Lật xe chở gỗ ở Nghệ An: Ngẫm mà xót!

Sau hơn 10 ngày kể từ khi sự việc xe chở gỗ lật tại dốc Pù Huống (thuộc địa bàn xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An) làm 10 phu gỗ chết thảm, hàng loạt câu chuyện động trời mà bấy lâu nay tưởng chừng như là bí mật đã được tiết lộ. Từ chuyến xe gỗ định mệnh lúc 4 giờ, sáng ngày 07/12 đã lộ rõ ra rằng lâm tặc phá rừng nhờ sự tiếp tay đắc lực của một số cán bộ kiểm lâm thái hóa biến chất, và trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua “máu rừng” vẫn lặng lẽ chảy.

Ông Hoàng Văn Chiến – Chủ xe chở gỗ lậu bị lật tại dốc Pù Huột ngày 7-12.

Khi cán bộ kiểm lâm cũng là lâm tặc

Cho đến thời điểm này, đã có 4 cán bộ kiểm lâm dính vào vòng lao lý của pháp luật. Các đối tượng đã bị bắt bao gồm: Đào Công Thắng (SN 1977, Trạm trưởng kiểm lâm Trung tâm); Nguyễn Kim Hùng (SN 1985, Kiểm lâm viên); Phan Sỹ Tuấn (Trạm trưởng trạm Nga My) và Trịnh Thanh Long (Hạt trưởng kiểm lâm Pù Huống). Ngoài ra, có thêm hai kiểm lâm được gửi giấy mời triệu tập đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An gồm: Cao Văn Phúc (SN 1986) và Ngô Ngọc Tuấn (SN 1985) đều là Kiểm lâm viên trạm Nga My, thuộc hạt kiểm lâm Pù Huống). Hai kiểm lâm này phải có mặt tại cơ quan điều tra trong ngày 16/12, đây là hai kiểm lâm có mặt trên chiếc xe Vios màu trắng dẫn đường đi trước cho chiếc xe 37V – 3851 chở gỗ lậu do lái xe Phan Đình Hạnh điều khiển chở hàng trăm khối gỗ lậu, bị lật cướp đi sinh mệnh của 10 phu gỗ rạng sáng ngày 07/12 tại dốc Pù Huống.

Sự việc xảy ra, từ lời khai ban đầu kiểm lâm viên Đào Công Thắng – người được “ cấp trên” giao nhiệm vụ tham gia cùng xe gỗ lậu để “ xin xỏ” hộ cho “sếp” khi qua các chốt kiểm tra, dần lộ ra thêm 3 cán bộ chủ chốt, là những người được Đảng và nhân dân giao phó nhiệm vụ đứng đầu, chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, chống lại lâm tặc đang ngày đêm tàn phá rừng. Khi nỗi đau mất người thân của các gia đình nạn nhân trong chuyến xe định mệnh chưa kịp lắng xuống thì dư luận một lần nữa không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ khi biết rằng, những kẻ tham gia và tiếp tay đắc lực cho hoạt động phá rừng, buôn bán vận chuyển gỗ lậu lại chính là cán bộ kiểm lâm.

Người đầu tiên phát hiện vụ tai nạn và trông thấy cán bộ kiểm lâm thoát ra từ cabin.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu không xảy ra vụ tai nạn, nếu người dân không kịp thời phát hiện có bóng dáng kiểm lâm chui ra từ xe bị nạn, nếu lãnh đạo tỉnh Nghệ An, cơ quan chức năng và ngành sở tại không vào cuộc tích cực, liệu hoạt động phi pháp của những cán bộ kiểm lâm biến chất kia có được phanh phui? Kể cả khi bức màn đen tối của những kẻ làm ăn bất chính đang dần được hé lộ. Những vị cán bộ kiểm lâm “quyền cao, chức trọng”, người nắm quyền, nắm luật lại không làm tròn trách nhiệm cao cả được Đảng và nhân dân giao phó, tự biến mình thành những con sâu mọt, tiếp tay cho những kẻ bất chính là lâm tặc tàn phá rừng. Thật đâu xót, đau xót vô cùng khi biết được “sự thật động trời” này.

Từ chuyến xe gỗ định mệnh cướp đi sinh mạng 10 phu gỗ, nhiều câu chuyện động trời được phanh phui.

Vụ việc xảy ra, cho đến thời điểm này đã gần 10 ngày, vẫn đang được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An điều tra mở rộng nên cũng chưa ai dám chắc những cá nhân “dính chàm” bị lôi ra ánh sáng trong vụ việc này chỉ dừng lại ở đây. Vụ tai nạn xảy ra đang để lại nhiều bài học đắt giá cho công tác quản lý cán bộ, cũng như công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Dư luận trong cả nước đang tỉ mỉ dõi theo vụ việc, dõi theo sự công minh của luật pháp trong việc làm sáng tỏ tới tận gốc ngọn sự việc, có biện pháp trừng trị thích đáng đối với những kẻ ngang nhiên làm trái pháp luật.

“Máu” rừng lâu nay chảy âm ỉ

Từ câu chuyện chiếc xe chở gỗ mang biển kiểm soát 37V-3851 bị lật trong đêm, 10 phu gỗ chết trong đau đớn, nhiều gia đình nạn nhân phải gánh chịu sự mất mát quá lớn. Đến cái chuyện buôn lậu gỗ của mấy ông cán bộ kiểm lâm bấy lâu nay tưởng chừng như bí mật, nay lại bị phanh phui. Có lẽ rằng nếu không có sự việc này thì không biết đến bao giờ những con sâu mọt mặc quân phục xanh kia mới lộ rõ nguyên hình là những kẻ tiếp tay đắc lực cho bọn lâm tặc.

