Tin buồn

Nuôi ong mật ở Tây Nguyên: Bài 1 – Mùa đưa ong đi tìm mật

Với lợi thế nuôi ong của vùng cao nguyên rừng núi, khí hậu ít biết động, đất đai rộng lớn, cộng với những rẫy cà phê, cao su, cây ăn quả bạt ngàn, Tây Nguyên nhanh chóng trở thành một trong những khu vực có nghề nuôi ong mật lớn nhất cả nước.

Hơn thế nữa, sản phẩm từ ong mật nhờ có đầu ra ổn định, giá cả thị trường cao đã đem lại cho người nuôi ong mật nơi đây hiệu quả kinh tế rất lớn.

Nuôi ong mật
Nuôi ong mật ở Tây Nguyên

Những ngày này, đi dọc theo tuyến quốc lộ 14, từ tỉnh Gia Lai đến Đắk Lắk qua Đắk Nông, giữa những đồi cao su, cà phê bạt ngàn ta dễ dàng bắt gặp những trại ong di động ven đường, hay thấp thoáng trong lô cao su… mỗi lán trại đều có số lượng đàn lớn với hàng trăm thùng ong được xếp xít nhau.

Từ khoảng tháng 10, khi mùa lá cao su già và rụng xuống, cũng là lúc những người nuôi ong mật khắp nước rủ nhau về đây tụ hội cho ong hút mật. Ít ai biết rằng, không chỉ ở các loài hoa mà cả những lá cao su úa vàng cũng tiết ra một lượng mật khá lớn. Đây là thứ mật có giá trị cao được thị trường nước ngoài, nhất là các nước châu Âu ưa chuộng. Thời điểm này, sắp hết mùa lá rụng, những chồi non mới nhú của cây cao su lại tiết ra một lượng mật lớn hơn nữa, kế đến là mùa hoa cà phê bung nở, rồi những vườn cây trái đơm bông… hứa hẹn những lứa mật ong bội thu.

Để đưa ong đi tìm mật ở vùng khác, người “chăn” ong thường phải chọn trước những địa điểm có tiềm năng lớn, để định cư dài ngày cho ong thỏa thê lấy mật.

Quy trình di chuyển đàn ong cũng phải tuân thủ những điều kiện bắt buộc là di chuyển vào ban đêm để không làm ảnh hưởng đến đàn, đồng thời bảo đảm quân số ong đã về tổ đầy đủ rồi mới phủ bạt cẩn thận, xếp lên xe tải đưa đi. Trò chuyện với anh Nguyễn Văn Tĩnh (quê ở thị Trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) được anh cho biết: Bố con anh mới đưa 300 đàn ong của gia đình đến xã Ea Kênh, huyện Krông Păk (Đắk Lắk) được hơn một tháng nay. Cứ đến đầu mùa rét, cũng là lúc người nuôi ong ở các tỉnh phía Bắc như gia đình anh lại rủ nhau đưa ong vào các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước để lấy mật lá cao su, điều và hoa cà phê, đồng thời, để đàn ong tránh rét.

Còn những người nuôi ong ở một số tỉnh Tây Nguyên mùa này cũng thường di chuyển đàn ong của mình đến vị trí khác cả trong và ngoài tỉnh để ong lấy mật nhiều hơn. Theo anh Trương Văn Lâm, người nuôi ong ở xã Cư Mlan, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) (hiện đang chăn ong ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) chia sẻ: việc di chuyển đàn ong có nhiều cái lợi, thứ nhất là để thay đổi vị trí vùng lấy mật cho đàn ong đỡ nhàm chán một chỗ, đưa ong đi theo mùa lấy mật sẽ giảm chi phí cho ong ăn thêm đường, phấn hoa… mà chất lượng mật ong lại cao hơn. Cứ ba ngày anh lại phải đảo cầu trong thùng ong một lần để kiểm tra, làm vệ sinh tổ. Việc nuôi ong, ít tốn công sức và thời gian hơn làm rẫy nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì, cẩn thận hơn, vừa phải nhẹ nhàng, khéo léo như chăm bẵm trẻ nhỏ.

Mùa này (khoảng từ tháng 10 năm nay đến tháng 2 năm sau) được coi là mùa thu hoạch chính của những người nuôi ong, chất lượng mật vừa tốt, thu được nhiều. Chia sẻ qua điện thoại, anh Nguyễn Hoàng Hân, người nuôi ong ở xã Ea Hồ, huyện Krăng Năng cho biết: anh đang đưa ong sang tỉnh Bình Phước từ một tháng nay để ong hút mật cao su, điều, sau tết lại trở về Đắk Lắk để ong tỏa đi hút mật hoa cà phê. Những người đưa ong ra tỉnh khác thường tập trung theo từng vùng gần nhau để tạo thành liên minh, cùng học hỏi cách chăm sóc và bảo vệ đàn ong.

Còn tiếp …

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80