Tin buồn

Hiệu quả mô hình tổ dân phòng bảo vệ cà phê

Thôn 12, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) nằm dọc theo Quốc lộ 26 với gần 1.500 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Trong khi người dân ở các địa phương khác đang tập trung nhân công thu hái cả cà phê để chạy đua với trộm thì người dân thôn 12 vẫn đang yên tâm chờ cà phê chín đều để thu hái một lần nhờ có tổ dân phòng bảo vệ cà phê rất hiệu quả.

> Nhà nông làm gì trước vấn nạn “cà tặc”?

Bà Nguyễn Thị Xuân, thôn 12, xã Ea Tu cho biết: “Cà phê nhà tôi chưa chín hết nên chưa hái, chúng tôi còn đang tập trung hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của ngôi nhà để kịp thời đón tết Nhâm Thìn 2012. Mỗi năm, gia đình tôi chỉ phải nộp 30 nghìn đồng phí bảo vệ rẫy cà phê cho tổ dân phòng và rẫy cà của chúng tôi được tổ bảo vệ rất hiệu quả”.

Không chỉ những hộ gia đình sống ở trong thôn mà cả những hộ dân có rẫy trên địa bàn nhưng nhà ở xa như gia đình ông Nguyễn Xuân Thư, Cù Chính Hợp, Trần Văn Nhu… ở phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) cũng yên tâm đang chờ cà phê chín đồng loạt để hái một lần. Ông Nguyễn Xuân Thư cho biết: “Trong rẫy cà phê của gia đình tôi có xây một căn nhà nhỏ để làm kho chứa phân và ở lại canh rẫy mùa cà chín nhưng lâu nay vẫn  để trống quanh năm bởi việc bảo đảm an ninh ở đây đã được tổ dân phòng của thôn lo rồi. Những ngày này, chúng tôi chỉ việc tới thăm vườn, chọn cây nào chín hết thì hái tấp một lần luôn để tránh tình trạng cà chín quá rụng dưới gốc dẫn đến việc khó thu hoạch”.

Hiện nay, việc thành lập các tổ dân phòng bảo vệ cà phê đang được triển khai sâu rộng ở khắp các địa phương nhưng không phải nơi nào cũng hoạt động hiệu quả bởi đa số những đối tượng trộm cắp cà phê là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, túng quẫn làm liều hoặc những con nghiện có “máu mặt”, người dân lành sợ bị trả thù nên không dám khai báo hoặc chấp nhận bỏ của để bảo vệ người. Để khắc phục những khó khăn đó, ngay từ khi thành lập, tổ dân phòng thôn 12 đã công khai thông báo số điện thoại cho người dân để liên lạc khẩn cấp khi có sự việc xảy ra. Nhờ đó, tình hình an ninh mùa thu hoạch cà phê được bảo đảm giúp bà con yên tâm sản xuất, thu hoạch đúng thời điểm bảo đảm chất lượng cà phê.

Dân phòng thôn 12 tuần tra bảo vệ cà phê
Dân phòng thôn 12 tuần tra bảo vệ cà phê

Với tinh thần tự nguyện là chính, tổ dân phòng thôn 12 gồm có 10 người có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự thôn xóm, đặc biệt là bảo vệ hơn 80 ha cà phê của người dân trong mùa thu hoạch.

Ngoài các lực lượng nòng cốt như công an viên, trưởng thôn, hội viên hội cựu chiến binh…thì các thành viên còn lại được dân bầu cử theo tinh thần “dân biết dân bầu”, vì thế, bà con nông dân rất tin tưởng giao trách nhiệm cho các thành viên trong tổ. Đáp lại sự tin tưởng đó, hằng ngày các thành viên của tổ thay phiên nhau trực 24/24 giờ tại hội trường thôn. Tối đến, tổ trưởng tập hợp từ 3 thành viên trở lên tổ chức tuần tra khắp địa bàn thôn.

Ông Trần Nguyên Thịnh, tổ trưởng tổ dân phòng thôn 12 cho biết: “So với việc làm rẫy thì việc tham gia tổ dân phòng bảo vệ cà phê vất vả hơn nhiều mà thu nhập lại chẳng là bao. Nhưng với tinh thần tự nguyện, các thành viên được người dân tín nhiệm sẵn sàng chấp nhận thuê nhân công thu hái rẫy nhà  để bản thân mình tham gia tổ dân phòng bảo đảm an ninh thôn xóm. Được dân tin tưởng nên khi có sự việc xảy ra, tổ chúng tôi luôn được bà con thông báo kịp thời bằng mọi cách nên hạn chế được mức độ và thiệt hại của sự việc.

Đơn cử như ngày 16-9, khi nhận được điện thoại báo tin của người dân về việc 8 thanh niên uống rượu say, cá độ dẫn đến xích mích, đánh nhau bằng mã tấu, dao, rựa đầu cổng làng, chúng tôi đã tập hợp lực lượng dân phòng giải vây các đối tượng, trình lên công an xã. Vụ xô xát đã làm một đối tượng bị thương 25% và hiện tại, các đối tượng còn lại đang được công an thành phố xử lý”.

Theo ông Vũ Viết Bằng, Trưởng công an xã Ea Tu thì hiện nay, tất cả 12 thôn, buôn của xã đều có tổ dân phòng bảo vệ cà phê trong đó tổ dân phòng thôn 12 hoạt động hiệu quả nhất, là tổ điểm của các tổ dân phòng khác của xã.

Từ khi thành lập tới nay, tình trạng trộm cắp trong mùa cà phê gần như không có, còn các vụ việc gây rối an ninh trật tự giảm hẳn so với các thôn, buôn khác. Điều đó không chỉ tạo điều kiện cho bà con nông dân yên tâm sản xuất mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh và trật tự xã hội, đặc biệt là trong mùa thu hoạch cà phê.

>> Biện pháp hạn chế nạn ăn cắp cà phê vào vụ thu hoạch

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân cà phê

    Nạn hái trộm cà phê trong vườn vùng tôi xảy ra như cơm bữa, mà chủ yếu là bọn dân tộc người thiểu số. Chúng cứ đi dọc bờ suối rồi chạy lên vườn tuốt mấy cành cà phê cho vào gùi, cả bọn đi thành tốp khoảng 10-15 người ngày nào cũng vậy.
    Nhưng đáng ngại nhất là bọn thanh niêu choai choai tóc xanh, đỏ. Bọn này rất liều lĩnh, chúng đến tận nhà vác lên xe 2 bao rồi chạy, mình nhìn thấy cũng không đuổi kịp. Ngày nào cũng thấy bọn chúng tụ tập ngồi quán cà phê nhưng không ai làm gì được và cũng không dám đụng đến bọn này.
    Xã hội sao lại sinh ra nhưng bọn giang hồ tóc xanh, tóc đỏ lười lao động nhưng vẫn có tiền hút chích, uống cà phê suốt ngày. Khổ một cái là bọn này cũng chỉ là người trong thôn, trong xã nên ai cũng biết mặt mà không dám là gì.

    1. bò tót đực

      Bác nên đuổi để biết chúng nhưng nên giữ khoảng cách, đừng ép chúng vào đường cùng bằng không chúng sẽ làm liều. Sau đó bác báo công an hoặc dùng độc trị độc bác à. hì! kế của em đó.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85