyết định cơ mà? Hay người ta đang mị dân?

    1. cà pháp

      Theo tôi, khách ngoại (cầu) và nông dân cà phê (cung) đều “cần có nhau để sống”. Tuy nhiên, khách ngoại thường là các tập đoàn tài chính rất mạnh, nông dân thì nghèo nên quan hệ có phần lệch thiên về khách ngoại, phần thiệt thường là nông dân chịu (trên toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam).
      Mấy năm gần đây, nông dân đã khá khẩm hơn nhiều, nên tương quan có vẻ cân bằng hơn.
      Nhưng nếu nói nông dân găm hàng để giữ giá, điều tiết giá … thì cũng là cường điệu mà thôi, bởi đúng giá phụ thuộc khá lớn vào LIFFE, ICE, và mức trừ lùi (cộng) mà rang xay, khách ngoại muốn mua.

  3. Cù nèo

    Lại tiếp tục ca ngợi nông dân găm hàng khi giá cà phê lên. Mai mốt lại mỉa mai nông dân găm hàng làm cho giá cà phê xuống.

  4. mr trịnh

    Ai trên diễn đàn này đều nghĩ giá cà của ta bị ép giá là do các nhà đầu cơ, nhưng ai là những người đang tham gia diễn này bênh vực cho những người nông dân? Vâng, chính là những nhà nông dân. Trước khi nói mình bị ép giá thì nên coi lại mình đã làm đúng để sản xuất ra hạt cà phê hay không? Cứ trộn vỏ, làm hàng dơ thì làm sao mà bán giá cao cho được. Xem xét kĩ về những lời tôi nói nhé! (tôi cũng là một nhà nông làm cà đấy). Đừng than trách đâu xa mà hãy coi lại chính mình thì mới từ đó làm thay đổi nhận định của thế giới về cà phê của nước nhà trước khi họ đặt bút mua cà phê của mình các bác nhà nông ạ.

    1. Cafe vỉa hè

      Vậy thì bác có biết hàng ngàn tấn cà đen vỡ, cà dơ như bác nói sau khi được các nhà máy chế biến khắp cả nước sàn lọc ra rồi nó đi đâu ko? Hay là nó quay vòng ra rồi được trộn tiếp để từ đó giá cà thu mua bị kéo xuống ko? Bác ko độn là tốt nhưng bác có kéo giá cà lên được ko? Vài câu hỏi với bác cho vui…

      1. mr trịnh

        Vâng xin trả lời với bác là số cà đen vỡ đó được các công ty, đại lý sàn lọc ra, một số được các lò rang mua trộn xay, còn một số được con buôn nhỏ mua lại với giá rẻ chỉ khoảng 1/3 giá thực tế bán lại cho những nhà nông 1/2 giá ham kiếm lãi trộn vô chứ đâu. Cái này tôi không cần trả lời vì cung tên chưa bắn mà đã có người thấy trúng đích. Bênh vực nhà nông là đúng nhưng đừng thái quá mà hãy coi lại cách làm cà của chính chúng ta đi bác à.

      2. Cafe vỉa hè

        Quá ngạc nhiên vì lần đầu tiên tôi nghe nói là nông dân mua cà đen vỡ. Tôi biết rõ đường đi khoảng vài nghìn tấn cà bẩn thôi.
        Thế nào mà bạn cho là thái quá!

      3. bao loc

        Bạn cafe vỉa hè nói đúng đó . Không có người nông dân nào lại đi trộn cà đen, vỡ vào cả . Nông dân khi xay cà khô đều làm rất cẩn thận, cố gắng giữ cho cà luôn sạch để khi bán không bị đại lý chê . Còn các bác đại lý thì sao ? Khi mua thì chê cà dơ cà bẩn, nhưng khi mang hàng về nhà thì chính họ lại trộn cà đen cà vỡ vào . Nếu bác nào không tin thì xin vào đại lý cà phê nào đó làm chừng 1 tháng thôi là hiểu .

