Sàn giao dịch hàng hóa VNX hủy lệnh bất thường, nhà đầu tư e ngại

Ngày 1/12, hệ thống giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) đã xảy ra sự cố kỹ thuật liên quan đến giá khớp lệnh của các hợp đồng cao su VRSS3-J2, VRSS3-F2, VRSS3-G2, VRSS3-H2.

VNX ngay sau đó đã thông báo tạm ngừng các giao dịch liên quan đến các mã hàng trên và hủy những lệnh đã khớp có giá bất thường. Tuy nhiên, việc hủy lệnh này khiến không ít nhà đầu tư băn khoăn.

san-giao-dich-hang-hoa-vnx
NĐT trên thị trường hàng hoá có thể mất tiền “oan” do các lỗi kỹ thuật

Trong thông báo tạm ngừng các giao dịch liên quan đến mã hàng trên vào phiên ngày 1/12, VNX cho biết, khi hệ thống được khắc phục sẽ có thông báo công khai đến khách hàng. 11h14 phút cùng ngày, Sở có thông báo các hợp đồng trên sẽ được giao dịch trở lại vào phiên 2 ngày 1/12 từ 15h đến 17h. Nguyên nhân tạm dừng giao dịch được VNX công bố là do sự cố hệ thống kỹ thuật nên giá khớp lệnh các hợp đồng cao su trên vào phiên ngày 1/12 không đúng với giá chào mua, chào bán trên hệ thống. VNX đưa ra phương án khắc phục như sau: các lệnh đóng các hợp đồng cao su VRSS3-J2, VRSS3-F2, VRSS3-G2, VRSS3-H2 đã mở trước phiên ngày 1/12/2011 sẽ được phục hồi lại đúng theo giá mà khách hàng đã đặt lệnh để đóng vị thế; các lệnh mới mở đầu phiên ngày 1/12 đã khớp với giá chênh lệch so với giá chào mua/chào bán trên hệ thống bị hủy do giá khớp lệnh không đúng so với giá thị trường.

Một số nhà đầu tư hàng hóa theo dõi sự kiện này khá băn khoăn bởi không có bên thứ ba giám sát để biết lỗi kỹ thuật cụ thể trong trường hợp này là gì và trách nhiệm thuộc về đơn vị nào. Họ cho rằng, trong giao dịch chứng khoán, nếu nhà đầu tư đặt lệnh sai, lệnh đã khớp thì nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm, dù lỗ hay lãi; CTCK sai phải thực hiện sửa lỗi sau giao dịch và tự chịu thiệt hại; hệ thống kỹ thuật của Sở giao dịch có lỗi, Sở cũng phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, nhà đầu tư có cảm giác Sở giao dịch “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tương tự như những trường hợp sàn vàng trước đây: chủ động ngắt hệ thống với lý do lỗi kỹ thuật.

Trên thực tế, VNX tổ chức giao dịch hàng hóa thông qua phương thức báo giá. Theo đó, hệ thống sẽ báo giá chào mua/chào bán tốt nhất trên thị trường tại mỗi thời điểm để khớp lệnh, nếu đặt giá khác thì sẽ chuyển thành lệnh chờ. Trong quy chế giao dịch của VNX có quy định: trường hợp giao dịch đã được xác lập ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các khách hàng hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, VNX có thể hủy bỏ giao dịch trên.

Quy chế đưa ra các tình huống được xác định là bất thường, như khi các giao dịch có mức giá quá chênh lệch so với giá thị trường (tuy nhiên, việc thiết lập giá thị trường và xác định về sự tồn tại độ lệch là theo quyết định của VNX); sự biến động giá của một mặt hàng trong phiên tăng giảm 10% so với giá thanh toán của phiên liền kề trước đó; giá giao dịch hàng hóa trên thị trường biến động mạnh và chênh lệch lớn so với giá thanh toán của phiên giao dịch sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ; các thông tin hoặc quyết định sắp xảy ra có ảnh hưởng lớn đến giá cả của một loại hàng hóa giao dịch; các trường hợp khác ảnh hưởng đến sự công bằng và trình tự giao dịch.

Quy chế cũng đưa ra các tình huống được xác định là khẩn cấp, gồm: hệ thống giao dịch có sự cố dẫn đến việc không thể thực hiện các lệnh giao dịch như thường lệ; quá nửa số thành viên có sự cố về hệ thống chuyển lệnh giao dịch; biến động giá bất thường theo xác định của VNX. Sở giao dịch sẽ tạm ngừng giao dịch cho đến khi khắc phục được sự cố, hủy các giao dịch đã khớp trong trường hợp VNX có đầy đủ bằng chứng chứng minh giao dịch đó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường…

VNX còn đưa thêm một quy định nữa về kiểm soát thị trường khá khó hiểu với NĐT. Theo đó, kiểm soát thị trường có quyền thông báo hủy bỏ một giao dịch đã được xác lập trong trường hợp phát hiện giao dịch khớp lệnh với giá chênh lệch quá xa so với giá thị trường; hoặc trật tự và tính công bằng của giao dịch đã khớp lệnh bị vi phạm.

Đại diện một thành viên môi giới của VNX cho hay, những nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch hàng hóa quốc tế phản ánh, sàn quốc tế ít khi phải tạm dừng giao dịch do lỗi kỹ thuật, hoặc khách hàng tham gia giao dịch hàng hóa phái sinh thông qua các ngân hàng cũng được đảm bảo quyền lợi mỗi khi có sự cố xảy ra.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tín Nghĩa

    Đến giờ mà vẫn còn mang tư tưởng quan liêu, bao cấp cũ rích ra để quản lý cách làm ăn kinh tế hiện đại thì ai mà tin cho được.

  2. Duy Nguyễn

    Có gì đâu, cái lỗi này có lẽ chỉ đơn giản là hiện tại phần mềm chưa hoàn thiện và VNX chưa lường trước được tất cả các trường hợp sảy ra nên mới có hiện tượng bất thường trên. Theo mình thì trước đây bên BCEC cũng đã từng sảy ra trường hợp này trong quá trình chạy thử. VNX nên xem xét lại thật kỹ phần mềm còn lỗi nào hay không và thiết nghĩ nhà nước cũng cần quan tâm đến vấn đề này để có những quy định cụ thể hơn đối với sở giao dịch hàng hóa. Cái gì cũng cần có thời gian để hoàn thiện, tuy nhiên cần minh bạch và không được giấu diếm người tham gia vào thị trường hàng hóa.

  3. Hoai nam

    Theo mình biết Sở này là của tư nhân chứ Nhà nước không góp phần vốn nào vào cả. Chỉ cấp giấy phép và đứng ngoài giám sát thôi. Mình nghĩ VNX mới hoạt động nên sai sót là khó tránh, đặc biệt giao dịch phái sinh thì trạng thái của nhà đầu tư phải theo dõi và cập nhật liên tục nên sai sót là khó tránh.
    Tuy nhiên, cũng cần phải cẩn thận với giao dịch này, mặc dù trông cảm với những khó khăn hiện tại của thị trường, tuy nhiên nếu VNX làm ăn không đàng hoàng, chuyên nghiệp và công tâm thì nhà đầu tư sẽ quay lưng. Theo tôi, giao dịch phái sinh là kênh đầu tư rất mới ở VN, hy vọng kênh này sẽ thực sự phát triển để đa dạng hóa danh mục đầu tư của NĐT

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83