Chiếc xe mang biển kiểm soát 37V-3851 bị lật….

Nếu không có sự việc lần này, thì có lẽ lại một khối lượng gỗ lậu lại được vận chuyển trót lọt. Dư luận dặt câu hỏi, đã có bao nhiêu chuyến hàng được những cán bộ kiểm lâm thoái hóa biến chất và “lâm tặc” cấu kết với nhau để vận chuyển như thế? Câu trả lời chắc rằng những ông cán bộ kiểm lâm kia mới trả lời được.

Đồng nghĩa đó, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An, “máu” rừng không chỉ lặng lẽ chảy mà chảy rất mạnh. “Máu” rừng chảy không do một mình lâm tặc, không phải như những câu cửa miệng bấy lâu nay phía một số cán bộ kiểm lâm luôn biện minh cho việc rừng bị tàn phá “địa hình phức tạp, lực lượng mỏng, bọn lâm tặc ranh ma, xảo quyệt… nên khó quản lý”, mà “máu” rừng vẫn chảy bởi có sự liên kết phá hoại giữa kiểm lâm và lâm tặc.

Chợt nhớ, cách đây không lâu, có một lượng gỗ lậu bị phát hiện và bị bắt, anh bạn tôi nói : “Các ông làm một vụ cho có điểm, có tiếng, có phong trào ấy mà. Lạ gì kiểu làm việc của mấy ông”, tôi đã không tin, nhưng giờ thì tôi mới thấy ngộ ra nhiều điều từ lời anh bạn tôi.

Những cột gỗ trên chiếc xe bị nạn…

Rừng ngày một cạn kiệt, lợi nhuận từ rừng chỉ rơi vào túi một số cá nhân làm ăn phi pháp, trong khi những hệ lụy của nạn chặt phá khai thác rừng bừa bãi như ô nhiễm môi trường, lũ lụt… thì người dân và cả xã hội gánh chịu hậu quả.

Tỉnh Nghệ An nói riêng và các tỉnh thành khác trong cả nước nói chung, nơi những địa phương có rừng, sau vụ việc này, đến lúc cần phải xem lại công tác quản lý, bảo vệ rừng, xem lại đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng. Đừng để “máu rừng” vẫn chảy mãi như vậy.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. phamvanloi2608

    Rừng là tài sản của quốc gia và cũng là tài sản của mỗi công dân chúng ta. Thấy cảnh rừng chảy máu thật xót xa. Rồi thiên tai lũ lụt khí hậu thay đổi con em chúng ta phải tự gánh … Cần có khung án tử hình như buôn ma túy cho những kẻ phá rừng vì nó cũng gây hậu quả nghiêm trọng về sau này …

  2. Hoàng tuyên

    Đây là một trong hàng ngàn vụ việc mà cán bộ của ta đã làm. Tham nhũng được phòng rồi đến chống nhưng ko thấy giảm mà càng tăng, cũng phải thôi đang là sinh viên đã phải bỏ tiền mua điểm, khi ra trường muốn có việc làm phải tốn từ 80tr đến 200tr tùy theo nghành nghề. Trong khi nếu lương đại học mới ra chỉ 2,34 chưa đủ sống nói gì mua sắm. Thử hỏi cán bộ nhà nước ở những lĩnh vực nhạy cảm có ai nghèo đâu, vậy thì tiền họ lấy đâu ra, nhưng xem ra đã nhằm nhò gì so với vụ Vinashin thế mà rồi cũng đâu vào đó thôi. Khổ sở nhất vẫn là tầng lớp nd mình, thấp cổ bé họng chẳng biết kêu ai.

  3. k duông

    Người tham nhũng mà lại đi chống tham nhũng thì làm sao mà không tăng được. Giống như bọn ăn trộm lại đi trông trộm thì lại càng mất trộm nhiều, cũng giống như ta có vườn cà phê thuê thằng cà tặc đi canh thì không khéo chúng nó câu kết làm sạch cả vườn cà phê thôi.

  4. vu duy tan

    Bây giờ mà xin việc làm thì tốn quá, mà toàn là con cháu các quan thôi, dân thường ai giám xin việc làm, buộc những sỹ tử khi có việc phải tìm cách hoàn lại vốn chứ lương không thì bao giờ mới trả nợ được.
    Có tố cáo thì chờ được vạ má đã sưng vậy không ai giam tố cáo cả. Có trị được thì phải trị ở trên rồi mới trị ở dưới, mà chống theo kiểu hiện tại thì càng nẩy sinh mạnh hơn.

  5. Nguyễn Văn Toàn

    Làng tôi làm nghề mộc dân dụng, có đội ngũ buôn gỗ luôn nhập hàng. Mấy người buôn gỗ nói chuyện với nhau mà tôi nghe được: “Giá chưa làm luật là 10 triệu 1 mét khối gỗ Dổi. Làm luật rồi là 21 triệu 1 mét khối…”. Bà con có hiểu không ? Làm luật ở đây là cống nộp cho kiểm lâm.
    Nghệ An quê tôi có hàng trăm mét khối gỗ tuồn về xuôi mỗi ngày . 70% kiểm lâm được làm luật, 30% còn lại là công an môi trường, công an giao thông. Thỉnh thoảng bắt một vụ để lấy thành tích. Dạo này thấy nhà quan chức càng to lại càng nhiều gỗ, gỗ từ trên xuống dưới. Kiểm lâm thì đi xe Cam-ry, nhà đất có ở khắp nơi, ai hỏi thì nói: “Đây là tiền bán keo lai “

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86