      4. tranthang_gl

        Không biết bác lấy thông tin ở đâu mà nói về ý thức của người làm cà phê như vậy. Sau thu hoạch, bà con ai cũng nâng niu thành quả lao động của mình là những hạt cà phê nhân đã được quạt thật sạch, phơi đúng độ để mang đi bảo quản nếu chưa bán ngay.

    2. Ngọc Hân

      Sao bạn lại nói vậy, không phải ai cũng vì tiền mà như bạn đâu. Ở chỗ tôi, đại lý mua cà phê rất kỹ, có dơ là họ trừ liền. Nhà tôi phải xay nhân đẹp, họ mới trả giá cao. Bạn đừng bụng ta suy ra bụng người, mà nói chung chung như vậy…
      Giá cả lên hay xuống là do lượng cung cầu và nhiều mặt khác trên thị trường. Người nông dân đâu biết giá trừ lùi ra sao đâu, họ chỉ biết rằng giá cà phê bán ra đủ bù lỗ chi phí đầu vào và đủ trang trải cuộc sống là đủ rồi. Bạn có phải là người trồng cà phê không? Vậy bạn có biết làm cà phê cực khổ ra sao không? từ lúc hái cà phê dưới vườn rồi đem lên phơi, xay ra nhân…? Cực và tốn nhiều chi phí lắm. Nên giá cà phê thấp, người nông dân không bán ra là phải rồi !

    3. phamvanloi2608

      chúng ta xuất đi nước ngoài là cà phê nhân chứ ko phải cà quả có lẫn vẩn rác ( đại lý thu mua đã trừ bì ) so về chất lượng ta có kém nhưng cũng không xứng đáng với công sức bỏ ra cho cái giá 37 , 38 bạn ah

    4. phamvanloi2608

      Nông dân đa số bán cà cho đại lý. Bây giờ đa số đổi cà tươi lấy cà nhân. Vấn đề sấy cà phê và chà cà nhân là đại lý thâu lại.
      Tôi nghĩ nông dân ai lại trộn rác vào bao cà nhân. Bác mr trịnh nói hơi quá đấy,

    5. tran thanh quang

      Bác đừng vơ đũa cả nắm. Bản thân em cũng đang trồng cà và cũng đi xay cà phê thuê. Có nhiều nhiều lắm những nhà không như bác nói đâu, bán được đầu giá (có thể cao hơn vài giá) nhưng lái buôn mua về trộn với cà xấu, ko đủ độ rồi lại đem bán với lái buôn lớn hơn. Xin hỏi “Lỗi là của ai”?

  5. lê phi cuong

    Thời gian qua giá cà phê chao đảo thất thường, phần thiệt hại người nông dân lãnh đủ. Sao không thấy động thái can thiệp nào của Hiệp hội Cà phê Việt Nam, Bộ Nông nghiệp PTNT. Những lúc sóng gió như vậy các vị đi đâu cả? để cho nông dân tự phát rủ nhau bán cà phê đủ tiêu tết để tránh giá cà phê tụt thảm hại.

  6. pham han

    17/01/2012
    Bác Mr.Trịnh nói quá lời rồi, nông dân không đấu trộn như bác nói đâu. Các đại lý, kho hàng đấu trộn rồi đổ lỗi cho nông dân đấy thôi.

  7. an khang

    Xin cho hỏi tại sao tất cả cây cà phê cũng như hạt cà phê ở Tây Nguyên hiện tại bị một loại côn trùng ăn rất nhanh, con côn trùng này rất giống con “dòi”. Có cách nào để loại trừ nó giúp bà con nông dân không? Chúng phá hoại từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới. Nông dân chỉ biết ngồi nhìn rồi khóc mà thôi.

