Kinh doanh cà phê lỗ: do mạnh ai nấy làm

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, tìm kiếm một biện pháp tối ưu nhằm mục đích trước mắt là cứu lỗ là thông điệp mà ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại trong những ngày qua.


“Giới đầu cơ đang lũng đoạn thị trường cà phê”

Theo ông Tự, trong thời gian qua, do bị giới đầu cơ lũng đoạn thị trường khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam lâm vào cảnh thua lỗ từ 3 – 4 triệu đồng/tấn, nhiều doanh nghiệp hiện có trong tay hàng chục ngàn tấn cà phê thì số tiền mất đi là rất lớn.

Có thể khẳng định một điều là giá cà phê trong thời gian qua không còn tuân theo quy luật cung cầu nữa mà đang bị giới đầu cơ lũng đoạn. Tại sao? Bởi sản lượng cà phê thực tế không còn nhiều. Sản lượng cà phê niên vụ 2008- 2009 của Việt Nam đạt 960.000 tấn, qua 6 tháng đầu năm đã bán đươc trên 2/3 số đó.

Theo ông Tự cho biết, lượng cà phê còn lại của Việt Nam chỉ từ 220.000 đến gần 300.000 tấn thì chưa đủ để xuất theo các hợp đồng đã ký đến thời điểm này. Trong khi đó, hầu hết sản lượng cà phê của Việt Nam được bán qua khâu trung gian cho các nhà đầu cơ nước ngoài (hiện có tổng cộng 12 doanh nghiệp nước ngoài đang thu mua cà phê ở Việt Nam) chứ mới chỉ có lèo tèo vài doanh nghiệp tham gia giao dịch trực tiếp trên thị trường LIFFE (Luân Đôn) với số lượng vài ba lô hàng.

Do bán qua khâu trung gian và xử lý thông tin kém, cộng thêm thiếu tính liên kết nên hồi đầu tháng 6 vừa qua, các nhà đầu cơ đã tung tin rằng giá cà phê sẽ tăng đột biến vào cuối tháng do khan hiếm hàng khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam đua nhau đầu cơ tích trữ, mạnh ai nấy làm. Ai có tiền bao nhiêu tiền đem ra mua hết, người không có tiền cũng chạy đôn, chạy đáo vay “nóng” để mua cà phê tích trữ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, khi các Quỹ đầu cơ ngừng mua vào thì họ lại tung tin giá cà phê sẽ giảm mạnh trong thời gian tới đã làm nhiều doanh nghiệp Việt Nam “chới với”, sợ lỗ nên bán túng, bán tháo để trả nợ. Tại sao đã qua mấy chục năm kinh nghiệm trong buôn bán, kinh doanh cà phê và đã đưa Việt Nam lên vị trí số 2 thế giới về xuất khẩu cà phê mà vẫn còn một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn như là “con rối” trong tay của các nhà đầu cơ? Câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Đến nay, số lượng cà phê còn lại của niên vụ vừa qua chưa đáp ứng đủ số lượng hợp đồng đã ký với khách hàng, nhưng ngặt nỗi hầu hết số hàng này đang bị “kẹt” ở trong dân. Doanh nghiệp cũng chỉ là người mua đi, bán lại còn người quyết định đầu cung vẫn là người nông dân. Đây cũng là một cái khó nữa khiến các doanh nghiệp Việt Nam vì thiếu khả năng tài chính và cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Giá thấp thì người dân và các đại lý nhỏ găm hàng không bán, giá cao thì doanh nghiệp thua lỗ. Đó cũng là một nghịch lý.

Trước tình cảnh khó khăn trong kinh doanh cà phê hiện nay, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đang kiến nghị Nhà nước mua tích trữ cà phê hàng năm để tránh rủi ro cho thị trường. Nhưng trước hết là khuyến cáo các doanh nghiệp bốn vấn đề chính sau đây: Thứ nhất, các doanh nghiệp phải thẩm định kỹ đối tác, không nên bán hàng cho đối tác là các nhà đầu cơ, tránh để họ dìm giá.

Thứ hai, không nên ký hợp đồng giao hàng quá xa khi chưa có hàng thực trong tay.

Thứ ba, các doanh nghiệp phải liên kết thông tin cho nhau về vấn đề giá cả, tính cách trừ lùi giá hợp lý.

Cuối cùng, đối với các doanh nghiệp đã trót lâm vào tình thế khó khăn, cần phải có biện pháp xử lý khôn khéo và kịp thời, mục tiêu phải cắt được lỗ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81