Khởi công cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Thịnh chính thức được Bộ GTVT phát lệnh khởi công sáng nay (18/12) tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Cây cầu có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, giúp kết nối Thủ đô với chuỗi các đô thị vệ tinh khu vực phía Tây Bắc.

Lễ khởi công cầu Vĩnh Thịnh sáng 18/12

Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C, vượt sông Hồng, nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) có tổng mức đầu tư là 137 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc (100 triệu USD) thông qua Quỹ EDCF và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (37 triệu USD).

Dự án có chiều dài gần 5.487m, trong đó cầu dài 4.480m và đường hai đầu cầu dài 1.007m. Điểm đầu tuyến theo lý trình của dự án tại Km4+313m (nút giao QL32 với tuyến tránh thị xã Sơn Tây); điểm cuối tuyến theo lý trình của dự án tại Km9 + 800m (vượt qua đê tả sông Hồng khoảng 200m kết nối với Quốc lộ 2C).

Cầu Vĩnh Thịnh được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tải trọng xe thiết kế HL93 Tần suất thiết kế P =1%. Cấp động đất tính toán cấp 8. Khổ thông thuyền: B×H = 80×10m; Mặt cắt ngang cầu thiết kế rộng Bmc=16,5m cho 4 làn xe. Cầu chính nhịp có kết cấu dầm hộp liên tục gồm 9 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công đúc hẫng cân bằng. Đường đầu cầu thiết kế với cấp đường cấp III đồng bằng. Tốc độ thiết kế 80km/h. Mặt cắt ngang đường thiết kế bề rộng nền đường Bnền=17,5m. Bề rộng mặt đường Bmặt=16,5m.

 

Phối cảnh 3D cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng nối liền Hà Nội với Vĩnh Phúc

Giá trị xây lắp chính của Dự án do liên danh GS Engineering & Construction corp (Hàn Quốc) trúng thầu thi công với giá trị hợp đồng là 85,603 triệu USD, thời gian thực hiện là 36 tháng. Liên danh Yooshin – Sambo (Hàn Quốc) là đơn vị Tư vấn lập Thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công.

Khi hoàn thành, cầu Vĩnh Thịnh sẽ đồng thời kết nối 2 trục hướng tâm (Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang; đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm Thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía nam và ngược lại.

Theo quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, cầu Vĩnh Thịnh sẽ là cầu chính trên tuyến đường vành đai 5 – tuyến đường sẽ kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội và các mặt văn hoá, du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87