  8. phamvanloi2608

    Tôi nghĩ : nếu bà con thu hoạch xong cất cà phê ở nhà thì có lẽ sẽ thành công. Vì các doanh nghiệp sẽ chẳng thể lấy cà phê đâu ra để bù vào chỗ thiếu. Nếu ký trước các hợp đồng đó với giá cực kỳ cao mới dám ký. Nông dân từ đó sẽ được mua với cái giá cao. Nếu không thì găm cà đôi khi là thiệt hại nặng cho các hộ vốn không đủ. Đành ngậm ngùi bán với giá thấp.
    Thiết nghĩ năm nay bà con ta vô tình đã tạo ra một làn sóng mới. Trong tương lai ta có thể từng bước ổn định được giá cà phê. Dù cho có được mùa hay mất mùa. (sản lượng cà thế giới tăng hay giảm)
    Nếu không làm như vậy : 5 năm sau diện tích cà phê được trồng thêm sẽ cho thu hoạch (nước ta đạt sản lượng kỷ lục ) thì giá cà sẽ đi về đâu ? Ai kéo nó lên ? Ai quy hoạch diện tích cà phê…?
    Hay lại chặt bớt diện tích cà phê đi để tao ra sự “khan hiếm”
    Nên vậy mới có câu : Đúng là “TIÊU ĐIỀU CÀ … PHÊ”!

  9. đàm hưng

    Không phải nông dân xuất chưởng găm hàng lại như tác giả nói đâu. Năm nay nồng dân ít gửi cho đại lý vì rủi ro quá lớn nên các doanh nghiệp xuất khẩu không có hàng trong kho để xuất khẩu do đó không dám bán trước theo kỳ hạn.
    Mặt khác các doanh nghiệp xuất khẩu kinh doanh theo kiểu mượn đầu heo nấu cháo nên khi không có hàng trong kho do dân không ký gửi, do không có tiền để mua (do lãi vay cao, ngân hàng ít giải ngân) và thế là nói nông dân xuất chưởng để che dấu những thực tế hiện tại.

  10. Thanh Tâm - Cưkuin

    Ông mr trịnh đích thị ko phải nhà nông rồi, cho nên ông đâu thấu hiểu được nỗi vất vả của nhà nông phải vật lộn với sản phẩm của mình làm ra như thế nào đâu?
    Tôi ko đồng ý với ý kiến nhận xét ko có cơ sở của ông ấy!

  11. vynguyen

    Các bác ơi! nông dân không có mua cà đen để đấu vô đâu. Người đồng bào làm cà phê đẹp nhất nhưng học theo người kinh nên cũng biết bỏ cả hạt đen vào. Chỉ có những công ty, nhà máy, hay đại lý lớn mới có hạt đen mà thôi. Nói nông như vậy thì cũng oan cho họ, một số nào đó thôi. Nhưng nói thiệt, cà hạt đen mua chỉ có nửa giả, đấu vào rồi bán bằng giá nội địa thì tui cũng làm, bởi nếu mình không làm thì đại lý, công ty sẻ làm. Mấy bác đi hỏi mấy ông cà phê control thì biết thội mà. Chứ có ai dại mà đi mua nhà vườn giá cao rối về làm lại thành phẩm mà bán bằng hay ngang giá không? Cà phê trong dân xay ra làm gì co que dài, que ngắn, đá sàng 5,1mm; 6.3mm… Vậy mà trong cà phê thành phẩm của mấy công ty cà phê tư nhân ở Bảo Lộc có mà đầy, 1 bao trung bình chung 700 đến 1000 que lớn nhỏ thôi chứ đâu có nhiều. Bó tay, vậy nói sao nước ngoài nó ko đè Việt Nam ra mà trừ chất lượng. Thôi tự coi lại mình thôi.

  12. Thuocdang

    Chẳng qua nông dân đang điều tiết quá trình chi tiêu của gia đình mà tạo nên thành quả vậy chứ làm sao dám găm hàng, rủ nhau găm hàng?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

96